05042025Chủ nhật
Last updateThứ 2, 26 10 2020 11am

QUAN ĐIỂM CỦA CHỦ TỊCH HỒ CHÍ MINH VỀ VAI TRÒ CỦA THANH NIÊN ĐỐI VỚI ĐẤT NƯỚC

0
0
0
s2smodern
powered by social2s

     Chủ tịch Hồ Chí Minh, nhà lãnh đạo thiên tài của Đảng và nhân dân ta, Người thầy vĩ đại của cách mạng Việt Nam, Người anh hùng dân tộc, danh nhân văn hóa thế giới - Người đã dành trọn cuộc đời của mình cho sự nghiệp giải phóng dân tộc, thống nhất đất nước. Trong cuộc đời và sự nghiệp hoạt động cách mạng của mình, Bác luôn quan tâm và dành nhiều tình cảm thương yêu sâu sắc đối với thế hệ trẻ Việt Nam, Người đã dành rất nhiều tâm huyết cho việc tổ chức, dẫn dắt các thế hệ thanh niên đến với cách mạng, tham gia vào quá trình đấu tranh giải phóng dân tộc, xây dựng và bảo vệ Tổ quốc. Trong thư gửi thanh niên và nhi đồng toàn quốc nhân dịp tết sắp đến, Người viết: “Một năm khởi đầu từ mùa xuân. Một đời khởi đầu từ tuổi trẻ. Tuổi trẻ là mùa xuân của xã hội” [1]. Tìm hiểu quan điểm của Người về vai trò của thanh niênđối với đất nướcgiúp chúng ta thấy được vai trò của thanh niên trong công cuộc xây dựng bảo vệ đất nước hiện nay.

     Chủ tịch Hồ Chí Minh đã sớm ý thức được vai trò của thanh niên trong sự nghiệp nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc. Bác đã chứng kiến các phong trào yêu nước của thành niên những năm đầu thế kỷ XX phát triển mạnh mẽ như: phong trào Đông Du, phong trào Đông Kinh nghĩa thục, phong trào Duy Tân, phong trào chống thuế ở Trung kỳ… Qua những phong trào đó, Bác đã nhận thấy sức mạnh của thế hệ thanh niên trong quá trình đấu tranh.

     Nhận định thanh niên là một trong những lực lượng nòng cốt, nên ngay từ những năm đầu về nước hoạt động, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã bí mật thành lập Hội Việt Nam cách mạng Thanh niên (tháng 6/1925), chuẩn bị những hạt giống đỏ, ươm mầm cho sự trưởng thành, lớn mạnh của sự nghiệp cách mạng Việt Nam. Ngay từ những ngày đầu đất nước giành được độc lập, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã khẳng định vai trò của thanh niên đối với đất nước: "Thanh niên là người chủ tương lai của nước nhà. Thật vậy, nước nhà thịnh hay suy, yếu hay mạnh, một phần lớn là do các thanh niên"[2]. Người cho rằng sự phát triển trong tương lai của đất nước và tiền đồ vẻ vang của dân tộc nằm trong tay thanh niên.Trong bài phát biểu tại Đại hội Đại biểu thanh niên Hà Nội, Hồ Chí Minh đã dùng những ngôn từ rất giản dị và dễ hiểu để nói về trách nhiệm thanh niên đối với đất nước. Đó là “Đi sâu vào quần chúng để san sẻ những thường thức về chính trị và quyền lợi công dân; ủng hộ Chính phủ không phải chỉ bằng những lời hoan hô suông thôi, mà cần phải một mặt giải thích cho dân chúng về những nỗ lực của Chính phủ,…tham gia ý kiến vào công việc của Chính phủ, chiến đấu giữ lấy nền độc lập và tự rèn luyện từ bây giờ để sau này lên thay những thủ lĩnh mà gánh vác những việc trọng đại của nước nhà” [3].

     Thanh niên là người chủ tương lai của đất nước, muốn xứng đáng vai trò là người chủ tương lai của đất nước thì phải học tập. Vì vậy, Bác rất quan tâm đến việc học tập, tu dưỡng, rèn luyện nâng cao trình độ của thanh niên. Bác chỉ rõ: Nhiệm vụ chính của thanh niên, học sinh là học. Học để phụng sự Tổ quốc, phụng sự nhân dân, làm cho dân giàu, nước mạnh tức là để làm trọn nhiệm vụ người làm chủ nước nhà. Nói về sự cống hiến của thanh niên với đất nước, Bác viết: “Nhiệm vụ của thanh niên không phải là hỏi nước nhà đã cho mình những gì. Mà phải tự hỏi mình đã làm gì cho nước nhà? Mình phải làm thế nào cho ích lợi nước nhà nhiều hơn? Mình đã vì lợi ích nước nhà mà hy sinh phấn đấu chừng nào?”[4].

     Trong di chúc để lại cho toàn Đảng, toàn dân và toàn quân Bác đã căn dặn: “Đoàn viên và thanh niên ta nói chung là tốt, mọi việc đều hăng hái xung phong, không ngại khó khăn, có chí tiến thủ. Đảng cần phải chăm lo giáo dục đạo đức cách mạng cho họ, đào tạo họ thành những người thừa kế xây dựng chủ nghĩa xã hội vừa “hồng”, vừa “chuyên”” [5]. Có thể khẳng định, Chủ tịch Hồ Chí Minh luôn đã luôn đặt  niềm tin đối với lớp lớp thế hệ thanh niên Việt Nam trong công cuộc xây dựng và bảo vệ Tổ quốc Việt Nam.

     Thực hiện lời dạy của Bác, các lớp thế hệ thanh niên đã và đang là lực xung kích trên tất cả các mặt trận quân sự, kinh tế, chính trị, văn hoá… cùng với các phong trào thanh niên như: Ba sẵn sàng, Ba đảm đang, Năm xung phong,… đã thôi thúc cho nhiều thế hệ thanh niên  xung kích, tình nguyện, xả thân cống hiến vì đất nước, giành độc lập, tự do cho Tổ quốc. Ngày nay trong công cuộc công nghiệp hoá, hiện đại hoá đất nước vai trò của thanh niên lại được thể hiện ở các hoạt động như:“Tuổi trẻ xung kích sáng tạo xây dựng và bảo vệ Tổ quốc”, “Thanh niên lập nghiệp”, “Tuổi trẻ giữ nước”, “Thi đua, tình nguyện xây dựng và bảo vệ Tổ quốc”, “Xung kích, tình nguyện phát triển kinh tế - xã hội và bảo vệ Tổ quốc”, “Đồng hành với thanh niên lập thân, lập nghiệp” là môi trường để thanh niên rèn luyện trưởng thành.

     Tuy nhiên, bên cạnh sự đóng góp to lớn của phần lớn thanh niên trong sự nghiệp xây dựng đất nước hiện nay, chúng ta cũng phải thẳng thắn thừa nhận có một bộ phận thanh niên có tâm lý tự ti, tự lợi, chỉ lo vun vén cho lợi ích riêng, ham sung sướng và tránh khó nhọc, có thói xem khinh lao động, nhất là lao động chân tay... Đó là những thói xấu kìm hãm chí tiến thủ của thanh niên. Mặt khác, một bộ phận thanh niên sống thiếu lý tưởng, giảm sút niềm tin, ít quan tâm tới tình hình đất nước, thiếu ý thức chấp hành pháp luật, sống thực dụng, xa rời truyền thống văn hóa dân tộc, đề cao cái tôi của mình, đặt lợi ích cá nhân của mình lên trên lợi ích tập thể, lợi ích cộng đồng, đòi hỏi nhiều mà cống hiến thì ít…

     Để thực hiện tư tưởng của Chủ tịch Hồ Chí Minh đối với thanh niên trong xây dựng và bảo vệ Tổ quốc, đòi hỏi thế hệ thanh niên Việt Nam nhận thức sâu sắc hơn nữa vị trí, vai trò và nhiệm vụ của mình đối với đất nước. Phải nâng cao ý thức trách nhiệm, không ngừng nỗ lực, phấn đấu học tập, tu dưỡng, rèn luyện nâng cao trình độ tri thức, đạo đức cách mạng, trau dồi bản lĩnh đi đầu trong cuộc đấu tranh chiến thắng nghèo nàn, lạc hậu, vươn lên làm chủ với tinh thần “không có việc gì khó, chỉ sợ lòng không bền, đào núi và lấp biển, quyết chí ắt làm nên”, và thể hiện cống hiến hết mình với một khát vọng “Đừng hỏi Tổ quốc đã làm gì cho ta, mà cần hỏi ta đã làm gì cho Tổ quốc hôm nay” nhằm góp sức mình cho sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc Việt Nam xã hội chủ nghĩa.

     Tài liệu tham khảo:

(1)    Hồ Chí Minh: Toàn tập, Nxb Chính trị quốc gia, H. 2011, t.4, tr.194

(2)   Hồ Chí Minh, Sđd, t.5, tr.216.  

(3)   Hồ Chí Minh, Sđd, t.4 tr.31.  

(4)   Hồ Chí Minh, Sđd, t.9 tr.265.

(5)   Hồ Chí Minh, Sđd, t.15 tr.612.

Ảnh minh họa cho bài viết:

Ảnh sưu tầm