Nghị quyết số 29-NQ/TW ngày 4/11/2013 về Đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục và đào tạo, đáp ứng yêu cầu công nghiệp hóa-hiện đại hóa trong điều kiện kinh tế thị trường định hướng XHCN và hội nhập quốc tế của Ban Chấp hành trung ương: “Giáo dục và đào tạo là quốc sách hàng đầu, là sự nghiệp của Đảng, Nhà nước và của toàn dân. Đầu tư cho giáo dục là đầu tư phát triển, được ưu tiên đi trước trong các chương trình, kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội… Ưu tiên đầu tư phát triển giáo dục và đào tạo đối với các vùng đặc biệt khó khăn, vùng dân tộc thiểu số, biên giới, hải đảo, vùng sâu, vùng xa và các đối tượng chính sách. Thực hiện dân chủ hóa, xã hội hóa giáo dục và đào tạo”.
Ngày 11 tháng 11 năm 2013, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Quyết định số 66/2013/QĐ – TTg về việcQuy định chính sáchhỗ trợchi phí học tập đối với sinh viênlàngười dân tộc thiểu sốhọc tại các cơ sở giáo dục đại học.
Quyết định này quy định chính sách hỗ trợ chi phí học tập đối với sinh viên là người dân tộc thiểu số thuộc hộ nghèo, hộ cận nghèo theo quy định của Nhà nước, thi đỗ vào học đại học, cao đẳng hệ chính quy tại các cơ sở giáo dục đại học, bao gồm: đại học, học viện, trường đại học, trường cao đẳng, (không áp dụng đối với sinh viên: Cử tuyển, các đối tượng chính sách được xét tuyển, đào tạo theo địa chỉ, đào tạo liên thông, văn bằng hai và học đại học, cao đẳng sau khi hoàn thành chương trình dự bị đại học). Mức hỗ trợ chi phí học tập bằng 60% mức lương tối thiểu chung và được hưởng không quá 10 tháng/năm học/sinh viên. (Tương đương 60% x 1.150.000 x 10 = 6.900.000 đ/sinh viên/năm học).
Thời gian cấp kinh phí hỗ trợ chi phí học tập được thực hiện 2 lần trong năm học: lần 1 cấp cho 5 tháng vào tháng 10 hoặc tháng 11 hàng năm; lần 2 cấp cho 5 tháng vào tháng 3 hoặc tháng 4 năm sau. Trường hợp sinh viên chưa được nhận chế độ theo thời hạn quy định thì được truy lĩnh trong lần chi trả tiếp theo.
Sinh viên bỏ học hoặc bị kỷ luật buộc thôi học thì không được nhận kinh phí hỗ trợ chi phí học tập kể từ thời điểm quyết định kỷ luật có hiệu lực. Trường hợp sinh viên đã nhận kinh phí hỗ trợ chi phí học tập mà bỏ học hoặc bị kỷ luật buộc thôi học thì cơ sở giáo dục đại học công lập, phòng Lao động - Thương binh và Xã hội dừng thực hiện chi trả kinh phí hỗ trợ chi phí học tập vào kỳ học tiếp theo.
Sinh viên bị đình chỉ học tập (có thời hạn) thì không được nhận kinh phí hỗ trợ chi phí học tập trong thời gian bị đình chỉ, trừ trường hợp dừng học do ốm đau, tai nạn, học lại, lưu ban hoặc dừng học vì lý do khách quan được nhà trường xác nhận. Trường hợp sinh viên đã nhận kinh phí hỗ trợ chi phí học tập mà bị đình chỉ học tập thì cơ sở giáo dục đại học công lập, phòng Lao động – Thương binh và Xã hội thực hiện khấu trừ số tiền tương ứng với số tháng bị đình chỉ học tập vào kỳ học tiếp theo sau khi sinh viên nhập học lại.
Trường Đại học Tây Bắc có hơn 80% sinh viên là người dân tộc thiểu số. Nhiều sinh viên có hoàn cảnh gia đình khó khăn đang phải đối mặt với nguy cơ phải nghỉ học, tạm dừng tiến độ học tập. Việc hỗ trợchi phí học tập đối với sinh viênlàngười dân tộc thiểu sốhọc tại các cơ sở giáo dục đại học là một chính sách phát triển đúng đắn và kịp thời. Em Lò Thị Phương sinh viên lớp K54 Đại học sư phạm Toán, khoa Toán – Lý - Tin cho biết: “Nhận được tiền hỗ trợ chi phí học tập không chỉ riêng em mà cả gia đình em đều rất mừng, với số tiền hỗ trợ này đã giúp em có thêm động lực để tiếp tục đến trường đi học theo đúng tiến độ, hòa nhập nội dung kiến thức cùng với các bạn trong lớp. Em xin chân thành cảm ơn sự quan tâm của các thầy cô giáo trong Nhà trường, sự lãnh đạo của Đảng và Nhà nước đã tạo điều kiện cho những sinh viên dân tộc như em được theo đuổi được ước mơ, học tập của mình”.
Trong năm 2015, Nhà trường đã cấp tiền hỗ trợ chi phí học tập cho 709 sinh viên thuộc diện dân tộc thiểu số, có hoàn cảnh gia đình khó khăn. Hy vọng rằng, với số tiền hỗ trợ này sẽ giúp phần nào giảm bớt gánh nặng cho gia đình các em, giúp các em đến trường theo đuổi ước mơ hoài bão của mình qua con đường học vấn.