Trong 03 ngày, từ ngày 28 đến ngày 30 tháng 9 năm 2020, tại Trung tâm Hội nghị TP. Hải Phòng, Viện Khảo cổ học - Viện Hàn lâm Khoa học Xã hội Việt Nam phối hợp với Sở Văn hóa và thể thao - Uỷ Ban nhân dân TP. Hải Phòng đã tổ chức thành công Hội nghị thông báo Khảo cổ học toàn quốc lần thứ 55 năm 2020.
Tới dự khai mạc Hội nghị, có PGS.TS Trần Đức Cường – Chủ tịch Hội khoa học Lịch sử Việt Nam, PGS.TS Tống Trung Tín – Chủ tịch Hội Khảo cổ học Việt Nam, GS.TS Phạm Văn Đức – Phó Chủ tịch Viện Hàn lâm Khoa học Xã hội Việt Nam. Về phía thành phố Hải Phòng có ông Lê Văn Thành – Ủy viên Trung ương Đảng, Bí thư Thành ủy, Chủ tịch HĐND TP. Hải Phòng. Về phía Viện Khảo cổ học có TS. Nguyễn Gia Đối, Quyền Viện trưởng Viện Khảo cổ học cùng đại diện lãnh đạo các Sở, Ban, Ngành Trung ương, địa phương và hơn 300 đại biểu là các nhà khoa học, các nhà nghiên cứu khảo cổ học, quản lý văn hóa và các cơ quan thông tấn báo chí.
Hội nghị năm nay đã nhận được 341 thông báo thuộc các tiểu ban để trình bầy tham luận, cụ thể:
Tiểu ban tài liệu Khảo cổ học Tiền sử: 105 thông báo;
Tiểu ban Khảo cổ học Lịch sử 166 thông báo (trong đó có 04 thông báo của cán bộ trường Đại học Tây Bắc về các di tồn văn hóa vật chất tại Sơn La: Bộ dụng cụ chế tác gốm của người Thái Sơn La; Bộ sưu tập gốm cổ tại huyện Yên Châu (Sơn La; Gốm bản Lụ (Lào) so sánh với gốm Mường Chanh; Phát hiện hai mộ nồi chôn úp nhau;
Tiểu ban Khảo cổ học Cham pa – Óc Eo: 48 thông báo;
Tiểu ban Khảo cổ học dưới nước: 16 thông báo và 6 thông báo về các hoạt động chung của các cơ quan nghiên cứu khảo cổ.
Tại Hội nghị, các đại biểu được thông báo, chia sẻ các kết quả nghiên cứu, các phát hiện mới về lĩnh vực khảo cổ học, nhằm giới thiệu đến công chúng và nhân dân, cung cấp các thông tin, vấn đề khảo cổ học mới, tiềm năng nghiên cứu trong lĩnh vực khảo cổ học, Khoa học Xã hội và nhân văn trong thời gian qua. Các thông báo được thực hiện công phu, nghiêm túc, là những thông tin khoa học mới bổ sung những cứ liệu vật chất, giúp các nhà khoa học đi sâu nghiên cứu những vấn đề cơ bản của khảo cổ học Việt Nam, góp phần nhận thức rõ hơn về lịch sử hình thành và phát triển của con người và dân tộc Việt Nam; Mục tiêu hướng tới bảo vệ, bảo tồn, nghiên cứu, phát huy những giá trị lịch sử văn hóa của Việt Nam trong thời kỳ mới, hiện đại hóa và hội nhập quốc tế.
Trong khuôn khổ Hội nghị, các nhà khoa học đã tham quan Di tích bãi cọc Cao Quỳ (xã Liên Khê, huyện Thủy Nguyên, thành phố Hải Phòng) và Khu di tích Bạch Đằng Giang.
Một số hình ảnh tại Hội nghị:
Tiểu ban Khảo cổ học Lịch sử
Các nhà khoa học tham quan di tích bãi cọc Cao Qùy (Thủy Nguyên, Hải Phòng)
Các di tồn văn hóa vật chất ở Sơn La được in trên pano tại Hội Nghị
Cán bộ trường Đại học Tây Bắc tham gia Hội Nghị