Hướng tới Kỷ niệm 60 năm thành lập Trường Đại học Tây Bắc (1960 – 2020) và 35 năm xây dựng và phát triển Viện Tài nguyên và Môi trường - Đại học Quốc gia Hà Nội (1985 – 2020), Nhà trường phối hợp với Viện Tài nguyên và Môi trường tổ chức Hội thảo Khoa học Quốc gia “Quản lý tài nguyên, môi trường và phát triển bền vững vùng Tây Bắc Việt Nam”.
Tây Bắc có một vị trí địa chiến lược đặc biệt quan trọng đối với sự nghiệp xây dựng và bảo vệ đất nước. Nếu ví Tây Nguyên là nóc nhà của Đông Dương, thì Tây Bắc chính là địa bàn xung yếu bảo đảm an ninh sinh thái và môi trường cho các tỉnh đồng bằng Bắc Bộ, trong đó có Thủ đô Hà Nội. Vì vậy, sự phát triển bền vững của vùng Tây Bắc đóng vai trò quyết định và đảm bảo cho sự phát triển bền vững của đồng bằng Bắc Bộ và của cả nước. Xuất phát từ vai trò và ý nghĩa đó, đòi hỏi trách nhiệm quốc gia của các nhà quản lý, các nhà khoa học để tập trung nguồn lực, ưu tiên đầu tư tiếp tục nghiên cứu hoàn thiện cơ sở lý luận về sự phát triển bền vững trong tình hình mới, đánh giá và tổng kết thực tiễn phát triển của Tây Bắc, luận giải và đề xuất các giải pháp góp phần giải quyết căn cơ và hiệu quả những vấn đề đang đặt ra trong chiến lược phát triển kinh tế - xã hội của khu vực.
Mục đích của Hội thảo nhằm tạo diễn đàn cho các nhà quản lý, các nhà khoa học và các bên liên quan trao đổi, chia sẻ những kinh nghiệm và các kết quả nghiên cứu; thảo luận và đề xuất các giải pháp quản lý, khai thác và sử dụng hiệu quả các nguồn tài nguyên, bảo vệ môi trường và phát triển bền vững vùng Tây Bắc Việt Nam trong tình hình mới.
Ban Tổ chức Hội thảo đã nhận được 102 báo cáo khoa học của gần 300 tác giả đang công tác tại các cơ quan quản lý, các đơn vị nghiên cứu, các trường đại học trong phạm vi cả nước. Trong đó, có 81 báo cáo được đăng trong Kỷ yếu Hội thảo.
Hội thảo được tổ chức ngày 4/10/2020 tại Trường Đại học Tây Bắc.
Tham dự Hội thảo có khoảng 200 đại biểu đến từ một số cơ quan, đơn vị của tỉnh Sơn La, Điện Biên; Viện Tài nguyên và Môi trường (Đại học Quốc gia Hà Nội); Trường Đại học Tây Bắc; Trường Đại học Khoa học Tự nhiên, Đại học Quốc gia Hà Nội, Trường Đại học Sư phạm Đà Nẵng, Trường Đại học Quy Nhơn, Trường Đại học Phenika, Trường Đại học Công nghiệp Hà Nội, Trường Đại học Sư phạm Kỹ thuật Hưng Yên, Trường Cao đẳng Sơn La; Trung tâm Nghiên cứu Phát triển Nông lâm nghiệp Tây Bắc, Công ty Dược Vân Hồ... TS. Đoàn Đức Lân (Bí thư Đảng ủy, Chủ tịch Hội đồng Trường, Trường ĐH Tây Bắc; PGS. TS. Lưu Thế Anh, Viện trưởng Viện Tài nguyên và Môi trường; TS. Nguyễn Thị Phương Nga (Trường Đại học Phenikaa) – chủ trì Hội thảo.
Sau Diễn văn khai mạc của TS. Đinh Thanh Tâm, Hiệu trưởng Nhà trường và phát biểu chào mừng Hội thảo của PGS. Lưu Thế Anh, Hội thảo đã được nghe phần trình bày các báo cáo:
- Xây dựng hệ thống cảnh báo sớm đa tai biến ở quy mô cấp huyện cho vùng núi Tây Bắc trên cơ sở tích hợp địa thông tin và công nghệ đa phương tiện của GS.TS. Nguyễn Ngọc Thạch (Đại học Quốc gia Hà Nội);
- Phát triển du lịch bền vững: một nghiên cứu về khả năng phục hồi của cộng đồng đối với du lịch cộng đồng ở nông thôn Việt Nam của TS. Nguyễn Thị Phương Nga (Trường Đại học Phenikaa);
- Sâm Lai Châu- Panax vietnamensis var. fuscidiscus K.Komatsu, S.Zhu & S.Q.Cai với các quần thể mọc hoang dại có giá trị kinh tế lớn nhất trong số các quần thể thực vật nói chung ở các tỉnh Lai Châu và Điện Biên của GS.TS. Phan Kế Lộc (Viện Tài nguyên và Môi trường);
- Thực trạng quản lý tài nguyên rừng vùng Tây Bắc Việt Nam của TS. Vũ Đức Toàn (Trường Đại học Tây Bắc);
- Đánh giá hiệu quả và tiềm năng các hoạt động REDD+: Nghiên cứu điển hình tại xã Mường Giôn, huyện Quỳnh Nhai, tỉnh Sơn La, Việt Nam của chuyên gia tư vấn Vũ Văn Tuân (Dự án Quản lý tài nguyên thiên nhiên bền vững (SNRM);
- Sản xuất cà phê theo hướng hữu cơ – cơ hội phát triển cà phê bền vững của ThS. Nguyễn Thị Vân, Trung tâm Nghiên cứu và Phát triển Nông Lâm nghiệp Tây Bắc, Viện KHKT NLN miền núi phía Bắc.
Các đại biểu tham dự Hội thảo đã thảo luận, trao đổi một cách sôi nổi về các báo cáo nêu trên và một số nội dung liên quan đến quản lý bền vững tài nguyên môi trường khu vực Tây Bắc.
Phát biểu Kết luận Hội thảo, TS. Đoàn Đức Lân, Trưởng ban Tổ chức Hội thảo đã trân trọng cám ơn các tổ chức, cá nhân đã đóng góp cho sự thành công của Hội thảo và đánh giá cao các báo cáo/nghiên cứu đã nêu lên các vấn đề về thực trạng và đề xuất một số giải pháp quản lý tài nguyên, môi trường và phát triển bền vững vùng Tây Bắc Việt Nam. Hội thảo có ý nghĩa quan trọng cho sự hợp tác lâu dài, kết nối cộng đồng khoa học, các bên liên quan để thực hiện các nhiệm vụ khoa học công nghệ và đào tạo, giải quyết các vấn đề từ lý luận đến thực tiễn đang đặt ra cho khu vực. Trường Đại học Tây Bắc mong muốn và sẵn sàng hợp tác với các đối tác trong nước và quốc tế vì một Tây Bắc phát triển bền vững!
Một số hình ảnh tại Hội thảo:
Tiết mục văn nghệ chào mừng Hội thảo
NGƯT.TS. Đinh Thanh Tâm, Phó Bí thư Đảng ủy, Hiệu trưởng Nhà trường phát biểu khai mạc
PGS.TS. Lưu Thế Anh, Viện trưởng Viện Tài nguyên và Môi trường phát biểu chào mừng
TS. Đoàn Đức Lân, PGS.TS. Lưu Thế Anh, TS. Nguyễn Thị Phương Nga chủ trì Hội thảo
GS.TS. Nguyễn Ngọc Thạch (Đại học Quốc gia Hà Nội) báo cáo tại Hội thảo
GS.TS. Phan Kế Lộc (Đại học Quốc gia Hà Nội) báo cáo tại Hội thảo
TS. Nguyễn Thị Phương Nga (Trường Đại học Phenikaa) báo cáo tại Hội thảo
TS. Vũ Đức Toàn (Trường Đại học Tây Bắc) báo cáo tại Hội thảo
Ông Vũ Văn Tuân, Chuyên gia tư vấn Dự án Quản lý tài nguyên thiên nhiên bền vững (SNRM), báo cáo tại Hội thảo
ThS. Nguyễn Thị Vân (Trung tâm Nghiên cứu và Phát triển Nông Lâm nghiệp Tây Bắc) báo cáo tại Hội thảo
TS. Đinh Thanh Tâm trao quà của Công ty Phúc Sinh cho các nhà khoa học
Các đại biểu tham dự Hội thảo
Các đại biểu chụp ảnh lưu niệm