05022025Thứ 6
Last updateThứ 2, 26 10 2020 11am

CÁN BỘ GIẢNG VIÊN TRƯỜNG ĐẠI HỌC TÂY BẮC VỚI NHIỆM VỤ HỌC TẬP SUỐT ĐỜI

0
0
0
s2smodern
powered by social2s

1. Vai trò, vị trí của việc học với con người

Học là một khái niệm, một vấn đề mà xã hội loài người luôn quan tâm, trăn trở. Người xưa có câu: “Ngọc bất trác bất thành khí/ Nhân bất học bất tri lí”, nghĩa là ngọc không qua chế tác không thể thành đồ quý, người không học không thể hiểu hết giá trị cuộc đời, không thể làm việc tốt. Theo UNESCO - Tổ chức Giáo dục, Khoa học và Văn hóa của Liên Hợp Quốc thì khái niệm học được định nghĩa như sau: “Học để biết, học để làm việc, học để cùng nhau chung sống và học để làm người”. Học là chiếc cầu nối để đưa con người tới các bến bờ tri thức và trên cơ sở các tri thức để tăng hiểu biết, tăng năng lực, hiệu quả sống và làm việc. Lênin đã từng nói: “Không có học thì không có tri thức, không có tri thức thì không có chủ nghĩa xã hội và chủ nghĩa cộng sản”. Người còn nhấn mạnh: “Học, học nữa, học mãi”, nghĩa là học suốt đời.

Vì sao phải học suốt đời? Theo Giáo sư Leland Hartwell (Giải thưởng Nobel của Đại học Arizola) thì “Không ai đoán định được tương lai, nên học suốt đời” là cách tốt nhất để không sẽ bị tương lai đào thải”. Còn Bác Hồ, vị lãnh tụ thiên tài của Cách mạng Việt Nam, anh hùng dân tộc, danh nhân văn hóa thế giới thì nói một cách ngắn gọn, dễ hiểu: “Thế giới tiến bộ không ngừng, ai không học là lùi”.  “Ai không học là lùi”, đúng vậy, cuộc sống luôn luôn chuyển động, xã hội luôn luôn tiến về phía trước, mỗi con người, mỗi tổ chức, mỗi dân tộc không trau dồi, tiếp thu để đổi mới sáng tạo thì sẽ trở thành lạc hậu, thụt lùi. Học suốt đời trở thành mục tiêu, thành mệnh lệnh đối với mỗi cá nhân, mỗi dân tộc nếu muốn mình tiến bộ, phát triển.

Ngày nay, thời đại của Cách mạng công nghiệp 4.0, thời của kinh tế tri thức, việc học để mở rộng tầm nhìn, sáng tạo nhiều lĩnh vực, phục vụ cuộc sống con người đã trở nên bức thiết. Vì vậy, học không chỉ dành cho tuổi thơ, tuổi trẻ như quan niệm của người xưa; “Ấu bất học, lão hà vi” (trẻ không học, già không biết làm gì”, mà ngày nay ai cũng phải học, tuổi nào cũng phải học, nếu như không muốn mình lạc hậu. Xã hội học tập trở thành quen thuộc đối với mọi quốc gia dân tộc. Xã hội học tập không chỉ để nói mọi người đều phải học tập mà còn ý nhấn mạnh phải có môi trường thuận lợi cho học tập suốt đời.

Ở Việt Nam, với truyền thống hiếu học, với khát vọng muốn “Sánh vai với các cường quốc năm châu”, Đảng và Chính phủ đã luôn coi học tập là con đường đi đến các đài vinh quang, vì vậy giáo dục luôn là quốc sách hàng đầu. Giáo dục, đào tạo luôn được chú trọng đầu tư để tạo môi trường tốt cho việc học tập, rèn luyện. xác định được vị trí vai trò của học tập suốt đời, cán bộ giảng viên Trường Đại học Tây Bắc đang ra sức học tập và rèn luyện vì một học đường văn minh và tiến bộ.

2. Cán bộ giảng viên Trường Đại học Tây Bắc với nhiệm vụ học tập suốt đời

Là trường đại học duy nhất trên địa bàn các tỉnh Tây Bắc, phát huy truyền thống đào tạo, bồi dưỡng, nghiên cứu khoa học và chuyển giao công nghệ, trong 5 năm gần đây, từ 2013 - 2018, bên cạnh việc đào tạo chính quy để nâng cao trình độ nguồn nhân lực, Nhà trường đã tích cực hoàn thành các nhiệm vụ là trung tâm đào tạo, bồi dưỡng nghiên cứu khoa học và chuyển giao công nghệ cho cán bộ giảng viên, tạo môi trường thuận lợi cho nhiệm vụ “học suốt đời” mà Đảng và nhà nước đã đề ra. Kết quả cụ thể của 5 năm thực hiện các mô hình học tập suốt đời như sau:

- Tổ chức tuyên truyền nhận thức về học suốt đời, về xã hội học tập, khuyến họ, khuyến tài. Qua các nghị quyết của Đảng ủy, các dịp khai giảng, tổng kết năm học, qua các hội nghị, các cuộc gặp gỡ tiếp xúc học sinh, sinh viên, phụ huynh…, tập thể nhà trường đều cho mọi cá nhân thấy sự cần thiết phải học tập suốt đời, phải tạo ra một xã hội học tập tích cực. Nhà trường luôn nhấn mạnh: kiến thức trong nhà trường chỉ có hạn, thời gian học có hạn, mọi việc làm thực hành chỉ là bước đầu của cuộc sống, mô hình của cuộc sống, vì vậy sau khi tốt nghiệp, mỗi cá nhân phải tiếp tục học tập, rèn luyện để hoàn thiện mình. Kết quả của công tác tuyên truyền giáo dục là làm cho mỗi người không chỉ coi học chính quy, chuyên nghiệp trong các nhà trường là xong nhiệm vụ mà phải học liên tục, học suốt đời.

- Đào tạo đội ngũ, Nhà trường xác định: muốn có môi trường học tập tốt cho mọi đối tượng thì trước hết phải có đội ngũ tốt. Đào tạo đội ngũ không chỉ là nâng cao năng lực đội ngũ mà còn là việc tạo tấm gương học suốt đời, tấm gương luôn luôn vận động học tập để luôn thích nghi với mọi sự chuyển đổi của giáo dục đào tạo. Đào tạo đội ngũ không chỉ là có trau dồi kiến thức mà còn tích cực tham gia nghiên cứu khoa học, chuyển giao công nghệ để tiếp cận với thực tiễn cuộc sống, gắn lí luận với thực tiễn, học đi đôi với hành, nghiên cứu gắn liền với lao động sản xuất. Đào tạo đội ngũ là quá trình học hỏi các con đường giảng dạy, con đường nghiên cứu, chuyển giao công nghệ của các trường đại học tiên tiến trong nước cũng như quốc tế để khi trở về áp dụng trong giảng dạy chuyển giao trong đào tạo nói chung và cho người lớn tuổi nói riêng. Trong 5 năm, Nhà trường  đã cử 135 người đi đào tạo tiến sĩ ở trong nước và nước ngoài. Thành quả gặt hái là tính đến tháng 12/2018, Nhà trường đã có 65 người bảo vệ thành công luận án, 10 người đã bảo vệ xong cấp cơ sở. Trường đã đào tạo 250 thạc sĩ; liên kết với 12 trường đại học, học viện đào tạo 1.300 thạc sĩ cho vùng Tây Bắc và các tỉnh Bắc Lào. Trường đã cử hàng trăm lượt cán bộ đi tập huấn trong nước và nước ngoài. Riêng ở nước ngoài là 80 người. Nhà trường xúc tiến hợp tác để lập các dự án nghiên cứu để từ đó nâng cao năng lực cho các cá nhân, tập thể. Các chương trình, dự án hợp tác với Nhật Bản, Úc như: Dự án “Nâng cao năng lực Trường Đại học Tây Bắc góp phần phát triển bền vững nông thôn khu vực Tây Bắc”; “Nông lâm kết hợp cho sinh kế của nông hộ nhỏ tại khu vực Tây Bắc, Việt Nam” . “Úc cùng Việt Nam phát triển nguồn nhân lực” mang đến hiệu quả tích cực về phương diện quản lý, hoạt động chuyên môn và đóng góp tích cực cho sự phát triển cộng đồng địa phương.

- Nhà trường đã tổ chức và phối hợp tổ chức 6 hội thảo khoa học quốc gia và quốc tế về ngoại ngữ, toán học, văn học và ngôn ngữ, phát triển nông thôn, quan hệ hợp tác Việt Nam – Lào, kỷ niệm 60 năm Bác Hồ lên Tây Bắc (1959 – 2019).

Có thể nói, trong thời gian qua, tập thể cán bộ Nhà trường đã không ngừng nỗ lực với ý thức trách nhiệm coi học tập là nhiệm vụ suốt đời. Chính vì lẽ đó, Nhà trường đã trở thành địa chỉ tin cậy cho nhân dân các dân tộc Tây Bắc gửi gắm niềm tin, thực hiện khát vọng học suốt đời cho mình, nâng cao năng lực, trình độ tham gia góp phần xây dựng và bảo vệ quê hương, đất nước ngày càng đẹp giàu.