04262025thứ 7
Last updateThứ 2, 26 10 2020 11am

MÙA XUÂN, ĐI VÀ SUY NGHĨ VỀ PHÁT TRIỂN DU LỊCH TÂY BẮC

0
0
0
s2smodern
powered by social2s

Năm nay, năm 2018, năm Mậu Tuất, tôi nhàn hơn nên cũng đi nhiều hơn. Chưa bao giờ lại thấy mình thảnh thơi và phấn chấn với việc tìm tòi và khám phá những vẻ đẹp của quê hương đất nước như bây giờ. Khám phá vẻ đẹp để thưởng lãm là thú vui của mọi người, tôi cũng không ngoài niềm đam mê chung đó. Nhưng lúc còn nhỏ, phần vì nghèo, phần vì mải mê học hành, lao động phụ giúp gia đình nên lúc đó có mong Tết cũng chỉ là mong được bố mẹ cho mặc quần áo mới, được ăn mấy bữa cơm không độn, được biết thế nào là thịt, cá. Lớn chút lại mải mê học nghề. Ra trường là một mạch vừa bươn trải cho cuộc sống gia đình, vừa cống hiến cho sự nghiệp trồng người của vùng Tây Bắc, vùng đặc biệt khó khăn. Nay, đã có tuổi được nghỉ quản lý nên có nhiều thời gian cho kiếm tìm vẻ đẹp thiên nhiên, con người, văn hóa lịch sử trong sách vở và ngoài cuộc đời. Thảnh thơi thư nhàn nên ngay trong mùa xuân Mậu Tuất, có điều kiện là tôi lại đi, đi xuôi, đi ngược, thành phố, nông thôn, miền rừng núi, miền biển. Đi, lúc tham gia lễ hội, khi gặp gỡ bạn bè, khi du lịch… Đâu đâu, tôi cũng cảm nhận được khí thế đang cùng vận nước thịnh vượng vươn lên. Ấn tượng là sự thay đổi tư duy, thay đổi nhận thức và từ đó thay đổi hành động. Những điều không thể suy ngẫm về những chuyến đi này.

Ngay từ Mồng Hai Tết, tôi đã rong ruổi về quê ăn Tết, dự giỗ Tổ họ Nguyễn Tăng tại Thái Hòa, Thái Thụy, Thái Bình. Mồng Bốn tháng Giêng lên Hà Nội đi lễ đầu năm các chùa: Phúc Khánh, Quán Sứ, Trấn Quốc và một số đền quanh Hà Nội. Ngày 18 tháng  Ba (tức mồng một tháng Hai âm lịch), tôi về Hải Dương cùng đoàn Trường Đại học Tây Bắc gặp gỡ các thầy cô, cán bộ công chức từng công tác tại Trường nay đã về các tỉnh miền xuôi công tác, nghỉ hưu. Các ngày 13-14-15 tháng Tư, chúng tôi có mặt ở Ninh Bình thăm Chùa Bái Đính, Cố Đô Hoa Lư, Danh thắng Tràng An, Di tích chùa Non Nước, sân chim Thung Nham. Ngày 10 tháng 3 Ngày Giỗ Đức Tổ Vua Hùng, tôi lại cùng mấy anh em ngược đường hướng Điện Biên lịch sử để thăm Điện Biên Đông, một huyện vùng khó khăn của tỉnh Điện Biên.

Các cụ xưa vẫn nói: “Đi một bước đàng, học một sàng khôn”. Mùa xuân này, tôi đi và thấy nhiều điều tốt lành hơn là những điều làm cho bức xúc. Những ngày Tết, dong duổi làng quê thấy đâu đâu cũng như trẩy hội. Vào mọi nhà nhìn bàn thở tổ tiên của gia đình nào cũng tràn đầy sung túc: nải chuối to, xanh mập mạp; quả bưởi to vàng suộm; xung quanh là táo, lê ngoại chín đỏ, hồng; rồi cam, quýt, nho…đủ loại. Nhớ lại mâm ngũ quả năm xưa thời bao cấp thấy chạnh lòng. Lúc ấy, gọi là có mâm hoa quả ngày tết thôi chứ thực ra tiền không nhiều, hoa quả ít được lựa chọn nên mâm ngũ quả trông đơn giản. Lúc ấy, nhà ai cũng dành dụm, chắt chiu chút tiền để mua gạo cho ngày Tết có bữa cơm không độn, có nữa thì mua cho trẻ em bộ quần áo mới, mua lễ Tết, và có nữa thì rủ nhau đụng lợn. Cả năm ở nông thôn mới được phép mổ lợn để ăn nên ai cũng muốn cho cả nhà được thưởng thức. Tuy mong chờ ngày Tết để được mua thịt như vậy nhưng mỗi nhà 4-6 nhân khẩu cũng chỉ đủ tiền mua 3-4kg thịt tính quy đổi (cả thịt thủ, chân,..). Giờ thấy mọi nhà chọn cách mua thịt chợ để được lựa chọn thịt ngon, để mua lượng phù hợp với sức ăn của gia đình, chỉ còn ai vương vấn, nhớ thuở hàn vi thời bao cấp, nhớ không khí trông chờ được xem cảnh đụng lợn, cảnh chia phần…mới mổ lợn cho vui. Ra đường đi đây đi đó thì thấy đường nhựa rộng thênh thang, xe cộ đi như mắc cửi. Xưa kia đường đất, ngày Tết mà gặp mưa phùn thì thật ái ngại. Nay ra đường cái sợ nhất là tai nạn giao thông. Đường tốt, xe nhiều, có hơi men nên càng nguy hiểm. Số lượng người chết và mang thương tật vì tai nạn giao thông ở Việt Nam còn hơn cả chiến tranh ở Iraq, có năm bình quân gần 40 người tử nạn trong một ngày vì giao thông. Một điều thật đáng để mọi người suy ngẫm.

Dịp Tết, tôi cũng tranh thủ những ngày nghỉ đi Lễ chùa. Năm nay không còn cảnh ồn ào quá mức như mọi năm, tuy vẫn còn đông so với thời bao cấp. Chúng tôi cũng thấy ít đi cảnh lễ lạt thái quá. Số lượng đồ lễ, tiền vàng cũng giảm. Những tuyên truyền của Nhà nước và sự lên tiếng của chính Hội Phật giáo Việt Nam về những điều không nên làm như đốt vàng mã…đã bước đầu có hiệu quả. Đây là một tín hiệu đáng mừng để người Việt tĩnh tâm hơn, sáng suốt hơn trong tâm linh, trong nhập thế của mình.

Ấn tượng sâu sắc hơn cả của tôi dịp xuân này là các chuyến đi về Hải Dương, Ninh Bình và Điện Biên Đông. Chuyến đi Hải Dương là để gặp gỡ các cán bộ, giảng viên, sinh viên từng công tác tại Trường CĐSP Tây Bắc - nay là Trường Đại học Tây Bắc. Chuyến đi Ninh Bình là dịp tôi cùng gia đình gặp gỡ bạn bè học cùng lớp đại học. Chuyến đi Điện Biên Đông là chuyến đi tôi muốn tới vùng sâu khó khăn của Tây Bắc để hiểu rõ cuộc sống, công việc của các thầy cô vùng núi và xem họ nói về những đổi mới của giáo dục hiện nay. Đến Hải Dương, tỉnh Xứ Đông, nơi có đất Chí Linh - Côn Sơn nơi gắn liền với Vạn Thánh Sư Biểu Chu Văn An, với người anh hùng dân tộc Nguyễn Trãi. Nơi có ga Cẩm Giàng trong truyện ngắn Hai đứa trẻ của Thạch Lam, có cầu Phú Lương, nơi chứng kiến cái chết bi thương do tai nạn giao thông với hai con người tài hoa nổi tiếng: nhà viết kịch Lưu Quang Vũ và nhà thơ Xuân Quỳnh… Hải Dương cũng rất nổi tiếng với vải thiều Thanh Hà, rươi Tứ Kỳ, bánh đậu xanh Hải Dương, bánh gai Ninh Giang…Hải Dương tôi đã đến nhiều lần và lần này tôi thấy rõ hơn tính quy hoạch khoa học khi phát triển thành phố; đường đi như ô bàn cờ, khu phục vụ dân sinh nhiều, rộng như hồ sinh thái, đường cây xanh. Nếu hỏi chọn sống ở Hải Dương hay Hà Nội thì ai cũng bảo rằng chọn Hải Dương để sống. Vì Hải Dương lên Hà Nội, xuống Hải Phòng chỉ 50km khoảng 30 phút chạy cao tốc, lại có đường tàu hỏa, dân cư thưa thoáng, giá cả phải chăng, con người thân thiện. Và cái mà bây giờ người Hải Dương chọn nữa vì môi trường ở đây đã được cải thiện đáng kể. Cách đây 5 năm, sông ngòi ngay tại thành phố Hải Dương cũng đông đặc rác thải, đi qua ngã tư, ngã năm… khi gió thấy đủ mọi loại rác bay tứ tung, mùi khó chịu… Nay không chỉ thành phố mà nông thôn cũng đã tiến bộ rất nhiều. Môi trường được cải thiện nên chim, cò về kiếm ăn có mặt khắp nơi. Đảo chim ở Thanh Miện là một điển hình. Cứ chiều tối là vạc bay đi, cò quay về…tạo ra một khung cảnh vui nhộn đặc biệt. Có được những điểm tiến bộ tốt lành như vậy, theo tôi biết là có sự vào cuộc của tất cả mọi người, trong đó quan trọng nhất là vai trò của các nhà trường. Các thầy cô ở Hải Dương cho chúng tôi biết là nhà trường nào cũng có chương trình giáo dục địa phương, do vậy, dạy các môn Sử, Địa, Văn, Giáo dục công dân…đều lấy địa phương mình để giáo dục niềm tự hào, ý thức bảo vệ và trân quý những điều tốt đẹp của cha ông để lại.

Về Ninh Bình, đúng dịp chuẩn bị kỉ niệm 1050 năm nền độc lập của nước Đại Cồ Việt do Đinh Tiên Hoàng khởi lập. Đất Cố Đô xưa còn in dấu tích của hai triều: Đinh và Tiền Lê. Đến ngắm và chiêm ngưỡng mới thấy hết lý do của mảnh đất địa linh, nhân kiệt, nơi sinh Thần (Trương Hán Siêu), sinh Thánh (Khổng Minh Không), sinh vua (Nhà Đinh và Nhà Tiền Lê). Ninh Bình có biển, có núi, rừng, có đồng bằng được đan xen bởi những dòng sông, dòng suối tạo nên sự thơ mộng, hữu tình. Rừng núi nơi đây như một Hạ Long trên cạn, còn nguyên sơ nên tạo ra hàng loạt danh lam thắng cảnh mang tầm quốc gia, quốc tế: Rừng Cúc Phương, sông suối hang động Tràng An, Tam Cốc, Bích Động, Sông Vân, Núi Thúy. Ninh Bình còn những di tích lịch sử do con người tạo nên như di tích Hoàng Cung Triều Đinh, Tiền Lê, Chùa Bái Đính, Chùa Non Nước, sân chim Thung Nham… Cả di sản thiên nhiên, lẫn di tích do con người tạo dựng đều cho tôi những ấn tượng. Thiên nhiên còn giữ được vẻ hoang sơ như Cúc Phương, Tràng An, Bích Động, Thung Nham, di tích có Cố Đô Hoa Lư, Chùa Non Nước, Đền thờ Trương Hán Siêu…vẫn còn sừng sững vượt qua thăng trầm năm tháng, vượt qua sự tàn phá của chiến tranh, của con người thời ấu trĩ cách mạng. Vẻ đẹp cảnh quan Ninh Bình luôn được chăm chút, bảo vệ, luôn đổi mới trong quản lý và khai thác. Cách đây 5 năm còn lộn xộn khi đến chùa Bái Đính, đi du lịch Tràng An…Nay thì chỉ còn một vài nơi do chưa cổ phần hóa nên còn tùy tiện do “Cha chung không ai khóc”, còn lại đâu đó đều quy củ, khoa học, sạch đẹp. Khắp nơi tôi đến hầu như không thấy rác, không thấy cảnh tranh giành khách như ở Chùa Hương, đền Bà Chúa Kho... Nơi ăn, chốn nghỉ đều giá cả phải chăng, đều được chỉ dẫn chu đáo. Đồ ăn, thức uống, Ninh Bình ưu tiên dùng sản vật địa phương: nước hoa quả dứa, chanh leo, thịt dê núi, lợn rừng thuần nuôi… Ý thức về bảo vệ môi trường, về giữ gìn danh lam thắng cảnh, các di tích của cha ông để lại rất tự giác và được toàn dân hưởng ứng tham gia. Cách làm du lịch của Ninh Bình đã tiến bộ rõ rệt. Cả miền Bắc có lẽ chỉ có Quảng Ninh và Ninh Bình là hai địa phương đi tiên phong đúng hướng và có những thành quả rõ dệt trong phát triển du lịch. Theo thống kê thì khách du tịch cả quốc tế và trong nước đến với hai tỉnh này đều rất đông.

Rời tham quan các tỉnh miền xuôi, chúng tôi lên Điện Biên Đông, một huyện mới vùng sâu của Điện Biên. Đường đi tuy đã được cải thiện, nhưng vẫn thuộc diện khó đi. Đường nhỏ, cua, dốc nhiều, nhựa láng theo kiểu cấp phối. Hai bên đường, đồi, núi hầu như bị cạo trọc để trồng ngô. Rừng chỉ còn lưa thưa những cây tái sinh. Suối cạn dù đã vào mùa mưa do không có rừng giữ nước. Khác với cảnh quan nghèo, đổi lại, con người ở đây giàu tình nghĩa. Đón, tiếp và hướng dẫn chúng tôi đi thăm Trường Trung học Cơ sở, Trung học Phổ thông Mường Luân, Tháp Nghiêng, Suối khoáng Mường Luân…là các anh chị lãnh đạo huyện, Văn phòng huyện và các thầy cô giáo. Họ chu đáo sắp xếp nơi ăn chỗ nghỉ, sắp xếp gặp gỡ giao lưu, giới thiệu tỉ mỉ lai lịch của Tháp Nghiêng, sự thuận lợi khó khăn của cuộc sống và việc dạy học ở đây. Chúng tôi thấy mỗi cán bộ, mỗi thầy cô là một kho tư liệu hiểu biết về lịch sử, địa lý, về đồng bào các dân tộc nơi đây. Điều này cũng là để lý giải việc họ đi đâu là dân chào đón niềm nở tới đó. Một bài học dân vận đối với cán bộ, đối với các thầy cô vùng đồng bào dân tộc còn đầy khó khăn này.

Trở về sau những chuyến đi mùa xuân Mậu Tuất, chúng tôi thấy có nhiều suy ngẫm. Trước hết là vui. Vui thật, đi đâu cũng thấy đất nước mình phát triển, nhân dân no ấm, hạnh phúc. Những nghị quyết của Đảng đã đi vào cuộc sống. Cách phát triển của ta giờ đã bài bản vững chắc, hội nhập chứ không manh mún, chụp giật, mạnh ai nấy làm, được chăng hay chớ như trước đây. Ý thức của lãnh đạo, ý thức của người dân đều đồng thuận với một mục tiêu phát triển bền vững. Ý thức trong quy hoạch du lịch, ý thức về văn hóa, về giao thông, về vệ sinh môi trường…đều đã có nhiều tiến bộ. Gặp bác quản lý Chùa Đồng ở Thanh Hà, Hải Dương, gặp chị chèo thuyền chở khách du lịch ở Tràng An, chị chèo thuyền thăm Đảo Chim Thung Nham Ninh Bình…những con người bình dị, nhưng nắm rất rõ đặc điểm của di tích, danh lam, nắm rất vững đường lối bảo vệ di tích, danh lam của Đảng và Nhà nước. Chúng tôi biết được Bảo vật Cửu phẩm liên hoa ở chùa Đồng, biết danh thắng Tràng An, di tích các đền thờ vua Đinh, Vua Lê, biết giờ cò đi về, vạc đi ăn…là đều nhờ những người dân bình thường giới thiệu. Họ không chỉ hiểu mà họ rất tự giác thực hiện. Theo chị lái đò thì cứ một ngày chở khách lại một ngày tự giác đi dọn vệ sinh bảo vệ môi trường. Cũng theo người bảo vệ sân chim thì tuyệt đối cấm mọi hành vi săn bắt, tuyệt đối cấm xả thải ra môi trường…Chẳng trách chỗ nào chúng tôi cũng thấy sạch.

Bên cạnh nhiều niềm vui là chút buồn. Buồn vì còn nhiều làng quê ngập rác, còn có nơi chưa ý thức được phát triển du lịch bền vững như xây cầu lên danh thắng, bán chim làm món nhậu, một số chỗ còn chèo kéo mua hàng, chụp trộm rồi bắt lấy ảnh. Vùng núi khó khăn nên chưa quy hoạch được điểm du lịch, chưa đầu tư để bảo vệ những danh lam thắng cảnh, những di tích lịch sử. Mường Luân có Tháp Nghiêng khá cổ, có mỏ nước khoáng uống rất ngon… nhưng cứ để Tháp xuống cấp, cứ để trâu bò vào chăn thả khu mỏ khoáng làm mất vệ sinh.

Nhìn lại chuyến đi, niềm vui nhiều hơn buồn phiền. Qua chuyến đi, tôi hiểu qua một thời gian Đổi mới, mở cửa, hội nhập, đất nước mình đã bước đầu phát triển bền vững. Ba yếu tố cốt lõi cho phát triển du lịch bền vững là: tài nguyên môi trường, văn hóa xã hội và kinh tế phải được quan tâm để phát triển mà không ảnh hưởng, tổn hại đến những khả năng đáp ứng nhu cầu của các thế hệ tương lai. Những điểm du lịch phát triển như Ninh Bình, Quảng Ninh ở miền Bắc đã cơ bản đạt được như vậy. Và tôi nghiệm rằng, muốn phát triển du lịch bền vững thì phải đầu tư tốt cơ sở hạ tầng như đường xá tốt, các cơ sở dịch vụ như nhà hàng, khách sạn, vui chơi giải trí…Và cái quan trọng là đầu tư tốt nguồn nhân lực để ai cũng có tâm thức (vừa ý thức, vừa có tình cảm-một từ của PGS.TS Phương Hoa, Trường ĐHKH&NV) về chấp hành tốt giao thông, ai cũng tâm thức cao về bảo tồn văn hóa, ai cũng tâm thức được sự hài hòa giữa phát triển kinh tế với văn hóa, giáo dục. Tất cả mọi người cùng chung tay sẽ tạo ra một môi trường du lịch lành mạnh. Sức hấp dẫn khách chính là ở những yếu tố này.

Trở về Tây Bắc, một vùng đầy tiềm năng về du lịch với nhiều danh lam thắng cảnh, di tích lịch sử, văn hóa, tiềm năng kinh tế…. Cảnh sắc thiên nhiên thì không nơi nào trên đất nước Việt Nam có núi rừng hùng vĩ như Tây Bắc: các đỉnh núi cao như Phan- Xi- Phăng, Pha- Đin; những con đèo hiểm trở và dài nhất cả nước như đèo qua dãy Hoàng Liên Sơn (Ô Quý Hồ và Sa Pha) 82 km; đèo Pha –Đin 32 km…Mùa xuân lên Tây Bắc ta như thấy một bức thảm khổng lồ của trời đất với rực rỡ đủ sắc màu của chồi non, lộc biếc, của hoa Ban, hoa Gạo…Lòng hồ thủy điện kéo dài hàng trăm cây, có chỗ rộng tới 4km… Cảnh sắc đầy hấp dẫn cho những khách du lịch sinh thái, du lịch mạo hiểm… Về di tích lịch sử, văn hóa thì chỉ nhắc tên các địa danh đã làm nao nức xao động bao lòng người: Điện Biên, Nà Sản, Dốc Pha Đin, Đèo Lũng Lô, hồ Thủy điện nhiều bậc trên sông Đà, nhà tù Sơn La. Các bản làng với những căn nhà sàn thấp thoáng. Các chợ vùng cao với đủ các mặt hàng lâm thổ sản đặc sắc của vùng như chè, sữa, cây thuốc, chanh leo, bơ, xoài, nhãn…do các cô gái Thái, gái HMông…với váy áo sặc sỡ bán hàng. Tiềm năng kinh tế về nông nghiệp, lâm nghiệp, chăn nuôi, thủy điện…tạo sức hấp dẫn cho các nhà khoa học, các doanh nhân lên tìm hiểu hợp tác…Sự hoang sơ cùng những tiềm năng to lớn cho phát triển tạo nên sức hút du lịch vô cùng lớn cho khách trong nước và quốc tế.

Nhưng du lịch Tây Bắc vẫn còn ở dạng tiềm năng. Cơ sở hạ tầng về giao thông, về nghỉ dưỡng đã có, nhưng chưa nhiều. Nhận thức về du lịch bền vững chưa cao nên nhiều nơi còn để rác thải bừa bãi, dùng thuốc diệt cỏ nhiều, những nhà máy xử lý chất thải trong sản xuất còn ít. Quy hoạch về du lịch của các tỉnh cũng còn manh mún. Số hướng dẫn viên có chứng chỉ hành nghề du lịch còn quá thấp. Sự liên kết trong chuỗi du lịch còn hạn chế…Tất cả đang cần một sự quyết tâm, quyết liệt để Tây Bắc thực sự phát triển du lịch bền vững để Tây Bắc luôn là điểm thu hút khách du lịch trong nước và quốc tế.

Chính sách phát triển du lịch bền vững cho Tây Bắc đã được Chính phủ thông qua. Các quyết định vùng du lịch trọng điểm quốc gia cho Mộc Châu, Sơn La và Điện Biên đã được phê duyệt. Lãnh đạo các tỉnh Tây Bắc đã và đang quyết liệt các công việc để du lịch Tây Bắc phát triển như tuyên truyền rộng khắp, quy hoạch chi tiết, kêu gọi đầu tư, đào tạo nhân lực…

Trường Đại học Tây Bắc đã và đang tham gia tích cực vào công việc phát triển du lịch cho Tây Bắc. Trường đã dạy miễn phí Chương trình tiếng Anh du lịch cho một số huyện của Sơn La, tham gia nghiên cứu các vùng du lịch, các tua du lịch, nghiên cứu trồng, chăm sóc các sản vật đặc hữu địa phương, nghiên cứu văn hóa các dân tộc Tây Bắc. Bộ Giáo dục và Đào tạo đã cho phép Trường Đại học Tây Bắc đào tạo Ngành Quản trị kinh doanh du lịch và lữ hành là một bước tiến trong việc đào tạo, nghiên cứu và chuyển giao kinh nghiệm du lịch cho các tỉnh Tây Bắc. Trường Đại học Tây Bắc sẽ có vị trí, vai trò quan trọng trong nhiều lĩnh vực, nhưng quan trọng nhất là cùng cấp nguồn nhân lực có Tâm Thức, có tài năng để góp phần cho các tỉnh Tây Bắc phát triển bền vững trong đó có du lịch. Một tương lai sáng lạn cho phát triển du lịch nói riêng, phát triển kinh tế, văn hóa, xã hội nói chung đang đến nhanh, mạnh mẽ với “Hòn ngọc ngày mai của Tổ quốc” như lời nói của Cố Thủ tướng Phạm Văn Đồng.