05062025Thứ 3
Last updateThứ 2, 26 10 2020 11am

BÀI PHÁT BIỂU CỦA NGƯT. TRẦN LUYẾN TẠI ĐẠI HỘI HỘI KHUYẾN HỌC TRƯỜNG ĐẠI HỌC TÂY BẮC

0
0
0
s2smodern
powered by social2s

Hiếu học, khuyến học, khuyến tài là truyền thống tốt đẹp, là nghĩa tình của dân tộc Việt Nam. Trong dòng chảy của lịch sử, truyền thống đó càng được tô đậm, khắc sâu trong lòng dân tộc, làm rạng rỡ Tổ quốc yêu quý của chúng ta.

Khuyến học, khuyến tài là công việc mà cha ông chúng ta đã làm, chí ít cũng từ 1.000 năm qua kể từ khi Văn Miếu – Quốc Tử giám được dựng lên.

Lịch sử vẻ vang của dân tộc Việt Nam ghi nhận “Người hiền ở trên đời cũng như sao sáng trên trời”. Bài ký trên bia Tiến sỹ khoa Nhâm Tuất, thầy Thân Nhân Trung viết: “Hiền tài là nguyên khí của đất nước. Nguyên khí thịnh thì thế nước mạnh và vươn cao. Nguyên khí suy thì thế nước yếu mà xuống thấp. Bởi lẽ đó các bậc Thánh đế minh vương không ai không coi việc gây dựng nhân tài, tuyển chọn kẻ sỹ, bồi đắp nguyên khí là việc quan trọng hàng đầu…”.

Trong Đại Việt sử ký toàn thư: Vua Lê Thái Tông đã hai lần kinh lý Sơn La mảnh đất phên dậu của Việt Nam. Ngài là vị vua thương dân, trọng đạo sùng nho, tin dùng kẻ sỹ, ban sách vở chăm lo sự học… Nhân dân các dân tộc Sơn La dựng đền Quế Lâm Linh Từ để ghi nhớ công ơn.

Vua Lê Thánh Tông (là Hoàng Tử của Vua Lê Thái Tông) là vị vua duy nhất thời phong kiến viết “Chiếu khuyến học”. Vua cho mở rộng nhà Thái học trong Quốc Tử giám trên đất Thăng Long. Mở thêm các trường học ở địa phương, tạo nơi ăn, ở, học tập cho kẻ sỹ; cấp học bổng cho học trò nghèo mà chăm học, phân phát sách giáo khoa cho các trường ở địa phương.

Đức Vua yêu cầu hạn chế chính sách ưu tiên trong thi cử của các triều đại trước đối với con em quan lại; chọn các giám khảo có nhân cách và trình độ học vấn cao. Để vinh danh người hiền tài, Ngài cho dựng Bia Tiến sỹ ở Văn Miếu – Quốc Tử giám.

Vua Quang Trung – Nguyễn Huệ, người anh hùng áo vải đã khẳng định trong chiếu cầu hiền tài:

“Việc dựng nước phải lấy việc học làm đầu

Muốn thịnh trị phải lấy nhân tài làm gốc”

Những tư tưởng lớn, bất hủ trên đây đã hun đúc bản lĩnh và khí phách Việt Nam:

Dẫu cường nhược có lúc khác nhau

Song hào kiệt đời nào cũng có”

                   (Bình Ngô đại cáo)

Tuy nhiên, khuyến học, khuyến tài trong dòng chảy của lịch sử còn tự phát từ các gia đình, dòng họ, làng bản và tùy thuộc vào sự quan tâm của những người lãnh đạo. Chỉ từ khi có Bác Hồ, có Đảng, có chế độ mới thì truyền thống khuyến học, khuyến tài của dân tộc mới được phát huy toàn diện, mạnh mẽ, sâu rộng bằng đường lối, chính sách thống nhất, cụ thể huy động được sức mạnh tổng hợp của toàn xã hội chăm lo khuyến học, khuyến tài, khơi dậy truyền thống hiếu học của dân tộc.

Đến thời đại chúng ta, ngày 06/01/1946 cuộc tổng tuyển cử đầu tiên thành công, Chủ tịch Hồ Chí Minh bày tỏ nguyện vọng thiết tha: “Tôi chỉ có một sự ham muốn, ham muốn tột bậc là làm sao cho nước ta được hoàn toàn độc lập, dân ta được hoàn toàn tự do, đồng bào ai cũng có cơm ăn áo mặc, ai cũng được học hành”.

Người chỉ rõ: “Một trong những công việc phải thực hiện cấp tốc lúc này là nâng cao dân trí, bởi không một quốc gia nào có thể tiến hành xây dựng một chế độ xã hội mới và bảo vệ tổ quốc thành công trong điều kiện văn hóa, dân trí, đạo đức tinh thần xã hội thấp kém”.

Bác nói “Một dân tộc dốt là một dân tộc yếu”. Nhân dân ta có câu: Muốn biết phải hỏi, muốn giỏi phải học.

Bác dạy: “Học hỏi là việc phải làm suốt đời. Học hành là vô cùng – Học càng nhiều, biết càng nhiều càng tốt”. Bác khẳng định dân tộc ta là con Rồng cháu Tiên có nhiều người tài giỏi đánh Bắc dẹp Nam, yên dân trị nước tiếng để muôn đời.

Thấm nhuần tư tưởng của Người, vào thời điểm 1991, sau khi Cương lĩnh chính trị được Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ VI thông qua; Thủ tướng Phạm Văn Đồng đã nêu một tư tưởng chiến lược “Giáo dục là quốc sách hàng đầu của nước ta và tương lai của dân tộc ta. Cần tổ chức một đoàn thể xã hội hoạt động hỗ trợ công cuộc chấn hưng và phát triển giáo dục”. Tư tưởng trên đây đã sinh thành một sáng kiến vĩ đại, độc đáo: “Xây dựng Hội Khuyến học Việt Nam”.

Ngày 29/02/1996, Thủ tướng Chính phủ ban hành quyết định số 122/QĐ-TTg về việc thành lập Hội Khuyến học Việt Nam để thực hiện ý tưởng giáo dục cho mọi người – mọi người vì giáo dục.

Đại tướng Võ Nguyên Giáp – Vị tướng huyền thoại, văn võ song toàn đã đánh giá:

“Sự ra đời của Hội Khuyến học là sự tiếp nối truyền thống văn hiến nghìn năm của cha ông nhằm khuyến khích tinh thần hiếu học của dân tộc”.

“Khuyến học với tinh thần phấn đấu cao nhất sẽ cùng với mọi cá nhân và tổ chức góp phần làm cho giáo dục và đào tạo, khoa học và công nghệ thực sự trở thành quốc sách số 1.

Nâng cao dân trí

Đào tạo nhân lực

Bồi dưỡng nhân tài

Đó là con đường hưng quốc, là động lực quan trọng bậc nhất đưa Tổ quốc Việt Nam ta tiến lên những đỉnh cao của thời đại”.

Hội Khuyến học Việt Nam đã qua 20 năm xây dựng và phát triển (1996-2016). Sự quan tâm lãnh đạo của Đảng và Nhà nước và sự ủng hộ của các tầng lớp nhân dân đã giúp cho Hội mau chóng trưởng thành, từng bước đi lên vững chắc, ngày càng đóng góp được nhiều hơn cho sự nghiệp chấn hưng giáo dục, xây dựng xã hội học tập.

Hội Khuyến học được sinh ra và trưởng thành như ngày nay. Trong bối cảnh hiện thời trên đất nước có hàng trăm, hàng ngàn Hội - Nhưng Hội Khuyến học là  một Hội Đảng cần, Nhà nước cần, Xã hội cần. Hội rất vinh dự được các vị lãnh đạo có uy tín của đất nước, đứng đầu, trực tiếp lãnh đạo Hội như: NGND Vũ Lân, Đồng chí Võ Nguyên Giáp - Nguyên uỷ viên Bộ chính trị, Đồng chí Vũ Oanh, Phó Thủ tướng Nguyễn Mạnh Cầm, Phó chủ tịch nước Nguyễn Thị Doan, đây là nét độc đáo hiếm có trên thế giới. Từ ngày thành lập đến ngay Bộ chính trị đã đề ra 2 Chỉ thị về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng; Thủ tướng chỉnh phủ ra Quyết định lấy ngày 2/10 là ngày Khuyến học Việt Nam và Quyết định về nhiện vụ khuyến học, khuyến tài, xây dựng xã hội học tập.

Hội Khuyến học tâm niệm rằng: Phải có nhiều lực lượng tham gia, tham gia nhiệt tình; mọi người học và khuyến học - khuyến tài; học thường xuyên - học suốt đời - học để công nông trí thức hóa; học để dân tộc thông thái. Học để thắng lạc hậu, nghèo nàn. Học để có công bằng - dân chủ - văn minh.

Việc học tập, nâng cao dân trí, đào tạo nhân lực, bồi dưỡng nhân tài là việc đại nghĩa.

Học, làm, sống là ba nhu cầu cơ bản của con người ở mọi lứa tuổi, mọi trình độ, mọi vị trí xã hội. Trong đó người lãnh đạo càng ở cấp cao càng phải học tập phấn đấu là nhà chính trị, nhà văn hóa, nhà giáo dục, nhà quản lý lãnh đạo giỏi.

Nhận thức trên đã biến thành hành động của cán bộ, hội viên Hội Khuyến học tỉnh trong suốt chặng đường 15 năm qua và đạt được nhiều thành tích rất đáng biểu dương :

Từ chỗ không có hội, đến nay sau 15 năm phấn đấu tổ chức hội và hội viên phát triển mạnh mẽ, bền vững từ tỉnh đến cơ sở; mọi vùng, miền, mọi dân tộc trong tỉnh đều có tổ chức hội. Đến tháng 10/2016 tỉnh Sơn La có 3.078 chi hội, Ban khuyến học tổ, bản, cơ quan, trường học, doanh nghiệp; 204 Hội Khuyến học xã, phường, thị trấn; 12 Hội Khuyến học huyện, thành phố. Tổng số cán bộ khuyến học lên đến 7.859 người (từ chi hội lên tỉnh). Số hội viên có 277.158 người, đạt tỷ lệ 23,1 % so với dân số trong tỉnh.

Hôm nay ngày 12 tháng 4 năm 2017 trong không khí toàn Đảng, toàn dân, Gỗ tổ Hùng Vương các con rồng, cháu tiên ở trường Đại học Tây Bắc tổ chức Đại hội thành lập Hội để phát huy truyền thống hiếu học và đạo đức nghĩa tình Khuyến học, Khuyến tài mà cha ông ta để lại.

Đại hội hôm nay là Đại hội của niềm tin và hy vọng về khuyến học, khuyến tài, xây dựng xã hội học tập.

Nhà trường, ban tổ chức đã chuẩn bị công phu, chu đáo, đầy trách nhiệm, bằng tình cảm, trí tuệ và sự hiểu biết về Hội. Qua báo cáo tình hình hoạt động khuyến học, khuyến tài trước khi thành lập Hội chúng tôi thấy rằng Đảng uỷ, ban giám hiệu, công đoàn nhà trường đã có nhiều hoạt động phong phú, hiệu quả, nhiều thành tích khuyến học, khuyến tài của trường rất đáng trân trọng và ghi nhận.

Những kết quả hoạt động khuyến học, khuyến tài của trường là tiền đề quan trọng để Đại hội bàn định, quyết định về mục tiêu nhiệm vụ khuyến học, khuyến tài từ năm 2017 đến 2022.

Chúng tôi rất hoan nghênh và đồng tình về phương hướng, mục tiêu và 4 nhiệm vụ mà đoàn chủ tịch báo cáo trình Đại hội. Phương hướng đúng, mục tiêu cụ thể, nhiệm vụ rõ ràng, đoàn chủ tịch nêu ngắn gọn, xúc tích, các chỉ tiêu rất tiên tiến nhưng phù hợp có tính khả thi, nhưng rất khiêm tốn.

Hội Khuyến học tỉnh đề nghị Hội Khuyến học trường Đại học Tây Bắc hội tụ trí tuệ, có nhiều giảng viên trình độ cao, môi trường giáo dục lành mạnh, trong sáng. Hội không chỉ làm tốt công tác khuyến học, khuyến tài trong trường mà gắn với các hoạt động khuyến học của tỉnh, và các địa phương sung quanh, toả sáng những gương tiêu biểu của Giảng viên, học sinh, sinh viên.

Chúng tôi tin tưởng rằng Hội Khuyến học trường Đại học Tây Bắc sẽ hoàn thành xuất sắc những nhiệm vụ của mình và sẽ là đơn vị Hội trong tốp dẫn đầu khối trường của tỉnh.

Chúc trường Đại học Tây Bắc đạt chuẩn danh hiệu « đơn vị học tập » theo Quyết Định 281/ QĐ-TTg  của Thủ tướng chính phủ vào năm 2018 (Sớm hơn 2 năm).

Mong trong nhiệm kỳ này Hội Khuyến học nhà trường được TW Hội Khuyến học Việt Nam tặng Cờ thi đua xuất sắc.

 Kính thưa Đại hội !

Khuyến học, khuyến tài là truyền thống là đạo đức nghĩa tình của dân tộc Việt Nam. Những người tham gia làm khuyến học là những người trọng đạo đức, trọng nghĩa tình và có đạo đức, nghĩa tình.

Một lần nữa kính chúc Đại hội thành công tốt đẹp