Giờ học thực hành của sinh viên bộ môn Sức bền, Khoa Cơ khí, Trường đại học Công nghiệp Hà Nội. Ảnh: DUY LINH
Bài 2: Tự chủ gắn với nâng cao chất lượng
Mặc dù là xu thế tất yếu nhưng để tự chủ trong giáo dục đại học (GDĐH) hiện nay hiệu quả và đi vào thực chất thì cần sớm tháo gỡ những khó khăn, vướng mắc về cơ chế, chính sách từ nhiều phía. Nhất là, bảo đảm việc tự chủ gắn với tự chịu trách nhiệm và nâng cao chất lượng đào tạo.
Tạo cơ chế kiểm soát đúng quy định
Để nâng cao hiệu quả tự chủ của các cơ sở GDĐH, Luật GDĐH cũng như hệ thống các văn bản pháp quy đều đòi hỏi các trường khi tự chủ cần thành lập hội đồng trường nhằm đại diện quyền sở hữu của nhà trường, quyết nghị chiến lược, quy hoạch, kế hoạch phát triển và quy chế về tổ chức và hoạt động; phương hướng đào tạo, hoạt động khoa học và công nghệ, hợp tác quốc tế; bảo đảm chất lượng giáo dục. Chủ tịch hội đồng trường được hưởng phụ cấp chức vụ tương đương hiệu trưởng...
Theo Bộ Giáo dục và Đào tạo (GD và ĐT), đến cuối năm 2016 có hơn 20 trường trực thuộc Bộ và nhiều trường thuộc các bộ, ngành khác thành lập hội đồng trường. Tuy nhiên, hoạt động của các hội đồng trường chưa đi vào thực chất.
Nhiều trường bầu chủ tịch hội đồng trường là nguyên hiệu trưởng đã về hưu, quá tuổi theo quy định nhưng vẫn được bộ chủ quản phê chuẩn (như Học viện Nông nghiệp Việt Nam thuộc Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn) khiến nhiều người lo ngại về việc “xé rào”, chậm đổi mới trong các cơ sở đào tạo. Trong khi đó, nhiều trường lại bầu một cán bộ cấp trưởng, phó phòng làm chủ tịch hội đồng trường, người này có thể chưa đủ “tầm” về kinh nghiệm quản lý để hoạch định chính sách phát triển nhà trường khi tự chủ. Như tại Trường đại học (ĐH) Kinh tế quốc dân, một trưởng phòng tổ chức - cán bộ được bổ nhiệm làm chủ tịch hội đồng trường. GS, TS Trần Thọ Đạt, Hiệu trưởng nhà trường thừa nhận, chủ tịch hội đồng trường phải phát huy được đúng năng lực và vị trí. Việc chủ tịch hội đồng trường chỉ là cán bộ cấp phòng có thể chưa đủ tầm kinh nghiệm liên quan đến quản trị ĐH. Tuy nhiên, trong quá trình tự chủ hiện nay của Trường ĐH Kinh tế quốc dân, việc lựa chọn chủ tịch hội đồng trường khá khó khăn.
Thẳng thắn chia sẻ về vấn đề hội đồng trường, Hiệu trưởng Trường ĐH Nông lâm (ĐH Thái Nguyên), PGS, TS Trần Văn Điền cho biết, Chủ tịch hội đồng Trường ĐH Nông lâm Thái Nguyên đang là Trưởng phòng đào tạo. Thực tế nếu có một cán bộ là phó hiệu trưởng sang làm chủ tịch hội đồng trường sẽ hợp lý và đủ kinh nghiệm hơn trong quản trị ĐH, nhưng không ai chịu sang làm. Bởi hiện nay, theo quy định về chức năng, nhiệm vụ, hội đồng trường không có những hoạt động thường xuyên; về công tác làm chiến lược, bộ máy nhân sự thì phải khoảng 5 năm mới làm một lần. “Định hướng các chỉ tiêu phát triển thì đã có đảng ủy nhà trường xác định cụ thể, kỹ lưỡng. Vậy thì hội đồng trường định hướng gì nữa. Nói cách khác, các quy định, cơ chế hiện nay về hội đồng trường là không ổn; văn bản chồng chéo nhau, không rõ ràng. Ý kiến hội đồng trường rất được trân trọng vì đó là những ý kiến tốt nhưng chỉ là cố vấn, tư vấn. Vì vậy, cần có những thay đổi trong các quy định về hoạt động của hội đồng trường” - PGS Trần Văn Điền chia sẻ.
Theo GS, VS Đào Trọng Thi, nguyên Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa, Giáo dục, Thanh niên, Thiếu niên và Nhi đồng của Quốc hội, có những quyền tự chủ chỉ được giao khi hội đồng trường có đủ năng lực hoạt động hiệu quả. Hội đồng trường có các quy định, tiêu chuẩn chứ không phải muốn đưa ai vào thì đưa; chủ tịch hội đồng trường do cơ quan chủ quản bổ nhiệm. Tuy nhiên, trong các quy định hiện nay chưa nói rõ chủ tịch hội đồng trường có được xem là cán bộ quản lý, có chuyên trách hay không... Hội đồng trường trước đây là hội đồng tư vấn, nhưng nay phải là hội đồng quyền lực, có như vậy mới thực hiện tự chủ được. Trong khi đó, PGS, TS Bùi Anh Tuấn, Hiệu trưởng Trường ĐH Ngoại thương thì đề nghị rà soát, bổ sung các văn bản của Chính phủ, các bộ, ngành, nhất là của Bộ GD và ĐT. Một số quy định bất hợp lý cần xem xét bãi bỏ. Hội đồng trường được xem như một mô hình quản trị trong trường ĐH công lập, là "cơ chế" bảo đảm cho tự chủ của các trường ĐH công lập. Tuy nhiên, trên thực tế, hội đồng trường chưa phát huy được vai trò. Vì vậy, cần có nghiên cứu, đánh giá thực tế về hội đồng trường, không nên tổ chức một cách ào ạt để tìm ra được mô hình hiệu quả cho quá trình tự chủ, đổi mới GDĐH.
Nâng cao chất lượng đào tạo
Không chỉ nâng cao chất lượng hoạt động của hội đồng trường, mà việc tự chủ, tăng học phí phải gắn với nâng cao chất lượng đào tạo của GDĐH. Một số trường ĐH đã có những hướng đi hiệu quả trong nâng cao chất lượng đào tạo, hướng đến tự chủ. Điển hình như Trường ĐH Nông lâm (ĐH Thái Nguyên) đưa ra được những hướng đi thích hợp nâng cao chất lượng đào tạo tiến tới tự chủ. Theo PGS, TS Trần Văn Điền, hiện nay quy mô đào tạo của trường khoảng 12 nghìn sinh viên, học viên với kinh phí thu được từ đào tạo các hệ khoảng 60 tỷ đồng cùng với khoảng 48 tỷ đồng các nguồn thu chương trình, đề tài nghiên cứu khoa học... mỗi năm. Với quy mô và mức thu như vậy, việc tự chủ là rất khó khăn. Nhất là trong bối cảnh khối ngành nông lâm tuyển sinh khó, sinh viên theo học chủ yếu ở nông thôn, miền núi cho nên khả năng chi trả có hạn. Vì vậy, nhà trường xác định, muốn thu hút được sinh viên, nâng cao chất lượng đào tạo cần có sự phối hợp của doanh nghiệp và lấy kết quả việc làm của sinh viên và sự quan tâm của xã hội làm căn cứ tiêu chuẩn chất lượng. Vì vậy, hiện nay toàn bộ 24 chuyên ngành đào tạo của trường đều có sự tham gia của các doanh nghiệp. Đáng chú ý, năm 2016 doanh nghiệp đặt hàng nhà trường đào tạo một lớp khoảng 40 sinh viên theo cam kết chuẩn đầu ra đáp ứng được yêu cầu việc làm của doanh nghiệp; phía doanh nghiệp hỗ trợ lớp học, các trang bị kỹ thuật; sinh viên cam kết khi ra trường sẽ làm việc tại doanh nghiệp tối thiểu là 5 năm. Ngoài ra, hằng năm nhà trường triển khai chương trình cho khoảng 250 sinh viên năm cuối thực tập thực hành ở nước ngoài, tiếp thu công nghệ cao. Các sinh viên này ngoài việc được thực hành trong môi trường thuận lợi, còn có thể có thu nhập từ 100 đến 200 triệu đồng sau một năm. Do bảo đảm được chất lượng đào tạo có thể đáp ứng được yêu cầu xã hội, cho nên có những ngành chất lượng cao của nhà trường thu mức học phí hai triệu đồng/tháng vẫn khá đông sinh viên đăng ký theo học. Điều đó tạo tiền đề quan trọng giúp trường tiến tới thực hiện cơ chế tự chủ.
Thực tế cho thấy, khi tự chủ, các trường phải gắn với nâng cao chất lượng đào tạo. GS, VS Đào Trọng Thi cho rằng, khi tự chủ là chuyển sang cơ chế học phí tương xứng với chất lượng. Nếu học phí cao mà chất lượng thấp thì khó được xã hội chấp nhận. Nếu học phí tương xứng chất lượng thì học phí các trường phải khác nhau vì chất lượng các trường là khác nhau chứ không phải theo một khung chung như hiện nay. Điều đó đòi hỏi các trường phải thông qua đánh giá của các tổ chức kiểm định chất lượng độc lập, khách quan để giúp cho xã hội và người dân đánh giá được các trường. Như vậy, các nhà trường phấn đấu được kiểm định xét chất lượng tốt, có uy tín trong xã hội, từ đó, người sử dụng lao động căn cứ, tin vào kiểm định thì mới tuyển sinh viên tốt nghiệp; đồng thời, phụ huynh thấy trường được kiểm định tốt, người sử dụng lao động đánh giá cao sẽ sẵn sàng đầu tư lớn hơn cho con em theo học.
Trong khi đó, đánh giá về giải pháp gắn tự chủ với nâng cao chất lượng đào tạo, GS, TS Trần Thọ Đạt cho rằng, Bộ GD và ĐT đã có những thay đổi căn bản, toàn diện và đúng hướng hơn, đó là khi giao cho các trường tự chủ tùy thuộc vào năng lực kiểm định và công nhận đánh giá chất lượng trường đó đến đâu. Như vậy, xã hội công nhận chất lượng nhà trường đến đâu thì ra mức độ tự chủ đến đó. Tuy nhiên, Bộ GD và ĐT cần phải xếp hạng, đánh giá, phân loại các trường ĐH. Không chỉ xếp hạng trường mà có thể xếp hạng ngành đào tạo. Thí dụ một trường nào đó đào tạo ngành kế toán kiểm toán được xếp hạng thứ mấy để từ đó tính được xem với chất lượng đào tạo như vậy thì khi tự chủ học phí sẽ như thế nào, nhà trường phải đầu tư ra sao... để việc tự chủ ngày càng hiệu quả.
Theo Bộ GD và ĐT, các trường đã đào tạo gần 250 ngành, chương trình chất lượng cao; trong đó có 66 chương trình đạt chất lượng kiểm định quốc tế. Bên cạnh đó, có 32 trường được đánh giá ngoài (do đơn vị ngoài trường đánh giá) và 13 trường được công nhận đạt tiêu chuẩn kiểm định chất lượng giáo dục Việt Nam... Tuy nhiên, quá trình thực hiện tự chủ của các trường hiện nay chưa gắn với việc tự chịu trách nhiệm giải trình xã hội. Một số cơ sở còn dựa vào lợi thế ngành để chú trọng tăng học phí và tăng chỉ tiêu tuyển sinh, chưa chú trọng đúng mức đến nâng cao chất lượng đào tạo là mục đích chính của tự chủ GDĐH. Số trường ĐH so với số dân nước ta chưa nhiều, tuy nhiên chất lượng “xôi đỗ” và tình trạng tràn lan các trường ĐH khiến xã hội phàn nàn nhiều. Nhiều trường cho tự chủ, có cạnh tranh cũng rất lúng túng. Vì vậy, theo Bộ trưởng GD và ĐT Phùng Xuân Nhạ, trong tự chủ các trường cần tiên phong trong việc kiểm định chất lượng giáo dục tiến tới kiểm định chuẩn khu vực, quốc tế. Trên cơ sở kết quả kiểm định tiến tới phân tầng, xếp hạng, giao quyền tự chủ và ưu tiên đầu tư đối với các trường. Các trường cần rà soát, chủ động việc giảm quy mô và nâng cao chất lượng. Để nâng cao chất lượng, Bộ GD và ĐT áp dụng tỷ lệ có việc làm của sinh viên sau khi ra trường như là tiêu chí căn cứ để xác định quy mô tuyển sinh nhằm gắn tự chủ với nâng cao chất lượng góp phần thực hiện hiệu quả đổi mới GDĐH nước ta./.