07012025Thứ 3
Last updateThứ 2, 26 10 2020 11am

THÁO GỠ KHÓ KHĂN TRONG TỰ CHỦ GIÁO DỤC ĐẠI HỌC

0
0
0
s2smodern
powered by social2s

Giờ thực hành của sinh viên Khoa Sinh - Hóa, Trường Đại học Tây Bắc (Sơn La).

Tự chủ trong giáo dục đại học là xu hướng tất yếu và được coi là một yếu tố có ý nghĩa quyết định đến việc thực hiện đổi mới giáo dục đại học. Tuy nhiên, để triển khai tự chủ trong giáo dục đại học hiện nay thật sự hiệu quả, hiện vẫn còn nhiều vấn đề đặt ra.

Bài 1: Kết quả bước đầu và nỗi lo chạy theo quy mô đào tạo

Tự chủ trong giáo dục đại học được đề cập và triển khai từ hơn mười năm trước. Những năm gần đây, thực hiện đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục và đào tạo (GD và ĐT), vấn đề tự chủ càng trở nên cấp bách; nhiều trường đại học (ĐH) triển khai thí điểm tự chủ đạt được một số kết quả nhất định, nhưng vẫn chưa thật sự toàn diện.

Những tín hiệu tích cực

Tự chủ trong giáo dục đại học (GDĐH) được đề cập đến từ lâu và một số cơ sở GDĐH đã triển khai thí điểm tự chủ theo Nghị định số 43/2006/NĐ-CP (Nghị định 43) về tự chủ, tự chịu trách nhiệm của đơn vị sự nghiệp công lập… Luật GDĐH năm 2012 cũng quy định cơ sở GDĐH tự chủ trong một số hoạt động. Nghị quyết số 29-NQ/TW năm 2013 của Ban Chấp hành Trung ương khóa XI về đổi mới căn bản, toàn diện GD và ĐT cũng khẳng định giao quyền tự chủ, tự chịu trách nhiệm cho các cơ sở GD và ĐT. Đáng chú ý, cuối năm 2014, Chính phủ đã ban hành Nghị quyết số 77/NQ-CP (Nghị quyết 77) về thí điểm đổi mới cơ chế hoạt động đối với cơ sở GDĐH công lập giai đoạn 2014-2017… tạo cơ sở pháp lý quan trọng giúp một số trường tự chủ, đổi mới nâng cao chất lượng GDĐH.

Trường ĐH Ngoại thương là một trong năm cơ sở đào tạo công lập đầu tiên thực hiện thí điểm tự chủ tài chính từ năm học 2005-2006 và thí điểm tự chủ theo Nghị quyết 77, đã đạt một số kết quả nhất định. PGS, TS Bùi Anh Tuấn, Hiệu trưởng Trường ĐH Ngoại thương chia sẻ, quá trình tự chủ giúp trường bước đầu ổn định quy mô đào tạo, nâng cao chất lượng đội ngũ giảng viên. Tính đến cuối năm 2016, trường đã gửi 110 giảng viên học tập, nghiên cứu trình độ tiến sĩ ở các trường ĐH có uy tín nước ngoài và có 12 giảng viên của nhà trường được bổ nhiệm chức danh phó giáo sư. Sau khi thực hiện thí điểm tự chủ theo Nghị quyết 77, trường đã tích cực đầu tư cho hoạt động nghiên cứu khoa học: năm 2016 tăng 50% so với năm 2015; phát triển hai chương trình tiên tiến, năm chương trình chất lượng cao giảng dạy bằng tiếng Anh... Số sinh viên có việc làm của Trường ĐH Ngoại thương sau một năm tốt nghiệp đạt tỷ lệ 96,8%.

Trong khi đó, theo PGS, TS Phan Thị Bích Nguyệt (Trường ĐH Kinh tế TP Hồ Chí Minh), sau hơn một năm thực hiện thí điểm tự chủ, trường đã chủ động thực hiện nhiệm vụ đào tạo và nghiên cứu khoa học; triển khai chương trình đào tạo tiên tiến quốc tế. Ngoài ra, trường đã xây dựng quỹ nghiên cứu hàn lâm với kinh phí ba tỷ đồng/năm, nhằm hỗ trợ từ 100 đến 200 triệu đồng/bài nghiên cứu đăng trên các tạp chí quốc tế tiêu chuẩn ISI và Scopus... Trong khi đó, dưới góc độ tự chủ tài chính, Hiệu trưởng Trường ĐH Công nghiệp Hà Nội Trần Đức Quý cho biết, nhà trường thực hiện tự chủ theo Nghị định 43 giúp nguồn thu từ học phí, dịch vụ và khoa học - công nghệ tăng lên không ngừng, năm 2012 là hơn 392 tỷ đồng và đến năm 2016 là hơn 500 tỷ đồng. Việc thực hiện cơ chế tự chủ về tài chính giúp nhà trường nâng cao tính chủ động, sáng tạo trong quản lý tài chính, tài sản; có nguồn lực để tăng đầu tư cho cơ sở vật chất, trang thiết bị và nguồn nhân lực, nâng cao chất lượng đào tạo.

Đánh giá của Bộ GD và ĐT cho thấy, những năm qua các cơ sở GDĐH đã tự chủ xây dựng, thẩm định và phát triển chương trình đào tạo, giáo trình, tài liệu; thực hiện tổ chức tuyển sinh và tự chủ quyết định phương án tuyển sinh; tự chủ và chịu trách nhiệm tổ chức và quản lý đào tạo, in và cấp phát văn bằng; ký kết hợp đồng, đăng ký tham gia tuyển chọn thực hiện nhiệm vụ khoa học - công nghệ… Đáng chú ý, kể từ khi thực hiện tự chủ theo Luật GDĐH và Nghị quyết 77 (16 trường đã thực hiện thí điểm tự chủ theo Nghị quyết 77), chất lượng GDĐH có những chuyển biến tích cực. Nhiều trường đã chủ động phát triển chương trình đào tạo theo hướng tiếp cận các chuẩn quốc tế như: CDIO, POHE...

Nỗi lo tăng quy mô đào tạo để tạo nguồn thu

Mặc dù, tự chủ góp phần tạo nên những chuyển biến tích cực đối với các cơ sở GDĐH nhưng vẫn chưa tạo nên sự chuyển biến có tính hệ thống. Nhất là vấn đề các trường tăng quy mô đào tạo để tăng nguồn thu dẫn đến chất lượng chưa bảo đảm. Thống kê của Bộ GD và ĐT cho thấy, năm học 2013-2014 quy mô đào tạo GDĐH cả nước là hơn 1,67 triệu sinh viên, đã tăng lên 1,75 triệu trong năm học 2015-2016. Trong đó có nhiều trường quy mô sinh viên năm học 2015-2016 lớn như: Trường ĐH Công nghiệp Hà Nội là 27,5 nghìn sinh viên, Học viện Nông nghiệp Việt Nam 32,4 nghìn, Trường ĐH Vinh 41 nghìn, Trường ĐH Kinh tế quốc dân 42 nghìn... Từ thực tiễn quá trình triển khai tự chủ, PGS, TS Bùi Anh Tuấn cho rằng, đầu ra của nhà trường trong những năm qua tăng trưởng nhanh hơn so với các nguồn lực đầu vào, điều này dẫn đến những lo ngại về chất lượng đào tạo. Trong khi đó, các quy định cụ thể của Nhà nước dành cho các trường tự chủ còn thiếu hoặc không có. Do đó, vấn đề đặt ra là cần tập trung nâng cao chất lượng đào tạo khi nguồn lực đầu vào chưa có sự thay đổi đáng kể. Trường ĐH Ngoại thương cũng như các trường khác được thực hiện thí điểm tự chủ cơ chế hoạt động phải tự mày mò để tìm ra mô hình và tự xây dựng các quy định làm cơ sở cho vận hành hoạt động của nhà trường.

GS, TS Đặng Kim Vui, Giám đốc ĐH Thái Nguyên chia sẻ, thực tế nhà trường đã thực hiện tự chủ một phần (tuyển sinh, tài chính...), tuy nhiên các cơ chế vẫn chưa rõ ràng bởi khi tự chủ trường vẫn phải đào tạo sinh viên là đối tượng chính sách, con em dân tộc vùng cao, vùng 135... Với đối tượng sinh viên nêu trên chiếm tỷ lệ lớn thì rất khó tăng nguồn thu để bù phần cắt giảm của ngân sách nhà nước. Như vậy, khi thực hiện đồng bộ trong tự chủ sẽ gặp phải khó khăn do nguồn kinh phí đầu tư cho việc nâng cao chất lượng khá lớn nhưng nguồn thu lại không có. Các trường thường phải tăng quy mô lên để duy trì, tạo nguồn thu. Điều đó dễ dẫn đến khó nâng cao chất lượng đào tạo. Cùng quan điểm, GS, TS Trần Thọ Đạt, Hiệu trưởng Trường ĐH Kinh tế quốc dân nhìn nhận, thời gian qua, khi học phí chưa tăng là các trường tìm cách “xé rào”, phát triển quá mạnh đào tạo phi chính quy để lấy số lượng bù lại, khiến nhiều trường chủ yếu tập trung vào phát triển quy mô đào tạo. Đây sẽ là cái “bẫy” bởi khi tăng quy mô để tăng nguồn thu sẽ dẫn đến chất lượng đào tạo hạn chế.

Theo các chuyên gia giáo dục, với cách thức đào tạo như hiện nay, việc trao quyền tự chủ cho các trường dẫn đến những lo ngại về tình trạng chạy theo phát triển quy mô thay vì tập trung vào các điều kiện bảo đảm chất lượng. Nhất là có tình trạng “cạnh tranh” không lành mạnh sẽ dẫn đến “thị trường” thiếu thông tin hoặc thông tin không chuẩn xác, làm cho người học và xã hội có những nhận định sai về chất lượng đào tạo của từng cơ sở. Dư luận xã hội vẫn còn lo ngại về các sản phẩm GDĐH không đúng với cam kết của cơ sở GDĐH khi được phê duyệt tự chủ, dẫn đến hiệu quả thực hiện tự chủ chưa cao, chưa trở thành động lực giúp các cơ sở GDĐH phát huy khả năng chủ động, sáng tạo, nâng cao hiệu quả hoạt động nhằm nâng cao chất lượng đào tạo đáp ứng nguồn nhân lực của đất nước và hội nhập quốc tế, nhất là nguồn nhân lực chất lượng cao.

(Còn nữa)

Phần tiếp theo và hết