07012025Thứ 3
Last updateThứ 2, 26 10 2020 11am

ĐÊM NGUYÊN TIÊU: “THƠ VIỆT NAM ĐỒNG HÀNH VÀ SÁNG TẠO CÙNG ĐẤT NƯỚC”

0
0
0
s2smodern
powered by social2s

Được sự đồng ý của Ban Bí thư Trung ương Đảng Cộng sản Việt Nam và Ban Tư tưởng Văn hoá Trung ương, tại kì họp thứ 8, khoá 7, kể từ năm 2003, Ban Chấp hành Hội Nhà văn Việt Nam đã quyết định lấy ngày Rằm tháng Giêng (tức Tết Nguyên Tiêu) hàng năm là ngày thơ Việt Nam.

Từ đó, đến hẹn lại lên, cứ vào Rằm tháng Giêng, những người yêu thơ trên mọi miền Tổ quốc lại có dịp gặp gỡ, giao lưu trình diễn và cảm nhận những tác phẩm đỉnh cao của nền thi ca dân tộc, những tác phẩm mới của thơ ca đương đại. Ngày thơ Việt Nam là sự kiện có ý nghĩa tôn vinh truyền thống văn hoá, thể hiện sự gắn bó, tình yêu của con người ở xứ sở với thơ ca.

Thực hiện công văn số 11 ngày 5/1/2016 của Hội Nhà văn Việt Nam về việc tổ chức ngày thơ Việt Nam lần thứ 15; căn cứ kế hoạch số 02 của Uỷ ban Nhân dân tỉnh Sơn La về việc tổ chức các hoạt động mừng Đảng, mừng Xuân Đinh Dậu 2017, tối ngày 11 tháng 2 năm 2017, tại Hội trường lớn Trường Đại họcTây Bắc, Hội Liên hiệp Văn học nghệ thuật tỉnh Sơn La phối hợp với trường Đại học Tây Bắc, đã tổ chức đêm thơ với chủ đề “Thơ Việt Nam đồng hành và sáng tạo cùng đất nước”.

Đêm thơ nhận được sự quan tâm chỉ đạo và hiện diện của nhiều quý vị đại biểu, khách quý. Về phía tỉnh Sơn La có các đồng chí lãnh đạo đại diện Ban Tuyên giáo Tỉnh uỷ,  Sở Thông tin và Truyền thông tỉnh, đại diện phòng PA83 - Công an tỉnh, Báo Sơn La và Đài Phát thanh Truyền hình tỉnh, Bộ Chỉ huy Quân sự tỉnh, Hội Liên hiệp Văn học Nghệ thuật tỉnh... Về phía trường Đại học Tây Bắc, đêm thơ có sự chỉ đạo của các đồng chí lãnh đạo đại diện Ban Chấp hành Đảng ủy, Ban Giám hiệu, Ban Chấp hành Công đoàn, Đoàn Thanh niên, đại diện các Phòng- Khoa - Ban, các Trung tâm nghiên cứu, các thầy cô giáo và các bạn học sinh, sinh viên và những người yêu thơ.

Mở đầu chương trình, họa sĩ Lê Chương – Phó Chủ tịch Hội Văn học nghệ thuật tỉnh Sơn La lên khai mạc đêm thơ với chủ đề Thơ Việt Nam đồng hành và sáng tạo cùng đất nước.

Đêm thơ cũng lần lượt giới thiệu nhiều thi phẩm đặc sắc, có ý nghĩa, đánh dấu lịch sử trọng đại của dân tộc. Bài thơ Nguyên tiêu của Chủ tịch Hồ Chí Minh được giới thiệu trước nhất. Nguyên tiêu được đánh giá là một trong những thi phẩm viết về mùa xuân, về trăng hay nhất của Người. Những dòng thơ bát ngát tình đã họa nên  bức chân dung tinh thần của Vị cha già của dân tộc, in đậm vẻ đẹp phong cách thơ Hồ Chí Minh, lấp lánh chất thép chiến sĩ và dạt dào chất tình thi sĩ. Chính bởi ý nghĩa lịch sử và nghệ thuật ấy, Hội Nhà văn Việt Nam quyết định chọn ngày Rằm tháng Giêng âm lịch hàng năm, ngày Nguyên Tiêu, ngày Bác viết bài thơ nổi tiếng là Ngày thơ Việt Nam.

Ảnh 1: Nghệ sĩ Phương Thúy ngâm thơ bài Nguyên tiêu

 Tấm lòng, trí tuệ và sứ mệnh vĩ đại của Chủ tịch Hồ Chí Minh với non sông và dân tộc đã trở thành nguồn mạch cảm hứng cho các thế hệ nhà thơ Việt Nam. Trong số tác phẩm viết về Bác, bài thơ Người đi tìm hình của nước của Chế Lan Viên đã kể lại đầy xúc cảm hành trình lịch sử của người thanh niên Nguyễn Tất Thành ở bến cảng Nhà rồng năm xưa. Hành trình ấy đã thay đổi vận mệnh nước nhà, hồi sinh sự sống dân tộc. Công sức của Người đã làm nên Một nhành xuân trong trẻo trong thơ Tố Hữu. Mặc dù vậy, sinh nhật Người chỉ giản dị Năm bông hồng (Nguyễn Thanh Sâm) mà ấm áp bao la.

Ảnh 2: Thầy giáo Nguyễn Thanh Sâm đọc bài thơ Năm bông hồng

Trong đêm thơ, đại biểu và người say thơ còn được lắng nghe nhiều bài thơ về các chủ đề khác nhau như chủ đề quê hương đất nước (Quê hương – Giang Nam), về cuộc kháng chiến trường kì vĩ đại (Cuộc chia ly màu đỏ - Nguyễn Mỹ), về những hy sinh mất mát ngay trong thời bình để bảo vệ cuộc sống cho mỗi chúng ta (Anh về với mẹ chiều mưa - Hà Thu)... Nói đến thành công của đêm thơ, chúng ta không thể không kể đến sự thăng hoa và nỗ lực thể hiện của rất nhiều các nghệ sĩ, nhà thơ, các thầy giáo, cô giáo như Thu Minh, Phương Thúy, Hà Thu, Thanh Mai, Hà Phóng, Lê Thị Xuân Liên, Thanh Sâm...

Thơ ca đã khơi dậy và ngân rung trong tâm hồn khán giả những cảm nhận riêng và khi song hành cùng âm nhạc, thơ ca lại mang đến một sức sống mới. Các bài hát Mùa hoa cải (Thơ Nghiêm Thị Hằng – Nhạc Lê Vinh), Màu hoa đỏ (Thơ Nguyễn Đức Mậu - Nhạc Thuận Yến), Xuân yêu thương (Thơ Nguyễn Thanh Sâm – Nhạc Trần Anh Đức), đã được các ca sĩ Hồng Luyến, Hà Duy Sơn, Thọ Sơn, Ngọc Đỉnh, Thu Trang, Hà Niệm, Bạc Phương thể hiện nồng nàn và sâu lắng.

Đêm thơ đã khép lại, nhưng vẻ đẹp của ngôn từ, của giai điệu sẽ còn mãi với thời gian.Thành công của đêm thơ chính là những lắng đọng, sự trải bày nhịp điệu tâm hồn, là tình yêu cuộc sống trong trái tim người yêu thơ. Và đó cũng là đóa hoa tươi thắm để mừng Đảng, mừng xuân Đinh Dậu.