Các nhà khoa học nhận giải thưởng Hồ Chí Minh và giải thưởng Nhà nước về khoa học và công nghệ lần thứ IV.
NDĐT - Đã có 9 công trình đặc biệt xuất sắc được xét tặng Giải thưởng Hồ Chí Minh và 7 công trình xuất sắc được xét tặng Giải thưởng Nhà nước về khoa học và công nghệ (KH&CN). |
Đây là hai giải thưởng cao quý thuộc lĩnh vực KH&CN được trao tặng cho những công trình khoa học tiêu biểu, có giá trị cao về khoa học và công nghệ, hiệu quả kinh tế xã hội, có ảnh hưởng rộng lớn, lâu dài trong đời sống. Là kết quả của sự dày công nghiên cứu, cống hiến trí tuệ và tài năng của các nhà khoa học phục vụ sự nghiệp xây dựng và bảo vệ tổ quốc. Theo Ban tổ chức (BTC), các hội đồng chuyên ngành với 200 nhà khoa học đã làm việc nghiêm túc, tâm huyết, đánh giá khách quan các công trình đề nghị xét tặng giải thưởng. Các công trình được đề nghị xét tặng giải thưởng và trình Hội đồng cấp Nhà nước gồm 61 công trình, trong đó có 17 công trình xét tặng Giải thưởng Hồ Chí Minh và 44 công trình xét tặng Giải thưởng Nhà nước. Trước đây, người tham gia có thể đăng ký Giải thưởng Hồ Chí Minh, nếu không đạt thì xuống Giải thưởng Nhà nước. Nhưng hiện nay, nhà khoa học chỉ có được lựa chọn một lần cho công trình tham gia xét thưởng và nếu đã đăng ký nơi khác thì không được tham gia. Nhất là năm nay BTC đã giảm thiểu những thủ tục rườm rà, tăng mức thưởng đối với Giải thưởng Hồ Chí Minh lên gấp 270 lần lương tối thiểu và gấp 170 lần lương tối thiểu đối với Giải thưởng Nhà nước tính tại thời điểm nhận giải. Theo GS, TS khoa học Vũ Minh Giang, Ủy viên Hội đồng cấp Nhà nước xét tặng Giải thưởng Hồ Chí Minh, Giải thưởng Nhà nước về KH&CN, theo quy định hiện hành các công trình/cụm công trình đề nghị xét Giải thưởng Hồ Chí Minh, Giải thưởng Nhà nước về KH&CN đều phải bảo đảm ba tiêu chí cơ bản. Thứ nhất, đó phải là công trình cụm công trình xuất sắc về mặt KH&CN. Mức độ xuất sắc thể hiện ở điểm xuất sắc hay đặc biệt xuất sắc để phân biệt giữa Giải thưởng Hồ Chí Minh và Giải thưởng Nhà nước về KH&CN có tầng mức khác nhau. Thứ hai là phải có đóng góp hiện hữu, rõ ràng về mặt khoa học (được ghi nhận bởi giới khoa học quốc tế, thường thông qua công bố quốc tế bởi các nhà xuất bản hoặc những tạp chí có uy tín cao trên thế giới). Thứ ba là có ý nghĩa thực tiễn đóng góp vào công cuộc xây dựng đất nước, sự nghiệp cách mạng và có hiệu ứng xã hội. Hội đồng quán triệt đây là giải thưởng cao nhất của đất nước về KH&CN. Do đó, tuy số lượng các công trình/cụm công trình được đề nghị xét tặng Giải thưởng Hồ Chí Minh, Giải thưởng Nhà nước về KHCN lần này không nhiều, nhưng thực sự là những công trình trội vượt, được Hội đồng đánh giá cao xứng đáng là những công trình/cụm công trình tiêu biểu cho khoa học Việt Nam thời gian qua. Tiêu biểu như cụm công trình “Các bất biến và cấu trúc của vành địa phương và vành phân bậc” thuộc lĩnh vực toán học do nhóm nghiên cứu của Giáo sư Ngô Việt Trung là một ví dụ điển hình (Giáo sư Ngô Bảo Châu tham gia với tư cách ủy viên Hội đồng). Những kết quả của cụm công trình này đã được công bố trong hơn 200 bài báo trên các tạp chí quốc tế có uy tín; công trình “Ứng dụng các kỹ thuật tiên tiến trong chẩn đoán, điều trị một số bệnh lý mạch não bằng điện quang can thiệp nội mạnh” thuộc lĩnh vực y học do Giáo sư Phạm Minh Thông chủ trì; hay cụm “Công trình nghiên cứu ứng dụng kỹ thuật hiện đại về bức xạ ion hóa trong chẩn đoán, điều trị ung thư và một số bệnh lý khác” do Giáo sư Mai Trọng Khoa chủ trì đều đã đạt tới những công nghệ tân tiến nhất của thế giới hiện nay. Công trình “Lịch sử văn hóa Việt Nam – Tiếp cận bộ phận” của Giáo sư Phan Huy Lê trong lĩnh vực KHXH và NV đã từng được giới khoa học quốc tế đánh giá cao… Cùng với nhiều hình thức tôn vinh khác nhau của Đảng và Nhà nước, giải thưởng Hồ Chí Minh và giải thưởng Nhà nước là một hình thức tôn vinh cao quý nhất đối với những đóng góp của các nhà khoa học thể hiện qua các công trình và cụm công trình. Đây chính là phần thưởng danh giá nhất đối với các nhà khoa học. Giải thưởng Hồ Chí Minh, Giải thưởng Nhà nước về KH&CN được ví như giải thưởng Nobel của Việt Nam góp phần khuyến khích, tạo động lực và điều kiện thuận lợi cho các nhà khoa học, đặc biệt là các nhà khoa học trẻ hoạt động nghiên cứu, đổi mới sáng tạo. Bên cạnh sự tôn vinh các nhà khoa học, hai giải thưởng cao quý này còn mang đến giá trị nhân văn sâu sắc, đề cao giá trị tinh thần trong đời sống xã hội – trụ cột của sự phát triển bền vững. |