Sáng 17/01/2017, tại Phòng họp 2, Trường Đại học Tây Bắc, Dự án SFIRIA “Hỗ trợ cải thiện thu nhập cho người nông dân thông qua tái thiết nông nghiệp tổng hợp khu vực đồi núi” – đã tổ chức Hội nghị tổng kết hoạt động Dự án năm 2016 và kế hoạch năm 2017. Tham gia Hội nghị, về phía chuyên gia Nhật Bản có GS.Yoshihiko Nishimura – Giám đốc Tổ chức Mạng lưới kỹ thuật có sự tham gia của nông dân quốc tế(IFPaT), TS.Sakurai Hai – Đồng GĐ Tổ chức IFPaT; Ông Tomohiro Tabata – Điều phối viên Dự án phía Nhật Bản; TS.Yamakawa Rei – Tình nguyện viên cao cấp tại Trường ĐH Tây Bắc. Về phía đại diện các cơ quan tỉnh Sơn La có Ông Lê Trọng Bình – Phó Chủ tịch Ủy ban Nhân dân Thành phố Sơn La, Bà Cầm Thị Thắm – Phó Giám đốc Trung tâm Khuyến nông tỉnh Sơn La và các ông bà đại diện cho Trạm Khuyến nông Thành phố Sơn La, Ủy ban Nhân dân phường Chiềng Sinh. Về phía Trường Đại học Tây Bắc có TS. Đoàn Đức Lân – Phó Hiệu trưởng Nhà trường, Giám đốc Dự án, TS. Vũ Quang Giảng, Trưởng khoa Nông Lâm, TS. Nguyễn Thị Lan Anh, Trưởng khoa Kinh tế, đại diện lãnh đạo Phòng Khoa học công nghệ và Hợp tác quốc tế, các thành viên trong Ban Quản lý Dự án và các giảng viên, cán bộ tham gia Dự án. Về phía các địa phương thực hiện Dự án có Ông Lèo Văn Long – Trưởng bản Thẳm, phường Chiềng Sinh, thành phố Sơn La và đại diện các hộ nông dân tham gia Dự án.
TS. Đoàn Đức Lân – Phó Hiệu trưởng, Giám đốc Dự án phát biểu tại Hội nghị
Dự án SFIRIA do Cơ quan Hợp tác Quốc tế Nhật Bản (JICA) tài trợ, có sự hỗ trợ của Thành phố Kasama (tỉnh Ibaraki, Nhật Bản), tỉnh Sơn La cùng các bên liên quan. Tổ chức Mạng lưới kỹ thuật có sự tham gia của nông dân quốc tế(IFPaT) phối hợp với Trường Đại học Tây Bắc và các đối tác địa phương triển khai thực hiện Dự án tại bản Thẳm, phường Chiềng Sinh, thành phố Sơn La và bản Tây Hưng, xã Muổi Nọi, huyện Thuận Châu, Sơn La trong thời gian từ tháng 1/2016 – tháng 3/2018.
Hội nghị đã được nghe báo cáo tóm tắt kết quả các hoạt động đã triển khai; kết quả mô hình tại bản Tây Hưng (xã Muổi Nọi, Thuận Châu); kết quả mô hình tại bản Thẳm (phường Chiềng Sinh, thành phố Sơn La). Các báo cáo trình bày những kết quả đạt được trong năm 2016, xác định những thuận lợi, khó khăn trong quá trình thực hiện Dự án và đề xuất các giải pháp để các hoạt động năm 2017 được triển khai thuận lợi và đạt được những kết quả tốt hơn.
ThS. Hoàng Văn Thảnh – Quản lý Dự án trình bày báo cáo Kế hoạch Dự án 2017
Tại Hội nghị đã được nghe các ý kiến phát biểu thảo luận của đại diện nông dân tham gia Dự án, ý kiến phát biểu của đại diện Trung tâm Khuyến nông tỉnh Sơn La, Trạm Khuyến nông thành phố Sơn La và các ý kiến của đại diện Khoa Nông – Lâm, Khoa Kinh tế. Các ý kiến của các đại biểu đều ghi nhận những kết quả mà Dự án đã đạt được, đồng thời đưa ra các ý kiến tư vấn cho các hoạt động tiếp theo của Dự án.
Trên cơ sở báo kết quả năm 2016, Ông Hoàng Văn Thảnh – Quản lý Dự án đã thông qua bản dự thảo kế hoạch hoạt động Dự án năm 2017.
Bà Cầm Thị Thắm – Phó GĐ Trung tâm Khuyến nông tỉnh Sơn La phát biểu tại Hội nghị
GS. Nishimura và TS. Sakurai Hai ghi nhận những kết quả Dự án đã đạt được đồng thời nhấn mạnh nhiệm vụ Dự án là hỗ trợ nông dân; người dân phải chủ động, tích cực thực hiện các hoạt động để đảm bảo tính bền vững của Dự án.
TS. Đoàn Đức Lân – Phó Hiệu trưởng, Giám đốc Dự án kết luận một số nội dung cần tập trung thực hiện trong năm 2017 như sau: sản xuất các sản phẩm đảm bảo an toàn, nâng cao giá trị thông qua hoạt động bảo quản, chế biến; xây dựng nhãn hiệu sản phẩm, hỗ trợ nông dân làm các thủ tục cấp chứng nhận vùng sản xuất an toàn, phương thức tiêu thụ sản phẩm; hỗ trợ nông dân thành lập tổ hợp tác; xây dựng và thông qua các kế hoạch để triển khai các hoạt động đúng tiến độ; tiếp tục tổ chức tập huấn cho nông dân trong nước và tại Nhật Bản, công bố các bài báo khoa học. Ngoài ra, cần xây dựng tinh thần đoàn kết, nhất trí và thống nhất trong các hoạt động của Dự án; góp phần tiếp tục phát triển mối quan hệ hợp tác của tỉnh Sơn La, của Nhà trường với thành phố Kasama, Tổ chức JICA, Tổ chức IFPaT và các đối tác Nhật Bản.