07012025Thứ 3
Last updateThứ 2, 26 10 2020 11am

TRUYỀN THỐNG “TÔN SƯ TRỌNG ĐẠO”

0
0
0
s2smodern
powered by social2s

Tôn sư trọng đạo” là vẻ đẹp truyền thống của dân tộc Việt Nam.

Từ xưa đến nay, ở nước ta có không ít những những bậc thầy mẫu mực, uyên thâm, hiểu sâu, biết rộng, tiêu biểu như: Chu Văn An – được coi là “bậc thầy” của thiên hạ; Nguyễn Trãi – không chỉ là linh hồn của cuộc khởi nghĩa Lam Sơn, “danh thần” của nhà Lê mà ông còn được thế giới tôn vinh là “Danh nhân văn hóa thế giới” (1981); Nguyễn Du – nghiệp dạy học và sự nghiệp thơ văn của ông “ăn mòn” cả thời gian và Truyện Kiều đã trở thành vốn trí tuệ của dân tộc và nhân loại; Nguyễn Bỉnh Khiêm – tường tận sự đời, đoán trước được thời thế - trở thành “Trạng Trình” của nước Việt. Đặc biệt, với hoài bão ước mơ: “Tự do cho đồng bào tôi, độc lập cho Tổ quốc tôi đó là tất cả những gì tôi muốn, tất cả những gì tôi cần” thầy Nguyễn Tất Thành đã bước chân ra đi tìm đường cứu nước giải phóng dân tộc và Người đã lựa chọn được con đường cứu nước giải phóng dân tộc duy nhất đúng đắn cho dân tộc Việt Nam.

Lớp học của thầy Đồ Nho xưa (Nguồn: Internet)

Trong lịch sử giáo dục nước nhà từ xưa đến nay, đã có không ít những học trò vừa siêng năng học tập, lại nhất mực cung kính với thày “Nhất tự vi sư, bán tự vi sư” (một chữ cũng là thày, nửa chữ cũng là thày). Một trong số những tấm gương tiêu biểu đó là:

+ Lê Văn Thịnh - người học trò nghèo vùng Gia Lương, Hà Bắc, nổi tiếng thông minh, ham học, ông đã đọc không dưới 1 vạn cuốn sách, uyên thâm các lĩnh vực, thực có tiếng là hiểu sâu, biết rộng hiếm ai sánh bằng. Ông đã đỗ đầu Kỳ thi năm 1075 do nhà Lý tổ chức tại Văn Miếu và làm đến quan Tư đồ ở Quốc Tử giám, sau đó được thăng đến chức Thái sư trong triều. Tuy đỗ đạt thành tài làm đến chức Thái sư nhưng khi về thăm thày học ông vẫn nhất mực cung kính khoanh tay, quỳ gối xưng con với thày.

+ Lê Quát - quan đại thần của triều Trần, là học trò của Chu Văn An, sau khi đỗ đạt thành tài, Lê Quát đã làm quan ở Viện Hàn lâm, năm 1359 ông được thăng chức Phụng chỉ. Vốn tài giỏi, nhanh nhẹn, lại thanh liêm nên Ông được thăng chức rất nhanh, làm đến chức Nhập nội Hành khiển, Thượng thư Hữu bật, rồi làm đến chức Hữu bộc xạ… Tuy đã trở thành quan đại thần trong triều, bận trăm công nghìn việc, nhưng năm nào Ông cũng về thăm thày cũ và bao giờ cũng vậy Ông đều cung kính quỳ gối, khoanh tay và vẫn xưng con với thày.

+ Phạm Sư Mạnh đồng môn của Lê Quát và cũng là học trò của cụ Chu Văn An. Thuở còn đi học, Phạm Sư Mạnh nổi tiếng là thông minh, có trí nhớ lâu bền, tính cách lại siêng năng, khiêm tốn, lễ độ nên rất được mọi người quí mến. Phạm Sư Mạnh đã đỗ Thái học sinh và được làm quan ở Sảnh, Viện. Sau khi đi sứ nhà Nguyên trở về ông được thăng chức Tham Chính khu Mật viện, sau đó lại làm đến chức Nhập nội Hành khiển tri khu Mật viện sự, rồi làm đến chức Hành khiển tả ty lang trung… Tuy công việc bộn bề nhưng năm nào ông cũng về thăm thày học và bao giờ cũng thế vẫn nhất mực cung kính quỳ gối, xưng con với thày…

Tất cả những tấm gương tiêu biểu đó đã góp phần làm rạng rỡ truyền thống tốt đẹp “Dạy không biết mỏi, học không biết chán” của dân tộc Việt Nam.

Phát huy truyền thống tốt đẹp “Tôn sư trọng đạo” của dân tộc, trong thời kỳ hội nhập của đất nước ta hôm nay, thực hiện lời dạy của Chủ tịch Hồ Chí Minh: “Vì lợi ích mười năm thì phải trồng cây, vì lợi ích trăm năm thì phải trồng người”, và “Non sông Việt Nam có trở nên vẻ vang được hay không, dân tộc Việt Nam có được sánh vai cùng các cường quốc năm châu được hay không đó là nhờ một phần vào công lao học tập của các em”. Đảng ta coi giáo dục là “Quốc sách hàng đầu” - nhân tố quyết định tới chất lượng và sự phát triển của giáo dục nước nhà đã được xã hội ta hết sức quan tâm.

vi loi ich  anh
            Bác Hồ trò chuyện với học sinh Trường thiếu nhi rẻo cao khu tự trị Việt Bắc năm 1960 (Nguồn: Internet)

Ngày nay, cùng với sự hưng thịnh của đất nước, cả dân tộc thống nhất chung định hướng xây dựng “xã hội học tập”, sự học đã trở thành nhu cầu bức thiết của mỗi người, mỗi nhà, nghề dạy học vẫn được cả xã hội “Tôn vinh”. Lớp lớp tuổi trẻ Việt Nam hôm nay, vượt qua mọi khó khăn gian khổ, siêng năng học tập, nghiên cứu và đã chiếm lĩnh được những đỉnh cao khoa học. Sự kiện Ngô Bảo Châu giành giải “Nobel toán học” Fields năm 2010 khiến cả thế giới phải khâm phục và nhiều người cũng đã giành được Huy chương Vàng trong các kỳ thi Toán, Vật lí, Hóa học, Tin học quốc tế… mang vinh quang về cho đất nước, làm rạng danh cho dân tộc. Năm 2016, đã xuất hiện những tấm gương sáng trong học tập và nghiên cứu từ đội ngũ giảng viên trẻ như Phó Giáo sư trẻ Trần Xuân Bách - Trường Đại học Y Hà Nội với những cống hiến lớn cho nề y học nước nhà nhiều kết quả nghiên cứu khả thi ứng dụng phục vụ cộng đồng.

Ngày Nhà giáo Việt Nam 20.11 ngày nay (Nguồn: Internet)

Thế nhưng, trong xã hội ta hôm nay vẫn có những quan niệm không đúng về nghề dạy học và trong ngành giáo dục của chúng ta hôm nay cũng không phải không có những người “thày không ra thày” và đau lòng hơn là vẫn có tình trạng học sinh chửi, đánh thày, cô giáo ở ngay trên bục giảng… Tất cả những chuyện đau lòng đó đã làm hoen ố truyền thống tốt đẹp “Tôn sư trọng đạo” của dân tộc.

Vì thế, để giữ gìn truyền thống “Tôn sư trọng đạo” tốt đẹp của dân tộc, cố Giáo sư Trần Quốc Vượng có nói: “Các nhà giáo dục vẫn cần phải được giáo dục”./.