07012025Thứ 3
Last updateThứ 2, 26 10 2020 11am

HƯỞNG ỨNG “NGÀY PHÁP LUẬT NƯỚC CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM”

0
0
0
s2smodern
powered by social2s

Trong quá trình xây dựng Luật Phổ biến, giáo dục pháp luật, theo đề xuất của Chính phủ, Quốc hội đã quyết định đưa vào Luật Phổ biến, giáo dục pháp luật (quy định tại điều 8 Luật Phổ biến giáo dục pháp luật năm 2012), ngày 9-11 hằng năm là “Ngày Pháp luật Nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam”.

Lý do chọn ngày 9/11 vì đây là ngày Hiến pháp đầu tiên của Nhà nước ta được thông qua (ngày 09/11/1946). Với ý nghĩa đó, Ngày pháp luật được tổ chức nhằm tôn vinh Hiến pháp, pháp luật, giáo dục ý thức thượng tôn pháp luật cho mọi người trong xã hội.

Năm 2013 là năm đầu tiên tổ chức thực hiện “Ngày Pháp luật Nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam” trong phạm vi toàn quốc và cũng là năm ghi nhận một sự kiện rất quan trọng trong đời sống chính trị - pháp lý của đất nước, đó là việc toàn dân tích cực tham gia đóng góp ý kiến xây dựng Hiến pháp (sửa đổi) của thời kỳ đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước, hội nhập quốc tế.

Ngày Pháp luật được tổ chức với các nội dung như: Khẳng định vị trí, vai trò của Hiến pháp, pháp luật trong quản lý nhà nước và đời sống xã hội; giáo dục cán bộ, công chức, viên chức và người dân ý thức tôn trọng và chấp hành kỷ luật; ý thức bảo vệ pháp luật; lợi ích của việc chấp hành pháp luật.

Năm 2013, “Ngày Pháp luật nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam” có chủ đề "Toàn dân xây dựng, thi hành và bảo vệ Hiến pháp vì mục tiêu dân giàu, nước mạnh, dân chủ, công bằng, văn minh”.

Ngành Giáo dục đã khởi đầu hưởng ứng “Ngày pháp luật nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam” với những bước đi trọng tâm và duy trì sự chỉ đạo thường xuyên đối với các cơ sở giáo dục và đào tạo.

Ngày 24 tháng 10 năm 2013, Bộ Giáo dục và Đào tạo ban hành Kế hoạch số 1321/KH-BGDĐT về tổ chức thực hiện “Ngày Pháp luật nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam” trong ngành Giáo dục năm 2013, với mục tiêu cụ thể là: Tổ chức triển khai có hiêụ quả các quy định của Ngày Pháp luật theo quy định của Luật Phổ biến, giáo dục pháp luật và các văn bản hướng dẫn thi hành đến nhà giáo, người học, cán bộ quản lý trong ngành giáo dục, đồng thời nâng cao nhận thức của toàn ngành về mục đích, ý nghĩa của Ngày Pháp luật để nâng cao ý thức chấp hành pháp luật trong cán bộ, giáo viên, học sinh và sinh viên, đưa “không khí pháp luật” vào từng giảng đường, lớp học và các hoạt động chính khóa cũng như ngoại khóa ở các cơ sở giáo dục trên toàn quốc.

Theo chỉ đạo của Bộ GD&ĐT, có thể tổ chức “Ngày Pháp luật nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam” trong ngành Giáo dục dưới các hình thức: Tổ chức phổ biến, giáo dục pháp luật thông qua mít tinh, tổ chức hội nghị, hội thảo, tọa đàm, thi tìm hiểu pháp luật, triển lãm...Lồng ghép nội dung phổ biến, giáo dục pháp luật với các hoạt động thực hiện các cuộc vận động như: “Học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh”. Tổ chức tuần lễ tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật bằng các hoạt động tuyên truyền cổ động trực quan thông qua hệ thống áp phích, panô, băng rôn theo chủ đề, khẩu hiệu. Các đơn vị tùy theo tình hình thực tiễn triển khai thực hiện “Ngày Pháp luật nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam” thông qua các hình thức khác phù hợp với quy định của pháp luật.

Riêng năm 2013, Bộ GD&ĐT yêu cầu việc triển khai thực hiện Ngày Pháp luật phải được thực hiện đồng bộ, gắn kết chặt chẽ với nhiệm vụ trọng tâm về xây dựng và thi hành văn bản quy phạm pháp luật về giáo dục. Thời gian triển khai từ ngày 4/11/2013 đến ngày 10/11/2013; trong đó tổ chức cao điểm vào ngày 9/11/2013. Các năm sau đó, Bộ đều có văn bản chỉ đạo, hướng dẫn nội dung và hình thức tổ chức “Ngày pháp luật nước Cộng hoà xã hội chủ nghĩa Việt Nam”.

Hưởng ứng “Ngày pháp luật nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam”, đồng thời thực hiện có hiệu quả các văn bản chỉ đạo của Đảng, Nhà nước, Bộ Giáo dục và Đào tạo, Trường Đại học Tây Bắc đã ban hành Kế hoạch số 2021/KH-ĐHTB ngày 31/10/2013 về việc tổ chức “Ngày pháp luật nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam”, với trọng tâm là: Tuyên truyền sâu rộng ý nghĩa của “Ngày pháp luật nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam”; tăng cường phổ biến các văn bản pháp luật liên quan đến công tác giáo dục và đào tạo, nhất là các quy định về quyền và nghĩa vụ của nhà giáo, người học và cán bộ quản lý, nhằm nâng cao nhận thức, ý thức trách nhiệm của cán bộ, giảng viên, người học, góp phần tạo sự ổn định môi trường giáo dục, nâng cao chất lượng giáo dục và đào tạo.

Từ năm 2014 đến nay, Nhà trường duy trì thường xuyên các hoạt động phối hợp phổ biến giáo dục pháp luật, trong đó “Ngày Pháp luật nước Công hoà xã hội chủ nghĩa Việt Nam” - ngày 09 tháng 11 hàng năm đều tổ chức các hoạt động chủ điểm: tổ chức phổ biến các văn bản pháp luật tại từng đơn vị trực thuộc, tham gia thi tìm hiểu phpas luật tại Học viện Biên phòng, tổ chức thi tìm hiểu kiến thức pháp luật do Công đoàn cơ sở chủ trì năm 2014 và năm 2015, tham dự cuộc thi tìm hiểu pháp luật do Công đoàn Giáo dục Việt Nam tổ chức năm 2015 đạt giải đặc biệt.

Năm 2016, Nhà trường tổ chức các hoạt động phối hợp phổ biến, giáo dục pháp luật trong đó trọng tâm nhằm phục vụ cuộc bầu cử đại biểu Quốc hội khoá XIV và đại biểu Hội đồng nhân dân các cấp nhiệm kỳ 2016 - 2021. Công tác phổ biến giáo dục pháp luật của Nhà trường đã góp phần nâng cao nhận thức của công dân cán bộ, công chức, viên chức và học sinh, sinh viên, góp phần vào sự thành công của cuộc bầu cử tại địa bàn tỉnh Sơn La.

Việc tổ chức Ngày Pháp luật hàng năm thực sự trở thành sự tiếp nối đợt sinh hoạt chính trị - pháp lý sâu rộng, nhằm tôn vinh hiến pháp, pháp luật, đề cao tinh thần thượng tôn pháp luật, nâng cao và phát huy ý thức tôn trọng và chấp hành pháp luật của cán bộ, công chức, viên chức và nhân dân trong thực hành “Sống và làm việc theo Hiến pháp và pháp luật”, nâng cao ý thức bảo vệ pháp luật, góp phần tạo chuyển biến mới về chất lượng công tác phổ biến, giáo dục pháp luật, nâng cao hiệu quả thực thi pháp luật trong tình hình mới./.