Mới đây, tại hội nghị triển khai đề án dạy, học ngoại ngữ trong hệ thống giáo dục quốc dân, Bộ trưởng Giáo dục và Đào tạo Phùng Xuân Nhạ khẳng định: “Điều quan trọng trong đổi mới nâng cao trình độ, năng lực ngoại ngữ là chuyển từ áp lực thành động lực trong dạy và học, có như vậy mới đạt hiệu quả”. |
Khẳng định của người đứng đầu ngành giáo dục gợi lên nhiều điều suy nghĩ. Bởi lâu nay, không chỉ trong dạy, học ngoại ngữ mà trong đổi mới giáo dục nói chung, việc thầy, trò bị gây áp lực trong dạy học, hoạt động chuyên môn xảy ra như “chuyện thường ngày ở huyện”. Điển hình như quy định đội ngũ nhà giáo cần có trình độ năng lực ngoại ngữ, tin học là phù hợp với quá trình đổi mới và hội nhập. Tuy nhiên, việc nâng cao trình độ tin học, ngoại ngữ không thể triển khai một cách cào bằng, ép buộc mà cần tạo điều kiện thuận lợi nhất để tự thân mỗi giáo viên thấy được nhu cầu về trình độ tin học, ngoại ngữ để phục vụ nghiệp vụ chuyên môn, từ đó tạo động lực trong đổi mới giáo dục. Vậy nhưng quá trình triển khai ở nhiều địa phương lại tạo áp lực nặng nề cho giáo viên khiến họ không thể chuyên tâm, đổi mới dạy và học. Ngay tại Hà Nội, thời gian gần đây hàng loạt giáo viên được yêu cầu đi học để có chứng chỉ tin học, ngoại ngữ tốn cả chục triệu đồng. Trong khi đó, nhiều giáo viên hợp đồng lương chỉ ở mức tối thiểu hơn một triệu đồng/tháng. Nhiều giáo viên chỉ biết thở dài, bởi khi phải chi mấy tháng lương cho hai chứng chỉ tin học, ngoại ngữ thì không biết lấy gì nuôi con? Một số khác ngao ngán vì không đi học thì bị “bắn tin” rằng sẽ cho nghỉ việc vì không đủ tiêu chuẩn. Hơi sức đâu để đổi mới nữa? Vậy là nhiều giáo viên chống chế, thậm chí sử dụng cả giải pháp tiêu cực cốt chỉ để có chứng chỉ cho “hợp thức hóa” nhưng trình độ, năng lực ngoại ngữ, tin học không được nâng lên chút nào. Thế nên mới xảy ra tình trạng, trình độ đạt chuẩn thì khá nhiều nhưng năng lực thực chất thì không có, khiến đổi mới giáo dục cứ luẩn quẩn, thiếu hiệu quả. Có thể nói, việc nâng cao trình độ chuyên môn nghiệp vụ, tăng cường trình độ ngoại ngữ, tin học cho đội ngũ nhà giáo nhằm thực hiện thành công đổi mới giáo dục là cần thiết. Tuy nhiên, việc triển khai ở các cấp quản lý cơ sở giáo dục cần gắn với thực tiễn, tạo thuận lợi cho đội ngũ giáo viên. Nếu chỉ tạo áp lực bằng mệnh lệnh hành chính mà không giúp đội ngũ có động lực vươn lên thì đổi mới giáo dục thật khó đạt hiệu quả thiết thực. |
GIANG SƠN |