07012025Thứ 3
Last updateThứ 2, 26 10 2020 11am

TRƯỜNG ĐẠI HỌC TÂY BẮC THAM DỰ HỘI THẢO KHOA HỌC “XÂY DỰNG ĐỜI SỐNG VĂN HÓA NÔNG THÔN MỚI KHU VỰC VÙNG NÚI PHÍA BẮC”

0
0
0
s2smodern
powered by social2s

Trong khuôn khổ chương trình tổng kết phong trào xây dựng đời sống văn hóa nông thôn mới giai đoạn 2010 – 2015, cùng với hoạt động Triển lãm và Trao giải cuộc thi ảnh “Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa nông thôn mới”, ngày 07/10/ 2016 tại Hội trường Ủy ban nhân dân tỉnh Sơn La, Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch phối hợp cùng Ủy ban nhân dân tỉnh Sơn La tổ chức Hội thảo khoa học “Xây dựng đời sống văn hóa nông thôn mới khu vực vùng núi phía Bắc”.

Tham dự tại Hội thảo, NGƯT.TS. Nguyễn Văn Bao – Bí thư Đảng ủy, Hiệu trưởng Trường Đại học Tây Bắc có bài tham luận về “Vai trò của Trường Đại học Tây Bắc với xây dựng nông thôn mới khu vực Tây Bắc Việt Nam”. Trên cơ sở tổng kết kinh nghiệm phục vụ xây dựng nông thôn mới ở Trường Đại học Tây Bắc, phân tích những khó khăn tồn tại, TS. Nguyễn Văn Bao đã đưa ra kiến nghị và đối sách tương ứng mà một trường đại học khu vực có thể cống hiến cho sự nghiệp xây dựng nông thôn mới ở khu vực Tây Bắc. Trong bài tham luận của mình tác giả đã nhấn mạnh: “Trong bối cảnh đô thị hóa và hiện đại hóa nông thôn hiện nay, cần một lượng lớn nhân lực chất lượng cao, các trường Đại học và Cao đẳng trong vùng cũng cần xác định và làm rõ mục tiêu phát triển, chủ động thích nghi với các nhu cầu phát triển kinh tế xã hội của khu vực, gánh vác vai trò phục vụ cho xây dựng nông thôn mới, gánh vác sứ mệnh lịch sử đào tạo nhân tài cho sự nghiệp xây dựng nông thôn mới, thực hiện phát triển bền vững giáo dục đào tạo chuyên nghiệp”.

Bài tham luận tập trung phân tích vai trò của các trường đại học trong công cuộc xây dựng nông thôn mới trong việc đào tạo nhân lực có trình độ chất lượng cao, phù hợp với yêu cầu phát triển của nông thôn. Đây vừa là trách nhiệm vừa là vinh dự của các trường đại học nói chung và trường đại học vùng nói riêng. Tuy  nhiên, hiện nay các trường đại học và cao đẳng vùng gặp không ít khó khăn trong quá trình tham gia xây dựng nông thôn mới như thiếu kinh phí hoạt động, cơ sở vật chất thiếu đồng bộ, nội dung đào tạo và chất lượng một số cán bộ trong trường chưa bắt kịp với yêu cầu xây dựng nông thôn mới, sinh viên có tư tưởng ly nông, ly hương, đặc biệt các hạng mục xây dựng nông thôn mới thiếu dự toán kinh phí và quy hoạch danh mục ngành nghề cho các trường đại học, cao đẳng tham gia xây dựng nông thôn mới, cũng như thiếu cơ chế động viên, khích lệ các trường đại học, cao đẳng tham gia xây dựng nông thôn mới. Cơ chế sáng tạo kỹ thuật nông nghiệp chưa hoàn thiện, dẫn đến hiệu quả chuyển giao công nghệ, kết quả nghiên cứu khoa học của các trường đại học, cao đẳng còn thấp. Để khắc phục những khó khăn trên, tác giả đề xuất một số giải pháp để các trường đại học cao đẳng vùng khắc phục khó khăn nội tại, nắm bắt thời cơ hiếm có mở rộng không gian phát triển và thực hiện phát triển bền vững giáo dục chuyên nghiệp. Đồng thời, tác giả cũng đưa ra một số kiến nghị để các cơ quan ban ngành có liên quan cần phát huy vai trò chủ đạo, hoàn thiện cơ chế hạng mục xây dựng nông thôn mới, cung cấp sự đảm bảo về chính sách và sự trợ giúp về trí tuệ cho các trường đại học, cao đẳng vùng tham gia xây dựng nông thôn mới.

Tham luận của TS. Nguyễn Hoàng Yến, TS. Trần Hạnh Nguyên với chủ đề“Vài nét về di dân thủy điện và xây dựng nông thôn mới ở Sơn La” lại phân tích mối quan hệ giữa phương thức tái định cư và hình thức tồn tại của văn hóa di dân thủy điện Sơn La, phân tích đặc điểm tâm lý của di dân thủy điện. Trên cơ sở đó đề xuất một số kiến nghị và giải pháp nhằm kết hợp xây dựng thôn bản di dân tái định cư với xây dựng nông thôn mới. Trong bài viết, các tác giả đã căn cứ vào vị trí các điểm tái định cư để chia di dân thủy điện Sơn La thành bốn loại: tái định cư tại chỗ, tái định cư nông thôn, tái định cư tại khu vực ngoại ô và tái định cư ở thành phố, thị trấn. Từ đó chỉ ra quá trình thích nghi với văn hóa tại khu vực tái định cư của di dân thường có ba hình thức: văn hóa di dân bị văn hóa điểm tái định cư đồng hóa; Văn hóa di dân không thể hòa nhập với văn hóa khu vực tái định cư, mà bị ngoại diên hóa; Văn hóa di dân kết hợp với văn hóa khu vực tái định cư hình thành một xã hội đa văn hóa. Trên cơ sở những hiểu biết về hình thức thích nghi và biến đổi văn hóa cũng như đặc điểm tâm lý của di đân thủy điện Sơn La, các tác giả đưa ra một số giải pháp kết hợp xây dựng thôn bản di dân tái định cư và xây dựng nông thôn mới như tuyên truyền, giáo dục làm thay đổi quan niệm của di dân, đặt nền móng cho công cuộc xây dựng nông thôn mới; thông qua thành lập hương ước, xây dựng khung văn hóa nông thôn mới; khai thác tài nguyên văn hóa bản địa, xây dựng không gian văn hóa nông thôn mới.

Trong tham luận tự do, ThS. Nguyễn Trung Kiên giảng viên Khoa Ngữ văn Trường Đại học Tây Bắc lại đưa ra ý kiến “Nhà nước cần xây dựng những chính sách phù hợp để bảo tồn và phát triển văn hóa vùng dân tộc thiểu số, đặc biệt cần phải chú trọng vấn đề bảo vệ các nguồn tài nguyên như rừng, nguồn nước… để đảm bảo xây dựng nông thôn mới nhưng không làm mai một đi các phong tục tập quán tốt đẹp của đồng bào”.

Các bài tham luận của Trường Đại học Tây Bắc đã nhận được sự quan tâm của nhiều nhà nghiên cứu, nhà khoa học tham dự Hội thảo bởi các phát biểu trên không chỉ đề cập đến những vấn đề thời sự hiện nay như di dân thủy điện và xây dựng nông thôn mới, các trường đại học cao đẳng nghề và xây dựng nông thôn mới, tài nguyên và văn hóa các dân tộc địa phương với xây dựng nông thôn mới… mà còn phản ánh một cách chân thực về thực trạng xây dựng đời sống văn hóa nông thôn mới, đồng thời  là một đóng góp mang tính gợi mở hướng nghiên cứu mới cho khu vực Tây Bắc nói chung và tỉnh Sơn La nói riêng, góp phần đưa công cuộc xây dựng đời sống văn hóa nông thôn mới Khu vực phía Bắc lên một tầm cao mới.

Một số hình ảnh tại Hội thảo:

TS. Phạm Văn Thủy – Phó Chủ tịch UBND tỉnh Sơn La phát biểu khai mạc Hội thảo

         

PGS.TS. Nguyễn Văn Cương  - Hiệu trưởng Trường Đại học Văn Hóa

             

Đồng chí Nguyễn Trung Kiên, giảng viên khoa Ngữ văn Trường Đại học Tây Bắc  phát biểu tại Hội thảo