04282025Thứ 2
Last updateThứ 2, 26 10 2020 11am

KHỞI NGHIỆP CÙNG ĐẤT NƯỚC

0
0
0
s2smodern
powered by social2s

Có một nhà thơ khi so sánh con người và muôn loài đã viết:

         Cây cối truyền mai sau bằng chồi non lộc biếc,

         Muông thú truyền kiếp tới bằng đàn con lớn khôn.

         Cây và con cứ thế sinh tồn

         Như hạn hữu vòng đời bất biến.

         Còn con người,

         Truyền cho nhau qua từng con chữ.

         Ngay từ thuở hồng hoang tiền sử,

         Đã cháy lên những khát vọng đổi đời.

        Ham-let, nhân vật nổi tiếng trong tác phẩm kịch cùng tên của Nhà soạn kịch vĩ đại Secxpia cũng từng thốt lên: Con người mới cao quý làm sao! Trong hành động thật như Thiên Thần, về trí tuệ ngang tài Thượng Đế, vẻ đẹp của thế gian, kiểu mẫu của muôn loài!.

        Con người khác muôn loài chính là ở khát vọng chinh phục. Khát vọng đổi thay để ngày mai tốt hơn hôm qua và hôm nay luôn là bản chất của con người. Khát vọng ấy trở thành động lực để con người sáng tạo, biến đổi, kiến tạo, xây dựng không ngừng để luôn cho một mục đích làm cho cuộc sống ngày một tốt đẹp hơn. Lịch sử loài người là vậy, thời toàn cầu hóa, thời của thế giới phẳng, của bão thông tin, của khoa học công nghệ, thời của mỗi một phút giây là bao ý tưởng công nghệ mới ra đời, bao công nghệ trở nên lạc hậu, nhiều robot thay thế việc con người… thì khát vọng ấy càng mãnh liệt. Khát vọng ấy chính là tinh thần khởi nghiệp. Tinh thần này ở mỗi thời kỳ một khác, song tinh thần này cần cho tất cả mọi người, mọi lứa tuổi, nhưng ưu việt hơn là dành cho tuổi trẻ. Thomas L. Fiedman, tác giả của Thế giới phẳng, có nói với 2 cô con gái rằng: Bố bây giờ đã 60 tuổi rồi. Ngày xưa sau khi tốt nghiệp đại học, điều quan trọng nhất là bố cần tìm được một việc làm. Ngày nay các con không phải tìm việc nữa mà phải tự sáng tạo ra việc làm. Đó là sự khác biệt lớn nhất giữa hai thời kỳ. Và ông nói với mọi người: các bạn có thể tìm được một việc làm đâu đó nhưng nếu các bạn không sáng tạo, đổi mới không ngừng thì một ngày nào đó các bạn sẽ mất việc.

        Thế giới ngày nay đang bùng nên tinh thần khởi nghiệp và rất mạnh mẽ ở các quốc gia phát triển. Nhiều quốc gia như Israel, Nhật Bản, Singapore, Hàn Quốc…. Các quốc gia này đều có những chiến lược và đầu tư mạnh mẽ cho phong trào khởi nghiệp. Ở đó chính phủ, các tổ chức, các doanh nghiệp đều dành những ưu tiên quan trọng cho việc phát triển tinh thần khởi nghiệp và họ đặc biệtchú ý tới các trường học kể cả phổ thông và đại học. Nhà trường chính là nơi đào tạo các chủ nhân tương lai của xã hội. Với tinh thần dám nghĩ dám làm như vậy nên Isarael, Nhật Bản, Singpore… giờ đã là những cường quốc kinh tế của thế giới. Họ có những sản phẩm độc đáo mà thế giới ngưỡng mộ. Ngay Trung Quốc, một đất nước đông dân nhất ngay cạnh chúng ta đã từng là một nước nghèo khó, lạc hậu. Song, nhờ chính sách khởi nghiệp đúng đắn mà giờ đây họ trở thành nền kinh tế lớn thứ hai thế giới, số lượng tỉ phú của họ xếp hàng đầu trên cả Hoa Kỳ. Người giàu nhất Trung Quốc hiện nay đã có gần 32 tỉ USD.

       Đất nước Việt Nam của chúng ta đã mất quá nhiều thời gian cho cuộc đấu tranh gian khổ giành độc lập. Giờ đây, hơn lúc nào hết chúng ta mong muốn được chung tay xây dựng đất nước ngày càng “ Đàng hoàng hơn, to đẹp hơn” như  mong muốn của Bác Hồ kính yêu. Tuy nhiên, chúng ta đã qua một thời gian dài chưa đẩy mạnh được phong trào khởi nghiệp. Lý do, một mặt chúng ta bị ảnh hưởng của tư tưởng coi thường thương nghiệp, khinh thường thương gia; một phần, chúng ta ảnh hưởng của một thời bao cấp với chủ nghĩa bình quân; tư tưởng nông dân với thói quen tự cung tự cấp. Tất cả đã cản ngăn sức sáng tạo,cản ngăn tư tưởng khởi nghiệp, ngăn cản khát vọng làm giàu.

       Ngày nay, sau hơn 30 năm đổi mới, chúng ta đã có cách nhìn mới. Đảng và Nhà nước đã tạo mọi điều kiện, khuyến khích mọi thành phần tham gia làm kinh tế. Các doanh nhân được tôn vinh. Tinh thần khởi nghiệp được phát động, khuyến khích, được tạo mọi điều kiện phát triển. Luật doanh nghiệp đã ra đời. Ngày 13 tháng 10, ngày Bác Hồ gửi thư cho công thương Việt Nam được chọn làm Ngày doanh nhân hàng năm.  Năm 2016 được Chính phủ chọn là năm Quốc gia khởi nghiệp.

       Được “cởi trói” nhiều lĩnh vực, trong đó có lĩnh vực làm giàu nên tinh thần khởi nghiệp mấy năm gần đây phát triển ngày càng mạnh mẽ. Đóng góp tạo nên phong trào này, Phòng thương mại và Công nghiệp Việt Nam là một trong những đơn vị tổ chức đi đầu trong việc kết nối, thúc đẩy các phong trào khởi nghiệp. Giáo dục và đào tạo cũng là một trong những thành tố quan trọng tạo nên hệ sinh thái khởi nghiệp. Giáo dục và đào tạo cung cấp kiến thức, kỹ năng tổ chức, trải nghiệm, nghiên cứu, truyền đạt các kinh nghiệm sáng tạo, khơi gợi các ý tưởng sản xuất, kinh doanh… Các trường học cả phổ thông lẫn đại học đều là nơi được quan tâm để phát động tinh thần khởi nghiệp. Nhiều trường đã làm rất tốt không chỉ truyền đạt kiến thức mà còn khuyến khích tạo điều kiện để học sinh, sinh viên hình thành, thử nghiệm nhiều hình thức tập sự kinh doanh như lập chiến lược kinh doanh, mô hình kinh doanh, quản trị nhân sự, kĩ năng làm việc nhóm… Nhiều trường đã tổ chức các cuộc thi khởi nghiệp để học sinh, sinh viên thực hiện ý tưởng của mình.

        Trường Đại học Tây Bắc những năm gần đây đã xác định rõ triết lý đào tạo: “Vững lý thuyết, giỏi thực hành, nhanh vào thực tiễn” với mong muốn sinh viên ra trường nhanh chóng biết vận dụng kiến thức của mình vào sản xuất, kinh doanh làm giàu. Trong đào tạo, ngoài việc cải tiến chương trình cho phù hợp thực tiễn còn cho sinh viên thuần thục học theo học chế tín chỉ, loại hình rèn luyện tính chủ động, sáng tạo, tính kỷ luật và hợp tác. Bên cạnh những kiến thức khoa học, sinh viên được cho đi sát thực tế để rèn luyện, để hiểu yêu cầu thực tiễn. Các hoạt động ngoại khóa được tăng cường. Nhiều khoa, nhiều phòng ban đã chủ động sáng tạo để tạo tăng thêm thu nhập. Các mô hình doanh nghiệp trong sản xuất, kinh doanh được thử nghiệm như Nhà ăn sinh viên, Trung tâm nghiên cứu và chuyển giao công nghệ, Trung tâm kinh tế, Trung tâm tin học và ngoại ngữ... Các đề tài nghiên cứu khoa học phục vụ sản xuất như trồng các loại rau củ quả của các đề tài Dự án Nâng cao năng lực giảng viên góp phần phát triển bền vững nông thôn Tây Bắc do JICA tài trợ. Đề tài bảo tồn giống gà đen, sản xuất thịt bò khô, trồng rau trong nhà lưới, nhà kính, nuôi cá lòng hồ sông Đà… Các việc trên tuy chưa nhiều nhưng cũng đã phần nào khuyến khích cán bộ, giảng viên, sinh viên tham gia tinh thần khởi nghiệp. Trong phong trào này đã có nhiều cán bộ, giảng viên, sinh viên thành công trong việc tạo công ăn việc làm, tạo thu nhập để nâng cao đời sống cho mình, gia đình và nhiều người khác. Các tấm gương tinh thần khởi nghiệp của TS Cao Đình Sơn, Ths Vũ Mạnh Cường, TS Hoàng Xuân Trọng, Ths Đặng Thị Yên, cựu sinh viên Ngô Xuân Cảnh, Nguyễn Anh Tuấn đã có công ty nấm cung cấp 70% cho thị trường nấm Sơn La, Đỗ Xuân Đức, Là Văn Phong những doanh nghiệp về công nghệ thông tin…. Tuy nhiên, do xa các trung tâm khoa học, công nghệ, là một trường trẻ, nên việc tạo môi trường hình thành hệ sinh thái khởi nghiệp tại Trường ĐHTB còn nhiều hạn chế như mô hình chưa nhiều, chưa rõ nét, sức thuyết phục trong tạo sản phẩm, tạo thu nhập chưa cao, chương trình đào tạo chư rõ nét về hướng dẫn khởi nghiệp, nhiệt huyết truyền dẫn, kích thích khởi nghiệp chưa mạnh mẽ vì giảng viên còn thiếu kinh nghiệm thực tiễn… Đây sẽ là những vấn đề để Trường ĐHTB nghiên cứu, chỉnh sửa và có những hướng đi ngày càng thiết thực giúp cho phong trào khởi nghiệp ngày một phát triển mạnh mẽ.

        Tuy chưa thật sự vững mạnh trong phong trào khởi nghiệp,nhưng những việc làm trên của Trường ĐHTB đã thực sự tạo ra dấu ấn, tạo ra con đường để thầy và trò Nhà trường tiến bước. Tinh thần này sẽ ngày càng mạnh mẽ, thấm sâu trong cả đào tạo, NCKH, chuyển giao công nghệ… để tất cả cùng hướng tới việc ngày càng hoàn thiện việc cung cấp kiến thức, rèn luyện kĩ năng cho sinh viên để họ, những chủ nhân tương lai của vùng Tây Bắc, khi ra Trường sẽ bùng lên khát vọng tạo nghiệp, làm giàu xây dựng quê hương đất nước ngày càng giàu đẹp. Chúng ta tin tưởng trong một tương lai gần, trong số những sinh viên của Trường ĐHTB hôm nay sẽ có những Phạm Nhật Vượng, Đoàn Nguyên Đức, Đặng Lê Nguyên Vũ, Trương Gia Bình. Và tấm gương đâu xa, ông Lê Thanh Thản từ Lai Châu khởi nghiệp giờ đã là chủ tịch Tập đoàn Mường Thanh hùng mạnh. Trước hết, tôi muốn chúng ta hãy say mê, nhiệt huyết giống như những Hai Lúa đầy sáng tạo…  Khởi nghiệp khi ấy không chỉ còn là câu khẩu hiệu mà thực sự trở thành ánh sáng cuốn hút sáng tạo của mọi người.

 NGƯT.TS. Nguyễn Văn Bao

Bí thư Đảng ủy, Hiệu trưởng