05032025thứ 7
Last updateThứ 2, 26 10 2020 11am

BÁC HỒ VÀ CUỘC TỔNG TUYỂN CỬ ĐẦU TIÊN CỦA NƯỚC TA

0
0
0
s2smodern
powered by social2s

Nước Việt Nam Dân chủ Cộng hoà ra đời ngày 2 tháng 9 năm 1945, với bản Tuyên ngôn Độc lập do Bác Hồ đọc tại Quảng trường Ba Đình lịch sử. Ngay từ khi mới ra đời, Nhà nước Việt Nam non trẻ đã phải đương đầu với biết bao khó khăn, do hậu quả của ách đô hộ Thực dân. Giặc đói, giặc dốt, giặc ngoại xâm, thù trong, giặc ngoài luôn đe doạ nền độc lập của chúng ta. Mặc dù bận trăm công nghìn việc, nhưng Bác Hồ và Chính phủ vẫn nghĩ ngay đến cuộc Tổng tuyển cử. Bởi vì, cải cách xã hội đã khó, cải cách chính trị còn khó hơn và “muốn có một Hiến pháp phải tổ chức tổng tuyển cử”.

Viết về ý nghĩa của cuộc Tổng tuyển cử đầu tiên, Bác Hồ kính yêu nhấn mạnh: “Tổng tuyển cử tức là tự do, bình đẳng; tức là dân chủ, đoàn kết. Do Tổng tuyển cử mà toàn dân bầu ra Quốc hội. Quốc hội sẽ cử ra Chính phủ. Chính phủ đó thật là Chính phủ của toàn dân”. Những điều Người viết về bầu cử cách đây hơn 70 năm vẫn mang nhiều ý nghĩa, giúp chúng ta hiểu rõ hơn về bầu cử và quyền lợi của mỗi cử tri.

Trong quá trình chuẩn bị cho Tổng tuyển cử đầu tiên, Nhà nước ta cũng gặp không ít khó khăn. Bọn phản động như đảng phái Nguyễn Hải Thần, Nguyễn Tường Tam được Quốc dân đảng Trung Quốc giúp đỡ, âm mưu phá hoại Tổng tuyển cử. Mặt khác, chiến sự diễn ra kịch liệt ở Nam bộ. Các thành phố Sài Gòn, Chợ Lớn, Mỹ Tho và những thị trấn lớn khác đều bị quân Anh, Pháp chiếm đóng. Ở đó, nhân dân gặp rất nhiều khó khăn trong việc tổ chức Tổng tuyển cử. Bác Hồ đã tìm ra một giải pháp: nhường cho Nguyễn Hải Thần và Nguyễn Tường Tam bảy mươi ghế để chúng chia nhau. Đối với bọn này, nhân dân rất khinh bỉ, căm ghét. Người ta hỏi tại sao lại để những hạng người này ở trong Quốc hội đầu tiên của nước Việt Nam? Thậm chí có người còn cho rằng đây là một sự nhục nhã cho chế độ dân chủ mới.v.v…Bác Hồ đã giải thích cho nhân dân một cách rất giản đơn: “muốn giồng khoai, giồng lúa, người ta phải dùng phân. Muốn đi đến dân chủ mà tất cả chúng ta đều muốn, đôi khi chúng ta phải làm những việc chúng ta không vui lòng làm”. Nhân dân nghe theo lời Bác Hồ mà yên lòng chuẩn bị cho Tổng tuyển cử.

Về Tổng tuyển cử ở Nam Bộ, Bác nói: “Nếu chúng ta không thể tuyển cử công khai thì chúng ta tuyển cử bí mật”. Với sự chỉ đạo của Bác Hồ, bản Hiến pháp được dự thảo cẩn thận, được tuyên truyền rộng rãi trên các phương tiện thông tin đại chúng để đông đảo nhân dân phê bình và góp ý kiến. Khắp các địa phương diễn ra những hoạt động tuyên truyền, tổ chức các cuộc họp giải thích cho nhân dân chọn người ứng cử và tổ chức bầu cử như thế nào. Nhiều địa phương đề nghị Bác Hồ ra ứng cử ở địa phương mình và Người đã nhận ra ứng cử tại thành phố Hà Nội.

Bác Hồ bỏ phiếu thực hiện nghĩa vụ công dân

(Ảnh sưu tầm)

Ngày mồng 5 tháng 1 năm 1946, một ngày trước khi nhân dân của nước Việt Nam Dân chủ Cộng hoà, lần đầu tiên tự tay cầm lá phiếu thực hiện quyền dân chủ “với chế độ phổ thông đầu phiếu” của mình, Bác Hồ đã viết những dòng tâm huyết và cảm động: “Ngày mai là một ngày sẽ đưa quốc dân ta lên con đường mới mẻ... Ngày mai, nhân dân ta sẽ tự do lựa chọn và bầu ra những người xứng đáng thay mặt cho mình, và gánh vác việc nước...”. Người viết những dòng đó khi đất nước đang trong tình thế nguy nan, chính quyền mới của nhân dân đang phải đối mặt với nhiều nguy hiểm, các thế lực phản động và xâm lược điên cuồng chống phá cuộc Tổng tuyển cử đầu tiên của nền dân chủ cộng hòa non trẻ.

Ngày mồng 6 tháng 1 năm 1946 là một ngày vui đáng nhớ của dân tộc Việt Nam. Một không khí phấn khởi tràn ngập khắp nơi, ở các điểm bỏ phiếu được trang hoàng cờ, hoa, biểu ngữ, đông nghịt cử tri đi bỏ phiếu. Trống đánh, cờ bay, thiếu nhi đi từ nhà này sang nhà khác nhắc: “Ông, bà, chú, thím đi bỏ phiếu”. Có địa phương 100% cử tri tham gia bỏ phiếu, trung bình là 85% cử tri tham gia bỏ phiếu. Ngày hôm ấy, có những cảnh tượng thật cảm động. Một cụ già 84 tuổi nhờ người dắt đến phòng bỏ phiếu, vuốt bộ dâu bạc nói: “Ngày nay được hưởng quyền dân chủ thì già có nhắm mắt cũng thoả lòng rồi”. Một cụ khác nói: “Tuy lão đã bảy mươi tuổi, nhưng là một công dân trẻ vì lần đầu tiên lão đi bỏ phiếu cũng như các chú thanh niên”.

Ở miền Nam Trung bộ cuộc tuyển cử tiến hành dưới bom đạn của giặc Pháp. Các chiến sỹ du kích một tay cầm súng, một tay cầm lá phiếu, vừa chiến đấu, vừa làm nghĩa vụ và quyền lợi của công dân. Ở Sài Gòn, Chợ Lớn và các vùng tạm bị chiếm, cuộc tổng tuyển cử tiến hành bí mật. Ban đêm những thanh niên nam nữ xung phong đi bí mật từ nhà này sang nhà khác giấu kín thùng phiếu dưới áo. Có 82% cử tri ở Sài Gòn và Chợ Lớn đã bỏ phiếu. Nhưng có bốn mươi nhăm thanh niên xung phong đã bị địch bắt và bị bắn chết. Thật là một cuộc tuyển cử diễn ra dưới bom đạn kẻ thù, rất đẫm máu mà cũng rất anh dũng.

Trong toàn quốc, có ba trăm nghị viên được trúng cử, trong đó có mười hai phụ nữ, có đủ đại biểu các tôn giáo và các tầng lớp nhân dân. Ngày mồng 2 tháng 3 năm 1946, Quốc hội đầu tiên của Việt Nam họp tại Thủ đô Hà Nội. Tới kỳ họp lần thứ hai, toàn thể Quốc hội nhất trí thông qua bản Hiến pháp mới của nước Việt Nam Dân chủ Cộng hoà.

Có thể nói ngày tổng tuyển cử đầu tiên của nước ta đã diễn ra trong hoàn cảnh rất khó khăn, chúng ta phải đổ cả máu nhưng đã thành công tốt đẹp. Có được sự thành công đó là bởi có sự lãnh đạo sáng suốt của Đảng và Chính phủ mà đứng đầu là Bác Hồ kính yêu của chúng ta.