04282025Thứ 2
Last updateThứ 2, 26 10 2020 11am

VỀ CÔNG TÁC NÂNG CAO CHẤT LƯỢNG DẠY HỌC CHO SINH VIÊN

0
0
0
s2smodern
powered by social2s

1. Việc nâng cao chất lượng giảng dạy có tầm quan trọng đặc biệt. Mỗi một quốc gia để tồn tại đương nhiên không thể thiếu giáo dục. Trong hệ thống giáo dục, giảng dạy là một trong những khâu then chốt, nó quyết định sự phát triển của mỗi quốc gia. Trường đại học là mắt xích quan trọng trong hệ thống giáo dục. Hiển nhiên, ở trường đại học, công tác giảng dạy không thể xem nhẹ.

Làm nghề dạy học, trong sâu thẳm trái tim khối óc của mình, người thầy nào cũng mơ ước mình là người thầy giỏi và có nhiều học trò giỏi. Do đó, nâng cao chất lượng giảng dạy trở thành câu chuyện thường nhật bao đời nay, nó giống như cơm ăn, nước uống hay khí trời vậy. Nhà giáo chân chính muôn thuở không ngừng trăn trở trên con đường dạy học và luôn nung nấu câu hỏi: làm thế nào để dậy tốt, làm thế nào để có nhiều nhân tài đóng góp công sức cho đất nước?

2. Lịch sử có bước thăng trầm và giáo dục cũng vậy, con người phải đối mặt với thực trạng xã hội.

Ngày nay, tất cả chúng ta phải thừa nhận rằng, đã có thời kì, trường Đại học Tây Bắc hoàn thành sứ mệnh lịch sử khá vẻ vang. Nhưng ngày nay, trên lãnh thổ Việt Nam nói chung, công tác giáo dục gặp những thăng trầm nhất định. Trường Đại học Tây Bắc đảm nhiệm công tác đào tạo nhân lực cho vùng miền, tất nhiên không thể không chuyển động cùng quỹ đạo với nó.

Về thuận lợi, trong công tác giảng dạy, các thầy cô giáo trực tiếp đứng lớp đều đạt chuẩn về chuyên môn nghiệp vụ, có lòng yêu nghề, nhiệt tình trong giảng dạy. Sự đổi mới cơ cấu tổ chức và lãnh đạo, quản lý thời gian vừa qua đã đem đến cho thầy và trò những thay đổi tích cực: nhiều hình thức nâng cao chất lượng dạy học đã mở ra như: đổi mới chương trình đào tạo, bám sát chương trình phổ thông, tăng cường đào tạo nâng cao trình độ chuyên môn, hỗ trợ giảng viên nghiên cứu khoa học qua ba hình thức như: hội thảo chuyên đề, thực hiện đề tài nghiên cứu khoa học, khuyến khích viết bài đăng tạp chí … Việc thay đổi chương trình và được phép linh động trong giới hạn tạo điều kiện cho giáo viên có cơ hội giảng dạy mở.

Tuy vậy, trong công tác chuyên môn, chúng ta còn gặp một số khó khăn chung như đối tượng đào tạo đầu vào thấp, chủ yếu là con em dân tộc thiểu số nên ít nhiều có khoảng cách khi chuyển giao kiến thức bằng ngôn ngữ tiếng Việt. Thu nhập của giảng viên nhìn chung có ổn định nhưng chưa cao so với mức sống thực tế, nhất là giảng viên trẻ tuổi nghề. Công việc làm thêm bằng giảng dạy tại trường ngày càng ít, do đó nhiều giảng viên phải làm thêm các công việc khác nhằm tăng thu nhập cho gia đình. Công tác thi đua khen thưởng còn hạn chế về chỉ tiêu dẫn đến thiếu đi tâm lý thi đua, nhưng thừa tâm lí an phận ở nhiều giảng viên.

Vướng mắc lớn nhất nằm ở tâm lý sinh viên. Khi nhiệm vụ chính đối với sinh viên là học tập, song, rất nhiều sinh viên nghĩ rằng, thời gian học đại học là thời gian xả hơi, không cần phải phấn đấu. Một bộ phận sinh viên khác lại cho rằng hoạt động tốt mới là thành tích ở Đại học và vì vậy họ lấy hoạt động để che giấu chất lượng học tập của mình. Tình trạng thiếu việc làm, mông lung về tương lai, sau khi tốt nghiệp dẫn đến trạng thái buông thả, phó mặc chuyện học tập, không có tâm thế tiếp nhận bài giảng của giáo viên.

3. Đứng trước thực trạng ấy, chúng tôi xin đề xuất một số giải pháp nhằm nâng cao chất lượng dạy học ở đại học

- Giải pháp thứ nhất từ phía người giáo viên, chúng ta hãy cùng nhau thay đổi 2 quan niệm:

+ Không quan niệm học trò là đối tượng ta cho gì được nấy. Muốn dạy tốt hãy bắt đầu từ sự tôn trọng học trò. Núi cao bởi có đất bồi, có học trò chúng ta mới được gọi là thầy là cô. Muốn dạy học tốt, hãy bắt đầu từ ý thức của người thầy về vai trò của mình từ đó thay đổi tư duy người học. Xưa, đức thánh Khổng nói rằng: “Giáo bất nghiêm, sư chi nọa” có nghĩa là dạy dỗ không nghiêm là lỗi tại người thầy. Mỗi người thầy là tấm gương chuẩn mực về đạo đức lối sống và tri thức. Nên tôn trọng học trò, coi họ là khách hàng, là thượng đế khó cưng chiều. Tri thức người thầy cung cấp phải là mặt hàng mang chất lượng hạng A.

+ Quan niệm thứ 2: Không đồng nhất chất lượng giờ giảng với bằng cấp hay tuổi tác. Không sống theo tinh thần chủ nghĩa AQ. Người giảng viên phải thường xuyên trau dồi, cập nhật kiến thức mới, không tự bằng lòng, cho rằng vốn kiến thức mình đang có hay bằng cấp mình đang có là đủ, là giỏi. Từ bỏ suy nghĩ cứ trong biên chế rồi thì hàng tháng nhận đủ lương, đừng bớt sén đồng nào của mình là ổn. Bước qua được điều này, người thầy sẽ có ý thức tự học suốt đời.

Giải pháp thứ hai: Tiếp tục đổi mới chương trình và hình thức giảng dạy sao cho phù hợp với chương trình ở phổ thông, thực hiện tốt tinh thần “vững lí thuyết, giỏi thực hành, nhanh vào thực tiễn”. Tập trung đào tạo theo hướng tận dụng thế mạnh vùng, thay đổi chương trình và tăng cường lượng kiến thức thực hành gắn với sách giáo khoa đối với khối sư phạm và kiến thức thực tiễn về địa phương học đối với ngành ngoài sư phạm như: địa lí địa phương, ngôn ngữ địa phương, văn hóa địa phương, sinh thổ nhưỡng địa phương.v.v. Tránh học một đằng, thực tế một nẻo, dẫn tới lãng phí tài chính, thời gian và tri thức. Và trong mắt thị trường, sản phẩm đào tạo như một cái áo thiếu tà trước, thừa vạt sau. Hãy chủ động về nội dung đào tạo để sinh viên ra trường có thể làm nhiều nghề để sống, trên cơ sở kiến thức đã học được.

Giải pháp thứ ba:Để chất lượng bài giảng được chuyên sâu, người giáo viên cần phát huy khả năng nghiên cứu phục vụ chuyên môn giảng dạy. Các bộ môn nên có kế hoạch sinh hoạt theo chủ điểm gắn chặt với chuyên môn hẹp. Viết bài đăng tải trên các tạp chí chuyên ngành để thúc đẩy công tác chuyên môn trong điều kiện chúng ta đang có nhiều thời gian rảnh rỗi, số giờ dạy trên lớp không nhiều. Nhà trường cũng cố gắng tăng chỉ tiêu số lượng đề tài (mà không cần thay đổi tổng nguồn kinh phí đã định) cho các giảng viên có thêm động lực nghiên cứu

Giải pháp thứ 4:Với sinh viên, tăng cường công tác kiểm tra đánh giá bằng cách giao bài tập kiểm tra đầu giờ, kèm thảo luận nhóm với hệ thống câu hỏi mở, nhằm gây hứng thú cho sinh viên, khuyến khích sinh viên phát hiện vấn đề.

Tăng cường khả năng thuyết trình của sinh viên trong trao đổi với giáo viên mỗi giờ giảng để sinh viên được tham gia sâu vào bài giảng. Tăng cường luận chứng, dẫn chứng thực tế trong mỗi giờ giảng, đơn giản hóa những đơn vị kiến thức có tính chất hàn lâm.

4. Trên đây là những giải pháp có tính chất tham góp nhằm nâng cao chất lượng giảng dạy nói chung. Với công việc đặc thù, thời gian qua, khoa Ngữ văn còn được nhà trường giao nhiệm vụ đào tạo tiếng Việt cho lưu học sinh Lào. Tất nhiên, có được trái thơm quả ngọt như hôm nay là tâm lực của tất cả mọi bộ phận, mọi thành viên chung sức, chung lòng trong mái trường này. Vì lý do chuyên môn, trong phạm vi buổi hội nghị, chúng tôi chỉ xin phép trình bày những việc đã làm ở tư cách người đứng lớp trực tiếp.  Sau một năm nỗ lực phấn đấu không ngừng của thầy và trò, chúng tôi cũng đúc rút được một số kinh nghiệm biện pháp nâng cao chất lượng đào tạo như sau:

- Trước hết hãy xây dựng chương trình hướng tới sự ổn định, có sự chọn lựa của hội đồng khoa học có chuyên môn sâu.

- Nội dung kiến thức cung cấp cần chú ý đến tính vừa sức, khoa học, hứng thú cho cả người học lẫn người dạy. Chuyển đổi các hình thức học tiếng Việt một cách linh hoạt như cô trò cùng nhau học trên lớp, học trên không gian thực tiễn như trên đường phố, chợ, sân thể thao, phối kết hợp với phòng ban tổ chức tốt Hội thi giao lưu tiếng Việt và văn hóa Việt Nam… Chúng tôi giảng tiếng Việt cho các em mọi lúc, mọi nơi, không chỉ trên bục giảng. Nói tóm lại, sau một năm dạy tiếng Việt, chúng tôi đã giúp các em nắm được tiếng Việt để có thể giao tiếp, giúp các em khắc phục sự khác biệt về văn hóa, rào cản về ngôn ngữ, những khó khăn trong cuộc sống và sinh hoạt hàng ngày, nhanh chóng hòa nhập vào môi trường mới.

- Trong mỗi giờ học nhất là đầu giờ, giảng viên đẩy mạnh công tác kiểm tra, đánh giá, có báo cáo thường xuyên về các phòng ban để cùng phối hợp điều chỉnh chương trình và cách dạy. Thực hiện tốt giờ học chính khóa. Giao bài tập về nhà cho các sinh viên như luyện viết, luyện phát âm… chia các em thành nhóm nhỏ, mỗi nhóm là một đối tượng khác nhau. Kèm thêm giờ, thêm buổi, bồi dưỡng kịp thời cho nhóm sinh viên có kết quả học tập chưa cao.

- Tổ chức cho sinh viên Việt Nam giao lưu thường xuyên với sinh viên Lào, nhằm giúp sinh viên Lào tăng khả năng tiếp thu tiếng Việt bằng các hình thức như dạy tập hát, tập múa, chơi thể thao…

Một năm đã trôi qua, để tiếp tục giảng dạy sao cho có hiệu quả nhất, tập thể giảng viên chúng tôi cũng xin mạnh dạn đề xuất một số ý kiến:

- Đối với các cấp quản lí: Khi làm công tác tuyển sinh học sinh Lào, nên chăng chú trọng đến chất lượng đầu vào. Có kế hoạch cụ thể trong 01 năm dạy tiếng Việt ổn định về thời gian học chính khóa, ngoại khóa, trải nghiệm thực tiễn, thăm quan du lịch, tham gia lễ hội các tộc người …). Giao nhiệm vụ sớm cho các bộ phận chức năng phối hợp với các tổ chức đoàn thể thực hiện.

- Về công tác giảng dạy: Tổ chức đơn vị lớp nhỏ hơn hiện tại, chỉ tối đa 20 em đảm bảo tính vừa sức cho giáo viên ngôn ngữ và đảm bảo sự hiệu quả trong quá trình luyện tập ngôn ngữ. Tổ chức Hội thảo chuyên đề để lắng nghe ý kiến, rút kinh nghiệm từ thực tiễn dạy tiếng Việt cho Lưu học sinh Lào trong và ngoài nhà trường.

- Về cơ sở vật chất: cần có giảng đường cho sinh viên Lào tự học vào các buổi tối trong ba tháng đầu mới sang việt Nam. Đầu tư cho mỗi lớp một bộ đài và đĩa CD để tăng cường kĩ năng nghe nói. Thư viện nhà trường chuẩn bị đầy đủ các tài liệu phục vụ dạy và học cho Lưu học sinh Lào như: Từ điển Lào - Việt và bộ sách giáo khoa mới theo khung chương trình của Bộ Giáo dục và Đào tạo.

Trên đây là vài biện pháp nâng cao chất lượng giảng dạy Đại học trong điều kiện hiện nay. Chúng tôi nghĩ rằng, với sự nỗ lực chung tay vượt qua thực tại khó khăn của tập thể giảng viên cán bộ, trường Đại học Tây Bắc sẽ có những bước đi mới, đáp ứng những chuẩn giáo dục hiện đại.  Chúng tôi thiết nghĩ, con đường chúng ta đi còn rất dài, sứ mệnh nhà trường thuộc về mỗi chúng ta. Chúng tôi nhận ra rằng, muốn có hoa thơm trái ngọt phải vun trồng. Không có vẻ vang nào lại nhặt được ở trên đường một cách dễ dàng. Hãy giữ gìn mái trường như giữ gìn cuộc đời mình. Muốn được làm thầy, hãy bắt đầu bằng cải tiến, nâng cao chất lượng dạy học.