07012025Thứ 3
Last updateThứ 2, 26 10 2020 11am

NHỮNG MỐI QUAN HỆ - MỘT NÉT ĐẶC SẮC CỦA TỨ THƠ ĐƯỜNG

0
0
0
s2smodern
powered by social2s

1. Mở đầu

Thơ Đường không chỉ là đỉnh cao rực rỡ của văn học Trung Quốc mà còn là một kì quan của nhân loại. Thơ Đường hay do nhiều lẽ: Hay ở tình cảm chân thành, dào dạt, ở tấm lòng nhân ái, trái tim nhiệt huyết của tác giả, ở hình tượng đẹp, liên tưởng phong phú, ngôn ngữ điêu luyện, trong sáng, hàm súc, nhịp điệu mới mẻ và ở nét đặc sắc của tứ thơ. Tứ thơ Đường không chỉ đặc sắc ở kết cấu "đứt - nối" của mạch thơ mà còn ở chỗ nhà thơ thường tạo dựng nên những mối quan hệ để cho độc giả tự luận ra dụng ý của tác giả từ những mối quan hệ đó. Thông qua tứ thơ, chúng ta có thể thấy được quá trình sáng tạo thơ ca, cách khám phá, chiếm lĩnh hiện thực và quan điểm thẩm mĩ của các thi nhân đời Đường.

2. Nội dung chính

2.1. Vài nét về tứ thơ

Khâu Chấn Thanh - nhà lí luận văn học Trung Quốc đã nhấn mạnh tầm quan trọng của ý trong thơ ca: ""Ý" tức là tư tưởng chủ đề của tác phẩm. Nó chiếm địa vị thống soái trong một tác phẩm. Từ ngữ, sự việc chỉ là binh lính dưới sự chỉ huy của vị thống soái mà thôi. Không có thống soái, binh lính chỉ là đám quân ô hợp mất hết cả mục tiêu hành động lẫn sức chiến đấu" [2, tr 153].

Giáo sư Nguyễn Xuân Nam cho rằng tứ thơ bao trùm và chi phối tất cả các yếu tố trong một bài thơ."Gọi là tứ trước hết để phân biệt với ý. Trong một bài thơ có nhiều ý. Nhưng phải có một ý lớn bao trùm toàn bài. Ý bao trùm ấy có thể gọi là tứ. Vậy ý lớn với tứ khác nhau như thế nào? Gọi là tứ khi ý lớn ấy không thể hiện một cách bộc trực, trần trụi mà đã biến hoá trong những hình tượng nhiều tìm tòi sáng tạo mới lạ, gợi ra cho người đọc những liên tưởng thú vị, rộng rãi. Nói cách khác, một bài thơ có tứ là một bài thơ có tìm tòi, sáng tạo về mặt thể hiện ý toàn bài một cách mới lạ, thú vị. Tứ thơ mang đặc điểm cách nhìn, cách cảm, cách nghĩ của nhà thơ. Tứ trong toàn bài có thể là hình tượng xuyên suốt toàn bài thơ" [1, tr 373].

Người ta có thể chia tứ thành hai loại: Loại tứ thiên về tạo hình và loại tứ thiên về dòng suy nghĩ liên tưởng. Thông thường các nhà thơ thể hiện một tứ lớn bằng cách sử dụng xen kẽ các biện pháp tạo hình và biện pháp biểu hiện nên khó có sự phân biệt rạch ròi.

2.2. Những mối quan hệ và tứ thơ Đường

Các nhà thơ đời Đường khi khảo sát sự vật họ không chạy thẳng vào sự vật ấy mà phải tìm ra các mối quan hệ của sự vật ấy. Quan hệ này không phải có ngay được bằng giác quan mà nó đến với con người sau một quá trình suy nghĩ.

Hầu như đến thơ Đường, mọi chi tiết rườm rà của Kinh thi, Sở từ đều được xén gọt và thăng hoa theo chiều hướng biểu tượng. Thu sắc là màu gì? Nhà thơ không miêu tả cụ thể cũng không phân tích, lý giải chi tiết, nhưng màu ấy lại gợi nhớ thương. Câu thơ “Bạch vân thiên tải không du du” của Thôi Hiệu cũng chỉ có thể cảm nhận như một cái gì lững lờ, vô định. Cách cấu tứ này nhằm tạo một trường liên tưởng rộng rãi cho người đọc. Trong thơ, “mạch kỵ lộ” vẫn là yêu cầu hàng đầu. Nhà thơ không nên để người đọc bắt được mạch ngay từ đầu, cái đó xưa nay vẫn là một yêu cầu của nghệ thuật. Theo Viên Mai - nhà lí luận văn học Trung Quốc: Không cong không phải là văn, văn chương phải có quá trình thể hiện suy nghĩ mới phát hiện ra được ý của tác giả, gọi tên sự vật ra tức là đã tước bỏ ba phần tư của sự hưởng thụ mà sự hưởng thụ đó được xây dựng bởi niềm hạnh phúc được đoán dần ra. Chính bởi vậy, các nhà thơ Đường thường gợi mà không tả. Nhà thơ thường ít khi nói rõ, nói hết ý mình mà thường chỉ tạo nên các mối quan hệ để độc giả tự luận ra dụng ý của tác giả, để độc giả tự cảm nhận lấy theo đôi mắt và trái tim của mình từ những mối quan hệ đó.

Cũng giống như thơ cổ điển Trung Quốc chú ý gợi mà không tả, nét đặc biệt của hội họa truyền thống Trung Quốc là sự gợi ý ngoài đường nét và màu sắc. Hội họa Trung Quốc gợi lên ý thơ, có cái gì đó mông lung, xa xăm, người ta cảm nhận được mà khó phân tích thật cụ thể. Với quan điểm "họa vân kiến nguyệt" (vẽ mây thấy trăng), các họa sĩ  cổ điển Trung Quốc đã lấy cao nói xa, lấy xa nói cao, không chấp nhận luật cận viễn và luật ánh sáng mà cho rằng chỉ cần gợi ý về hướng mặt trời là đủ. Cũng chỉ vì nhằm gợi ý nên hội họa Trung Quốc có cả mấy nghìn năm lịch sử không dùng màu sắc, chỉ dùng mực tàu, bút lông với các sắc độ đậm nhạt khác nhau là có thể nói lên tất cả.

Thơ Đường hay tạo nên các mối quan hệ, vậy các nhà thơ Đường đã tạo nên các mối quan hệ như thế nào?

Thực tế cuộc sống có nhiều mối quan hệ: quan hệ âm - dương (trong âm có dương, trong dương có âm; âm dương tác động làm sự vật thay đổi), quan hệ nữ - nam, đêm - ngày, chết - sống, mất - còn, không gian - thời gian, cảnh - tình…

Các nhà thơ đời Đường thường đồng nhất các hiện tượng khách quan mà họ cho là mâu thuẫn. Đồng nhất các mặt đối lập là biện pháp tiêu biểu tạo nên đặc trưng của tứ thơ Đường. Vì theo quan điểm triết học của Trung Quốc, tư tưởng triết học của Lão Tử cho rằng Đạo quán xuyến tất cả. Tuy không nhìn thấy được nhưng Đạo vẫn chi phối tất cả. Đạo cũng có thể giống như phần âm trong thuyết nhị nguyên âm dương cổ đại, là một cặp hài hòa giữa nam và nữ, giữa tối và sáng, giữa cao và thấp. Ông cũng cho rằng: Mọi sự vật hiện tượng đều có mặt đối lập. Sở dĩ biết cái này là cong, sẽ có cái kia thẳng, có người tiên tiến sẽ có người lạc hậu… Như vậy, sự chuyển dịch tứ thơ chính là sự chuyển dịch giữa các mặt đối lập. Nó vừa là quan điểm triết học, vừa là quan điểm mĩ học. Nó tạo ra cái đẹp.     Trong thơ Đường, các nhà thơ đã tạo nên rất nhiều mối quan hệ mà chủ yếu là những mối quan hệ đối lập: quá khứ - hiện tại, mộng - thực, mất - còn, nữ - nam, đêm - ngày, tĩnh - động, chết - sống, biết - chưa biết, không gian - thời gian, cảnh - tình, nhỏ - lớn, hữu hạn - vô hạn, nguyên nhân - kết quả, âm - dương… Về cấu trúc, bài thơ Đường thường gọn nhẹ, cô đúc, ngôn ngữ gợi nhiều hơn tả, ý tại ngôn ngoại. Đọc một bài thơ Đường, từ những mối quan hệ, người ta phải liên tưởng, tưởng tượng ra những hình ảnh, đường nét, màu sắc, tâm trạng… để có thể cảm nhận hình tượng chung của bài thơ chứ không phải dựa vào những chi tiết ngôn ngữ cụ thể của bài thơ.

Trong bài Đề đô thành nam trang, Thôi Hộ đã tạo dựng nên mối quan hệgiữa quá khứ và hiện tại, giữa mất và còn:

Tích niên kim nhật thử môn trung,

Nhân diện đào hoa tương ánh hồng.

Nhân diện bất tri hà xứ khứ,

Đào hoa y cựu tiếu đông phong.

(Dịch nghĩa: Năm ngoái hôm nay trong cổng này, Mặt người và hoa đào, màu hồng ánh lẫn nhau. (Giờ đây) mặt người không biết đã đi đâu, (Chỉ còn) hoa đào vẫn cười trước gió đông như cũ).

Câu đầu giới thiệu không gian và thời gian quá khứ: trong cánh cổng này, ngày này năm ngoái. Ở câu thơ thứ hai, nhân vật cô gái rất đẹp xuất hiện trong không gian và thời gian quá khứ đó. Tác giả không tả trực tiếp cô gái mà dùng hoa để tả người. "Tương ánh hồng" - cô gái và hoa đào soi vào nhau, cùng làm cho nhau đẹp lên. Hoa đào đẹp và cô gái cũng rất đẹp. Đây là lối so sánh động bằng cách gợi, một đặc điểm của văn học Trung Quốc cổ.

Hai câu đầu miêu tả quá khứ, hai câu sau miêu tả hiện tại. Quá khứ đẹp như vậy, hiện tại không còn nữa. Bài thơ còn có mối quan hệ giữa mất và còn: Người đẹp đi đâu mất, chỉ còn hoa đào. Chữ "tiếu"(cười) ý vị chỉ sự chua xót, trớ trêu. Sự chuyển dịch của tứ thơ trong bài thơ này là sự chuyển dịch giữa các mặt đối lập: từ quá khứ đến hiện tại, từ mất đến còn.

Bài thơ thể hiện sự đổ vỡ trong hy vọng. Quá khứ rất đẹp, hiện tại xót xa. Quá khứ đẹp bao nhiêu, hiện tại đổ vỡ mất mát càng xót xa bấy nhiêu. Đây là tâm trạng bàng hoàng,  xót xa của người con trai khi trở lại chốn xưa tìm người yêu mà không thấy. Thôi Hộ không miêu tả trực tiếp tâm trạng này mà ông chỉ dựng nên mối quan hệ giữa quá khứ và hiện tại, giữa mất và còn để cho người đọc tự luận ra dụng ý của ông.

Nguyễn Du miêu tả tâm trạng Kim Trọng khi trở lại vườn Thuý có nét tương đồng với bài thơĐề đô thành nam trang của Thôi Hộ:

Trước sau nào thấy bóng người

Hoa đào năm ngoái còn cười gió đông.

Như vậy, tạo dựng nên các mối quan hệ để độc giả tự luận ra dụng ý của tác giả từ những mối quan hệ đó là một nét đặc sắc của tứ thơ Đường.

2.3. Những mối quan hệ thường gặp trong thơ Đường

2.3.1. Mối quan hệ giữa mộng và thực

Cái mộng rất thần bí và rất hấp dẫn với văn chương. Quan hệ giữa mộng và thực rất hấp dẫn các nhà thơ Đường, vì quan điểm "vẽ mây thấy trăng” và vì hiện thực có nhiều điều khó nói cho nên phải dùng mộng để nói thực. Mộng là một phương tiện nghệ thuật để tác giả thể hiện tư tưởng nghệ thuật của mình. Bài Xuân oán của Kim Xương Tự có mốiquan hệ giữa mộng và thực:

Đả khởi hoàng oanh nhi,

Mạc giao chi thượng đề.

Đề thì kinh thiếp mộng,

Bất đắc đáo Liêu Tê (Tây).

(Dịch nghĩa: Đánh đuổi cái oanh vàng, Đừng cho kêu trên cành. Chim kêu làm kinh động giấc mộng của thiếp, Không mơ đến được đất Liêu Tây).

Bài thơ miêu tả sự quý giá của giấc mộng. Giấc mộng đó rất đẹp và rất quý giá với người phụ nữ (mơ được gặp chồng ở nơi chàng đóng quân) nên nàng mới bực tức yêu cầu đánh đuổi con chim oanh vàng do tiếng kêu của con chim này đã làm tan mất giấc mộng quý của nàng. Liêu Tê - hoán dụ chỉ nơi đóng quân của người chồng ở biên giới. Hiện thực chiến tranh kéo dài, xa nhau lâu ngày người ta mới khao khát gặp nhau đến như vậy. Mơ ước, khao khát trong hiện thực đã biến thành giấc mộng. Tác giả không trực tiếp miêu tả chiến tranh nhưng sức tố cáo chiến tranh lại rất lớn qua quan hệ mộng và thực trong bài thơ: Chiến tranh không mang lại điều gì tốt đẹp, chỉ đem lại chia li, buồn đau, mất mát. Tác giả đã dùng mộng để nói thực.

Bài Lũng Tây hành của Trần Đào cũng có mối quan hệ giữa mộng và thực:

Khả liên Vô Định hà biên cốt

Do thị xuân khuê mộng lý nhân!

(Dịch nghĩa: Đáng thương cho nắm xương bên sông Vô Định, Vẫn còn là người trong chiêm bao của khách phòng xuân).

Trong giấc mộng của người thiếu phụ, chồng nàng còn sống; thực, chồng nàng đã chết. Bài thơ còn có mối quan hệ giữa sống và chết. Người vợ tưởng chồng còn sống nên vẫn mơ về chồng mình nhưng thực ra người chồng đã chết phơi xương nơi chiến trường. Thông qua mối quan hệ giữa mộng và thực, sống và chết, kết hợp với câu cảm thán,tác giả đã thể hiện sự khắc nghiệt, tàn khốc của chiến tranh, sự thương xót thân phận con người và lời tố cáo chiến tranh.

Trong bài Làng Khương, Đỗ Phủ miêu tả cảnh ông về nhà sau chiến tranh loạn lạc. Vợ con tưởng ông đã chết ngoài chiến trường, khi ông trở về họ kinh ngạc không thể tin nổi ông vẫn còn sống nên khi gặp lại ông rồi họ vẫn tưởng như đây là giấc mộng: "Tương đối như mộng mị”. Đỗ Phủ đã tạo dựng mối quan hệ mộng - thực để nói đến mối quan hệ sống - chết của con người. Sự sống của con người trong chiến tranh loạn lạc thật bé nhỏ, mong manh. Bài thơ là sự đòi hỏi về quyền sống của con người.

Trong thơ Đường, có thể nhiều tác giả đã tạo dựng cùng một mối quan hệ nhưng cách thể hiện chủ đề ở mỗi bài lại khác nhau tạo nên sức hấp dẫn riêng ở mỗi bài và tạo nên sự phong phú trong nghệ thuật biểu hiện toàn Đường thi. Cùng một mối quan hệ giữa mộng và thựcnhưng cách thể hiện chủ đề ở mỗi bài thơ lại khác nhau.

2.3.2. Mối quan hệ giữa quá khứ và hiện tại

Người phương Đông có một quy luật hay hướng về quá khứ. Đôi lúc họ sùng bái quá khứ. Họ mong muốn thế hệ sau cũng hướng về quá khứ. Bài Đăng U Châu đài ca của Trần Tử Ngang có mối quan hệgiữa quá khứ và hiện tại:

Tiền bất kiến cổ nhân,

Hậu bất kiến lai giả.

Niệm thiên địa chi du du,

Độc thương nhiên nhi thế hạ.

(Dịch nghĩa: Trước không thấy người xưa, Sau không thấy kẻ sắp đến. Nghĩ trời đất mênh mang không cùng, Một mình bùi ngùi nhỏ nước mắt).

Đài U Châu cổ kính ở phía bắc Trung Quốc. Trần Tử Ngang đứng trên đài cao bao quát núi sông hùng vĩ, mênh mông của tổ quốc, hoài vọng thời quá khứ vàng son để rồi nuối tiếc nhỏ lệ cho ngày nay. Hai câu đầu miêu tả sự cô đơn của con người với quá khứ và hiện tại. Nhưng con người cô đơn không chỉ với người xưa (quá khứ) và người nay (hiện tại) mà còn cô đơn trong trời và đất (hai câu sau). Nhờ đồng nhất giữa các mặt đối lập mà tác giả cực tả được thời gian vô cùng, không gian vô tận và sự cô đơn, đau xót trước thực tế của con người. Bài thơ thể hiện sự thương xót một mình mình, có tâm sự mà không có ai san sẻ. Nỗi đau vật chất đã khổ, nỗi đau tinh thần còn lớn hơn. Xuyên suốt bài thơ là nỗi đau nhân thế và cái nhỏ nhoi, yếu đuối của con người trước thời gian vô cùng và không gian vô tận.

2.3.3. Mối quan hệ giữa động và tĩnh

Tư tưởng triết học của Lão Tử cho rằng động khắc tĩnh. Lí luận văn học nghệ thuật cổ điển Trung Quốc đã khẳng định: "Trong động có tĩnh hoặc trong tĩnh có động là thuộc tính vốn có của sự vật khách quan... Động và tĩnh là hai mặt đối lập với nhau, quan hệ đối lập giữa động và tĩnh được vận dụng một cách rộng rãi trong văn nghệ, do tác dụng đối tỉ của chúng mà tạo thành hiệu quả nghệ thuật mãnh liệt... Trong động có tĩnh tức là thông qua sự truyền lan của cái động mà cái tĩnh được nhấn mạnh hơn, cụ thể hơn. Trong tĩnh có động cũng có nghĩa như câu "Khi ấy vô thanh thắng hữu thanh", thông qua việc miêu tả cái tĩnh khiến người ta nảy sinh sự liên tưởng và càng có cảm giác động hơn" [2, tr 307].

Bài Điểu minh giản của Vương Duy có mối quan hệ giữa động và tĩnh:

Nhân nhàn quế hoa lạc,

Dạ tĩnh xuân sơn không.

Nguyệt xuất kinh sơn điểu,

Thời minh tại giản trung.

(Dịch nghĩa: Người thảnh thơi, hoa quế rụng, Đêm im lặng, non xuân vắng không. Ánh trăng ló lên làm chim núi giật mình, Thỉnh thoảng cất tiếng kêu trong khe suối).

Câu thơ đầu miêu tả cái tĩnh trong tâm hồn con người, yên tĩnh đến mức độ cảm nhận được cả tiếng hoa quế rơi - một cái động rất khẽ vì hoa quế rất nhỏ và cánh rất mỏng. Câu thơ thứ hai diễn tả sự yên tĩnh tuyệt đối của không gian. Câu thơ thứ ba lại diễn tả cái động: Trăng ló ra làm con chim núi giật mình - sự chuyển động của vũ trụ không phát ra âm thanh đã tác động lên sự vật, kéo theo một sự chuyển động khác và cả hai sự chuyển động này (trăng mọc, chim giật mình) ta chỉ có thể cảm nhận được chứ không thể nghe thấy được. Câu thơ thứ tư miêu tả cái động: Con chim thỉnh thoảng lại kêu lên một tiếng, phá tan cái tĩnh nhưng lại càng làm nổi bật đêm yên tĩnh.

Vương Duy là nhà thơ Phật, ông thường chú trọng miêu tả cái tĩnh của con người và cảnh vật. Bài Điểu minh giản miêu tả cái tĩnh trong tâm hồn con người, thể hiện tình yêu thiên nhiên, tâm hồn luôn hướng ra thiên nhiên, lắng nghe và cảm nhận thiên nhiên của nhân vật trữ tình. Trong bài thơ này tác giả đã dùng động để tả tĩnh. Có yên tĩnh trong tâm hồn mới có thể cảm nhận được tiếng hoa quế rơi, mới cảm thấy cái giật mình của con chim núi khi trăng lên. Đêm yên tĩnh, thỉnh thoảng có một tiếng kêu rồi tắt ngay làm cho người ta càng thấy đêm yên tĩnh.

2.3.4. Mối quan hệ giữa cảnh và tình

Khâu Chấn Thanh- nhà lí luận văn học Trung Quốc sau khi dẫn ý kiến của Vương Phu Chi: "Tình, cảnh, tên là hai nhưng kì thực không thể tách rời nhau" đã khẳng định: Tình và cảnh dựa lẫn nhau mà tồn tại, tình và cảnh giúp nhau cùng nảy nở. Cảnh ở trong tình, tình hòa lẫn trong cảnh, tình cảnh lồng vào nhau là những mặt khác nhau của mối quan hệ giữa cảnh và tình [2, tr 205]. Lưu Hiệp cũng cho rằng: "Đăng sơn tắc tình mãn vu sơn, quan hải tắc ý dật vu hải" (Tình cảm nhà thơ nảy sinh ra thường thường gửi gắm ở nơi vách non mặt biển mà chính mắt mình nhìn thấy) [2, tr 204].

Mối quan hệ giữa cảnh và tình là mối quan hệ phổ biến, là mối quan hệ của khách thể và chủ thể. Mối quan hệ giữa tình và cảnh biểu hiện ở hai phương diện: Sự đồng nhất giữa cảnh và tình, nhân hoá - tả cảnh ra tình.Trong cách cảm nhận, thơ Đuờng chú ý khám phá sự thống nhất, sự giao cảm mà trước hết là sự thống nhất giữa con người và thiên nhiên. Trong cách cấu tứ, cái "tôi" trữ tình thường hòa lẫn vào thiên nhiên và ngoại cảnh. Các nhà thơ Đuờng thường hay tả cảnh qua đó biểu lộ tình cảm của mình. Tất nhiên thơ ca trước đời Đường đã vận dụng thủ pháp này rồi. Trong thơ Đường, các nhà thơ thường hướng cảm xúc của mình vào thiên nhiên. Tứ thơ ra đời trong quá trình ấy - quá trình tìm tính thống nhất giữa con người và ngoại cảnh.

Bài thơ Hoàng Hạc lâu tống Mạnh Hạo Nhiên chi Quảng Lăng của Lí Bạch là một bài thơ tả cảnh nhưng lại thấm đẫm tình. Ông miêu tả thời gian, không gian tiễn đưa, cánh buồm, bầu trời, dòng sông Trường Giang, cảnh mùa xuân tươi đẹp và khoáng đạt rồi gửi tình ở trong đó. Từ “cô phàm” trong bài thơ là nhãn tự, diễn tả tâm trạng Lí Bạch đứng trên lầu Hoàng Hạc, mắt chỉ dõi theo cánh buồm của bạn, còn mọi cánh buồm khác nhoà đi... biểu hiện tình cảm sâu nặng, sự lưu luyến của tác giả khi chia tay với người bạn thân thiết Mạnh Hạo Nhiên. Nhân hoá là một thủ pháp ưa thích của Lí Bạch. Ông thổi hồn vào sự vật khiến cho chúng sống động như con người: Gió trong thơ ông cũng biết xót tình li biệt (Lao Lao đình), núi cũng biết nhìn người (Độc toạ Kính Đình sơn)… Có thể khẳng định, thơ tả cảnh của Lí Bạch có hồn, tình và cảnh thống nhất tuyệt vời.

3. Kết luận

Có tứ bài thơ sẽ được dồn nén chặt chẽ, có thêm sức mạnh hấp dẫn bạn đọc.Một  nét đặc sắc của tứ thơ Đường là: Các nhà thơ Đường thường gợi mà không tả. Nhà thơ thường ít khi nói rõ, nói hết ý mình mà thường chỉ tạo nên các mối quan hệ để độc giả tự luận ra dụng ý của tác giả từ những mối quan hệ đó. Đồng nhất các mặt đối lập là biện pháp tiêu biểu tạo nên đặc trưng của tứ thơ Đường. Những mối quan hệ thường gặp trong thơ Đường là mối quan hệ: quá khứ - hiện tại, mộng - thực, tĩnh - động, cảnh - tình. Để tìm hiểu được tứ thơ Đường ta phải tìm xem đó là quan hệ nào. Thơ Đường đã thăng hoa được cái chân thật mộc mạc của Kinh thi, cái bay bổng và trang nhã của Sở từ, cái hào sảng của Hán nhạc phủ cùng với tứ thơ đặc sắc mà bước vào thời đại hoàng kim của thơ ca.

TÀI LIỆU THAM KHẢO

[1] Phương Lựu (2003), Lí luận văn học, NXB Giáo dục, Hà Nội.

[2] Khâu Chấn Thanh (1994), Lí luận văn học nghệ thuật cổ điển Trung Quốc, NXB Giáo dục, Hà Nội.

[3] Nam Trân (1987), Thơ Đường, 2 tập, NXB Văn học, Hà Nội.