Chủ tịch Hồ Chí Minh là một lãnh tụ thiên tài của Cách mạng Việt Nam, anh hùng giải phóng dân tộc, danh nhân văn hóa thế giới. Tư tưởng của Người về cách mạng giải phóng dân tộc là một đóng góp to lớn vào kho tàng lí luận cách mạng. Đây là kết quả của sự vận dụng sáng tạo luận thuyết cách mạng của Chủ nghĩa Mác – Lê-nin vào điều kiện và hoàn cảnh cụ thể của Việt Nam. Có thể nói nghệ thuật thúc đẩy và chớp thời cơ cách mạng là một di sản quý báu trong tư tưởng của Người về cách mạng giải phóng dân tộc.
(Ảnh tư liệu, nguồn: http://123.30.236.24/hcm/)
Sinh ra và lớn lên trong cảnh nước mất, nhà tan, chứng kiến những thất bại của phong trào đấu tranh giải phóng dân tộc của những người đi trước, từ sớm, Hồ Chí Minh đã quyết chí sang phương Tây, đến tận sào huyệt của chủ nghĩa thực dân để tìm câu trả lời cho con đường giải phóng dân tộc. Sau nhiêu năm bôn ba, lao động và hoạt động cách mạng, việc gặp gỡ Chủ nghĩa Mác (1919) là một bước ngoặt lớn. Người khẳng định: “Hỡi đồng bào bị đoạ đày đau khổ! Đây là cái cần thiết cho chúng ta, đây là con đường giải phóng chúng ta!”. Từ thực tiễn Cách mạng tháng Mười Nga (1917) và lí luận cách mạng của Chủ nghĩa Mác – Lê-nin giúp Hồ Chí Minh hiểu rằng, muốn cách mạng thành công thì phải có lực lượng lãnh đạo (đó là một Đảng chân chính); có đường lối đúng đắn, có lực lượng quần chúng được tôi luyện, sẵn sàng và hơn nữa cần có những điều kiện khách quan thuận lợi.
Từ những năm 20 của thế kỉ XX, Nguyễn Ái Quốc đã nhận định khu vực châu Á Thái Bình Dương đang tích tụ đầy những mâu thuẫn và nơi đây có thể trở thành lò lửa của một cuộc chiến tranh thế giới mới. Khi đó cơ hội sẽ đến với các dân tộc thuộc địa vì “chiến tranh đế quốc là bà đỡ của cách mạng”. Tuy nhiên, để điều đó xảy ra thì cần phải có một quá trình chuẩn bị lâu dài, không mệt mỏi. Đó là lí do Người không ngừng hoạt động cách mạng, truyền bá chủ nghĩa Mác – Lê-nin vào trong nước, chuẩn bị mọi mặt cho một cuộc cách mạng thay đổi vận mệnh dân tộc. Vậy Hồ Chí Minh đã làm những gì để chuẩn bị, thúc đẩy thời cơ chín muồi, và chớp thời cơ cách mạng. Đây là một đóng góp to lớn của Hồ Chí Minh đối với Cách mạng Việt Nam, một di sản trong tư tưởng của Người về cách mạng giải phóng dân tộc.
Thứ nhất, Người khẳng định, muốn cách mạng thành công, phải có đường lối đúng đắn. Theo Nguyễn Ái Quốc, “Bây giờ học thuyết nhiều, chủ nghĩa nhiều, nhưng chủ nghĩa chân chính nhất, chắc chắn nhất, cách mệnh nhất là Chủ nghĩa Lênin.” Dấu hiệu đầu tiên thể hiện một đường lối cách mạng đúng đắn là phải có một mục tiêu rõ ràng và cụ thể: giải phóng dân tộc khỏi ách nô lệ. Mục tiêu này vừa phù hợp với lợi ích của toàn thể nhân dân Việt Nam, đáp ứng được những đòi hỏi bức thiết của lịch sử dân tộc, vừa phù hợp với thực tiễn phát triển của thời đại. Tuy nhiện quá trình đấu tranh xác định đúng đắn mục tiêu trên lại vô cùng gian nan. Mặc dù được hình thành từ sớm nhưng phải tới Hội nghị tháng 11 năm 1939 mới được Đảng ta khẳng định trở lại và được hoàn thiện ở Hội nghị Trung ương Tám (tháng 5 năm 1941).
Thứ hai, muốn cách mạng thành công thì phải có lực lượng cách mạng. Trước hết phải có Đảng Cộng sản, một Đảng chân chính đấu tranh vì lợi ích của nhân dân, của dân tộc, được tổ chức chặt chẽ, tôi luyện và có đường lối lãnh đạo đúng đắn. Sau đó phải có động lực tức là lực lượng quần chúng đông đảo, không quản hi sinh, gian khổ để đấu tranh xóa bỏ xiềng xích đang trói buộc mình. Đấu tranh xây dựng và phát triển lực lượng cách mạng của Đảng ta và Hồ Chí Minh vượt qua muôn vàn thử thách. Hồ Chí Minh là người sáng lập và rèn luyện Đảng Cộng sản Việt Nam với cương lĩnh đúng đắn. Người đầu tiên xác định một cách đúng đắn lực lượng cách mạng là quần chúng nhân dân lao động, tất cả những người ủng hộ một nước Việt Nam độc lập (trong đó nòng cốt là công nhân, nông dân). Tuy nhiên phải đến khi Hồ Chí Minh ra chỉ thị về thành lập Mặt trận Việt Minh thì lực lượng cách mạng mới được tập hợp đầy đủ.
Lực lượng cách mạng dưới sự lãnh đạo của Đảng, trải qua 15 năm chuẩn bị đẩy đủ về đường lối, chính trị, tổ chức, lực lượng vũ trang và căn cứ địa cho cuộc tổng khởi nghĩa giành chính quyền. Tháng 8 năm 1945, ách thống trị tàn bạo của thực dân – phát xít đã đẩy nhân dân ta tới bước đường cùng không thể chịu thêm được nữa, sẵn sàng vùng lên khởi nghĩa giành chính quyền.
Thứ ba, xác định đúng thời cơ cách mạng. Chiến tranh đế quốc nổ ra đúng như nhận định trước đó của Nguyễn Ái Quốc. Khi chiến tranh thế giới bùng nổ, Nguyễn Ái Quốc như ngồi trên đống lửa, Người quyết tâm bằng mọi giá phải trở về nước trực tiếp lãnh đạo cách mạng. Năm 1941, ngay khi đặt chân về Tổ quốc, Nguyễn Ái Quốc đã triệu tập Hội nghị Trung ương Tám, hoàn thiện đường lối cách mạng giải phóng dân tộc. Qua phân tích tình hình trong nước và quốc tế, Người khẳng định các cuộc khởi nghĩa vũ trang bùng nổ lúc đó tất yếu thất bại vì thời cơ chưa đến, nhưng điều đó cho thấy những dấu hiệu của thời cơ cách mạng. Người kêu gọi Đảng và nhân dân phải chuẩn bị mọi mặt thúc đẩy và đợi thời cơ chín muồi.
Giữa tháng 8 năm 1945, phe phát xít gần đến ngày bị sụp đổ, Đảng và Hồ Chí Minh nhận định thời cơ cách mạng sắp tới, phải hành động nhanh và quyết liệt để nắm bắt và chớp thời cơ. Khi Nhật tuyên bố đầu hàng đồng minh, Hồ Ccí Minh khẳng định thời cơ cách mạng đã chín muồi. Mặc dù sức khỏe rất yếu nhưng Hồ Chí Minh ra lệnh: “Dù phải đốt cháy cả dãy Trường Sơn cũng phải kiên quyết giành cho được độc lập”. Ngay lập tức, Đảng và Hồ Chí Minh phát động cuộc tổng khởi nghĩa giành chính quyền. Cách mạng tháng Tám giành thắng lợi nhanh chóng, ít tổn thất, là một sự kiện trọng đại của lịch sử dân tộc. Cuộc cách mạng thành công lập nên một kì tích trong lịch sử, một Đảng mới 15 năm tuổi đã lãnh đạo nhân dân giành độc lập, lập nên nhà nước dân chủ cộng hòa đầu tiên ở Đông Nam Á.
Cách mạng tháng Tám thành công nhanh chóng, ít tổn thất là nhờ có sự chỉ dẫn của tư tường Hồ Chí Minh về cách mạng giải phóng dân tộc, về nghệ thuật thúc đẩy và chớp thời cơ cách mạng. Người trực tiếp là người lãnh đạo, chỉ đạo và tổ chức cách mạng. Qua đó, thực tiễn cách mạng Việt Nam bổ sung và làm sự phong phú cho phạm trù cách mạng xã hội liên quan đến Thời cơ cách mạng.
Qua thực tiễn Cách mạng tháng Tám (1945) và những lí luận cách mạng cùng với sự vận động của cuộc sống, khái niệm Thời cơ ngày càng được hiểu sâu sắc và có giá trị lớn. Tuy nhiên, khi bàn tới cách mạng xã hội, chúng ta hay nói đến thời cơ cách mạng; Đôi khi còn được nói là tình thế cách mạng, điều này được hiểu là khi thời cơ cách mạng đã chín muồi. Nhưng cũng có người lại nhắc đến thời cơ chủ quan và thời cơ khách quan trong cách mạng. Có trường hợp đồng nhất những yêu cầu khách quan của sự phát triển là thời cơ. Điều này thực sự không chính xác. Vậy trong lịch sử, những yếu tố tạo nên thời cơ là gì?
Thứ nhất, phải có một mục tiêu rõ ràng. Đây là yếu tố tiên quyết để tạo nên thời cơ. Nếu không có một mục tiêu rõ ràng thì chúng ta sẽ không bao giờ xác định được những điều kiện cần và đủ để hành động nhằm thực hiện một nhiệm vụ nhất định. Điều đó lí giải vì sao trong cùng một hoàn cảnh lịch sử, một điều kiện, với thực thể này là thời cơ tốt nhưng với thực thể khác lại không có giá trị gì, thậm chí lại là một sự đe dọa, do mục tiêu đối lập nhau.
Thứ hai, phải chuẩn bị đủ những nguồn lực bên trong (thường là chủ quan). Lịch sử xã hội là kết quả của quá trình hành động theo đuổi các mục tiêu khác nhau của con người. Với mục tiêu nào thì cần có nguồn lực ấy. Những nguồn lực không bao giờ có sẵn, thường phải có quá trình chuẩn bị và hoàn thiện, hoặc sắp xếp lại theo mục tiêu đặt ra. Bởi vì nếu đã có đủ nguồn lực mạnh, con người lại đặt ra những mục tiêu cao hơn cho mình và tính chất của thời cơ lại thay đổi.
Thứ ba, những điều kiện khách quan (thường là bên ngoài mà chủ thể không chi phối được). Ở đây có thể hiểu là những trở ngại cho chủ thể sử dụng tiềm lực nội tại hành động đạt mục tiêu cụ thể đã bị xóa bỏ, hoặc hoàn toàn có thể khắc phục được. Chúng ta đều biết, điều kiện khách quan có thể là thuận lợi cho việc thực hiện mục tiêu này nhưng lại là rào cản cho việc thực hiện mục tiêu khác.
Thứ tư, đó là sự gặp gỡ tức thời của những yếu tố trên. Điều đó có nghĩa là khi ba yếu tố trên gặp nhau trong cùng một thời điểm, được chúng ta diễn đạt bằng khái niệm Thời cơ. Ngược lại, nếu ba yếu tố trên có tồn tại nhưng không gặp nhau thì cũng không thể có thời cơ.
Bốn yếu tố trên là những đảm bảo về mặt lí thuyết để có thời cơ. Vậy điều gì tạo nên kết quả. Đó là chủ thể, người đặt ra mục tiêu, chuẩn bị nội lực, nhận thức và nắm bắt được thời cơ; đồng thời kiên quyết hành động để chớp thời cơ. Đây có thể nói là yếu tố thứ năm khi xem xét thời cơ trong thực tiễn.
Trong năm yếu tố trên, mục tiêu là yếu tố tiên quyết. Không có mục tiêu thì cũng không bao giờ xuất hiện thời cơ. Nội lực bên trong là yếu tố quyết định nhất để tạo nên và tận dụng thời cơ. Điều kiện khách quan bên ngoài là cần thiết để cho kết quả được viên mãn; Điều kiện thứ tư và thứ năm có vai trò quyết định trực tiếp đến việc xuất hiện và tận dụng được thời cơ.
Những phân tích cho thấy, với mỗi một thực thể xã hội, vai trò của đội ngũ những người ưu tú đặc biệt quan trọng. Họ là người xác định đúng đắn mục tiêu, thúc đẩy những điều kiện chủ quan, nhận thức đúng điều kiện khách quan và sự gặp gỡ tất yếu giữa các yếu tố đó, kiên quyết hành động để tạo nên thắng lợi. Thành công của Đảng ta và Hồ Chủ tịch với Cách mạng tháng Tám (1945) bổ sung thêm một minh chứng cụ thể và thuyết phục, làm phong phú nội hàm khái niệm Thời cơ. Nghệ thuật thúc đẩy và chớp thời cơ cách mạng không chỉ là di sản quý báu trong tư tường Hồ Chí Minh mà còn là đóng góp lớn cho kho tàng văn hóa nhân loại.