07012025Thứ 3
Last updateThứ 2, 26 10 2020 11am

“NGUỒN NƯỚC SẠCH VÀ PHÁT TRIỂN BỀN VỮNG - VẤN ĐỀ CHÍNH SÁCH”

0
0
0
s2smodern
powered by social2s

Trong thời gian gần đây, những vấn đề liên quan đến tài nguyên nước, đặc biệt là vấn đề ô nhiễm nước đang được toàn thể xã hội quan tâm. Đây thực sự là vấn đề nóng sau hàng loạt những sự việc liên quan đến sự an toàn của nguồn nước và sức khỏe của con người đang xảy ra. Ngày 14/7/2016, tại Hà Nội, Liên hiệp các Hội khoa học và kỹ thuật Việt Nam (VUSTA) phối hợp với Liên minh Nước sạch đã tổ chức Chương trình Tọa đàm “Nguồn nước sạch và Phát triển bền vững - vấn đề chính sách” nhằm thảo luận những vấn đề liên quan đến việc kiểm soát được sự ô nhiễm nguồn nước, mà giải pháp đầu tiên đó là vấn đề chính sách.

Tham dự Tọa đàm có ông Nghiêm Vũ Khải, Phó chủ tịch VUSTA; ông Phạm Anh Tuấn, Nguyên Phó tổng cục trưởng, Tổng cục Thủy sản; bà Nguyễn Ngọc Lý, Giám đốc Trung tâm Nghiên cứu Môi trường và Cộng đồng (CECR); ông Trương Mạnh Tiến, Chủ tịch Hội Kinh tế Môi trường; GS. Nguyễn Lân Dũng, Chủ tịch Hội các ngành Sinh học Việt Nam; đại diện Ban cải cách tư pháp Quốc hội; các đại biểu Quốc hội, Bộ TNMT; Bộ PTNN&NT; Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch; các trường đại học; các chuyên gia khoa học và cơ quan báo chí. Trường Đại học Tây Bắc tham dự với tư cách là thành viên của Liên minh nước sạch.

Phát biểu khai mạc, GS.Nghiêm Vũ Khải nhấn mạnh môi trường nước có vai trò vô cùng quan trọng, có ảnh hưởng to lớn đối với đời sống, sản xuất kinh doanh. Tuy nhiên vấn đề sử dụng nguồn nước sạch cần phải có những cải tiến về chính sách, quy định phù hợp với xu thế phát triển của thời đại để sử dụng và bảo vệ bền vững nguồn nước sạch hiện nay.

GS. Nghiêm Vũ Khải phát biểu khai mạc

Ông Phạm Anh Tuấn – Tổng cục Thủy sản đã đề cập đến vấn về ô nhiễm nguồn nước ảnh hưởng nặng nề tới sự phát triển của ngành thủy sản. Tác giả đã đưa ra những ví dụ nóng hổi nhất trong thời gian gần đây tại miền Trung đã ảnh hưởng không chỉ đến sản lượng, chất lượng thủy sản tại thời điểm trước mắt mà nó còn ảnh hưởng nặng nề đến thương hiệu, thị trường thủy sản nước ta trên thế giới mà ngành thủy sản đã phải mất rất nhiều thời gian để gây dựng…Tại buổi Tọa đàm, Bà Nguyễn Ngọc Lý  (CECR) thành viên Liên minh nước sạch đã trình bày về những mục tiêu phát triển bền vững và bảo vệ môi trường nước của Liên Hiệp Quốc đề ra năm 2015. Báo cáo đã đề cập đến những khó khăn trong quá trình tích hợp phát triển bền vững trong chính sách phát triển của Việt Nam như: thiếu hướng dẫn kỹ thuật để tích hợp phát triển bền vững như một thể thống nhất trong chính sách phát triển ở Việt Nam; thiếu nguồn lực đầy đủ để thực hiện tích hợp phát triển bền vững trong chính sách phát triển; thiếu đội ngũ cán bộ, chuyên viên có đủ kiến thức và kỹ năng tích hợp phát triển bền vững vào trong chính sách phát triển.

Ông Nguyễn Quang Vinh, Đại học KHXH&NV cho rằng ô nhiễm nguồn nước không chỉ ảnh hưởng nặng nề tới ngành thủy sản mà còn ảnh hưởng vô cùng to lớn tới ngành du lịch Việt Nam với những bằng chứng liên quan tới sự thành công của ngành du lịch nếu như tài nguyên nước được bảo vệ và sử dụng hợp lí.

Ông Trương Mạnh Tiến đã đề cập đến “Các vấn đề chính sách về kiểm soát ô nhiễm nước hiện nay”. Nội dung của báo cáo là tổng quan về những chính sách liên quan đến kiểm soát ô nhiễm nước, đặc biệt là những bất cập về chính sách kiểm soát ô nhiễm nước: Cách tiếp cận xây dựng chính sách và pháp luật chưa phù hợp; có rất nhiều luật khung và nhiều Bộ ngành, nhiều tỉnh chịu trách nhiệm triển khai điều này dẫn đến việc chồng chéo quản lý và trách nhiệm của các bên liên quan; yếu tố tài chính và công nghệ rất ít; thiếu lồng ghép giữa công nghệ, tài chính, quản lý, con người, cộng đồng,… Tác giả đã nhấn mạnh cần thiết phải có sự thay đổi trong xây dựng chính sách và pháp luật liên quan đến kiểm soát ô nhiễm nước.

Tại phần thảo luận, rất nhiều ý kiến đóng góp được các đại biểu đưa ra và thảo luận. Trao đổi tại buổi Tọa đàm, ThS. Nguyễn Tiến Chính – Trường Đại học Tây Bắc,  cho rằng: “Cần thiết ban hành Luật riêng để kiểm soát ô nhiễm nước dựa trên cách tiếp cập một cách tổng hợp, liên ngành. Trong đó, coi trọng vấn đề công nghệ trong kiểm soát ô nhiễm nước, có giải pháp hỗ trợ đầu tư công nghệ phù hợp cho các cơ sở sản xuất, các tiêu chuẩn, quy chuẩn liên quan đến nguồn nước phải tính đến sự phù hợp với từng vùng.

Tóm lại, các ý kiến thảo luận chủ yếu tập trung vào các vấn đề sau:

1. Xây dựng luật riêng về kiểm soát ô nhiễm nước là rất cần thiết với Việt Nam hiện nay, tuy nhiên cần tiếp cận, xây dựng sao cho phù hợp với yêu cầu của tất cả các ngành liên quan đến tài nguyên nước, tránh việc chồng chéo các luật với nhau.

2. Cần chú trọng vấn đề kiểm soát các chất thải ngay từ khi các chất thải được nhập khẩu về Việt Nam, nâng cao vai trò của cơ quan quản lý chất thải ở địa phương và cộng đồng.

3. Kiểm soát ô nhiễm nước phải dựa trên cơ sở kiểm soát toàn lưu vực và dựa vào năng lực tải thải của lưu vực sông, suối đó.

4. Đẩy mạnh vai trò của các liên hiệp, các hội, cộng đồng trong việc kiểm soát ô nhiễm nước.

Kết luận buổi Tọa đàm, GS. Nghiêm Vũ Khải khẳng định: việc chung tay trong bảo vệ môi trường nói chung và nguồn nước sạch nói riêng góp phần quan trọng trong việc thúc đẩy phát triển một nền kinh tế vững mạnh của quốc gia và khuyến nghị các đại biểu Quốc hội về sự cần thiết phải có Luật kiểm soát ô nhiễm nước, đây là căn cứ pháp lí quan trọng để việc kiểm soát ô nhiễm nước được thực hiện một cách đầy đủ và hiệu quả hơn.