07012025Thứ 3
Last updateThứ 2, 26 10 2020 11am

“GẶP GỠ VIỆT NAM” - HỘI TỤ, LAN TỎA TRÍ TUỆ VÀ HỌC THUẬT ĐỈNH CAO

0
0
0
s2smodern
powered by social2s

Quang cảnh Hội nghị.

NDĐT - Những ngày này, thành phố biển Quy Nhơn hiền hòa và thơ mộng của Bình Định đã hân hoan chào đón năm giáo sư là chủ nhân của giải Nobel danh giá và GS Ngô Bảo Châu – Giải thưởng Fields đã đến Việt Nam tham dự chương trình “Gặp gỡ Việt Nam” lần thứ 12 năm 2016 cùng rất nhiều các nhà khoa học tên tuổi trên thế giới. Đây là sự kiện khởi đầu cho 12 hội nghị và ba lớp học vật lý chuyên đề quốc tế - cuộc gặp mặt của trí tuệ và học thuật đỉnh cao của nhân loại là niềm tự hào của Việt Nam với thế giới.

Hội tụ về đây còn có những nhà khoa học Việt Nam mà tên tuổi và uy tín của họ không hề xa lạ với thế giới. Đó là: GS Trịnh Xuân Thuận và đặc biệt là các giáo sư đồng sáng lập “Gặp gỡ Việt Nam” là vợ chồng GS Trần Thanh Vân – GS Lê Kim Ngọc và GS Nguyễn Văn Hiệu.

“Gặp gỡ Việt Nam” lần thứ 12 lần này diễn ra tại Trung tâm Quốc tế Khoa học và Giáo dục liên ngành (ICISE) Quy Nhơn là công trình do GS Trần Thanh Vân – Chủ tịch Hội Khoa học Gặp gỡ Việt Nam sáng lập và xây dựng năm 2013. Từ khi thành lập đến nay, Trung tâm đã đón tiếp 13 Hội nghị khoa học quốc tế đỉnh cao và sáu lớp vật lý chuyên đề với hơn 1.500 nhà khoa học quốc tế, trong đó có 12 giáo sư đạt giải Nobel, hai giáo sư đạt giải Fiels, hai giáo sư đạt giải Kavli (giải thưởng cao nhất lĩnh vực thiên văn học), một giáo sư đạt giải Shaw…

Trong thời gian tổ chức hội nghị, bên cạnh các hội nghị khoa học quốc tế, Hội “Gặp gỡ Việt Nam” còn tổ chức các khóa học chuyên đề cho sinh viên, các buổi thuyết trình khoa học đại chúng, các buổi giao lưu trực tiếp hoặc trực tuyến với các giáo sư đoạt giải Nobel và sinh viên, học sinh. Tham vọng của ICISE là nơi phát triển khoa học và giáo dục, giúp đỡ các sinh viên, học sinh và các nhà khoa học trẻ Việt Nam hội nhập vào cộng đồng khoa học quốc tế, mang lại cơ hội cho thế hệ trẻ Việt Nam nâng cao trình độ hiểu biết của mình thông qua việc tham dự các cuộc gặp và chia sẻ ý tưởng với những đồng nghiệp quốc tế có trình độ cao. ICISE tiếp tục là điển đến của khoa học và sẽ là điểm sáng không chỉ của Việt Nam, mà còn của cả vùng Đông - Nam Á, nâng cao vị thế của Việt Nam trong mắt bạn bè quốc tế.

Các Giáo sư tham gia Hội thảo trồng và chăm sóc cây trong khuôn viên Trung tâm ICISE.

Chủ đề chính của “Gặp gỡ Việt Nam” lần thứ 12 này là khoa học cơ bản (KHCB) và xã hội. Lần gặp gỡ này không còn chỉ là các nhà KHCB, trong số năm Giáo sư được giải Nobel có GS Finn Kydland (Giải Nobel Kinh tế năm 2004) và GS Jean Jouzel (Giải Nobel Hòa bình năm 2007). Các bộ óc hàng đầu của nhân loại hội tụ về đây nhằm đề xuất những vấn đề liên quan đến vai trò của KHCB đối với các biến đổi trong xã hội nói chung, ở các nước châu Á và đặc biệt là các nước đang phát triển như Việt Nam và các nước lân cận; tạo điều kiện để các nhà khoa học tương tác, trao đổi với các nhà hoạch định chính sách và các đại diện của khu vực kinh tế tư nhân về tầm quan trọng của khoa học đối với sự phát triển của xã hội... Theo đó, ngay sau khi đặt chân tới Quy Nhơn, Giáo sư Kurt Wüthrich đã có buổi nói chuyện về chủ đề: “Tầm quan trọng của theo đuổi KHCB ở các nước mới nổi”. Trong hai ngày 7 và 8-7, nhiều vấn đề sát sườn với cuộc sống đương đại đã được đưa ra bàn thảo như: “KHCB và sự phát triển bền vững”; “Nghiên cứu cơ bản về hòa bình”; “Nghiên cứu cơ bản và khí hậu”; “Nghiên cứu cơ bản và sức khỏe” “Nghiên cứu cơ bản và sự phát triển giáo dục toàn cầu, kiến thức và công nghệ”; “Nghiên cứu cơ bản, mở cửa đổi mới và hợp tác kinh tế”. Lần này còn có sự tham gia của đại diện các tập đoàn kinh tế lớn trên thế giới mà việc xây dựng, phát triển của các tập đoàn này đều dựa trên nền tảng của khoa học và công nghệ như: Solvay, Valeo, Airbus, Sanofi...

Tại Hội nghị này, Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam nhấn mạnh thông điệp xuyên suốt của Chính phủ Việt Nam dành sự quan tâm đặc biệt đến khoa học và công nghệ. Theo Phó Thủ tướng: KHCB là động lực cho phát triển bền vững, giúp Việt Nam vươn lên thu hẹp khoảng cách với các nước phát triển. Có ý kiến cho rằng, Việt Nam chỉ nên tập trung vào nghiên cứu ứng dụng còn nghiên cứu cơ bản là việc của các nước phát triển nhưng chính phủ Việt Nam luôn xuyên suốt quan điểm KHCB là nền tảng cần chú trọng đầu tư. Đầu tư cho KHCB là đầu tư cho nền móng, đầu tư cho tăng cường tiềm lực quốc gia. Khoa học và công nghệ nhất là công nghệ thông tin đang làm thay đổi thế giới. Không có KHCB, không thể có những công nghệ như vậy. Thành tựu khoa học là di sản chung của nhân loại và tham gia làm giàu cho di sản ấy là vinh dự và trách nhiệm của mọi quốc gia, mọi người. Dù còn nhiều khó khăn về ngân sách nhưng Việt Nam đã không ngừng gia tăng đầu tư về nghiên cứu cơ bản. Ngày càng nhiều chương trình, hoạt động nhằm khơi dậy niềm đam mê khoa học của con trẻ, giới trẻ.

Còn theo Viện sĩ Nguyễn Văn Hiệu - nguyên Chủ tịch Viện Hàn lâm Khoa học và Công nghệ Việt Nam: KHCB rất cần thiết, nhưng cũng rất mênh mông. Vì thế, Đảng và Nhà nước khuyến khích các nhà khoa học nghiên cứu KHCB thật giỏi, nhưng phải chọn hướng đi phục vụ trực tiếp cho việc nâng cao chất lượng của sản xuất, phục vụ trực tiếp đời sống nhân dân. Việc tổ chức các hội nghị khoa học quốc tế như Hội nghị “KHCB và xã hội” tại Việt Nam nói chung và Bình Định nói riêng là rất có lợi. Thay vì các nhà khoa học của chúng ta phải đọc sách, phải sang tận nước họ để gặp các nhà khoa học danh tiếng của thế giới thì bây giờ họ đã đến Việt Nam. Điều này là quá tốt. Nhưng vấn đề quan trọng là “thu hoạch” sau những gặp gỡ đó. Chúng ta phải biết tiếp thu có chọn lọc, tự biết “nâng cấp” kiến thức để tiếp nhận và chọn lựa cái gì cần thiết cho mình.

Giáo sư Trần Thanh Vân nhận Bằng Tiến sĩ danh dự của Viện nghiên cứu nguyên tử Jinr Dubna (Nga).

Phát biểu tại hội thảo, GS Trần Thanh Vân đã cảm ơn lãnh đạo Chính phủ Việt Nam, lãnh đạo tỉnh Bình Định và đặc biệt các nhà khoa học danh tiếng trên thế giới đã tới Bình Định tham gia hội thảo, cùng chung mong muốn thúc đẩy phát triển khoa học Việt Nam, đóng góp vào sự phát triển của đất nước và địa phương. Theo ông, “Gặp gỡ Việt Nam” không chỉ là cơ hội cho KHCB nước nhà, không phải chỉ là cơ hội để thổi bùng niềm đam mê KHCB với giới trẻ Việt Nam, mà còn mang nhiều ý nghĩa và cơ hội lớn mà chúng ta cần nắm bắt được.

Theo GS Ngô Bảo Châu (chủ nhân Huy chương Fields Toán học năm 2010): Nhiều gia đình Việt Nam đã phải tiêu tốn kinh phí lớn cho con em ra nước ngoài học tập. Nhiều bạn đã đến Mỹ và các nước châu Âu học tập đạt thành tích xuất sắc, có công trình nghiên cứu khoa học thành công hay tham gia giảng dạy ở các trường đại học danh tiếng trên thế giới. Nguồn lực tài năng trẻ Việt Nam ở nước ngoài rất lớn, Chính phủ cần có cơ chế chính sách linh hoạt, ưu đãi đặc biệt để mời gọi, thu hút họ trở về nước cống hiến, chung tay phát triển khoa học.

Đồng tình quan điểm này, Tiến sĩ Trần Du Lịch, chuyên gia kinh tế cao cấp cho rằng, Chính phủ cần quan tâm thu hút giới khoa học trẻ nghiên cứu, giảng dạy ở nước ngoài về nước cống hiến. Trung tâm ICSE cần và phải là nơi nghỉ dưỡng, ấp ủ ý tưởng nghiên cứu khoa học. Lâu dài, Trung tâm ICISE cần được quy hoạch thành không gian đô thị khoa học. Đại học Quy Nhơn nên tận dụng nơi này để liên kết các trường đại học, viện nghiên cứu trong nước, quốc tế nhằm nâng tầm năng lực nghiên cứu khoa học. Các viện nghiên cứu, viện hàn lâm, viện khoa học xã hội Việt Nam cần chung tay để sớm hình thành trung tâm nghiên cứu khoa học xứng tầm quốc tế.

Ông Hồ Quốc Dũng - Chủ tịch UBND tỉnh Bình Định bày tỏ niềm vui trước sự kiện quan trọng và ý nghĩa này. Theo ông: Việc xây dựng Bình Định trở thành một điểm đến của các nhà khoa học luôn được các thế hệ lãnh đạo của tỉnh quan tâm và được coi là hướng đi mới trong chiến lược phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh. Với mong muốn xây dựng và phát triển Khu đô thị khoa học để khích lệ các hoạt động nghiên cứu, sáng tạo, khám phá, phát minh của giới khoa học Việt Nam và của các nước trên thế giới, Bình Định sẽ là địa chỉ hấp dẫn cho thanh, thiếu niên và nhân dân cả nước đến để trải nghiệm các thí nghiệm khoa học với nhiều chủ đề, giúp giới trẻ có thể khám phá khoa học một cách tương tác rất bổ ích, những hội thảo, hội nghị khoa học trong các chương trình “Gặp gỡ Việt Nam” được tổ chức tại đây có ý nghĩa rất lớn đối với sự phát triển khoa học, giáo dục nói riêng và phát triển kinh tế - xã hội của Bình Định cũng như cả nước nói chung.

Chính quyền tỉnh Bình Định đang phối hợp Giáo sư Trần Thanh Vân và các Bộ, ngành xúc tiến đề xuất Chính phủ thành lập một viện nghiên cứu với sự tham gia của các nhà khoa học quốc tế và Việt Nam, với mong muốn một ngày không xa, nhiều công trình nghiên cứu khoa học có giá trị sẽ ra đời từ mảnh đất này, góp phần đưa khoa học nước nhà không ngừng phát triển và biến Bình Định thành điểm đến lý tưởng của các nhà khoa học trong nước và quốc tế. Địa phương đã quy hoạch thung lũng Quy Hòa, TP Quy Nhơn rộng 130 ha xây dựng không gian đô thị khoa học. Bộ trưởng Khoa học và Công nghệ Chu Ngọc Anh vừa họp bàn thống nhất với tỉnh, vợ chồng GS Trần Thanh Vân - GS Lê Kim Ngọc cùng hai GS David Gross (Nobel Vật lý 2004), Jerome Fridelman (Nobel Vật lý năm 1990), đồng bảo trợ lập Viện Nghiên cứu khoa học Việt Nam tại Quy Hòa. Viện Nghiên cứu Toán học do GS Ngô Bảo Châu, Viện Hàn lâm khoa học của GS Châu Văn Minh cũng lập chi nhánh tại đây. Hiện, giai đoạn một tổ hợp không gian khoa học (nhà khám phá vũ trụ, đài thiên văn...) sắp hoàn thành, đưa vào phục vụ công chúng, đặc biệt là khơi dậy đam mê khoa học giới trẻ.

Bài và ảnh: CÁT HÙNG