07012025Thứ 3
Last updateThứ 2, 26 10 2020 11am

TÒA TRỌNG TÀI THƯỜNG TRỰC (PCA) RA PHÁN QUYẾT VỀ BIỂN ĐÔNG

0
0
0
s2smodern
powered by social2s

1. Vài nét về vụ kiện Trung Quốc của Philippines

Sau nhiều năm bế tắc và căng thẳng trong việc giải quyết tranh chấp với Trung Quốc ở Biển Đông mà không đạt được kết quả, ngày 22/1/2013 Philippines bắt đầu kiện Trung Quốc tại Tòa Trọng tài Thường trực (PCA) ở La Hay (Hà Lan).

Trung Quốc tuyên bố chủ quyền toàn bộ Biển Đông bằng việc đưa ra “đường chín đoạn” bao gồm cả khu đặc quyền kinh tế 200 hải lý của Philippines.

Vào ngày 11 tháng 12/2014, Việt Nam xen vào vụ kiện nộp lên 3 tuyên văn: Việt Nam ủng hộ vụ kiện của Philippines, không chấp nhận "đường chín đoạn" mà Trung Quốc đưa ra và Việt Nam đề nghị Toà ghi nhận về những tuyên bố chủ quyền của Việt Nam về một số đảo như Quần đảo Hoàng Sa, Trường Sa.

Trung Quốc đã từ chối tham gia vào quá trình tố tụng của PCA khi cho rằng PCA không có thẩm quyền giải quyết vụ kiện này và khẳng định mình có "chủ quyền không thể tranh cãi" trên Biển Đông.

Tuy nhiên, PCA đã ra phán quyết trước đó khẳng định rằng PCA có thẩm quyền giải quyết vụ kiện này và đã thụ lý hồ sơ kiện Trung Quốc của Philippines.

2. Nội dung phán quyết của PCA

Hôm nay (vào lúc 16 giờ 12/7/2015), Tòa Trọng tài Thường trực (PCA) tại La Hay (Hà Lan) ra phán quyết:

"Tòa Trọng tài Thường trực kết luận rằng không có căn cứ pháp lý nào để Trung Quốc đòi chủ quyền lịch sử, vượt quá các quyền mà Công ước về Luật Biển cung cấp, tại vùng biển thuộc phạm vi 'đường chín đoạn'," thông cáo báo chí của PCA viết. Phán quyết này được đưa ra sau quá trình thụ lý kéo dài 3 năm, đối với đơn kiện của Philippines nhằm bác bỏ yêu sách chủ quyền của Bắc Kinh.

Theo trình tự, các quốc gia quan sát quá trình tố tụng, nước thành viên PCA, các tòa thành viên của PCA, công chúng và các phương tiện truyền thông cũng nhận được e-mail về phán quyết kể trên. Sau khi e-mail đã được gửi đi, quyết định cũng sẽ được tải lên trang web của PCA.

Như vậy, Tòa Trọng tài Thường trực (PCA)  không công nhận "đường chín đoạn" của Trung Quốc tại Biển Đông, đồng thời Trung Quốc cũng không có chủ quyền lịch sử ở vùng biển này.

Toàn cảnh Tòa Trọng tài Thường trực phán quyết (Nguồn: BBC)

3. Tác động của vụ kiện đối với Việt Nam

Về mặt pháp lý, bản chất của vụ kiện của Philippines và Trung Quốc không phải là vụ kiện về các vấn đề chủ quyền. Vì vậy, bất kỳ bên nào giành lợi thế sau phán quyết, vấn đề tranh chấp chủ quyền đối với Trường Sa vẫn chưa được giải quyết.

Bản chất của vụ kiện giữa Philippines và Trung Quốc là nhằm thu hẹp các vùng biển tranh chấp qua 4 lập luận pháp lý chủ yếu:

+ Bác bỏ giá trị pháp lý của yêu sách lịch sử của Trung Quốc từ “đường lưỡi bò”.

+ Thu hẹp vùng biển tranh chấp về phạm vi 12 hải lý của các thực thể là đảo đá tại Trường Sa.

+ Quy thuộc các bãi nửa nổi nửa chìm nằm ngoài 12 hải lý của các đảo về vùng EEZ và thềm lục địa của quốc gia ven biển.

+ Từ đó, xác định các hành vi hiện thực hoá “đường lưỡi bò” của Trung Quốc tại Biển Đông là các hành vi vi phạm luật quốc tế.

Việc tòa PCA bác bỏ giá trị pháp lý của “đường lưỡi bò” sẽ tạo ra tác động tích cực chung cho các quốc gia ven Biển Đông, buộc Trung Quốc phải đưa ra yêu sách về các vùng biển phù hợp với quy định của UNCLOS. Về mặt chính trị, Philippines giành thắng lợi, dư luận quốc tế có cơ sở để thể hiện lập trường ủng hộ Philippines và qua đó ủng hộ Việt Nam, lên án “đường lưỡi bò” và các yêu sách, các hành động trái phép của Trung Quốc tại Biển Đông.

Trên thực địa, cho dù có phán quyết của PCA, Trung Quốc sẽ tiếp tục tiến hành leo thang trên thực địa để khẳng định sự tồn tại của yêu sách “đường lưỡi bò” trên biển và trên không. Trong dài hạn, Trung Quốc có thể đẩy mạnh các biện pháp trên thực địa tại Hoàng Sa do quần đảo này nằm ngoài phạm vi phán quyết của PCA. Điều này sẽ tạo ra căng thẳng trực tiếp với ta, gây khó khăn cho ta do hiện Trung Quốc nắm giữ quyền quản lý thực tế tại Hoàng Sa, trong khi thế giới và khu vực thường nhìn nhận đây là vấn đề song phương giữa ta và Trung Quốc.