Tỉnh Sơn La có trên 10.000 thí sinh tham dự Kỳ thi THPT Quốc gia, nhưng chỉ có hơn 2.800 thí sinh dự thi tại Cụm do trường Đại học Tây Bắc chủ trì, giảm hơn 5.000 thí sinh so với kỳ thi năm ngoái. Nguyên nhân từ đâu dẫn đến sự thay đổi này? Liệu rằng có giảm áp lực với nhà trường khi tổ chức kỳ thi này với số lượng thí sinh giảm đáng kể như vậy? Câu trả lời sẽ có trong cuộc trao đổi của Phóng viên chúng tôi với Tiến sỹ Đoàn Đức Lân – Phó Hiệu trưởng Trường Đại học Tây Bắc ngay sau đây.
PV: Thưa thầy, được biết năm nay tại cụm thi do trường Đại học Tây Bắc chủ trì chỉ có hơn 2.800 thí sinh trên tổng số hơn 10.000 thí sinh tham dự kỳ thi THPT Quốc gia. Con số này được đánh giá là thấp hơn nhiều so với kỳ thi năm ngoái. Theo thầy nguyên nhân từ đâu dẫn đến sự thay đổi này?
Tiến sỹ Đoàn Đức Lân – Phó Hiệu trưởng Trường Đại học Tây Bắc: Năm ngoái thì tổng số thí sinh thi tại trường Đại học Tây Bắc là khoảng 8.000 bao gồm cả các thí sinh đến từ tỉnh Điện Biên và các thí sinh tỉnh Sơn La. Năm nay theo quy định tuyển sinh mới thì các thí sinh tỉnh Điện Biên thi tại tỉnh Điện Biên và các thí sinh thi tại cụm thi do Sở GD&ĐT tổ chức thì họ vẫn có thể gửi các kết quả xét tuyển xuống các trường Đại học tùy theo đề án tuyển sinh của các trường. Ngoài ra cũng do sự tăng cường công tác tuyển sinh của các trường Đại học. Cũng như là có một xu hướng các thí sinh gần đây muốn vào học các trường dạy nghề để mà sớm tốt nghiệp ra trường có việc làm như ý muốn
PV: Thưa thầy, với số lượng thí sinh dự thi tương đối ít so với mọi năm, liệu có giảm áp lực đối với nhà trường trong việc tổ chức kỳ thi THPT Quốc gia năm nay?
Tiến sỹ Đoàn Đức Lân – Phó Hiệu trưởng Trường Đại học Tây Bắc: Với số lượng thí sinh như vậy thì có thể chủ động được trong việc đảm bảo cơ sở thi không phải phối hợp với các cơ sở bên ngoài cũng như là đảm bảo được số lượng cán bộ, giảng viên coi thi. Tuy nhiên gọi là áp lực giảm cũng không phải là giảm hoàn toàn bởi vì là với một kỳ thi THPT Quốc gia vẫn phải đảm bảo an toàn, nghiêm túc, khách quan, công bằng và do vậy phải đảm bảo công tác chuẩn bị tỉ mỉ cẩn thận ở tất cả các khâu.
PV: Trước những điểm mới về tổ chức kỳ thi THPT Quốc gia trong thời gian gần đây của Bộ Giáo dục và Đào tạo, thầy đánh giá như thế nào về những thuận lợi đối với thí sinh cũng như các đơn vị tổ chức tuyển sinh?
Tiến sỹ Đoàn Đức Lân – Phó Hiệu trưởng Trường Đại học Tây Bắc: Năm nay là năm thứ hai chúng ta thực hiện tuyển sinh theo phương thức mới 2 trong một. Thì đối với việc đổi mới như thế này thì các thí sinh cũng như người nhà thì cũng không phải di chuyển nhiều và cũng có thể là tham gia các kỳ thi ngay tại các cụm thi tại địa phương do đó hạn chế được các chi phí về đi lại ăn ở và đảm bảo được sự an toàn. Và thí sinh cũng chủ động trong việc gửi kết quả thi của mình đến các trường Đại học để xét tuyển. Ngoài ra thì các cơ sở đào tạo cũng có thể chủ động việc xét tuyển và tiếp nhận được các thí sinh mà có kết quả thi cao.
PV: Đến thời điểm này, công tác chuẩn bị cho kỳ thi THPT Quốc gia năm nay đã được Trường Đại học Tây Bắc triển khai như thế nào thưa thầy?
Tiến sỹ Đoàn Đức Lân – Phó Hiệu trưởng Trường Đại học Tây Bắc :Trường Đại học Tây Bắc đã cử các thành viên tham gia Ban Chỉ đạo kỳ thi THPT Quốc gia của tỉnh cũng như là làm việc với trường Đại học Dược Hà Nội, Sở GĐ&ĐT tỉnh Sơn La là các đơn vị phối hợp trong kỳ thi này. Ngoài ra thì trường cũng thống báo rộng rãi các kế hoạch đề án tuyển sinh, lập danh sách giảng viên cán bộ coi thi, chuẩn bị các nơi ăn trốn ở trong khu nôi trú. Đồng thời, là đã phối hợp với Đoàn thanh niên để thành lập đội thanh niên tình nguyện hỗ trợ cho thí sinh tham gia kỳ thi một cách thuận lợi.
Vũ Ánh – Trung Hiếu