05072025Thứ 4
Last updateThứ 2, 26 10 2020 11am

HỘI THẢO THẾ HỆ NHÀ VĂN SAU 1975 – NHỮNG ĐÁNH GIÁ CÔNG TÂM TRÊN HÀNH TRÌNH TÌM KIẾM

0
0
0
s2smodern
powered by social2s

Ngày 28 tháng 4 năm 2016, Khoa Viết văn – Báo chí, “hậu thân” Trường viết văn Nguyễn Du, thuộc Trường Đại học Văn hóa Hà Nội đã long trọng tổ chức Hội thảo Quốc gia với nhan đề “Thế hệ nhà văn sau 1975”.

Tới dự Hội thảo có đông đảo nhà thơ nhà văn, nhà nghiên cứu, các vị đại biểu đến từ mọi miền đất nước. Sự hội ngộ các nhà thơ, nhà văn như:Nguyễn Quang Thiều, Hữu Thỉnh, Nguyễn Hữu Quý, Lê Minh Khuê, Y Ban, Võ Thị Xuân Hà, Sương Nguyệt Minh, Nguyễn Thế Hùng, Thùy Dương, Mai Văn Phấn, Inrasara … với các nhà nghiên cứu Trần Đình Sử, La Khắc Hòa, Phạm Xuân Nguyên, Nguyễn Đăng Điệp, Lại Nguyên Ân, Lê Dục Tú, Lưu Khánh Thơ, Đoàn Lê Giang… hứa hẹn nhiều trang viết giàu giá trị.

TS. Chu Văn Sơn phát biểu tại Hội thảo

Sau lễ dâng hoa tại tượng đài Hồ Chí Minh và văn nghệ chào mừng, hội thảo đã được lắng nghe ý kiến phát biểu chào mừng, chúc mừng nồng nhiệt của PGS.TS. NGƯT Nguyễn Văn Cương – Bí thư Đảng ủy, Hiệu trưởng nhà trường.         

Hội thảo cũng lắng nghe ý kiến chỉ đạo của đồng chí Nguyễn Ngọc Thiện, Ủy viên Trung ương Đảng, Bộ trưởng Bộ Văn hóa Thể thao và Du lịch. Đồng chí đánh giá cao công tác chuẩn bị của Trường Đại học Văn hóa, đồng thời bày tỏ sự tán thành đối với những thành quả mà hội thảo sẽ thu được. Đây là hoạt động có ý nghĩa đối với công tác văn hóa văn nghệ nước nhà, góp tăng cường thúc đẩy việc trao đổi học thuật chuyên môn quốc gia, góp phần thúc đẩy những tìm kiếm mới về văn học sau 1975. Lời phát biểu của đồng chí thể hiện sự trân trọng, khẳng định vị trí của các nhà văn, nhà thơ, nhà nghiên cứu nhằm xây dựng nền văn hóa phù hợp với nhu cầu phát triển đất nước.

Giảng viên Trường Đại học Tây Bắc và các nhà văn, nhà nghiên cứu tại Hội thảo

Ngay tại phiên toàn thể, các đại biểu đã thông qua tham luận với đánh giá sâu sắc và công bằng, khái quát về diện mạo nền văn học sau 1975 của TS. Chu Văn Sơn. Công nhận những đóng góp của nền văn học mới, nhà nghiên cứu tổng kết: đây thời kì văn học đã được cởi trói, dần thoát khỏi nền văn học đồng phục, các nhà văn nhà thơ đã “phát hiện cái bất thường trong cái bình thường”, thay thế gần như hoàn toàn lối viết trước đó, “tìm cái bình thường trong cái bất thường, và bình thường hóa cái bất thường chính là sự phi thường”.         

Sau phiên toàn thể, hội thảo chia làm hai tiểu ban văn và thơ. Nhìn chung, các tác giả tham luận đều đánh giá cao vai trò của những nhà văn, nhà thơ, nhà kiến tạo, “kẻ gây sóng gió, người đem đến phần lớn những diễn biến sinh động nhất trên văn đàn”. Sáng tác của nhiều cây bút được quan tâm song thu hút sự tìm tòi cao độ là tác phẩm của các tác giả Nguyễn Huy Thiệp, Phạm Thị Hoài, Bảo Ninh, Nguyễn Quang Thiều… Sáng tạo của các nhà văn vừa là chân dung tự họa cho thế hệ mình, vừa quyết định gương mặt nghệ thuật chung của cả chặng đường sau 1975 của đất nước. Những thành công của họ sẽ được công chúng thẩm bình và suy ngẫm.

Hội thảo kết thúc trong không khí đối thoại cởi mở, tự do, dân chủ. Hội thảo đã chính thức xác lập vị trí và đóng góp to lớn của văn học sau 1975 trên văn đàn văn học nước nhà.