05152024Thứ 4
Last updateThứ 2, 26 10 2020 11am

Họp ban điều phối Dự án Nông Lâm kết hợp cho sinh kế của nông hộ nhỏ tại Tây Bắc, Việt Nam

0
0
0
s2smodern
powered by social2s
Ngày 24 tháng 05 năm 2013, tại Trường Đại học Tây Bắc diễn ra cuộc họp Ban Điều phối Dự án Nông Lâm kết hợp cho sinh kế của nông hộ nhỏ tại Tây Bắc, Việt Nam (AFLI) quý II năm 2013
Tham dự cuộc họp Ban Điều phối có TS. Yasmi Yurdi – Quản lý Dự án; TS. Đoàn Đức Lân – Phó Hiệu trưởng Trường Đại học Tây Bắc; TS. Elisabeth Simelton – Chuyên gia Tổ chức Nông Lâm Thế giới (ICRAF), TS. Hoàng Thị Lụa – Điều phối viên hiện trường (ICRAF); một số cán bộ ICRAF và đại diện các cơ quan: Trung tâm Khoa học Lâm nghiệp Tây Bắc; Viện Khoa học kỹ thuật Nông Lâm nghiệp miền núi phía Bắc (NOMAFSI),Trung tâm Khuyến nông Tỉnh Sơn La, Trung tâm Khuyến nông Tỉnh Yên Bái, Quỹ Bảo vệ và Phát triển Rừng Tỉnh Điện Biên.
 
Dự án được tài trợ bởi Trung tâm Nghiên cứu Nông nghiệp Quốc tế Australia (ACIAR) và ICRAF. Dự án triển khai tại 3 tỉnh Điện Biên, Yên Bái và Sơn La từ năm 2012 đến năm 2016 với các mục tiêu:
 
- Thiết kế các hệ thống nông lâm kết hợp tiềm năng cho khu vực.
 
- Cải thiện hệ thống vườn ươm cơ sở nhỏ (cải tạo giống).
 
- Nâng cao khả năng tiếp cận thị trường cho sản phẩm của hệ thống nông lâm kết hợp.
 
- Tăng cường công tác khuyến nông.
 
Các đối tác chính tham gia Dự án gồm có: ICRAF, Trung tâm Nghiên cứu khoa học và Chuyển giao công nghệ (Trường Đại học Tây Bắc); Viện Khoa học kỹ thuật nông lâm nghiệp miền núi phía Bắc (NOMAFSI), Trung tâm Khoa học Lâm nghiệp Tây Bắc (Viện Khoa học Lâm nghiệp Việt Nam) và các đơn vị tư vấn, phối hợp khác.
 
Tại cuộc họp Ban điều phối ngày 24/05/2013, TS. Elisabeth đã giới thiệu TS.Yurdi - Quản lý Dự án mới. Nhân dịp này TS. Đoàn Đức Lân đại diện Trường Đại học Tây Bắc đã tặng TS. Yurdi bó hoa chúc mừng và mong muốn với sự hợp tác của ông, Dự án sẽ có những bước tiến bộ. Phát biểu tại cuộc họp TS.Yurdi cảm ơn những tình cảm tốt đẹp của các đối tác tham gia Dự án. Ông mong muốn nhận được sự hợp tác của tất cả các thành viên. 
 
Sau phần khai mạc, cuộc họp đã tập trung rà soát lại nội dung cuộc họp Ban điều phối lần trước (những vấn đề hạn chế và những giải pháp khắc phục); nghe các đơn vị báo cáo kết quả hoạt động từ tháng 1 đến tháng 5 năm 2013 và kế hoạch công việc trong giai đoạn tiếp theo.
 
 
ThS. Vũ Đức Toàn (Khoa Nông Lâm) trình bày báo cáo của TBU
 
Các đối tác đã nêu ra những khó khăn, thuận lợi cũng như đề xuất các giải pháp trong quá trình triển khai Dự án. Các báo cáo đề cập đến thuận lợi chung  là: Nông dân nhiệt tình tham gia, cán bộ khuyến nông và địa phương ủng hộ. Khó khăn là: đường xá khó đi, thay đổi nông hộ tham gia, trâu bò phá hoại, lửa đốt nương mùa khô. Giải pháp: Tăng cường hợp tác với khuyến nông địa bàn; cán bộ thực địa cần gần gũi với người dân hơn, thường xuyên liên hệ qua điện thoại; hỗ trợ nông dân làm hàng rào; tăng cường theo dõi mùa khô.
 
Sau phần trình bày báo cáo của các cơ quan, các đại biểu tham dự cuộc họp đã nêu lên các ý kiến thảo luận. TS. Đoàn Đức Lân cho rằng: Cần thống nhất nhanh các loại cây trồng trong hệ thống, đảm bảo phù hợp giữa mong muốn của người dân và ý tưởng của nhà Khoa học. Vấn đề trồng ngô theo đường đồng mức cần xem xét tính khả thi, cán bộ hiện trường cần bám sát các hoạt động cùng người dân. Việc xác định phương pháp đo xói mòn: cần thảo luận và thống nhất  với chuyên gia Úc. Chọn hộ dân tham gia: cần có sự thảo luận với người dân, đảm bảo có sự cam kết tham gia, tránh tình trạng sau khi thỏa thuận người dân không tiếp tục tham gia. Bảo vệ các mô hình: Nên cân đối ngân sách để làm hàng rào bảo vệ mô hình; đề nghị cơ quan nghiên cứu khi chọn điểm phải qua bước họp dân; chọn điểm cần đúng tiêu chuẩn thử nghiệm.
 
Ông Phạm Hữu Thương – Cán bộ phụ trách các mô hình nông lâm kết hợp tổng hợp (ICRAF) có ý kiến đề xuất nên có cuộc họp định kỳ với người dân, cán bộ khuyến nông để nắm bắt công việc và có giải pháp kịp thời.
 
Cuộc họp cũng được nghe những khuyến nghị từ cán bộ phụ trách tài chính: Định mức chi tiêu nội bộ phải được ban hành; hồ sơ và thủ tục muc sắm cần rà soát và đánh giá cẩn thận; các khoản chi tiêu phải được phản ánh trong báo cáo tài chính; kiểm tra và phản ánh đầy đủ các khoản chi tiêu theo ngân sách được phê duyệt và căn cứ vào thực tế…Tăng cường việc điều phối giữa các đơn vị; cán bộ tham gia dự án cần hiểu rõ yêu cầu, quy định đặt ra để cải thiện công tác tài chính; người dân được tham gia đầy đủ các hoạt động và được nhận đầy đủ kinh phí hỗ trợ.
 
Phát biểu tổng kết cuộc họp Ban điều phối, TS. Yurdi bày tỏ vui mừng khi gặp các cán bộ Dự án; cảm ơn các thành viên tham dự hội thảo; hài lòng với những kết quả của dự án. Tuy nhiên Dự án còn một số khó khăn gặp phải trong quá trình thực hiện gồm 5 vấn đề chính: kỹ thuật, phương pháp tiếp cận, chọn điểm xa, nguồn lực con người, hợp tác và tài chính. Ông mong muốn mỗi người tham gia dự án cần có trách nhiệm làm cho dự án thành công.