05142024Thứ 3
Last updateThứ 2, 26 10 2020 11am

Đại tướng Võ Nguyên Giáp - Nhà sử học chân chính

0
0
0
s2smodern
powered by social2s

     Võ Nguyên Giáp sinh ngày 25/08/1911 tại làng An Xá, xã Lộc Thủy, huyện Lệ Thủy, tỉnh Quảng Bình trong một gia đình nhà nho, con của ông Võ Quang Nghiêm (Võ Nguyên Thân), một nhà nho đức độvà mẹ là bà Nguyễn Thị Kiên.

     Học xong lớp 3 Ông phải xuống thị xã Đồng Hới học tiếp, Đồng Hới thuộc tỉnh lỵ Quảng Bình, cách làng An Xá của Ông trên 20 cây số, nằm bên bờ Nhật Lệ “trong xanh lung linh soi bóng Lũy Thầy”, với thành cổ bao quanh từ thời Gia Long năm thứ 10 (1812) và được xây lại bằng gạch năm Minh Mạng thứ năm (1824).

     Những năm học ở thị xã Đồng Hới, Ông Giáp ở trọ nhà người quen của cụ Nghiêm. Ông được gia chủ quý mến coi như con cháu trong nhà, không lấy tiền trọ, Ông có vinh hạnh được học với nhà sư phạm có tiếng, thầy giáo Đào Duy Anh. Hai năm học ở tiểu học Đồng Hới, hàng tháng Ông luôn đứng đầu lớp. Tại kỳ thi tốt nghiệp bậc sơ học, Ông đỗ đầu toàn tỉnh. Về làng Ông được dân làng nể trọng, gia đình rất tự hào về Ông.

     Năm 1925, Võ Nguyên Giáp rời trường Tiểu học Đồng Hới ở quê nhà Quảng Bình để vào Huế ôn thi vào trường Quốc học Huế (ông đỗ thứ hai sau Nguyễn Thúc Hào). Hai năm sau, ông bị đuổi học cùng với Nguyễn Chí Diểu, Nguyễn Khoa Văn (tức Hải Triều), Phan Bôi sau khi tổ chức một cuộc bãi khóa. Trong thời gian này Nguyễn Thị Quang Thái cũng vào học lớp Đệ nhất niên trường nữ học Đồng Khánh niên khóa 1929-1930.

     Sau khi bị nhà cầm quyền đuổi học Ông về quê và được Nguyễn Chí Diểu giới thiệu tham gia Tân Việt Cách mạng Đảng, một đảng theo chủ nghĩa dân tộc nhưng có màu sắc cộng sản thành lập năm 1924miền Trung Việt Nam. Nguyễn Chí Diểu cũng giới thiệu Võ Nguyên Giáp vào làm việc ở Huế, tại nhà xuất bản Quan hải tùng thư do Đào Duy Anh sáng lập và ở báo Tiếng dân của Huỳnh Thúc Kháng. Tại đây, Võ Nguyên Giáp bắt đầu học nghề làm báo, chuẩn bị cho giai đoạn hoạt động báo chí trong thời Mặt trận Bình dân Pháp.

     Trước khi trở thành Đại tướng (1948) Võ Nguyên Giáp là một thày giáo dạy Sử ở trường Tư thục Thăng (Hà Nội) do do Hoàng Minh Giám làm Giám đốc Nhà trường.

     Ngày 3 tháng 5 năm 1940, Võ Nguyên Giáp với bí danh là Dương Hoài Nam cùng Phạm Văn Đồng lên Cao Bằng rồi vượt biên sang Trung Quốc để gặp Hồ Chí Minh.

Đại tướng: "Không có Bác Hồ, không có tôi" 

     Trong thời gian dạy lịch sử Ông đam mê nghiên cứu về lịch sử dân tộc và lịch sử thế giới, đặc biệt là Cách mạng Pháp (1789) và Napoleon Bonaparte... Chính những bài học lịch sử đã được ông quý trọng coi là “Thầy giáo của cuộc đời” và là “Ngọn đuốc soi đường để đi đến tương lai”; Ông đã vận dụng một cách sáng tạo những bài học lịch sử đó trong suốt đời cầm quân của mình.

     Từ bài học trong cuộc kháng chiến chống Mông Nguyên thế kỷ XIII, trước thế mạnh của giặc vua tôi nhà Trần đã phải bỏ ngỏ kinh thành Thăng Long (2/1285) rút về Thiên Trường bảo toàn lực lượng tiến hành chiến tranh du kích, chờ cơ phản công quét sạch quân thù giải phóng đất nước... bài học này đã được Đảng ta và Đại tướng Võ Nguyên Giáp vận dụng một cách sáng tạo trong những ngày đầu kháng chiến Toàn quốc “Quyết tử cho Tổ quốc quyết sinh” rút toàn bộ cơ quan Đảng, Chính phủ và lực lượng của ta khỏi Hà Nội chuyển lên Định Hóa-Thái Nguyên thực hiện kháng chiến trường kỳ... Quyết định này cùng với quyết định “Khó khăn nhất” trong cuộc đời cầm quân của Đại tướng là chuyển từ phương án “đánh nhanh thắng nhanh” sang “đánh chắc tiến chắc” trong chiến dịch Điện Biên Phủ năm 1954, nhờ vậy đã giành thắng lợi to lớn triệt để (trước đó trong chiến dịch Biên Giới năm 1950, lúc đầu Ông cùng Bộ Tổng tham mưu chủ trương chọn Cao Bằng để đánh trận mở màn chiến dịch, nhưng sau khi tính toán và bằng nhạy cảm của của một người cầm quân Ông cảm thấy không chắc thắng và đã có sự  điều chỉnh lấy Đông Khê là trận mở đầu với phương châm “Đánh điểm diệt viện” và đã giành thắng lợi to lớn – chiến dịch này Chủ tịch Hồ Chí Minh trực tiếp tham gia chiến dịch).

     Hoặc trong cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước, từ bài học về sự “thần tốc” của Quang Trung - Nguyễn Huệ đại phá 29 vạn quân Thanh ở Thăng Long (1789), Đại tướng Võ Nguyên Giáp đã có mệnh lệnh lịch sử ngày 07/04/1975:

     "Thần tốc, thần tốc hơn nữa. Táo bạo, táo bạo hơn nữa, tranh thủ từng giờ phút, xốc tới mặt trận giải phóng miền Nam. Quyết chiến và toàn thắng...". Đây vừa là một mệnh lệnh chiến đấu ngắn gọn, súc tích, vừa là lời "hịch" hào hùng cổ vũ động viên cán bộ chiến sỹ không quản mệt nhọc khó khăn, gian khổ ngày đêm xông tới tiền tuyến chiến đấu giải phóng miền Nam...

     Có thể nói, từ những bài học của lịch sử dân tộc và lịch sử thế giới đã được Đại tướng Võ Nguyên Giáp vận dụng một cách sáng tạo trong cuộc đời cầm quân của mình và đã góp phần cùng toàn Đảng, toàn quân và toàn dân lập nên những chiến công hiển hách làm rạng danh dân tộc và “chấn động địa cầu”.

     Sau này đã nhiều lần khi tiếp xúc với các các nhà sử học, Đại tướng đều có những góp ý chân thành: “Ông luôn nói với GS,NGND Phan Huy Lê: chúng tôi (Đại tướng Võ Nguyên Giáp) làm sử không chuyên nghiệp nhưng cũng phải hết sức cẩn thận” và GS,NGND Phan Huy Lê cũng thừa nhận: “đúng là làm việc với Đại tướng mới thấy, Ông là một nhà sử học lớn, nhà sử học bậc thầy, làm việc hết sức cụ thể, chi tiết, đúng tư duy và phong cách nhà sử học”.

     Cái ông quan tâm đầu tiên là phải tìm bằng được tư liệu, biết giám định tư liệu. Thứ hai là ông rất tôn trọng những khái niệm đã từng được khái quát và sử dụng trong các thời kỳ lịch sử, luôn lật đi lật lại để tìm hiểu cách giải thích cho đúng. Mọi ý khái quát đều phải chứng minh bằng tư liệu.

     Đại tướng đã từng nói với GS,NGND Phan Huy Lê rằng, "Cái rất gần giữa quân sự với sử học là phải coi trọng sự thật. Sử mà không coi trọng sự thật không còn là sử, quân sự mà không coi trọng sự thật thì thất bại ngay lập tức".

     "Phải tôn trọng sự thật", ông nhắc đi nhắc lại "dù là sự thật cay đắng nhất cũng phải chấp nhận, từ sự thật đó mới tạo được thành công".

     Theo Đại tướng Võ Nguyên Giáp một điều đặc biệt và trùng hợp ngẫu nhiên “khi làm sử phải căn cứ vào thực tế và cầm quân cũng phải vậy, không có hai yếu tố đó thì khó có thể thành công”.

     Thực tế đó đã được kiểm nghiệm trong suốt cuộc đời và sự nghiệp của Đại tướng Võ Nguyên Giáp.