05152024Thứ 4
Last updateThứ 2, 26 10 2020 11am

Ngày Hội Văn hóa các dân tộc huyện Mộc Châu - một hoạt động giàu ý nghĩa và sắc thái văn hóa

0
0
0
s2smodern
powered by social2s

Ngày Hội Văn hóa các dân tộc ở Mộc Châu đã có sức hấp dẫn và cuốn hút nhiều du khách. Tuy nhiên, nếu không đến tận nơi, thâm nhập vào ngày Hội, bạn không thể hình dung đầy đủ về không khí vừa náo nhiệt vừa độc đáo và đặc sắc ở đấy.

     Vượt hơn một trăm cây số, chúng tôi đến Mộc Châu thì trời đã tối. Người Mộc Châu nói với chúng tôi rằng không còn nơi nào nghỉ vì mọi nhà nghỉ, khách sạn đã hết chỗ. Lẽ thường, chúng tôi phải lo nơi ăn nghỉ nhưng không khí ngày hội khiến chúng tôi không còn để tâm vào việc ấy mà bị cuốn hút ngay vào dòng người đang chảy trên đường. Đúng là người đi quấn áo chen chân. Tôi đã ở Tây Bắc mấy mươi năm, đã ăn tết cổ truyền với nhiều dân tộc nhưng chưa bao giờ thấy phố xá Mộc Châu đông vui đến thế. 

     Ngoài sự đông vui, náo nhiệt, gây ấn tượng mạnh với tôi là sự trang trí rất đẹp của thị trấn. Cả bốn điểm vui chơi là Nhà Văn hóa Tiểu khu 4, Nhà Văn hóa huyện, sân vận động huyện và điểm du lịch Hang Dơi đều được kết đèn hoa rực rỡ. Chen giữa dòng người trên phố có lẽ có đủ 12 dân tộc anh em của huyện Mộc Châu. Các dân tộc hòa đồng không chỉ vì cùng đi chơi phố mà hòa đồng cả niềm vui, sở thích và sắc phục. Sắc phục của người H’Mông tham gia ngày Hội rất đẹp, đã cách tân nhiều từ màu sắc đến kiểu dáng tuy vẫn giữ được những nét bản sắc truyền thống. Ngày này, bạn không thể xác định được bà con người H’Mông nếu chỉ căn cứ vào sắc phục. Ngay trước mắt tôi lúc ấy là một tốp thanh niên mặc áo váy dân tộc H’Mông nối nhau dạo trên phố mang theo cờ, trống, bóng bay.  Tôi vào một quầy bán quần áo H’Mông để xem cách bán mua thế nào. Gọi là “quầy” chứ thực ra là một chỗ bán hàng trên vỉa hè phố Mộc Châu. Nơi này bán khá nhiều áo, váy vừa đa dạng về màu sắc lẫn kiểu cách. Một bà cụ người H’Mông tìm mãi mới thấy một bộ áo váy mà theo cụ là đúng sắc phục truyền thống. Quan sát kỹ bộ áo váy này tôi thấy chất vải rất tốt, màu sắc thổ cẩm tuy không được sáng và tươi như áo váy các thiếu nữ đang mặc lúc đó nhưng rất đậm màu và có vẻ bền chắc.

 

     Tôi hỏi bộ áo váy ấy giá bao nhiêu tiền, cụ nói tiếng phổ thông không rõ lắm nhưng cũng khá dễ nghe. Theo cụ, bộ ấy khoảng tám đến chín trăm ngàn đồng nhưng có khi chỉ bán được năm sáu trăm vì “thanh niên bây giờ nó không thích (kiểu quần áo ấy) cán bộ ạ”. Nghe cụ nói, tôi càng thấy băn khoăn về việc làm thế nào để bảo tồn bản sắc văn hóa nhất là văn hóa mặc. Hầu hết trang phục cả nam và nữ đều có sự thay đổi về kiểu cách và màu sắc mà theo bà con địa phương thì được nhập về từ Trung Quốc. Từ mũ đến áo váy của nữ đều có nhiều mầu và được làm rất cầu kỳ. Ngay áo của nam cũng có màu sắc sặc sỡ và thường may bó sát cơ thể chỉ thích ứng với việc đi dạo chơi trên phố chứ ít thích hợp với công việc lao động sản xuất.

     Trời càng về khuya, phố xá càng tấp nập, đèn hoa càng thêm lộng lẫy. Dòng người đổ về Nhà Văn hóa huyện và sân vận động càng nhiều. Giữa dòng người đó, tôi gặp được người bạn đã có thời công tác cùng tôi ở một trường học. Anh nói với tôi giọng vừa nghiêm trang vừa vui đùa: “Muốn biết về văn hóa Mộc Châu, bác phải đi với em!”. Tôi đành ngoan ngoãn đi theo anh. Anh đưa tôi đến sân vận động huyện, bảo tôi vào quán ăn với một yêu cầu vừa như mệnh lệnh vừa như mời mọc: “Hãy tìm hiểu văn hóa ẩm thực đã”. Anh gọi nhà hàng mang rượu đặc sản, thức ăn đặc sản: rượu đựng trong ống tre, dùng chén tre để uống và món “thắng cố” nấu bằng thịt ngựa. Tôi ngồi ăn mà tâm trí vừa hướng nội vừa hướng ngoại. Bữa ăn rất thú vị vì thức ăn ngon lại ăn trong không khí đậm đà tình bạn nhưng tiếng trống, tiếng hát, tiếng chào hỏi hội tụ cả niềm vui và tình người vừa hồn nhiên vừa tha thiết vẫn hấp dẫn đến quyến rũ tôi. Anh bạn khuyên tôi nên đi nghỉ vì theo anh biết ngày hôm sau mới là ngày tưng bừng và náo nhiệt nhất của lễ hội.

     Ngày hôm sau, tôi đi tất cả các điểm tổ chức lễ hội, cố gắng ghi bằng máy ảnh và trí nhớ các điệu múa, các làn điệu dân ca, các trò chơi dân gian. Tôi thích nhất điệu múa khèn của một cặp trai gái người H’Mông. Chàng trai khỏe đẹp như A Phủ, cô gái thì như Mỵ trong cách nhìn của tôi. Tiết mục kết thúc, chàng trai và cô gái giơ tay chào khán giả tình tứ và điệu nghệ vừa như hai nghệ sĩ vừa như cặp uyên ương. Tò mò, tôi hỏi cô gái:

-         Các em là người yêu của nhau à?

-         Ồ không! Chúng em chỉ là bạn. Anh ấy đã có vợ, còn em thì có chồng và có con rồi.

-         Sao các em múa đẹp và tình tứ thế?

-         Vì chúng em yêu điệu múa này!

     Câu nói hồn nhiên và đơn giản của cô gái khiến tôi không nói được gì thêm và mới hiểu ra rằng tình yêu nghệ thuật giúp cho con người có được năng lực, trong trường hợp này là tài năng, mà khi không có tình yêu ấy con người không bao giờ có được.

     Một ngày qua đi thật nhanh. Trước khi ra về, tôi tìm gặp lại người bạn hôm trước vừa để chào bạn vừa muốn anh giải thích giúp một điều tôi vẫn băn khoăn vì trước đây ngày này ở Mộc Châu có tên gọi là “Ngày Tết Độc lập” còn bây giờ lại là “Ngày Hội Văn hóa các dân tộc”. Anh bảo rằng trước đây, ngày ấy là ngày việc nương rẫy của người H’Mông tạm thư nhàn, bà con xuống thị trấn mua sắm và chụp ảnh, về sau cứ mùng 2 tháng 9 hàng năm bà con xuống càng đông nên từ đó có tên gọi là ngày “Tết Độc lập”. Sau nữa thì các dân tộc khác cũng về thị trấn vui chơi. Nhân đó chính quyền Mộc Châu rồi Bộ Văn hóa cho phép Mộc Châu tổ chức ngày ấy thành  “Ngày Hội Văn hóa các dân tộc”. Nghe anh nói tôi nhớ tới một câu nói có lẽ đã là một thành ngữ: nhân dân là người sáng tạo ra văn hóa.

     Tôi hứa với anh mà có lẽ là hứa với Mộc Châu và với chính mình: ngày 2 tháng 9 năm sau và những năm sau nữa tôi lại về Mộc Châu!