05152024Thứ 4
Last updateThứ 2, 26 10 2020 11am

Đau thương nhưng vẫn sáng ngời niềm tin

0
0
0
s2smodern
powered by social2s

     Vĩnh biệt Đại tướng, Tổng Tư lệnh Võ Nguyên Giáp

     Trong những ngày này, dòng người vẫn đổ về ngôi nhà số 30 Hoàng Diệu (Hà Nội), với hoa, nến và nước mắt, để bày tỏ niềm tiếc thương vô hạn trước sự ra đi của Vị tướng huyền thoại, Tổng Tư lệnh Quân đội Nhân dân Việt Nam – Đại tướng Võ Nguyên Giáp.

Đại tướng Võ Nguyên Giáp (1911 – 2013)

     Và có những người chưa đến được nơi Đại tướng đã từng sống và làm việc những năm tháng cuối cùng, nhưng nỗi đau thương vẫn bao trùm trong tâm trí của hàng triệu người Việt Nam, từ những đồng đội đã cùng Ông đi qua hai cuộc trường chinh giải phóng dân tộc, những người lính của Ông, những thế hệ sinh ra và lớn lên trong hòa bình đến những người dân bình dị đang bươn chải mưu sinh giữa dòng đời xuôi ngược… Tất cả, tất cả đều mang sự tiếc thương vô hạn. Chúng ta còn nhận thấy cả sự tiếc nuối của bạn bè quốc tế, và sự kính trọng của những người từng ở chiến tuyến bên kia, những đối thủ của Ông một thời.

Đại tướng Võ Nguyên Giáp và đồng bào tại Mường Phăng,  Điện Biên tháng 5.2004

     Theo chỉ thị của Hồ Chủ Tịch, Đội Việt Nam tuyên truyền giải phóng quân được thành lập tháng 12-1944 và do Đại tướng Võ Nguyên Giáp chỉ huy khi ấy chỉ có 34 người với những vũ khí thô sơ như súng lục, súng trường, lựu đạn. Ông trực tiếp chỉ huy Đội  đánh hai trận mở màn và chiến thắng tại Phay Khắt, Nà Ngần.  

     Hơn 30 năm kháng chiến giải phóng dân tộc, từ Đội quân 34 người ngày ấy, đã hình thành nên Lực lượng vũ trang nhân dân Việt Nam anh dũng, kiên cường, mang lại những chiến thắng lừng lẫy trong lịch sử, chấn động địa cầu, góp phần quyết định đánh thắng hai kẻ thù hùng mạnh của thời đại là Thực dân Pháp và Đế quốc Mỹ. Những chiến thắng ấy mang đậm dấu ấn của Ông - Vị Tổng tư lệnh lực lượng vũ trang nhân dân Việt Nam.

     Trong kháng chiến chống Pháp, Ông đã chỉ huy các chiến dịch Biên giới, Trung du, Hà Nam Ninh, Hòa Bình, Tây Bắc, Thượng Lào và chiến dịch Điện Biên Phủ lịch sử. Tài thao lược của Ông thể hiện qua các quyết sách chiến lược sáng tạo như: thành lập các đại đội độc lập, các tiểu đoàn tập trung, đưa bộ đội chủ lực phát triển chiến tranh du kích, đánh sau lưng địch để tiêu hao sinh lực chúng, tấn công Đông Khê trong chiến dịch Biên giới, đánh quân chủ lực cơ động của địch hành quân ra Hòa Bình, huy động 260.000 dân công hỏa tuyến với tất cả các phương tiện, kể cả thô sơ như  xe đạp thồ, xe ngựa, bè mảng để chuyên chở lương thực cho chiến sĩ bao vây lòng chảo Điện Biên …Tại Chiến dịch Điện Biên Phủ, khi kẻ địch tập trung quân lực và khí tài để hình thành nên tập đoàn cứ điểm nhằm nghiền nát bộ đội chủ lực ta nếu mở các cuộc tấn công thần tốc, Ông đã đề xuất với Trung ương và Bác Hồ thay đổi phương châm tác chiến, từ “đánh nhanh, thắng nhanh” sang “đánh chắc, tiến chắc”, hoãn tấn công theo thời giờ đã định trước, đưa quân và kéo pháo ra …        Quyết sách đúng đắn này đã mang lại thắng lợi vĩ đại tại chiến trường Điện Biên Phủ lịch sử ngày 7.5.1954, quyết định việc ký kết Hiệp định Giơ – ne – vơ, giải phóng Thủ đô Hà Nội và miền Bắc Việt Nam. Hơn nửa thế ký sau, Ông đã tâm sự rằng việc thay đổi phương châm tác chiến tại chiến trường Điện Biên năm ấy là “quyết định khó khăn nhất trong cuộc đời binh nghiệp” của Ông. 

Bác Hồ, Đại tướng Võ Nguyên Giáp cùng đồng bào ở Thuận Châu, Sơn La ngày 7.5.1959

     Sau năm 1954, Đế quốc Mỹ thay chân Pháp nhảy vào Đông Dương và tiến hành các cuộc chiến tranh xâm lược miền Nam Việt Nam, phá hoại miền Bắc. Trên cương vị Bí thư Quân ủy Trung ương, Tổng tư lệnh Quân đội, Đại tướng Võ Nguyên Giáp đã sớm kiến nghị với Trung ương và Bộ Chính trị về việc thành lập các Quân, Binh chủng:  Phòng không – Không quân, Hải quân, Đặc công, thành lập các quân đoàn chủ lực để khẩn trương xây dựng Quân đội chính quy, hiện đại, thực hiện các trận đánh lớn kết hợp với chiến tranh nhân dân, phát huy vai trò của Quân đội chính quy, bộ đội địa phương và dân quân tự vệ,  xây dựng và chỉ huy thực hiện các kế hoạch chiến lược và phương án tác chiến đúng đắn, sáng tạo. Những chiến trận đã đi vào lịch sử: Tổng tiến công mùa xuân Mậu Thân 1968, chiến dịch Khe Sanh, Đường 9 Nam Lào, Tổng tiến công và nổi dậy mùa xuân 1975… và nước Mỹ đã phải trả giá bằng sự thất bại của họ trong Chiến tranh Việt Nam với 58.000 binh lính bỏ mạng.

     Xây dựng đường Trường Sơn – đường Hồ Chí Minh trên bộ và đường Hồ Chí Minh trên biển để chi viện cho chiến trường miền Nam là một sách lược đúng đắn để góp phần quan trọng làm nên chiến thắng trong chiến tranh chống Mỹ. Báo chí phương Tây rất ấn tượng với câu nói của Ông về công tác hậu cần trong các chiến dịch lớn: “Nơi mà một con cừu đi qua được thì một người có thể đi qua được.  Nơi một người đi qua được thì một tiểu đoàn có thể đi qua được”.

     Đại tướng Võ Nguyên Giáp đã lựa chọn Buôn Mê Thuột làm hướng tấn công đột phá khởi đầu Tổng tấn công năm 1975. Chiến thắng của ta tại Buôn Mê Thuột khiến quân địch phải rút khỏi Kon Tum và bị chặn đánh, tiêu diệt nên chúng tháo chạy hỗn loạn khỏi địa bàn chiến lược Tây Nguyên. Ông đã chỉ đạo kịp thời mở các chiến dịch giải phóng Huế - Đà Nẵng, nắm bắt thời cơ chiến lược đề nghị giải phóng miền Nam trong năm 1975, giải phóng quần đảo Trường Sa, thành lập cánh quân phía Đông trong Chiến dịch Hồ Chí Minh lịch sử, cùng 4 cánh quân khác thực thi mệnh lệnh “Thần tốc, thần tốc hơn nữa, táo bạo, táo bạo hơn nữa” tiến đánh Sài Gòn. Sự chỉ huy sáng suốt của Ông đã góp phần quan trọng vào chiến thắng lịch sử của dân tộc ta mùa xuân năm 1975, giải phóng miền Nam, thống nhất Tổ Quốc.

     Không được đào tạo qua trường quân sự chính quy nào, nhưng Ông đã trở thành Thiên tài quân sự. Thời báo Washington Post cho biết giới học giả quân sự thế giới coi Ông là một trong những nhà quân sự vĩ đại nhất thế kỷ 20. Hãng thông tấn Pháp AFP ca ngợi Ông là “một  trong những nhà chiến lược quân sự vĩ đại nhất lịch sử”. Báo chí Trung Quốc gọi Ông là “Vị tướng huyền thoại”…Học viện quân sự của nhiều nước nghiên cứu những trận đánh do Ông chỉ huy.

     Trả lời phỏng vấn các nhà báo Pháp khi họ đến miền Bắc Việt Nam năm 1964, Ông nói rằng: sức mạnh chính của Quân đội chúng tôi là ở tinh thần chiến đấu và sự hỗ trợ không giới hạn của Nhân dân.

     Ông đã sống trọn vẹn một cuộc đời cao quý vì Nhân dân, vì Đất nước. Tổ quốc Việt Nam mãi mãi khắc ghi công lao to lớn của Ông. Nỗi đau thương khi Ông ra đi sẽ làm muôn triệu người Việt Nam xiết chặt đội ngũ, tiếp tục xây dựng nước nhà hùng mạnh, đánh thắng mọi kẻ thù xâm lược.

     Năm 1969, khi Bác Hồ ra đi, từ chiến trường miền Nam, nhà thơ Thu Bồn đã gửi về bài thơ: Gửi lòng con đến cùng Cha.

     Và bây giờ, trong những ngày chuẩn bị tiễn đưa Vị Đại tướng của Nhân dân, Người Anh hùng dân tộc, Người Anh cả của Quân đội về nơi an nghỉ cuối cùng, trong tôi luôn văng vẳng nhưng câu thơ trong bài thơ ấy:

            Có người thợ dựng thành đồng

            Đã yên nghỉ tận sông Hồng,  mẹ ơi

            Con đi dưới một vòm trời

            Đau thương nhưng vẫn sáng ngời niềm tin

            Đã ngừng đập một trái tim

            Đã ngừng đập một cánh chim đại bàng

            Niềm đau vô tận thời gian

            Nhớ thương xin chớ lệ tràn đẫm mi…