05142024Thứ 3
Last updateThứ 2, 26 10 2020 11am

Làm việc với Công ty Takii

0
0
0
s2smodern
powered by social2s

     Sáng ngày 19/9/2013 tại Phòng họp 2 Trường Đại học Tây Bắc đã diễn ra buổi làm việc với Công ty Takii (Nhật Bản). Tham dự buổi làm việc về phía Công ty Takii có Ông Wannabe – Giám đốc bộ phận sản xuất, Ông Nobuyki Tayama – Giám đốc phụ trách dự án, Bà Phạm Quỳnh Khanh – Trưởng văn phòng đại diện tại Hà Nội; về phía Dự án TBU-JICA có Ông Hideo Ito – Điều phối viên Dự án phía Nhật Bản; về phía Trường Đại học Tây Bắc có TS. Đoàn Đức Lân – Phó Hiệu Trưởng – Giám đốc Dự án TBU-JICA, đại diện Phòng QLKH&HTQT, đại diện Khoa Nông Lâm, Đại diện Trung tâm NCKH&CGCN, Đại diện Trung tâm NCTNNLN Tây Bắc, một số giảng viên cán bộ liên quan.

     TS. Đoàn Đức Lân giới thiệu sơ bộ về Trường Đại học Tây Bắc: Lịch sử hình thành và phát triển của Nhà trường, các Khoa đang đào tạo, số lượng sinh viên và một số thành tựu trong công tác khoa học, công nghệ và hợp tác quốc tế.

     Ông Wannabe cho biết Công ty Takii là một trong những công ty hàng đầu của Nhật Bản cũng như thế giới về lĩnh vực nghiên cứu, lai tạo các loại giống rau và hoa cung cấp cho nhiều nước trên thế giới trong đó có Việt Nam. Hiện nay, Công ty đang tiến hành lập 1 Dự án đầu tư thành lập trạm nghiên cứu và sản xuất hạt giống tại Việt Nam. Vừa qua công ty đã đi khảo sát một số Tỉnh như: Lâm Đồng, Đà Lạt, Đắc Lắc, Sơn La…..trong đó Tỉnh Sơn La tạo ấn tượng tốt với công ty bởi có Huyện Mộc Châu và Mai Sơn có khí hậu ôn hoà thuận lợi cho việc thực hiện Dự án.

     Ông Wannabe mong muốn sẽ có cơ hội hợp tác với Trường Đại học Tây Bắc trong việc cung cấp nguồn nhân lực cũng như là hợp tác nghiên cứu trong Dự án này. Được biết hiện nay, Dự án JICA cũng đang có nhiều hoạt động nghiên cứu mà phía công ty quan tâm và ông mong muốn sẽ có cơ hội hợp tác với Dự án.

     Để cung cấp cho Công ty Takii những thông tin về năng lực của Trường Đại học Tây Bắc giúp cho quá trình hợp tác sau này, đã có 3 bài trình bày của: Khoa Nông Lâm, Trung tâm Nghiên cứu khoa học và Chuyển giao công nghệ, Trung tâm Nghiên cứu thực nghiệm Nông Lâm Nghiệp Tây Bắc

     Ths. Hoàng Thị Thanh Hà giới thiệu về lịch sử hình thành và phát triển của Khoa Nông Lâm, những thành tựu về đào tạo và nghiên cứu khoa học. Hiện nay, Khoa Nông Lâm có 5 ngành đào tạo đại học (Khoa học cây trồng, Bảo vệ thực vật, Chăn nuôi, Lâm sinh, Quản lý tài nguyên rừng và môi trường), 3 ngành cao đẳng với 1.106 sinh viên, đã có 7 khoá sinh viên ra trường với tổng số sinh viên tốt nghiệp là 1.163 sinh viên. Sinh viên Khoa Nông Lâm sau khi ra trường có thể làm việc tại các cơ quan ngành nông lâm nghiệp tại các tỉnh, các Trung tâm nghiên cứu nông lâm nghiệp, các công ty kinh doanh trong lĩnh vực nông lâm nghiệp… Khoa Nông Lâm cũng đã thực hiện nhiều chương trình nghiên cứu liên quan tới các giống cây trồng bản địa trong sự hợp tác với các tổ chức trong và ngoài nước như: Sở Nông nghiệp các tỉnh, Ngân hàng Thế giới tại Việt Nam, Trung tâm Nghiên cứu Nông nghiệp Quốc tế Australia (ACIAR), Cơ quan Hợp tác Quốc tế Nhật Bản (JICA),….

     Ths. Nguyễn Văn Dũng – Phó Giám đốc Trung tâm giới thiệu về cơ cấu tổ chức, năng lực và chức năng của Trung tâm Nghiên cứu thực nghiệm Nông Lâm Nghiệp Tây Bắc. Ông Dũng chi biết Trung tâm có vị trí địa lý rất thuận lợi vì nằm giữa Sơn La và Điện Biên, các mô hình điển hình đang thực hiện ở Trung tâm là: Dưa bản địa, gà Bản địa, Lúa bản địa, trồng cà chua trái vụ…. Bên cạnh đó Trung tâm cũng thực hiện hoạt động đào tạo nghề cho nông dân, sản xuất rau sạch cung cấp cho thị trường Sơn La.

     Ths. Cao Đình Sơn – Phó Giám đốc Trung tâm cho biết hiện nay Trung tâm Nghiên cứu khoa học và Chuyển giao công nghệ có 4 nhân thành viên và 20 cán bộ kiêm nghiệm thuộc các chuyên ngành: Nông nghiệp, lâm nghiệp, sinh học, kinh tế… Trung tâm đã thực hiện trên 20 đề tài nghiên cứu dưới sự tài trợ của nhiều tổ chức trong và ngoài nước. Một số đề tài điển hình như: Mô hình trồng cây thuốc tắm cho phụ nữ sau khi sinh, nghiên cứu nuôi trồng nấm ăn, nghiên cứu cây khoa sọ, xây dựng mô hình canh tác bền vững trên đất dốc tại Mộc Châu…. Đào tạo tập huấn về quản lý nông lâm nghiệp cho cán bộ nông lâm nghiệp tỉnh Sơn la, chuyển giao tiến bộ kỹ thuật cho hơn 100 hộ gia đình. Định hướng của Trung tâm là tiếp tục triển khai các đề tài nghiên cứu liên quan tới phát triển nông thôn và bảo vệ môi trường, mở các khoá đào tạo ngắn hạn.

     Qua 3 báo cáo trình bày, Ông Wannabe cho biết họ băn khoăn về việc phân tích đất và xác định các loại sâu bệnh lạ, bởi tại Sơn La có rất nhiều loại đất khác nhau, đôi khi cách nhau 100m cũng có sự khác biệt, do vậy việc phân tích đất rất quan trọng. Mặt khác, trình độ tiếng Anh của sinh viên sau khi ra trường là một câu hỏi của phía công ty vì tiếng Anh sẽ là ngôn ngữ chính trong quá trình làm việc. Ông Nobuyki Tayama khẳng định cây cà chua và dưa chuột là đối tượng mà công ty Takii đang quan tâm, nhưng không biết ở Sơn La thì nơi nào phù hợp cho việc trồng loại cây này và khi trồng gặp những loại sâu bệnh nào?

     Ông Đoàn Đức Lân cho biết việc phân tích đất có thể được tiến hành tại phòng thí nghiệm Khoa Nông Lâm hoặc Khoa Sinh Hoá. Còn về trình độ tiếng Anh của sinh viên Khoa Nông -Lâm sau khi ra trường còn hạn chế vì sinh viên có ít điều kiện giao tiếp.

     Ông Vũ Quang Giảng cho biết đối với cây cà chua trồng chủ yếu ở huyện Mai Sơn vào vụ Đông và huyện Mộc Châu vào mùa Hè. Bệnh phổ biến là: Bệnh sương mai, héo xanh do vi khuẩn. Đối với cây dưa chuột thì trồng chủ yếu ở huyện Yên Châu và bệnh phổ biến nhất là do vi rút gây héo lá, bệnh phấn trắng.

     Kết thúc buổi làm việc, các thành viên đã cùng nhau đi thăm quan hệ thống phòng thí nghiệm của Khoa Nông – Lâm.