05072024Thứ 3
Last updateThứ 2, 26 10 2020 11am

HOA TRƯỜNG SA ĐẸP NHƯ TÂM HỒN NGƯỜI LÍNH BIỂN

0
0
0
s2smodern
powered by social2s

Ban Biên tập: Từ ngày 28/6 – 30/6/2020, Trường Đại học Tây Bắc phối hợp với Bộ Thông tin và Truyền thông, Sở Thông tin và Truyền thông tỉnh Sơn La phối hợp tổ chức Triển lãm bản đồ và trưng bày tư liệu “Trường Sa, Hoàng Sa của Việt Nam – những bằng chứng lịch sử và pháp lý”. Nhân dịp này, Ban Biên tập Website Trường trân trọng giới thiệu bài viết của TS. Đoàn Đức Lân, Chủ tịch Hội đồng Trường. Bài viết về một sinh viên của Nhà trường, sau khi tốt nghiệp đã tham gia Hải quân và hiện đang đóng quân tại Quần đảo Trường Sa – vùng biển xa xôi nhưng rất quan trọng đối với chủ quyền thiêng liêng của Tổ Quốc !

Trước khi đến tham gia khai mạc Triển lãm bản đồ và trưng bày tư liệu “Trường Sa, Hoàng Sa của Việt Nam – những bằng chứng lịch sử và pháp lý”, tôi chợt nhớ câu chuyện đồng nghiệp kể về một ngày 20/11 năm nào đó, có chiến sĩ ở Trường Sa, nguyên là sinh viên lớp Đại học Sư phạm Lịch sử,  gọi điện về chúc mừng các thầy cô. Tôi liên hệ với TS. Tống Thanh Bình, Phó trưởng Bộ môn Lịch sử, để tìm hiểu thông tin về sinh viên đó. Thật cảm động khi chúng tôi đã liên lạc được với Đại úy Trần Như Hùng, Bí thư Đảng ủy, Chính trị viên Đảo Tốc Tan thuộc Lữ đoàn 146 (Đoàn Trường Sa), Vùng 4 Hải quân.

Năm 2003, Trần Như Hùng từ quê hương Hà Tĩnh đến học tại Trường ĐH Tây Bắc khi Trường còn đóng tại Thị trấn Thuận Châu, Sơn La. Chàng sinh viên lớp ĐHSP Lịch sử K44 năm nào có nhiều kỷ niệm xúc động với những năm tháng dưới mái trường, với những địa điểm thân quen mà nhiều thầy cô, sinh viên đã từng gắn bó với Thuận Châu đều biết: “Còn đó Đồi Viba, Đồi Tình nhân, Sân khấu Nhà trường mùa lễ hội...không kể hết được nhưng Em rất mong có một ngày quay lại mái trường thân yêu Tây Bắc”.

Năm 2007, Hùng tốt nghiệp Trường ĐH Tây Bắc. Hùng đến với Trường Sa từ năm 2012, sau khi tốt nghiệp Trường Sỹ quan Chính trị. Đến với nơi đầu sóng ngọn gió, muôn vàn khó khăn, gian nan và hiểm nguy, Hùng vẫn quyết tâm phấn đấu và trưởng thành: “Em đã từng trải qua các chức vụ: Bí thư Chi bộ - Chính trị viên Đảo Len Đao; Bí thư Đảng ủy, Chính trị viên Đảo Đá Lớn. Hiện nay em đang là Đại úy, Bí thư Đảng ủy, Chính trị viên Đảo Tốc Tan thuộc Lữ đoàn 146”. Sự tiến bộ, trưởng thành của em trong môi trường Quân đội, nơi tuyến đầu bảo vệ biển đảo - cũng là niềm tự hào của gia đình, của quê hương Cẩm Xuyên, Hà Tĩnh, là niềm tự hào và vinh dự của Nhà trường.

Từ hải đảo xa xôi nhưng rất đỗi thân quen bởi cái tên “Trường Sa” đã khắc sâu trong tâm trí nhiều người Việt – Hùng dành những tình cảm tốt đẹp cho thầy cô, cho Nhà trường: “Trường ĐH Tây Bắc là nơi đã chắp cánh cho em có được như ngày hôm nay. Từ những kinh nghiệm, tri thức, kiến thức đã được các thầy cô truyền thụ đến lối sống, giao tiếp và những hoạt động phong trào em tiếp thu ở Khoa Sử Địa nói riêng và Trường ĐH Tây Bắc nói chung đã giúp em trưởng thành hơn, vững vàng về ý chí, rèn luyện bản lĩnh, lập trường, đem những kiến thức đã học được ngày đó đến với Trường Sa để góp phần bảo vệ vững chắc chủ quyền biển đảo của Tổ quốc”.

Hùng gửi cho tôi những hình ảnh về em cùng đồng đội nơi hải đảo. Hình ảnh Hoa Bàng vuông mang vẻ đẹp diệu kỳ nơi nắng gió và phong ba của đại dương. Chân dung của Hùng khi đóng quân tại Len Đao – nơi các chiến sĩ Hải quân ta đã anh dũng chiến đấu, giữ vững ngọn cờ chủ quyền trong trận chiến Trường Sa vào tháng 3/1988.

Hùng cũng gửi cho tôi hình ảnh về các chiến sĩ trồng rau trên đảo, hình ảnh đón Xuân về, hình ảnh đón các đoàn từ đất liền ra thăm đảo, hình ảnh điểm đóng quân tại Đảo Tốc Tan nơi đại dương bốn bề nắng gió.

Điều xúc động nhất trong bức thư Hùng gửi là ý chí của em và đồng đội, thể hiện quyết tâm gìn giữ chủ quyền biển đảo thiêng liêng của Tổ quốc: “Xin gửi tới các thầy cô một niềm tin "Còn người, còn đảo", với cán bộ chiến sỹ Trường Sa thì "Đảo là nhà, biển cả là quê hương". Một bãi san hô, một hòn đảo hiện nay là xương máu cha anh để lại, kiên quyết giữ gìn trong bất kể tình huống nào, hoàn cảnh nào. Dù phải chấp nhận hi sinh quyết không để mất”.

Lời chúc của Đại úy Trần Như Hùng tử đảo xa như một lời gửi gắm của những thế hệ sinh viên đã từng gắn bó với mái trường: “Chúc Nhà trường gặt hái nhiều thành tích trong sự nghiệp trồng người để nâng bước cho các thế hệ chúng em trưởng thành”. Lời chúc ấy giúp chúng ta có thêm tình cảm, quyết tâm và nghị lực để đưa Nhà trường vượt qua những khó khăn, ngày một tiến bộ và phát triển:

Sau đây là các hình ảnh mà Đại úy Hải quân Trần Như Hùng gửi về từ Trường Sa:

Ảnh 1. Đại úy Trần Như Hùng khi còn đóng quân tại Đảo Len Đao

Ảnh 1. Đại úy Trần Như Hùng khi còn đóng quân tại Đảo Len Đao

Ảnh 2. Đảo chìm Tốc Tan 1

Ảnh 2. Đảo chìm Tốc Tan 1

Ảnh 3. Đảo chìm Tốc Tan 2

Ảnh 3. Đảo chìm Tốc Tan 2

Ảnh 4. Đại úy Hùng và đồng đội trên Đảo Tốc Tan

Ảnh 4. Đại úy Hùng và đồng đội trên Đảo Tốc Tan

Ảnh 5. Các chiến sĩ trồng rau trên đảo

Ảnh 5. Các chiến sĩ trồng rau trên đảo

Ảnh 6. Hoa bàng vuông ở Trường Sa

Ảnh 6. Hoa bàng vuông ở Trường Sa

Ảnh 7. Đón Xuân về nơi Đảo xa

Ảnh 7. Đón Xuân về nơi Đảo xa

Ảnh 8. Đón thuyền tới đảo

Ảnh 8. Đón thuyền tới đảo

Hình ảnh đón các đoàn đến thăm đảo:

Các đoàn đến thăm 1

Các đoàn đến thăm 2

Các đoàn đến thăm 3

Các đoàn đến thăm 4