05072024Thứ 3
Last updateThứ 2, 26 10 2020 11am

Bài học về tinh thần đoàn kết qua câu chuyện “Chiếc đồng hồ” (Bài viết hưởng ứng Sinh hoạt chuyên đề về đẩy mạnh học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh)

0
0
0
s2smodern
powered by social2s

Phát huy sức mạnh đại đoàn kết toàn dân tộc, xây dựng Đảng và hệ thống chính trị trong sạch, vững mạnh là nội dung mang tính chiến lược trong tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh. Đồng thời, đây cũng là nội dung và giải pháp quan trọng trong công tác xây dựng Đảng nhằm phát huy sức mạnh nội lực, tạo động lực cho công cuộc đổi mới, xây dựng và phát triển đất nước trong bối cảnh hội nhập quốc tế sâu rộng.

Bác Hồ nói nhiều tới đoàn kết, đại đoàn kết, tuy nhiên chỉ một lần duy nhất Người định nghĩa về khái niệm đại đoàn kết: “Đại đoàn kết tức là trước hết phải đoàn kết đại đa số nhân dân, mà đại đa số nhân dân là công nhân, nông dân và các tầng lớp nhân dân lao động khác. Đó là nền gốc của đại đoàn kết. Nó cũng như cái nền của nhà, cái gốc của cây. Nhưng đã có nền vững, gốc tốt, còn phải đoàn kết các tầng lớp nhân dân khác”. Tư tưởng về đại đoàn kết tiếp tục được Hồ Chí Minh cụ thể hóa hơn trong các cụm từ như: “đại đoàn kết toàn dân”, “đoàn kết toàn dân”, “đoàn kết dân tộc”, “toàn dân tộc ta đoàn kết”.

Đại đoàn kết dân tộc theo tư tưởng Hồ Chí Minh là đại đoàn kết các dân tộc, tôn giáo, giai cấp, mọi giới, mọi lứa tuổi, mọi vùng của đất nước, đoàn kết mọi thành viên trong đại gia đình dân tộc Việt Nam dù sống trong nước hay định cư ở nước ngoài thành một khối vững chắc trên cơ sở thống nhất về mục tiêu chung và những lợi ích căn bản.

amhcccdh

Những câu chuyện của Bác luôn chứa đựng những bài học sâu sắc

Nguồn ảnh: Internet

Vậy làm thế nào để xây dựng khối đại đoàn kết các dân tộc, xây dựng Đảng và hệ thống chính trị trong sạch, vững mạnh theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh đồng thời là giải pháp quan trọng, cấp bách trong xây dựng Đảng, Nhà trường chúng ta trong giai đoạn hiện nay?

Để trả lời câu hỏi này, chắc chắn sẽ có nhiều ý kiến khác nhau, cá nhân tôi xin phép kể lại một câu chuyện nhỏ về lời dạy của Bác với toàn Đảng, toàn dân ta. Tuy giản dị mà vô cùng sâu sắc. Câu chuyện về “Chiếc đồng hồ”.

Ảnh minh họa: Chủ tịch Hồ Chí Minh và câu chuyện “Chiếc đồng hồ”

Nguồn ảnh: Internet

Giữa mùa thu năm 1954, Bác đến thăm Hội nghị rút kinh nghiệm cải cách ruộng đất ở Hà Bắc. Tại Hội nghị, được biết có lệnh của Trung ương rút bớt một số cán bộ đi học lớp tiếp quản Thủ đô. Ai nấy cũng đều háo hức muốn đi, nhất là những người quê ở Hà Nội. Bao năm xa nhà, nhớ Thủ đô, nay được dịp về công tác, ai ai cũng có nguyện vọng đề nghị cấp trên chiếu cố. Tư tưởng cán bộ dự Hội nghị có nhiều phân tán. Ban lãnh đạo ít nhiều thấy khó xử. Lúc đó, Bác lên diễn đàn, giữa mùa thu nhưng trời vẫn còn nóng, mồ hôi ướt đẫm hai bên vai áo nâu của Bác, Bác hiền từ nhìn khắp hội trường và nói chuyện về tình hình thời sự. Khi nói đến nhiệm vụ của toàn Đảng trong lúc này, Bác bỗng rút trong túi áo giơ ra một chiếc đồng hồ và hỏi các đồng chí cán bộ trong hội trường từng câu hỏi về chức năng của từng bộ phận trong chiếc đồng hồ. Ai ai cũng đồng thanh trả lời đúng hết các câu hỏi của Bác.

Đến câu hỏi: Trong cái đồng hồ, bộ phận nào là quan trọng?

Khi mọi người còn đang suy nghĩ thì Bác lại hỏi:

- Trong cái đồng hồ, bỏ một bộ phận đi có được không?

Mọi người đồng thanh đáp thưa Bác không ạ.

Nghe mọi người trả lời, Bác bèn giơ cao chiếc đồng hồ lên và nói:

- Các chú ạ, các bộ phận của một chiếc đồng hồ cũng ví như các cơ quan của một Nhà nước, như các nhiệm vụ của cách mạng. Đã là nhiệm vụ của cách mạng thì đều là quan trọng, đều cần phải làm. Các chú thử nghĩ xem: trong một chiếc đồng hồ mà anh kim đòi làm anh chữ số, anh máy lại đòi ra ngoài làm cái mặt đồng hồ…cứ tranh nhau chỗ đứng như thế thì có còn là cái đồng hồ được không ?

Người căn dặn: Đối với chi bộ, đảng bộ hay tất cả các cơ quan, đơn vị cũng vậy, mỗi phòng, ban là một bộ phận không thể thiếu. Tất cả đều có một nhiệm vụ riêng, dù việc lớn việc nhỏ nhưng đó đều là một phần quan trọng trong một tập thể, mỗi nhiệm vụ như một mắc xích nối lại với nhau để tạo thành một khối vững chắc, thì mỗi chúng ta phải thật sự đoàn kết, nổ lực, cố gắng phát huy khả năng của mình, hỗ trợ lẫn nhau để hoàn thành nhiệm vụ. Việc so bì, tính toán thiệt hơn về quyền lợi, trách nhiệm hay ngại việc nặng tìm việc nhẹ thì sẽ dẫn đến mất đoàn kết, ảnh hưởng đến nhiệm vụ chung

Chỉ trong ít phút ngắn ngủi, câu chuyện chiếc đồng hồ của Bác đã làm cho nhiều cán bộ dự Hội nghị trong hội trường đánh tan suy nghỉ cá nhân của mình.

Câu chuyện tuy ngắn nhưng lại mang giá trị lớn, tư tưởng lớn của Người về tinh thần đoàn kết dân tộc. Có đoàn kết mới tạo nên sức mạnh tập thể, sức mạnh dân tộc để đánh thắng giặc ngoại xâm, để xây dựng và bảo vệ Tổ quốc. Đối với cơ quan, đơn vị chúng ta cũng vậy, cũng giống như một chiếc đồng hồ, mỗi cá nhân, mỗi ban là một bộ phận không thể thiếu. Tất cả đều có một nhiệm vụ riêng, dù lớn dù nhỏ nhưng đó đều là một phần quan trọng trong một tổ hợp tập thể, mỗi nhiệm vụ như một mắc xích nối lại với nhau. Để tạo nên một mối nối thật sự vững chắc thì mỗi chúng ta - một mắc xích phải thật sự đoàn kết, nỗ lực, cố gắng phát huy khả năng của mình, hỗ trợ lẫn nhau để hoàn thành nhiệm vụ của mình. Đoàn kết để ổn định, để đổi mới, sáng tạo, để làm nên tất cả bởi lẽ “Đoàn kết, đoàn kết, đại đoàn kết/Thành công, thành công, đại thành công”.

Bác luôn là tấm gương sáng về trí tuệ, đạo đức và nghị lực

Nguồn ảnh: Internet

Câu chuyện nào Bác kể cũng chứa đựng những giá trị nhân văn và bài học sâu sắc để mỗi chúng ta tự soi mình, nhìn nhận bản thân và sửa mình, giúp người. Đại đoàn kết là biểu tượng của một sức mạnh vô cùng to lớn nhưng lại được xây lên từ những hành động nhỏ bé, giản dị mỗi ngày. Đó là tinh thần trách nhiệm trong công việc mình làm, mỗi người trong mỗi vị trí làm tốt trách nhiệm của mình sẽ giúp bộ máy tổ chức được vận hành trơn tru và hiệu quả. Đó là tinh thần khách quan, dân chủ, tôn trọng và bình đẳng giữa những cá nhân trong một tập thể, là sự phân công đúng việc, đúng người, đúng thời điểm để mỗi người phát huy được sức mạnh cá nhân, đóng góp tích cực cho sự vững mạnh của tổ chức; là tình yêu thương, sẵn sàng giúp đỡ, sẻ chia của những đồng nghiệp; là tâm huyết, sẵn sàng dạy bảo, hỗ trợ học trò của mỗi Thầy cô; là niềm tin vào sự đoàn kết, vững mạnh của tổ chức và những người lãnh đạo chân chính trên hành trình của chúng ta./.

Sơn La, ngày 30/5/2020.