04282024Chủ nhật
Last updateThứ 2, 26 10 2020 11am

KỶ NIỆM 130 NĂM NGÀY SINH CHỦ TỊCH HỒ CHÍ MINH VĨ ĐẠI (19/5/1890 - 19/5/2020)

0
0
0
s2smodern
powered by social2s

Chủ tịch Hồ Chí Minh - Lãnh tụ thiên tài của Đảng và dân tộc ta, người thầy vĩ đại của cách mạng Việt Nam, Anh hùng giải phóng dân tộc, Danh nhân văn hóa thế giới,Người chiến sĩ cộng sản quốc tế mẫu mực, Người bạn thân thiết của các dân tộc yêu chuộng hòa bình và tiến bộ xã hội trên toàn thế giới.

Tuy đã đi xa, nhưng tư tưởng, đạo đức và phong cách của Người là tài sản vô cùng quý báu của toàn Ðảng, toàn quân và toàn dân ta, mãi là niềm tự hào, nguồn cổ vũ to lớn đối với các thế hệ người Việt Nam hôm nay và mai sau, là ánh sáng soi đường cho cách mạng Việt Nam, dẫn dắt Ðảng ta, dân tộc ta giành được những thắng lợi vĩ đại trong sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc

Chủ tịch Hồ Chí Minh sinh ngày 19/5/1890 trong một gia đình nhà nho nghèo yêu nước tại làng Hoàng Trù, xã Chung Cự, tổng Lâm Thịnh, nay thuộc xã Kim Liên, huyện Nam Đàn, tỉnh Nghệ An. Sinh ra và lớn lên trong một gia đình nhà nho nghèo yêu nước, ở một làng quê giàu truyền thống lịch sử, văn hóa và cách mạng; chứng kiến cảnh nước mất nhà tan, Người đã sớm hun đúc ý chí và khát vọng chát bỏng dành độc lập, tự do cho dân, cho nước. Ngày 5/6/1911, Người thanh niên yêu nước Nguyễn Tất Thành (tên gọi của Bác thời gian này) trong phận sự của một thủy thủ mang tên “Văn Ba” đã lên tàu Amiran Latusơ Tơrevin, rời bến cảng Nhà Rồng đi Mác xây, khởi đầu hành trình đi tìm đường cứu nước.

Đời bồi tàu lênh đênh theo sóng bể

Người đi hỏi khắp bóng cờ châu Mỹ, châu Phi,

Những đất tự do, những trời nô lệ,

Những con đường cách mạng đang tìm đi.

(Người đi tìm hình của Nước - Chế Lan Viên)

Bôn ba qua nhiều quốc gia, làm nhiều nghề để kiếm sống, tham gia nhiều hoạt động, cuối năm 1917 Người mới trở lại nước Pháp. Đầu năm 1919, Nguyễn Tất Thành tham gia Đảng Xã hội Pháp. Tháng 6/1919 Nguyễn Tất Thành thay mặt Hội những người yêu nước Việt Nam tại Pháp gửi bản yêu sách gồm 8 điểm (ký tên Nguyễn Ái Quốc) tới Hội nghị các nước đế quốc họp ở Véc-xây (Pháp), đòi chính phủ các nước họp Hội nghị phải thừa nhận các quyền tự do, dân chủ và quyền bình đẳng của dân tộc Việt Nam.

Tháng 7/1920 qua báo Nhân đạo (L'Humanité) Pháp, Nguyễn Ái Quốc được đọc Luận cương của V.I. Lê nin về vấn đề dân tộc và vấn đề thuộc địa. Sau này nhớ lại niềm sung sướng khi đọc Luận cương của V. I Lênin, Chủ tịch Hồ Chí Minh viết: “Luận cương của V. I. Lênin làm cho tôi rất cảm động, phấn khởi, sáng tỏ tin tưởng biết bao! Tôi vui mừng đến phát khóc lên. Ngồi một mình trong buồng mà tôi nói to lên nhu đang nói trước quần chúng đông đảo: "Hỡi đồng bào bị đọa đày đau khổ. Đây là cái cần thiết cho chúng ta, đây là con đường giải phóng chúng ta”.

Luận cương đến với Bác Hồ. Và Người đã khóc

Lệ Bác Hồ rơi trên chữ Lênin.

Bốn bức tường im nghe Bác lật từng trang sách gấp

Tưởng bên ngoài, đất nước đợi mong tin.

 

Bác reo lên một mình như nói cùng dân tộc:

"Cơm áo là đây! Hạnh phúc đây rồi!"

Hình của Đảng lồng trong hình của Nước.

Phút khóc đầu tiên là phút Bác Hồ cười.

(Người đi tìm hình của Nước - Chế Lan Viên)

Tháng 12/1920, Nguyễn Ái Quốc tham gia Đại hội Đảng Xã hội Pháp. Tại đây Người đã bỏ phiếu tán thành Quốc tế III và tham gia thành lập Đảng Cộng sản Pháp, trở thành người Cộng sản đầu tiên của Việt Nam. Từ Từ tháng 7/1923 đến tháng 10/1924, Người đã tích cực hoạt động trong phong trào cộng sản quốc tế, bổ sung và phát triển lý luận về cách mạng thuộc địa. Người hoạt động trong Quốc tế Nông dân, tham dự Đại hội II Quốc tế Công hội đỏ, tiếp tục viết nhiều sách báo tuyên truyền cách mạng, hoàn thành tác phẩm Bản án chế độ thực dân Pháp, học tập tại trường Đại học phương Đông, tham gia Đại hội lần thứ V Quốc tế Cộng sản và được chỉ định là cán bộ Ban phương Đông Quốc tế Cộng sản.

Tháng 11/1924, Nguyễn Ái Quốc rời Liên Xô về Quảng Châu (Trung Quốc). Tháng 6/1925, Người thành lập Hội Việt Nam cách mạng Thanh niên, trực tiếp mở các lớp huấn luyện cán bộ, ra Báo Thanh Niên, tờ báo cách mạng đầu tiên của Việt Nam nhằm truyền bá chủ nghĩa Mác - Lênin về Việt Nam, chuẩn bị cho việc thành lập Đảng Cộng sản Việt Nam. Các bài giảng của Nguyễn Ái Quốc đã được tập hợp và in thành tác phẩm Đường Cách mệnh, được xuất bản năm 1927. Từ ngày 6/1 đến 7/2/1930 tại Cửu Long (Hương Cảng, Trung Quốc), Nguyễn Ái Quốc chủ trì Hội nghị hợp nhất các tổ chức cộng sản, thành lập Đảng Cộng sản Việt Nam.

Từ năm 1930 đến năm 1941, tuy hoạt động ở nước ngoài nhưng Nguyễn Ái Quốc vẫn chỉ đạo sát sao phong trào cách mạng trong nước. Từ tháng 6/1931 đến cuối năm 1932, Người bị nhà cầm quyền Anh bắt giam ở Hồng Kông. Sau khi được trả tự do, Người đã đến Liên Xô học tại trường Quốc tế Lênin. Ngày 28/1/1941, tại cột mốc số 108 thuộc xã Trường Hà, huyện Hà Quảng, tỉnh Cao Bằng, Nguyễn Ái Quốc đã trở về nước sau hơn 30 năm bôn ba xa Tổ quốc. 

Ôi sáng xuân nay, Xuân 41

Trắng rừng biên giới nở hoa mơ

Bác về... Im lặng. Con chim hót

Thánh thót bờ lau, vui ngẩn ngơ...

 

Bác đã về đây, Tổ quốc ơi!

Nhớ thương, hòn đất ấm hơi Người

Ba mươi năm ấy, chân không nghỉ

Mà đến bây giờ mới tới nơi!

(Theo chân Bác - Tố Hữu)

Từ ngày 10 đến ngày 19/5/1941 Nguyễn Ái Quốc đã chủ trì Hội nghị lần thứ VIII của Trung ương Đảng Cộng sản Đông Dươngtại Khuổi Nặm (Pắc Bó, Cao Bằng). Hội nghị đã xác định đường lối đấu tranh giải phóng dân tộc, chỉ đạo thành lập Mặt trận Việt Minh, sáng lập Báo Việt Nam Độc lập, tổ chức lực lượng vũ trang, xây dựng căn cứ địa cách mạng.Tháng 8/1942, lấy tên là Hồ Chí Minh, Người đại diện cho Mặt trận Việt Minh và Phân hội Việt Nam thuộc Hiệp hội Quốc tế chống xâm lược sang Trung Quốc bắt liên lạc với Đồng minh, cùng phối hợp hành động chống phát xít trên chiến trường Thái Bình Dương. Người bị chính quyền địa phương của Tưởng Giới Thạch bắt giam trong các nhà lao của tỉnh Quảng Tây (Trung Quốc). Trong thời gian bị giam giữ, Người viết cuốn Nhật ký trong tù. Tháng 9/1943, Người được thả tự do.

Tháng 9/1944, Hồ Chí Minh trở về căn cứ Cao Bằng. Tháng 12/1944, Hồ Chí Minh chỉ thị thành lập Đội Việt Nam tuyên truyền giải phóng quân, tiền thân của Quân đội nhân dân Việt Nam.Tháng 5/1945, Hồ Chí Minh từ Cao Bằng về Tân Trào (Tuyên Quang). Tại đây theo đề nghị của Người, Hội nghị toàn quốc của Đảng và Đại hội Quốc dân đã họp quyết định Tổng khởi nghĩa. Đại hội Quốc dân đã bầu ra Uỷ ban giải phóng dân tộc Việt Nam (tức Chính phủ lâm thời) do Hồ Chí Minh làm Chủ tịch.

Tháng 8/1945, Hồ Chí Minh cùng Trung ương Đảng lãnh đạo nhân dân khởi nghĩa giành chính quyền thắng lợi trên toàn quốc. Ngày 2/9/1945, tại Quảng trường Ba Đình, Hà Nội, Chủ tịch Hồ Chí Minh đọc Tuyên ngôn độc lập, khai sinh nước Việt Nam dân Chủ Cộng hòa (nay là Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam): “…Một dân tộc đã gan góc chống ách nô lệ của Pháp hơn 80 năm nay, một dân tộc đã gan góc đứng về phe Đồng Minh chống phát xít mấy năm nay, dân tộc đó phải được tự do! Dân tộc đó phải được độc lập! Vì những lẽ trên, chúng tôi, chính phủ lâm thời của nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa, trịnh trọng tuyên bố với thế giới rằng: Nước Việt Nam có quyền hưởng tự do và độc lập, và sự thật đã thành một nước tự do độc lập. Toàn thể dân tộc Việt Nam quyết đem tất cả tinh thần và lực lượng, tính mạng và của cải để giữ vững quyền tự do, độc lập ấy!”

Từ năm 1945 đến năm 1954, Người cùng Trung ương Đảng lãnh đạo nhân dân xây dựng và bảo vệ chính quyền cách mạng non trẻ, đối phó với thù trong, giặc ngoài, đưa cách mạng Việt Nam vượt qua thế “ngàn cân treo sợi tóc”, tổ chức tổng tuyển cử trong cả nước, bầu Quốc hội và thông qua Hiến pháp dân chủ đầu tiên của Việt Nam. Quốc hội khóa I năm 1946 đã bầu Người làm Chủ tịch nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa. Đại hội lần thứ II của Đảng (1951), Người được bầu làm Chủ tịch Ban Chấp hành Trung ương Đảng Lao động Việt Nam. Dưới sự lãnh đạo của Đảng và Chủ tịch Hồ Chí Minh, nhân dân Việt Nam đã giành thắng lợi vẻ vang trong cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp xâm lược, mà đỉnh cao là chiến thắng Điện Biên phủ năm 1954 lừng lẫy năm châu, chấn động địa cầu, đưa miền Bắc đi lên xây dựng chủ nghĩa xã hội.

Sau chiến thắng Điện Biên phủ, cùng với Ban Chấp hành Trung ương Đảng, Chủ tịch Hồ Chí Minh đề ra đường lối đúng đắn, lãnh đạo cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước và công cuộc cải tạo, xây dựng chủ nghĩa xã hội ở miền Bắc thắng lợi; đặt nền móng và không ngừng vun đắp tình hữu nghị giữa dân tộc Việt Nam với các dân tộc trên thế giới, giữa Đảng Lao động Việt Nam (nay là Đảng Cộng sản Việt Nam) với các Đảng Cộng sản và phong trào công nhân quốc tế. Ngày 2/9/1969, Chủ tịch Hồ Chí Minh qua đời là tổn thất vô cùng lớn lao. Đồng bào và chiến sỹ cả nước ta thương nhớ Người khôn xiết. Sự ra đi của Người để lại muôn vàn tình thương yêu cho toàn Đảng, toàn dân tộc Việt Nam và tình đoàn kết thân ái với nhân dân tiến bộ trên thế giới. Điếu văn của Ban Chấp hành Trung ương Đảng Lao động Việt Nam do đồng chí Lê Duẩn, Bí thư thứ nhất, đọc tại Lễ truy điệu trọng thể Hồ Chủ tịch, ngày 9 tháng 9 năm 1969 đã khẳng định: “Hồ Chủ tịch là người sáng lập, lãnh đạo và rèn luyện Đảng ta, là người xây dựng nền Cộng hoà dân chủ Việt Nam và Mặt trận Dân tộc thống nhất, là người cha thân yêu của các lực lượng vũ trang nhân dân Việt Nam. Người là linh hồn, là ngọn cờ chói lọi, lãnh đạo toàn Đảng, toàn dân, toàn quân ta đoàn kết một lòng, chiến đấu anh dũng, viết nên những trang sử vẻ vang nhất của Tổ quốc ta. Dân tộc ta, nhân dân ta, non sông đất nước ta đã sinh ra Hồ Chủ tịch người anh hùng dân tộc vĩ đại, và chính Người đã làm rạng rỡ dân tộc ta, nhân dân ta và non sông đất nước ta”.

Thực hiện tâm nguyện của Chủ tịch Hồ Chí Minh trước lúc đi xa, dưới sự lãnh đạo của Đảng, bằng cuộc Tổng tiến công và nổi dậy mùa Xuân năm 1975, nhân dân ta đã kết thúc thắng lợi cuộc kháng chiến chống Mỹ, cứu nước; hoàn thành sự nghiệp giải phóng miền Nam, thu non sông về một mối.

Chủ tịch Hồ Chí Minh đã cống hiến trọn đời mình cho sự nghiệp cách mạng của Đảng ta, dân tộc ta, nhân dân ta và vì hòa bình, tiến bộ xã hội trên thế giới. Người đã trải qua một cuộc đời oanh liệt, đầy gian khổ hy sinh, vô cùng cao thượng và phong phú, vô cùng trong sáng và đẹp đẽ. Cuộc đời và sự nghiệp cách mạng vĩ đại của Chủ tịch Hồ Chí Minh mãi là tấm gương sáng ngời cho lớp lớp thế hệ người Việt Nam học tập và noi theo.

Kỷ niệm 130 năm ngày sinh Chủ tịch Hồ Chí Minh vĩ đại (19/5/1890 - 19/5/2020), cán bộ, công chức, viên chức, người lao động, học sinh, sinh viên Trường Đại học Tây Bắc nguyện suốt đời học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, tác phong của Chủ tịch Hồ Chí Minh, bồi dưỡng phẩm chất cách mạng, nâng cao chuyên môn, nghiệp vụ hoàn thành tốt các nhiệm vụ chính trị mà Đảng và Nhà nước giao phó./.