05052024Chủ nhật
Last updateThứ 2, 26 10 2020 11am

DẠY HỌC ĐỊA LÝ Ở NEW ZEALAND

0
0
0
s2smodern
powered by social2s

Lời giới thiệu: Thầy Bùi Văn Định, hiện là giảng viên môn Địa lý, Phó trưởng Phòng Quản lý Khoa học và Quan hệ quốc tế của Trường Cao đẳng Sư phạm Hòa Bình. Thầy có 14 năm (1983 -1997) gắn bó với Trường Cao đẳng Sư phạm Tây Bắc, tiền thân là Trường Đại học Tây Bắc ngày nay. Nhân dịp chuẩn bị kỷ niệm 60 năm thành lập Trường, Ban Biên tập trân trọng giới thiệu các bài viết của Thầy để chia sẻ những thông tin hữu ích khi Nhà trường đang khuyến khích tiếp tục đổi mới phương pháp dạy học và tri ân tâm huyết của Thầy đối với ngành Giáo dục Đào tạo, đối với Nhà trường.

1. KHÁI QUÁT VÀI NÉT VỀ HỆ THỐNG GIÁO DỤC CỦA NEW ZEALAND VÀ PHƯƠNG TÂY

Ở New Zealand và các nước Anh, Mỹ... chương trình giáo dục thường có sự trao đổi, học hỏi lẫn nhau. Chương trình giáo dục phổ thông ở New Zealand bao gồm: 1. các môn khoa học xã hội, trong đó có Lịch sử, Địa lý Kinh tế-Xã hội...; 2. các môn khoa học tự nhiên, trong đó có Hóa, Lý, Sinh, Địa lý Tự nhiên; 3. Toán và tiếng Anh được tách riêng; 4. Nghệ thuật, trong đó có Mỹ thuật và Âm nhạc. 5. Giáo dục thể chất.
Từ lớp 1 đến lớp 10, học sinh được học các môn học cơ bản như trên dưới hình thức tích hợp. Từ lớp 11 đến lớp 13, học sinh bắt đầu học các bộ môn khoa học độc lập: Lý, Hóa, Sinh, Địa, Sử... giống như học sinh lớp 6 của ta. Đó là khái quát chương trình giáo dục của New Zealand.
Sau đây là một bài viết của tôi khi dự giờ ở Bộ môn Khoa học Xã hội gồm Địa lý,Lịch sử, Xã hội học...(Social Studies). Bài viết mang tính chất tham khảo và rất mong nhận được đóng góp ý kiến của các đồng nghiệp. Bài này được giáo sư dạy cho sinh viên để sinh viên dạy học sinh phổ thông đúng dạng bài như thế.

2. CÁCH DẠY HỌC ĐỊA LÝ Ở NEW ZEALAND

Bài 1: Các thành phố trên thế giới

  1. Sinh viên được chia thành từng nhóm nhỏ, mỗi nhóm khoảng 5-7 người ngồi quay mặt vào nhau. Mỗi nhóm được phát những bản photocopy về các thành phố thuộc nhóm các nước phát triển thế kỷ 19, gồm: London (Anh), Paris (Pháp), Berlin (Đức), New York (Mỹ), Roma (Ý) và các thành phố của các nước đang phát triển giữa thế kỷ 20, gồm: Cairo (Aicập), Bombay (Ấn Độ), Thượng Hải (Trung Quốc), Riodjianero(Brasil), Mexico City(Mexico). Đây là những thành phố đại diện cho 2 nhóm nước phát triển và đang phát triển cách nhau một thế kỷ.
    Mỗi thành phố có các thông tin vắn tắt về các vấn đề như: dân cư, kinh tế, giao thông, y tế, giáo dục…có hình ảnh kèm theo mỗi thành phố.
    Sau đó, giáo viên ghi lên bảng những câu hỏi yêu cầu người học thảo luận. Các câu hỏi gồm: 1. Hãy so sánh sự giống và khác nhau giữa các thành phố của hai nhóm nước. 2. Theo bạn, thành phố nào tốt nhất trong số các thành phố đó? Vì sao? 3. Theo bạn, nếu được chọn thì bạn sẽ chọn thành phố nào để sống? Vì sao? 4. Theo bạn, thành phố như thế nào lý tưởng nhất? Vì sao? 5. Mỗi nhóm xây dựng một mô hình về thành phố lý tưởng của mình. Tất cả các cá nhân cho ý kiến, nhóm tập hợp, bổ sung và ghi trên một tờ giấy A4. Giảng viên ghi ý kiến của các nhóm lên bảng, ngoài ra cá nhân cũng có thể cho ý kiến bổ sung khi giảng viên tổng hợp tất cả các ý kiến cho từng vấn đề được thảo luận.
    Bây giờ chúng ta hãy phân tích từng vấn đề trong cách dạy học ở New Zealand. Đối với câu hỏi thứ nhất, so sánh sự giống và khác nhau của nhóm hai thành phố thuộc hai nhóm nước trên. Khi so sánh về sự giống và khác nhau thì người học đã có sự phân tích, so sánh và khái quát tổng thể những đặc điểm của các thành phố thuộc hai nhóm nước. Như vậy, người học bỏ qua những chi tiết vụn vặt đã có sẵn trong tài liệu. Câu thứ hai, theo ý kiến cá nhân chọn ra thành phố được cho là tốt nhất và giải thích vì sao đó lại là thành phố tốt nhất. Muốn đưa ra được ý kiến cá nhân về thành phố tốt nhất, người học phải nắm rõ những đặc điểm về các mặt cụ thể của các thành phố đó, mà theo ý kiến cá nhân đó cho là tốt nhất. Khi lý giải tại sao lại cho rằng thành phố nào đó là tốt nhất, thì cá nhân phải đưa ra ý kiến về kinh tế, giao thông, y tế, không gian và môi trường sống… Vấn đề thảo luận thứ ba, chọn một thành phố để sống theo ý kiến của cá nhân và giải thích lý do. Thực ra, nếu muốn chọn một thành phố để sống và lý giải vì sao lại chọn thành phố đó thì cá nhân dựa vào quan điểm cá nhân và có thể không căn cứ vào trình độ phát triển kinh tế, hay những vấn đề khác. Cá nhân đưa ra một lý do mình chọn thành phố đó (trong số các thành phố đã cho) như môi trường sống, y tế, cơ sở hạ tầng giao thông... Đến phần này, giáo sư quay ra hỏi các học viên Việt Nam theo thứ tự các câu hỏi trên. Khi được hỏi nếu được chọn thành phố nào để sống ở Việt Nam thì tôi trả lời là tôi sẽ chọn thành phố Hồ Chí Minh. Ông ta hỏi tiếp: Vì sao? Tôi trả lời là TP Hồ Chí Minh có môi trường giáo dục tốt nhất ở Việt Nam (theo ý kiến cá nhân). Giáo sư thấy thú vị với ý kiến, vì chưa ai đưa ra tiêu chí này.
    Vấn đề thứ tư, thành phố lý tưởng nhất theo ý kiến cá nhân và giải thích. Người học phải đưa ra quan điểm cá nhân về thành phố lý tưởng nhất, tức là đưa ra những tiêu chí tốt nhất cho một thành phố trong tưởng tượng. Ở đây, ta thấy người dạy muốn người học phát huy tính sáng tạo mà người học cần có. Những vấn để đưa ra kết luận cho một thành phố lý tưởng hoàn toàn không giống nhau giữa các cá nhân và các nhóm.
    Vấn đề thứ năm, sau khi thảo luận và trao đổi tương tác giữa các nhóm với nhau sau đó các nhóm phải có một sản phẩm cuối cùng đó là xây dựng một mô hình của một thành phố lý tưởng. Vật liệu làm mô hình về thành phố của các nhóm có thể là hộp xốp, chất dẻo, vật liệu dán… Các nhóm đưa ra các mô hình khác nhau, có nhóm chọn thành phố có nhà ga xe lửa ở trung tâm, các khu phố và tuyến đường tỏa ra từ trung tâm; nhóm khác lựa chọn bảo tàng hay bưu điện làm trung tâm; nhóm chọn dòng sông hay hồ làm trung tâm…Các mô hình được trưng bày để các nhóm tham quan, người của nhóm thuyết minh sản phẩm của mình.
    Sau đó, các nhóm chấm điểm cho nhau và cuối cùng các nhóm tổng hợp và bình chọn một thành phố lý tưởng nhất.
  2. Thầy Bùi Văn Định (người mặc áo đen, bên trái; tại Bảo tàng Thành phố Otago, New Zealand, tháng 3.2003)

Qua bài này, chúng ta thấy cách dạy học môn Địa lý xã hội ở nước ngoài không đòi hỏi người học học thuộc những gì có trong sách vở, những số liệu và kiến thức mang tính liệt kê, người học có thể đọc trong sách mà không cần phải ghi nhớ. Các câu hỏi được người dạy đưa ra để thảo luận hầu hết mang tính sáng tạo.

Bài này không những chỉ là kiến thức Địa lý đơn thuần mà còn rèn luyện cả những kiến thức của ngành Kiến trúc đô thị, hội họa…
Thông thường đối với Việt Nam, bài này sẽ gồm các câu hỏi: 1. Hãy nêu đặc điểm về dân cư, kinh tế, giao thông, y tế, giáo dục.. của các thành phố đó. 2. Thành phố nào có nền kinh tế, dân cư, giao thông, y tế phát triển nhất. 3. Thành phố nào có mật độ dân cư cao nhất?...Đại loại là ở Việt Nam thường dạy học sinh những gì được ghi trong tài liệu đã có sẵn để mô tả lại, hoặc so sánh những vấn đề đó.