05052024Chủ nhật
Last updateThứ 2, 26 10 2020 11am

TỔNG QUAN VỀ VIRUS CORONA VÀ CÁC BỆNH Ở NGƯỜI DO VIRUS CORONA

0
0
0
s2smodern
powered by social2s

I. ĐẶC ĐIỂM SINH HỌC CỦA VIRUS CORONA

Virus Corona (Coronavirus, CoV) là một nhóm virus lớn, có khả năng gây bệnh cả ở người và động vật. Ở người, virus Corona có thể gây bệnh từ cảm cúm thông thường cho đến các bệnh nặng và nguy hiểm hơn như Hội chứng viêm đường hô hấp cấp vùng Trung Đông (MERS – Middle East Respiratory Syndrome) và Hội chứng viêm đường hô hấp cấp tính nặng (SARS – Servere Acute Respiratory Syndrome). Loại virus gây bệnh dịch viêm đường hô hấp khởi phát từ Vũ Hán (Trung Quốc) vào cuối tháng 12/2019 là chủng virus Corona hoàn toàn mới chưa từng được ghi nhận trước đây.

Theo Ủy ban Quốc tế về Phân loại học virus (International Committee on Taxonomy of Viruses – ICTV), Coronavirus là chi virus thuộc bộ Nidovirales, họ Coronaviridae với đặc điểm cấu trúc hạt virus gồm có: vật chất di truyền là ARN sợi đơn, dương (sợi ARN dương được hiểu là sợi ARN có trình tự các nucleotid trùng với trình tự của các nucleotid trên ARN thông tin – mARN – mã hóa cho protein của virus)), được gắn với protein (capsid) và ngoài cùng là lớp màng bao ngoài (envelope). Sơ đồ cấu tạo và ảnh hiển vi điện tử của hạt virus corona được minh họa trên hình 1 và 2.

coronadxh

Hình 1. Sơ đồ cấu tạo hạt virus corona (Korsman, van Zyl, Nutt, Andersson, & Preiser, 2012)

coronadxh1

Hình 2. Ảnh hiển vi điện tử truyền qua (TEM) của virus corona gây bệnh ở người (Korsman et al., 2012)

Hạt virus corona có hình cầu với đường kính khoảng 100 – 120 nm. Bên trong hạt virus là phân tử ARN sợi đơn, dương, không vòng có kích thước từ 27×103 - 32×103 nucleotid. Phân tử ARN liên kết với protein vỏ capsid để tạo thành cấu trúc nucleocapsid dạng xoắn lò xo linh động (Karupiah, 2002).

Hầu hết virus corona có khả năng xâm nhập đặc hiệu vào tế bào chủ của một loài nhất định, tuy nhiên cũng có một số chủng virus corona có khả năng xâm nhiễm vào tế bào của nhiều loài khác nhau. Với cùng một loài vật chủ, các chủng  virus corona khác nhau cũng thể hiện tính đặc hiệu đối với từng loại mô hoặc cơ quan khác nhau. Ví dụ như virus corona gây bệnh viêm dạ dày ruột truyền nhiễm ở lợn (Transmissible gastroenteritis coronavirus (TGEV)) chủ yếu xâm nhiễm vào các tế bào đường ruột của lợn, trong khi một chủng virus corona khác là virus corona gây rối loạn hô hấp ở lợn lại chủ yếu xâm nhiễm vào các tế bào của cơ quan hô hấp.

Quá trình nhân lên của virus corona sau khi xâm nhập được vào cơ thể động vật gồm 5 giai đoạn là: Giai đoạn hấp phụ virus lên bề mặt tế bào chủ, giai đoạn xâm nhập của virus vào tế bào chủ, giai đoạn tổng hợp các thành phần của virus, giai đoạn lắp ráp các thành phần của virus và giai đoạn phóng thích virus ra khỏi tế bào chủ. Quá trình nhân lên của virus corona trong tế bào chủ được minh họa trên hình 3.

  1. 1. Giai đoạn hấp phụ

Hạt virus hấp phụ và liên kết với các thụ thể glycoprotein đặc hiệu trên bề mặt màng sinh chất của tế bào chủ thông qua gai protein (spike protein).

  1. 2. Giai đoạn xâm nhập của virus vào trong tế bào chủ

Ở giai đoạn này virus xâm nhập vào bên trong tế bào chủ có thể theo một trong hai hình thức là dung hợp màng bao ngoài hoặc thông quan hiện tượng nhập bào (Endocytosis).

coronadxh2

Hình 3. Quá trình nhân lên của virus corona trong tế bào chủ (Brooks, Jawetz, Melnick, & Adelberg, 2013)

  1. 3. Giai đoạn tổng hợp các thành phần của virus

Sợi ARN đơn, dương của virus sau khi được giải phóng vào tế bào chất, sẽ được sử dụng để làm khuôn để tổng hợp nên sợi ARN đơn, âm; Sợi ARN đơn, âm lại được sử dụng để làm khuôn để tổng hợp nên ARN sợi đơn, dương để lắp ráp virus và các sợi mARN ngắn hơn mã hoá cho một loạt protein đóng vai trò quan trọng trong cấu trúc của virus như: protein gai (S), protein màng bao (HE, E và M), protein capsid (N), ngoài ra còn được sử dụng để tổng hợp nên một số loại protein khác (ns) đóng vai trò trong quá trình lắp ráp của virus.

  1. 4. Giai đoạn lắp ráp của virus

Các sợi ARN đơn, dương sẽ liên kết với các phân tử protein capsid (N) vừa được tổng hợp để tạo thành cấu trúc nucleocapsid dạng xoắn lò xo. Các protein màng đồng thời sẽ được gắn vào màng của lưới nội chất trung gian, nhờ tương tác của các protein này mà màng của lưới nội chất sẽ bao bọc lấy nucleocapsid của virus sau đó chuyển vào bên trong bộ máy Golgi của tế bào chủ.

  1. 5. Giai đoạn phóng thích của virus ra khỏi tế bào chủ

Các hạt virus được lắp ráp trong bộ máy Golgi sẽ được giải phóng ra khỏi tế bào chủ thông qua hiện tượng xuất bào (Exocytosis).

Bằng cơ chế này, từ một hạt virus corona ban đầu có thể tạo được hàng trăm nghìn hạt virus mới trong một thời gian rất ngắn.

II. CÁC BỆNH Ở NGƯỜI DO VIRUS CORONA

Bệnh do virus corona gây ra ở người được ghi nhận lần đầu tiên vào năm 1931, tuy nhiên đến năm 1965 các nhà khoa học mới phân lập được chủng virus corona đầu tiên có ký hiệu là HCoV-229E. Cho đến năm 2003, một chủng virus corona khác gây bệnh ở người được phát hiện là chủng virus SARS-CoV gây Hội chứng viêm đường  hô hấp cấp tính. Theo tổ chức Y tế Thế giới (WHO) đại dịch này khởi phát ở tỉnh Quảng Đông (Guangdong), Trung Quốc sau đó lan sang các quốc gia khác. Trong giai đoạn 2002 - 2003 đã có hơn 26 quốc gia có dịch và có hơn 8000 trường hợp bị nhiễm bệnh và hơn 700 trường hợp tử vong.

Năm 2012 một đại dịch khác do một chủng virus corona khác gây ra là Hội chứng viêm đường hô hấp cấp tính vùng Trung Đông. Chủng virus này được ký hiệu là MERS-CoV. Hội chứng viêm đường hô hấp cấp tính vùng Trung Đông khởi phát từ Ả Rập Xê Út và tính đến thời điểm hiện tại đã có 27 quốc gia có dịch với 2494 trường hợp nhiễm bệnh được ghi nhận, trong đó có 858 trường hợp tử vong.

Ngoài ba chủng virus trên, một số chủng virus corona khác gây bệnh trên người cũng được phát hiện như: chủng HCoV-NL63, chủng HCoV-OC43 và chủng HCoV-HKU1. Các chủng virus này thường gây ra các bệnh cúm mùa nhưng không bùng phát thành các đại dịch nguy hiểm như virus SARS-CoV và MERS-CoV.

Vào cuối tháng 12/2019, một đại dịch mới liên quan đến virus corona chưa từng phát hiện đã bùng phát tại một ổ dịch ở tỉnh Vũ Hán, Trung Quốc. Chủng virus mới này được ký hiệu là 2019-nCoV. Trong một thời gian ngắn, số ca nhiễm virus đã tăng lên nhanh chóng. Cho đến thời điểm hiện tại số ca nhiễm virus đã lên đến hơn 12000 trường hợp nhiễm bệnh và hơn 250 trường hợp tử vong.

III. PHÒNG CHỐNG DỊCH VIÊM PHỔI VŨ HÁN DO VIRUS 2019-nCoV GÂY RA

coronadxh3

(Nguồn: (“Khuyến cáo mới nhất của Bộ Y tế về phòng chống dịch bệnh do virus nCoV,” n.d.)

TÀI LIỆU THAM KHẢO

Brooks, G. F., Jawetz, E., Melnick, J. L., & Adelberg, E. A. (2013). Jawetz, Melnick & Adelberg’s medical microbiology.

Karupiah, G. (2002). FIELDS VIROLOGY, 4TH EDITION. Immunology and Cell Biology, 80(3), 314–315. doi:10.1046/j.1440-1711.2002.01083.x

Khuyến cáo mới nhất của Bộ Y tế về phòng chống dịch bệnh do virus nCoV. (n.d.). Retrieved February 1, 2020, from https://suckhoedoisong.vn/bo-y-te-khuyen-cao-moi-nhat-phong-chong-dich-benh-do-vi-rut-ncov-n168260.html

Korsman, S. N. J., van Zyl, G. U., Nutt, L., Andersson, M. I., & Preiser, W. (2012). Human coronaviruses. In Virology (pp. 94–95). Elsevier. doi:10.1016/B978-0-443-07367-0.00040-9