05072024Thứ 3
Last updateThứ 2, 26 10 2020 11am

HỘI THẢO KHOA HỌC “TIẾP TỤC VUN ĐẮP MỐI QUAN HỆ HỮU NGHỊ VĨ ĐẠI VIỆT NAM – LÀO, LÀO – VIỆT NAM VÀ CHIA SẺ KINH NGHIỆM VỀ CÔNG TÁC DÂN TỘC”

0
0
0
s2smodern
powered by social2s

Ngày 07/12/2019, tại Thành phố Vinh (Nghệ An) đã diễn ra Hội thảo khoa học “Tiếp tục vun đắp mối quan hệ hữu nghị vĩ đại Việt Nam – Lào, Lào  -Việt Nam và chia sẻ kinh nghiệm về công tác dân tộc” do Hội Thái học Việt Nam, Ủy ban Dân tộc và Học viện Dân tộc Việt Nam phối hợp tổ chức. Hội thảo nằm trong khuôn khổ hoạt động kỉ niệm ngày quốc khánh của nước bạn Lào (02/12/2019) cũng như các hoạt động hợp tác tăng cường giao lưu, chia sẻ kinh nghiệm giữa các tỉnh biên giới của hai nước Việt Nam – Lào. Hội thảo đã thu hút sự quan tâm của các nhà khoa học của hai nước, đặc biệt là sự có mặt của các cán bộ, nhân dân 10 tỉnh biên giới với trên 300 đại biểu của Việt Nam và của nước bạn Lào.

Đến dự Hội thảo, đồng chí Trương Hòa Bình, Ủy viên Bộ Chính trị, Phó Thủ tướng Thường trực Chính phủ đã có bài phát biểu khai mạc Hội thảo, trong đó nhấn mạnh đến thỏa thuận hợp tác giữa Việt Nam và Lào giai đoạn 2012 – 2020 và các giai đoạn tiếp theo. Đồng thời, đồng chí cũng đã chỉ ra được những kinh nghiệm và hợp tác giúp đỡ giữa hai nước Việt Nam – Lào nói chung, hợp tác, chia sẻ kinh nghiệm về vấn đề dân tộc giữa các tỉnh dọc biên giới hai nước nói riêng.

htknqklao2019

Đồng chí Trương Hòa Bình - Ủy viên Bộ Chính trị, Phó Thủ tướng Thường trực Chính phủ nước Cộng hòa xã hội Chủ nghĩa Việt Nam phát biểu khai mạc Hội thảo

Trong khuôn khổ Hội thảo, đáng chú ý là những tham luận của các đồng chí lãnh đạo của hai nước Việt Nam – Lào, tổng kết lại hoạt động hợp tác hữu nghị dọc biên giới giữa hai bên, có thể coi đó là như những kinh nghiệm bước đầu để thực hiện tốt hơn  quan hệ hợp tác về vấn đề dân tộc giữa các tỉnh dọc biên giới. Hai bên cũng đã chỉ ra được những kinh nghiệm của từng nước trong việc giải quyết vấn đề dân tộc đối với vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi. Đặc biệt, đồng chí Đỗ Văn Chiến - Ủy viên Trung ương Đảng, Bộ trưởng, Chủ nhiệm Ủy ban Dân tộc thông báo về sự kiện Quốc hội đã ban hành Nghị quyết số 88/2019/QH14 phê duyệt Đề án tổng thể phát triển kinh tế - xã hội vùng dân tộc thiểu số và miền núi, giai đoạn 2021 – 2130. Đây là sự kiện đánh dấu mốc quan trọng trong lịch sử công tác dân tộc và thực hiện chính sách dân tộc của Đảng và Nhà nước Việt Nam. Chương trình gồm 10 dự án thành phần, bao phủ hết các mặt của đời sống xã hội các tỉnh miền núi như giải quyết tình trạng thiếu đất ở, nhà ở, nước sinh hoạt; phát triển sản xuất nông, lâm nghiệp, phát huy thế mạnh từng vùng miền; phát triển giáo dục đào tạo nâng cao nguồn nhân lực; bảo tồn, phát huy giá trị văn hóa truyền thống tốt đẹp của các dân tộc thiểu số gắn với phát triển du lịch; thực hiện bình đẳng giới và giải quyết những vấn đề cấp thiết đối với phụ nữ và trẻ em...

Các đại biểu tỉnh Sơn La chụp ảnh lưu niệm cùng với các đồng chí lãnh đạo Đảng, Nhà nước Việt Nam và các đồng chí cán bộ, lãnh đạo tỉnh Luang Prabang

Cùng đó, các bạn Lào cũng chia sẻ kinh nghiệm về công tác dân tộc dọc  tuyến biên giới hai nước, công tác di cư, phát triển y tế, giáo dục giữa hai bên biên giới Việt Nam – Lào, kinh nghiệm giải quyết các vấn đề biên giới như cắm mốc biên giới, chia sẻ kinh nghiệm phát triển các mô hình kinh tế giữa các tỉnh Sơn La, Quảng Bình, Hà Tĩnh, Nghệ An... của Việt Nam với các tỉnh Hủa Phăn, Luang Prabang, U đôm xay...của nước bạn Lào.

Hội thảo cũng đã đưa ra nhiều kiến nghị, giải pháp để tiếp tục duy trì quan hệ giữa các tỉnh dọc biên giới hai nước như tiếp tục khôi phục, xây dựng mới mô hình các trường dân tộc nội trú dọc hai tuyến biên giới Việt Nam  - Lào; xây dựng mô hình dự bị đại học cử tuyển theo hướng mới cho con em dân tộc hai bên biên giới; đặc biệt nhấn mạnh đến việc đào tạo đại học đối với con em người dân tộc thiểu số dọc hai tuyến biên giới để phát triển bền vững.

Tham gia Hội thảo, các giảng viên Trường Đại học Tây Bắc cũng đã có các tham luận đề cập đến những nét tương đồng về lịch sử, văn hóa của các tộc người dọc biên giới hai bên quốc gia – cơ sở để hình thành mối quan hệ hợp tác lâu dài, bền vững giữa các tỉnh dọc biên giới Việt Nam – Lào, Lào – Việt Nam. Đó là tham luận của TS. Đặng Thị Hồng Liên và TS. Lường Hoài Thanh “Cộng đồng cư dân và sự tương đồng về văn hóa – cơ sở bền vững của quan hệ Hủa Phăn (Lào) - Sơn La (VN) từ 1975 đến 2012” hay bài tham luận “Một số vấn đề về nguồn gốc, lịch sử và văn hóa giữa người Thái ở huyện Mộc Châu, Sơn La (Việ Nam) và các nhóm Thái ở tỉnh Hủa Phăn (Lào)” của TS. Nguyễn Quốc Pháp. Đây cũng sẽ là một trong những hướng nghiên cứu gắn liền với mối quan hệ hợp tác giữa tỉnh Sơn La, Trường Đại học Tây Bắc với các tỉnh Bắc Lào trong giai đoạn hiện nay khi số Lưu học sinh Lào tham gia học tập tại  Trường ngày càng tăng.

Kết thúc Hội thảo, đồng chí Trần Thanh Mẫn, Bí thư Trung ương Đảng, Chủ tịch Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam đã nhấn mạnh đến mối quan hệ truyền thống tốt đẹp giữa hai nước, xác định các định hướng giao lưu, phát triển để đạt được các thỏa thuận hợp tác; tháo gỡ những khó khăn vướng mắc để phát triển toàn diện trên các lĩnh vực, đồng thời tăng cường sự hiểu biết, tin cậy lẫn nhau.

Hội thảo là một hoạt động rất ý nghĩa, có giá trị khoa học và thực tiễn sâu sắc, thể hiện sinh động tình đoàn kết dọc tuyến biên giới Việt Nam – Lào; các nội dung tham luận đa dạng, phong phú, tập trung vào các nhiệm vụ trọng tâm của hai bên biên giới như xóa đói giảm nghèo, phát triển bền vững, chú trọng giữ gìn trật tự an ninh đường biên; bảo tồn các giá trị văn hóa truyền thống các dân tộc dọc tuyến biên giới cũng như kinh nghiệm xây dựng khối đại đoàn kết các cộng đồng dân tộc thiểu số dọc tuyến biên giới Việt Nam – Lào...

Các nhà khoa học và nhóm giảng viên Trường ĐH Tây Bắc có bài tham luận tham gia Hội thảo

Đây chính là những hoạt động góp phần giúp cho Mặt trận Tổ quốc, Ủy ban Dân tộc và Chính phủ hai nước cùng có những đề án, kiến nghị để hoàn thiện thêm các chính sách đối với dân tộc thiểu số và miền núi của hai nước, tô thắm thêm mối tình đoàn kết keo sơn Việt Nam – Lào, Lào – Việt Nam “mãi mãi xanh tươi, đời đời bền vững”.