05072024Thứ 3
Last updateThứ 2, 26 10 2020 11am

TRƯỜNG ĐẠI HỌC TÂY BẮC ĐỔI MỚI PHƯƠNG PHÁP DẠY HỌC

0
0
0
s2smodern
powered by social2s

Một thực tế là, hiện nay số lượng sinh viên so với trước kia vào học đại học giảm, có nhiều lý do nhưng cốt lõi là sự điều tiết, phân luồng thị trường, nhu cầu nguồn nhân lực và vấn đề chất lượng đào tạo. Trước tình hình đó, nhiều lần trong các cuộc họp giao ban, Hiệu trưởng Nhà trường NGƯT.TS. Đinh Thanh Tâm đã truyền đi thông điệp: Chúng ta tiếp tục quan tâm nhiều hơn đến chất lượng, hãy chăm sóc, dạy dỗ các em thật tốt, để mỗi sinh viên ra trường là những tuyên truyền viên tích cực về Nhà trường và đó là cách truyền thông tốt nhất. Bên cạnh đó, chúng ta tiếp tục học tập, nâng cao chuyên môn, nghiệp vụ để chuẩn bị tốt nhất cho tương lai.

Liên hệ với Trường Đại học Nông Lâm (TUAF) - Đại học Thái Nguyên - những năm 90 của thập kỉ XX, những lúc khó khăn nhất, họ cũng đã chọn hướng đi đúng nhất: LÀ ĐÀO TẠO ĐỘI NGŨ, bằng nhiều cách khác nhau nhưng trong đó là nâng cao trình độ ngoại ngữ, tăng cường đi học nước ngoài, tăng cường công bố quốc tế. Để rồi hiện nay, về cơ bản từ lãnh đạo đến giảng viên, viên chức giao tiếp và làm việc được bằng tiếng Anh. Để rồi TUAF là một trong những trường đại học làm rất tốt các dự án hợp tác, nghiên cứu khoa học, chuyển giao công nghệ và hợp tác với các đối tác nước ngoài… Kết quả là, công bố quốc tế của TUAF tăng, thu được nhiều thành quả từ phục vụ cộng đồng, có nhiều cơ hội làm việc, hội thảo, giao lưu với các chuyên gia trong nước và nước ngoài.

Hiện tại, Trường Đại học Tây Bắc đang thực hiện Chương trình Úc cùng Việt Nam phát triển nguồn nhân lực (Aus4Skills). Trong đó, có nhiều khóa hỗ trợ về phát triển chương trình đào tạo, đổi mới phương pháp giảng dạy. Gần đây nhất, với sự hỗ trợ của Aus4Skills, Nhà trường đã ban hành Kế hoạch số 1053, ngày 7/10/2019, để thực hiện việc nhân rộng phương pháp dạy học tích cực và hoà nhập. Trong Kế hoạch, hoạt động được tổ chức theo 17 nhóm mà PGS Howards Ross (Chuyên gia Trường ĐH La Trobe) đã thiết kế nhằm góp phần xây dựng môi trường dạy học thân thiện tại Trường Đại học Tây Bắc. Nhiều hoạt động đã được tổ chức và bước đầu tạo nên sự thay đổi trong nhận thức và thực hành phương pháp dạy học tích cực của giảng viên Nhà trường.

Trở lại với thông điệp của Hiệu trưởng: Hãy chăm sóc sinh viên thật tốt, để mỗi em ra trường sẽ là một kênh truyền thông tốt nhất… Trưởng phòng Đào tạo đại học - TS. Đỗ Hồng Đức - cũng đề nghị: Năm nay, chúng ta cần tập trung mạnh mẽ hơn vào đổi mới phương pháp giảng dạy, xây dựng môi trường dạy - học thân thiện. Điều này, có vẻ nghe quen nhưng không hề cũ, bởi vì trong thời đại 4.0 hiện nay, nguồn kiến thức vô biên qua Big Data, vì vậy chúng ta sẽ có nhiều ông thầy, nhiều môi trường để học. Thầy cô chắc cũng không muốn giống máy móc ở chỗ cứ lập trình như máy, để rồi biết đâu đấy trong tương lai, người máy sẽ thay thế chúng ta nếu ta không có gì hơn máy. Chúng ta khác, bởi vì, đối tượng chúng ta dạy là con người, có cảm xúc, trái tim nóng với lòng nhiệt huyết của tuổi trẻ. Vì vậy, cách tốt nhất hiện nay, bên cạnh việc nâng cao trình độ chuyên môn, chúng ta hãy tập trung vào đổi mới phương pháp dạy học. Cùng một đơn vị kiến thức quen thuộc nhưng chúng ta có thể làm mới nó đi bằng cách tổ chức khác, cách dạy khác với nhiều hoạt động để người học cảm thấy đó là việc của mình, mình mới là trung tâm.

Về phương pháp dạy học, có 2 cách dạy lâu nay: Cách 1. Lấy thầy làm trung tâm; Cách 2. lấy học sinh làm trung tâm.

Với cách 1: Lấy thầy làm trung tâm (người ta hay gọi đây là cách dạy thụ động). Đây là cách truyền thụ một chiều mang tính thông báo đồng loạt, giáo viên là chủ thể của hoạt động, là người truyền đạt “mang” kiến thức, “đổ” kiến thức cho người học. Phương tiện dạy học là bảng, phấn, cách dạy phổ biến là “đọc” – “chép” (có thể là “chiếu” – “chép”). Người học lĩnh hội kiến thức một cách thụ động, một chiều. Phương pháp dạy học này kèm theo cách đánh giá với yêu cầu ghi nhớ, tái hiện lại, nhắc lại kiến thức nhận được từ giáo viên. Điều đó dẫn người học đến cách học phù hợp đó là học thuộc lòng, học “vẹt”, học đối phó, học để thi… Giáo viên giữ vai trò độc quyền trong đánh giá, do đó, người học ít có cơ hội phát triển, thể hiện năng lực sáng tạo của mình.

Cách dạy thứ 2: Dạy học lấy học sinh làm trung tâm (còn gọi là dạy học tích cực, chủ động). Đây là sự tương tác đa chiều giữa người dạy và người học, giữa người học với người học trong môi trường học tập an toàn. Người học là chủ thể của hoạt động, được tạo điều kiện để chủ động khám phá, tìm kiếm kiến thức thông qua những tình huống, những nhiệm vụ thực tiễn cụ thể, đa dạng sinh động. Thay cho học thiên về lý thuyết, người học được trải nghiệm, khám phá kiến thức qua hành động, học qua “làm”, kiến thức sẽ được khắc sâu và bền vững. Câu nói dưới đây thể hiện điều đó:

                    Học qua “làm”:

Nói cho tôi nghe – Tôi sẽ quên

Chỉ cho tôi thấy – Tôi sẽ nhớ

Cho tôi tham gia – Tôi sẽ hiểu

Hướng dẫn người khác – Sẽ là của tôi

                    Hoặc:

Ta nghe – Ta sẽ quên

Ta nhìn – Ta sẽ nhớ

Ta làm – Ta sẽ học được

(Nguồn: Dạy và học tích cực, một số phương pháp và kĩ thuật dạy học tích cực, Dự án Việt – Bỉ, Bộ Giáo dục và Đào tạo)

Vậy đó, ai làm việc việc nhiều hơn thì người đó là trung tâm. Vậy lâu nay, chúng ta đang dạy theo cách nào? Và thực tâm, thầy cô muốn dạy sinh viên theo cách lấy mình hay lấy trò làm trung tâm? Tôi tin, thầy cô đã có câu trả lời. Muốn vậy, chúng ta phải là người tạo tình huống, thay đổi cách thức để người học được trải nghiệm. Vậy, cần làm như thế nào? Chắc chắn sẽ có nhiều cách khác nhau trong đó tiếp tục đổi mới phương phápdạy học, thay đổi cách đánh giá là những cách thức đang được quan tâm nhất.

Một số hình ảnh về lớp học lấy người học làm trung tâm:

Sinh viên Lào K58 ĐH Chính trị B Phết Sạ Vằn Phim Chay đang trình bày cho nhóm mảnh ghép.