05102024Thứ 6
Last updateThứ 2, 26 10 2020 11am

TƯ TƯỞNG CỦA CHỦ TỊCH HỒ CHÍ MINH VỀ NHÀ GIÁO

0
0
0
s2smodern
powered by social2s

Trong tư tưởng Hồ Chí Minh về giáo dục thì quan điểm của Người về người giáo viên giữ một vị trí hết sức quan trọng. Người có những quan điểm khá hoàn chỉnh về vai trò, phẩm chất đạo đức, chuyên môn của người giáo viên.

bac ho voi gd

Bác Hồ thăm lớp học ở Hàng Than (Hà Nội). Ảnh: Internet

* Vai trò của người giáo viên

Chủ tịch Chí Minh đánh giá rất cao vai trò của người thầy, Trong bài phát biểu tại Trường Đại học Sư phạm Hà Nội, Người nói: “Người thầy giáo tốt - thầy giáo xứng đáng là thầy giáo - là người vẻ vang nhất. Dù là tên tuổi không đăng trên báo, không được thưởng huân chương, song những người thầy giáo tốt là những anh hùng vô danh. Đây là một điều rất vẻ vang. Nếu không có thầy giáo dạy dỗ cho con em nhân dân, thì làm sao mà xây dựng chủ nghĩa xã hội được? Vì vậy, nghề thầy giáo rất là quan trọng, rất là vẻ vang; ai có ý kiến không đúng về nghề thầy giáo, thì phải sửa chữa” [1]. Muốn làm được điều đó, trước hết người thầy giáo phải cải tạo tư tưởng bản thân mình và “cần xây dựng tư tưởng dạy học để phục vụ Tổ quốc, phục vụ nhân dân”.  Phải luôn không ngừng học hỏi, đấu tranh không khoan nhượng với những biểu hiện thiếu tu dưỡng phấn đấu vươn lên, phải không ngừng trau dồi đạo đức cách mạng. Theo Người giáo dục là sự nghiệp chung của Đảng, Nhà nước và toàn dân nhưng trực tiếp thực hiện nhiệm vụ này chính là đội ngũ giáo viên. Chủ tịch Hồ Chí Minh khẳng định: “… Nhiệm vụ của giáo dục rất quan trọng và vẻ vang, vì nếu không có thầy giáo thì không có giáo dục… Không có giáo dục, không có cán bộ thì cũng không nói gì đến kinh tế văn hoá. Trong việc đào tạo cán bộ, giáo dục là bước đầu” [2]. Người phân biệt rõ vị trí khác nhau của người thầy trong xã hội cũ và xã hội mới: “Các cô, các chú đều biết, giáo viên ngày nay không phải là “gõ đầu trẻ kiếm cơm”, mà là người phụ trách đào tạo những công dân tiến bộ, những cán bộ tiến bộ cho dân tộc. Nhiệm vụ ấy rất là vẻ vang. Các cô, các chú phải ngày càng tiến bộ để dạy cho con em ngày càng tiến bộ, nếu không thì sẽ ảnh hưởng không tốt đến con em” [3].

* Đạo đức người giáo viên

Nói về đạo đức nhà giáo, Hồ Chí Minh nêu lên những phẩm chất rất cơ bản, đó là: hết lòng phục vụ Tổ quốc, phục vụ nhân dân; thương yêu học trò và yêu nghề; yêu lao động và quý trọng người lao động chân tay; có tinh thần đoàn kết, giúp đỡ nhau cùng tiến bộ. Đạo đức nhà giáo hay đạo đức nghề dạy học theo tư tưởng của Bác, có thể được hiểu là những quy tắc, chuẩn mực quy định thái độ, hành vi ứng xử của nhà giáo trong đời sống và đạo đức nhà giáo có ảnh hưởng trực tiếp đến chất lượng giáo dục - đào tạo. Bác nói: “Giáo viên phải chú ý cả tài, cả đức, tài là văn hoá, chuyên môn, đức là chính trị. Muốn cho học sinh có đức thì giáo viên phải có đức... Thầy giáo, cô giáo phải gương mẫu, nhất là đối với trẻ con. Trách nhiệm đó rất là vẻ vang, quan trọng”[4]. Theo Hồ Chí Minh, người thầy giáo phải có phẩm chất đạo đức thương yêu học trò, phải quan tâm săn sóc học trò với một tình cảm sâu nặng như ruột thịt, song cách thể hiện phải phù hợp với từng lứa tuổi và cấp học. Người nói: “Giáo dục được người thầy giáo, được cả một thế hệ”, thầy tốt thì ảnh hưởng tốt, thầy xấu thì ảnh hưởng xấu; một tấm gương sáng của người thầy sẽ có cả một thế hệ noi theo, ngược lại một hành vi xấu của người thầy có thể làm tổn thương, làm mất niềm tin cả một lớp người. Sách Tam tự kinh có câu: “Giáo bất nghiêm/ sư chi đọa – giáo dục không nghiêm là lỗi ở thầy giáo”. Hồ Chí Minh cũng chỉ rõ: “Học trò tốt hay xấu là do thầy giáo, cô giáo tốt hay xấu”[5].

 Theo Hồ Chí Minh, người giáo viên chẳng những là người cán bộ cách mạng mà còn là người đào tạo những cán bộ cách mạng cho tương lai đất nước nên càng phải có đạo đức cách mạng. Gắn liền với phẩm chất đạo đức thương yêu học trò là phẩm chất đạo đức “thật thà yêu nghề” của người thầy. Phẩm chất yêu nghề của người thầy được biểu hiện trước hết là sự gắn bó thiết tha với nghề nghiệp trong bất cứ hoàn cảnh nào. Nghề giáo là một nghề lao động khó nhọc, đòi hỏi phải đầu tư nhiều thời gian, công sức, nhưng không phải là nghề có thu nhập cao. Nếu không thiết tha với nghề nghiệp sẽ bị dao động trước hoàn cảnh khó khăn. Người nói “ Nên yên tâm công tác. Phải hiểu rằng không có công tác gì vẻ vang bằng việc chǎm nom bồi dưỡng cho các cháu là những người chủ tương lai của nước nhà. Để làm tròn nhiệm vụ vẻ vang ấy, các cô, các chú phải thật thà đoàn kết, nâng cao tinh thần trách nhiệm, không nên “đứng núi này trông núi nọ”, muốn thay đổi công tác, kèn cựa vì địa vị”[6]. Trong môi trường sư phạm, Người hiểu rất rõ giá trị của sự đoàn kết. Đoàn kết sẽ tạo ra bầu không khí vui vẻ, thoải mái kích thích sự khám phá sáng tạo trong giảng dạy và nghiên cứu; đồng thời sẽ tạo ra môi trường thi đua lành mạnh, phát huy được khả năng của cá nhân và sức mạnh của cộng đồng, cống hiến cho sự nghiệp giáo dục. Chính vì vậy, Người luôn giáo dục tình thần đoàn kết trong đội ngũ thầy giáo, cô giáo và coi đây là phẩm chất đạo đức quan trọng của người thầy. Người giáo viên phải trở thành hạt nhân trong khối đoàn kết thống nhất toàn thể nhà trường, phải đoàn kết thật sự, đoàn kết giữa giáo viên với giáo viên, giữa giáo viên với học sinh, giữa học sinh với học sinh vì sự phát triển của nhà trường và của nền giáo dục nước nhà, Người nói: “… đoàn kết phải thật sự trăm phần trăm chứ không phải chỉ là đoàn kết miệng” [7].

* Chuyên môn của người giáo viên

Về trí tuệ và tài năng, theo Chủ tịch Hồ Chí Minh, một nhà giáo giỏi không đòi hỏi phải tinh thông tất cả mọi lĩnh vực, đặc biệt phải thành thạo lĩnh vực chuyên môn của mình, đáp ứng ngày càng tốt hơn sự nghiệp giáo dục - đào tạo; hoàn toàn không được bằng lòng với kiến thức đã có, thường xuyên tích luỹ kiến thức, tự học, tự bồi dưỡng, nâng cao trình độ chuyên môn, phương pháp sư phạm để thực sự là tấm gương sáng cho học sinh noi theo. Nói chuyện tại lớp học chính trị của giáo viên ngày 6/8/1959, Người chỉ rõ: “Các cô, các chú phải ngày càng tiến bộ để dạy cho con em ngày càng tiến bộ, nếu không thì sẽ ảnh hưởng không tốt đến con em…Cán bộ và giáo viên cũng phải tiến bộ cho kịp thời đại thì mới làm được nhiệm vụ. Chớ tự túc, tự mãn, cho là giỏi rồi thì dừng lại, mà dừng lại là lùi bước, là lạc hậu, mình tự đào thải trước” [8].

Người khuyên mọi người thực hiện theo lời dạy của Lênin “Học, học nữa, học mãi” và lấy phương châm “Học không biết chán, dạy không biết mỏi” của Khổng Tử để thực hành trong công việc. Trong Đại hội Chiến sĩ thi đua toàn ngành Giáo dục ngày 21/2/1956, Người đã căn dặn: “Các cô, các chú là những thầy giáo, những cán bộ giáo dục đều phải luôn luôn cố gắng học thêm, học chính trị, học chuyên môn. Nếu không tiến bộ mãi thì sẽ không theo kịp đà tiến chung, sẽ trở thành lạc hậu” [9]. Bác còn lưu ý giáo viên phải coi trọng học tập chính trị để củng cố đạo đức cách mạng, giữ vững lập trường, nâng cao hiểu biết chính trị để hoàn thành tốt trọng trách “trồng người”. “Có chuyên môn mà không có chính trị giỏi thì dù học giỏi mấy dạy trẻ con cũng hỏng. Chính trị là linh hồn, chuyên môn là cái xác. Có chuyên môn mà không có chính trị thì chỉ còn cái xác không hồn. Phải có chính trị trước rồi có chuyên môn, nếu thầy giáo, cô giáo bàng quan thì lại đúc ra một số công dân không tốt, cán bộ không tốt. Nói tóm lại, chính trị là đức, chuyên môn là tài. Có tài mà không có đức là hỏng. Có đức mà chỉ i, tờ thì dạy thế nào? Đức phải có trước tài” [10].

Vận dụng tư tưởng của Hồ Chí Minh, Đảng và Nhà nước ta hết sức coi trọng sự nghiệp giáo dục và đào tạo. Đảng và Nhà nước khẳng định giáo dục và đào tạo là quốc sách hàng đầu, chính vì vậy, giáo dục và đào tạo đã thu được nhiều thành tựu quan trọng. Nhiều thế hệ học sinh có đủ đức, tài, năng động, sáng tạo đã góp phần vào công cuộc xây dựng và bảo vệ đất nước. Hiện nay, sự nghiệp đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục và đào tạo theo tinh thần Nghị quyết Trung ương 8 (khoá XI) đang đặt ra những yêu cầu mới, đòi hỏi phải tiếp tục xây dựng đội ngũ nhà giáo có đủ đức tài, nhằm đáp ứng yêu cầu của công cuộc đổi mới. Trước đòi hỏi đó, hơn ai hết mỗi nhà giáo, cán bộ quản lý giáo dục cần thấm nhuần sâu sắc tư tưởng của Bác Hồ kính yêu về người giáo viên để tiếp tục nâng cao ý thức rèn đức - luyện tài, tự tu dưỡng, trau dồi phẩm chất đạo đức cách mạng, lòng yêu nghề - yêu người, nâng cao năng lực chuyên môn, nghiệp vụ nhằm đáp ứng yêu cầu, nhiệm vụ của ngành giáo dục nói riêng và đất nước nói chung. Đồng thời, kiên quyết đấu tranh loại bỏ những hiện tượng tiêu cực, sai trái trong giáo dục, không ngừng phấn đấu trở thành nhà giáo tốt để xứng đáng với nghề cao quý nhất trong những nghề cao quý mà Bác Hồ đã dành tặng.

 

Tài liệu tham khảo

 [1]. Hồ Chí Minh, Toàn tập, tập 14, Nhà xuất bản Chính trị Quốc gia, Hà Nội, 2011, tr.402 - 403.

[2]. Hồ Chí Minh, Sđd, tập 10, tr.345. 

[3]. Hồ Chí Minh, Sđd, tập 10, tr. 266.  

[4]. Hồ Chí Minh, Sđd, tập 10, tr.270.

[5]. Hồ Chí Minh, Sđd, tập 9, tr.492.

[6]. Hồ Chí Minh, Sđd, tập 9, tr.499. 

[7]. Hồ Chí Minh, Sđd, tập 14, tr.402. 

[6]. Hồ Chí Minh, Sđd, tập 12, tr.266.

[9]. Hồ Chí Minh, Sđd, tập 10, tr.272 - 273. 

[10]. Hồ Chí Minh, Sđd, tập 10, tr.269.