05192024Chủ nhật
Last updateThứ 2, 26 10 2020 11am

TỌA ĐÀM CÔNG TÁC PHÁT TRIỂN ĐẢNG VIÊN TRONG TRƯỜNG HỌC

0
0
0
s2smodern
powered by social2s

Ngày 15/10/2019, tại Trường Đại học Thủy Lợi, Bộ Giáo dục và Đào tạo phối hợp với Trung ương Đoàn Thanh niên Cộng sản Hồ Chí Minh tổ chức Tọa đàm “Công tác phát triển đảng viên trong trường học”.

Tham dự buổi tọa đàm có: Đồng chí Nguyễn Đắc Hưng - Vụ trưởng Vụ Giáo dục, Đào tạo và Dạy nghề, Ban Tuyên giáo Trung ương; Đồng chí Bùi Văn Linh - Vụ trưởng Vụ Giáo dục Chính trị và Công tác học sinh, sinh viên, Bộ Giáo dục và Đào tạo; Đồng chí Vũ Thị Tuyết Mai - Ủy viên Ban Chấp hành, Phó Trưởng ban Thanh niên trường học, Trung ương Đoàn TNCS Hồ Chí Minh; GS.TS Nguyễn Trung Việt, Đảng ủy viên - Phó Hiệu trưởng Trường Đại học Thủy lợi. Tham dự còn có: lãnh đạo các sở: Giáo dục và Đào tạo Hà Nội, Giáo dục và Đào tạo Nghệ An; lãnh đạo các đại học, học viện và trường đại học khu vực từ tỉnh Hà Tĩnh trở ra. Trường Đại học Tây Bắc đã cử đồng chí Mai Văn Tám - Phó Trưởng phòng CTCT-QLNH tham dự và có báo cáo tham luận tại buổi Tọa đàm.

Phát biểu khai mạc buổi Tọa đàm,  đồng chí Bùi Văn Linh đã nhấn mạnh: Công tác phát triển đảng viên trong học sinh - sinh viên là một trong những nội dung trọng tâm luôn được lãnh đạo Bộ Giáo dục và Đào tạo quan tâm chỉ đạo thực hiện thông qua việc hướng dẫn thực hiện đối với các địa phương và các cơ sở đào tạo. Đồng thời, xác định ý nghĩa và tầm quan trọng của công tác phát triển đảng viên trong các tổ chức Đảng, đặc biệt là trong các trường học. Đồng chí chỉ rõ tầm quan trọng của Chỉ thị số 34-CT/TW ngày 30/5/1998 của Bộ Chính trị khóa VIII về “Tăng cường công tác chính trị, tư tưởng, củng cố tổ chức Đảng, đoàn thể quần chúng và công tác phát triển đảng viên trong trường học”; tầm quan trọng của Nghị quyết số 25-NQ/TW ngày 25/7/2008 của ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa X về “Tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác thanh niên thời kỳ đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa”…

Thay mặt Trung ương Đoàn TNCS Hồ Chí Minh, đồng chí Vũ Thị Tuyết Mai, Ủy viên BCH, Phó trưởng Ban Thanh niên trường học đã nêu bật các thành tích đã đạt được trong việc thực hiện Chỉ thị số 34-CT/TW ngày 30/5/1998 của Bộ Chính trị khóa VIII, Nghị quyết số 25-NQ/TW ngày 25/7/2008 của Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa X. Bên cạnh những thành tích đã đạt được, đồng chí cũng chỉ ra những hạn chế trong công tác phát triển đảng viên trong trường học như: Chất lượng của đoàn viên ưu tú chưa cao, các giải pháp cho công tác phát triển đảng viên trong trường học chưa đồng bộ, việc duy trì các câu lạc bộ của sinh viên tại một số cơ sở giáo dục chưa thường xuyên… Từ đó, đồng chí Vũ Thị Tuyết Mai đã đề xuất một số giải pháp cho công tác phát triển đảng viên trong trường học như: Thống nhất trong nhận thức về tầm quan trọng của công tác phát triển đảng viên trong trường học; trú trọng công tác tuyên truyền, tạo nguồn đoàn viên ưu tú, ưu tiên phát triển đảng viên từ những phong trào học sinh 3 tốt, sinh viên 5 tốt…

Đại diện Sở ở Giáo dục và Đào tạo Hà Nội đã có tham luận “Công tác tuyên truyền, giáo dục chính trị tư tưởng, định hướng và tạo môi trường cho học sinh, sinh viên phấn đấu vào Đảng”.  Sở Giáo dục và Đào tạo Nghệ An có tham luận “Công tác phát triển đảng viên trong các trường học thông qua việc tăng cường giáo dục lý tưởng cách mạng, đạo đức, lối sống cho học sinh, sinh viên”, đã khẳng định:  trong 5 năm gần đây, hàng năm các trường THPH trên địa bàn tỉnh Nghệ An kết nạp từ 200 đến 250 học sinh vào Đảng; tiêu biểu, ở Trường THPH Chuyên Phan Bội Châu, trong vòng 5 năm (từ năm 2015 đến 2019), trung bình mỗi năm có từ 10 đến 12 học sinh được vinh dự đứng trông hàng ngũ của Đảng và có từ 25 đến 30 học sinh đi học lớp bồi dưỡng nhận thức về Đảng. Đại diện Trường Đại học Bách khoa Hà Nội, Trường Đại học Ngoại thương Hà Nội đã trình bày tham luận về vai trò của tổ chức đoàn thanh niên, hội sinh viên trong công tác tạo nguồn phát triển đảng viên thông qua các hoạt động ngoại khóa, hoạt động của các câu lạc bộ…

Trường Đại học Tây Bắc đã trình bày tham luận “Thực trạng công tác tạo nguồn phát triển đảng viên trong sinh viên dân tộc thiểu số”.  Trong đó, đã khẳng định: trong những năm vừa qua, dưới sự lãnh đạo, chỉ đạo trực tiếp, thường xuyên, sâu sát của Đảng ủy cùng với sự tích cực, chủ động của các chi bộ, công tác tạo nguồn phát triển đảng viên trong sinh viên nói chung và sinh viên là người dân tộc thiểu số nói riêng đã đạt được những thành tựu nhất định. Công tác tạo nguồn phát triển đảng viên được tiến hành thường xuyên, theo kế hoạch, đúng quy trình, tuân thủ nguyên tắc, quy định về công tác phát triển đảng viên. Thực hiện công tác phát triển đảng viên trong Nhà trường, Đảng ủy đã ban hành các văn bản chỉ đạo về công tác phát triển Đảng trong từng năm như: Kế hoạch về công tác phát triển đảng viên; kế hoạch và tổ chức học tập tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh theo tinh thần Chỉ thị số 05-CT/TW ngày 15/5/2016 của Bộ Chính trị; Kế hoạch hướng dẫn thực hiện công tác giáo dục lý luận chính trị, công tác giáo dục lý tưởng cách mạng, đạo đức, lối sống cho sinh viên… Mặt khác, Đảng ủy đã chỉ đạo các chi bộ xây dựng chương trình, kế hoạch, giải pháp phát triển đảng viên, trong đó, cần chú trọng đến tạo nguồn phát triển đảng viên người dân tộc thiểu số. Các đại biểu tham dự buổi Tọa đàm đã rất ấn tượng với những số liệu về công tác phát triển đảng viên trong sinh viên dân tộc thiểu số của Trường Đại học Tây Bắc và nhất trí với các giải pháp mà Phòng CTCT-QLNH, Trường Đại học Tây Bắc đã đề xuất để nâng cao chất lượng công tác tạo nguồn phát triển đảng viên trong sinh viên dân tộc thiểu số trong những năm tiếp theo.

Kết luận Tọa đàm, đồng chí Bùi Văn Linh - Vụ trưởng Vụ Giáo dục Chính trị và Công tác học sinh, sinh viên đề nghị các sở giáo dục và đào tạo, các cơ sở đào tạo tập trung làm tốt các nội dung cơ bản sau: 

Thứ nhất, các nhà trường xác định công tác giáo dục chính trị tư tưởng, kết nạp vào Đảng cho học sinh, sinh viên là một nhiệm vụ rất quan trọng trong hoạt động của các trường học.

Thứ hai, cần đẩy mạnh công tác giáo dục chính trị tư tưởng, hoạt động giáo dục toàn diện, tuyên truyền nhằm nâng cao nhận thức chính trị, giác ngộ lý tưởng cách mạng cho học sinh, sinh viên.

Thứ ba, kiện toàn bộ máy theo dõi công tác phát hiện, bồi dưỡng, kết nạp vào Đảng cho học sinh sinh viên: Đảng ủy trường chỉ đạo, đoàn thanh niên, hội sinh viên, phòng công tác chính trị - học sinh, sinh viên, các chi bộ tham gia công tác phát hiện, bồi dưỡng và kết nạp vào Đảng cho học sinh, sinh viên.

Thứ tư, đẩy mạnh các phong trào thi đua yêu nước trong học sinh, sinh viên đổi mới, sáng tạo trong dạy và học; học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh; các hoạt động tình nguyện vì cộng đồng, hoạt động các câu lạc bộ để học sinh, sinh viên rèn luyện đạo đức, lối sống văn hóa.

Thứ năm, xây dựng khung tiêu chí để kết nạp vào Đảng các học sinh, sinh viên trong các trường đại học và các trường phổ thông; gắn tiêu chí này với quy định đánh giá kết quả rèn luyện sinh viên, kết quả học tập, hài hòa, bảo đảm chất lượng nguồn kết nạp vào Đảng. 

Thứ sáu, phối hợp Ban Tổ chức Trung ương để rà soát sửa đổi, hướng dẫn các qui trình, thủ tục, sử dụng kết quả học lớp bồi dưỡng nhận thức về Đảng, sinh hoạt đảng cho học sinh, sinh viên, nhất là học sinh tốt nghiệp trung học phổ thông, sinh viên sau khi tốt nghiệp.

Thứ bảy, tiếp tục phối hợp với Ban Tuyên giáo Trung ương triển khai Đề án “Đổi mới học tập lý luận chính trị trong hệ thống giáo dục quốc dân”.

Thứ tám, đề nghị Trung ương Đoàn Thanh niên Cộng sản Hồ Chí Minh đánh giá áp dụng mô hình bí thư đoàn thanh niên là học sinh phổ thông (từ Mô hình ở Thành phố Hà Nội để nhân rộng ra các địa phương khác có điều kiện) nhằm tạo cơ hội rèn luyện, hoàn thiện tư duy, kỹ năng lãnh đạo và tạo nguồn kết nạp vào Đảng cho học sinh phổ thông.

Hình ảnh trong buổi Tọa đàm:

toadamctptdtth2019

Đồng chí Bùi Văn Linh, Vụ trưởng Vụ Giáo dục Chính trị và Công tác học sinh, sinh viên, Bộ Giáo dục và Đào tạo phát biểu khai mạc Tọa đàm