05192024Chủ nhật
Last updateThứ 2, 26 10 2020 11am

BI KỊCH CỦA MỘT SỐ TRÍ THỨC NHO HỌC VÀ MỘT VÀI NÉT TÂM LÍ, TÍNH CÁCH NGƯỜI VIỆT

0
0
0
s2smodern
powered by social2s

Trong cuốn sách "Người Việt: Phẩm chất và thói hư tật xấu", nhiều tác giả đã nêu và phân tích về phẩm chất và thói hư, tật xấu của người Việt. Trong đó, có tâm lí: "Yêu thì củ ấu cũng tròn, ghét nhau thì quả bồ hòn cũng méo"; "Yêu nhau yêu cả đường đi, ghét nhau ghét cả tông ti họ hàng"; "Yêu đồng bào thì dễ, yêu ông hàng xóm thì khó";… Trong tâm thức người Việt, "Thấy người sang bắt quàng làm họ" đã ăn sâu vào suy nghĩ, hành động, tâm lí và thói quen hàng ngày. Tuy nhiên, lối ứng xử "Giậu đổ, bìm leo", tính đố kị lại dẫn đến những hệ quả mà nhiều khi người dân hoàn toàn không mong muốn. Điều đó có thể phần nào là nguyên nhân dẫn đến bi kịch của không ít trí thức Nho học thời xưa, mà nếu không xem xét từ góc độ tâm lí và văn hóa người Việt thì ta không thể nào lí giải nổi.

Qua khảo cứu và cuộc sống thực tế, các nhà nghiên cứu đã phát hiện ra rằng, bao đời nay, không ít những trí thức, người tài thành danh ở bốn phương trời, muôn đời biết tiếng nhưng khi về tới quê hương, bản quán thì lại bị miệt thị, xem thường và không được ai thừa nhận. Vậy cái lối ứng xử "Thấy người sang bắt quàng làm họ" ở đây đã không đúng chăng?! Chúng tôi sẽ lí giải phần nào câu hỏi này qua câu chuyện về bi kịch của một số trí thức Nho học dưới đây.

1. Quan Độc bạ Trần Cụ đời Trần quê ở xã Cứu Liên thuộc đất Cửu Cao (nay là xã Cửu Cao, huyện Văn Giang, Hưng Yên). Đại Việt Sử kí toàn thư chép: “Trần Cụ tính khoan hậu, cẩn thận, thật thà, giỏi nghề đánh cá, bắn nỏ và chơi cầu”, là thầy dạy của vua Trần Minh Tông. Là người cẩn thận, mực thước và sùng đạo Nho nhưng ông lại bất hòa với làng quê. Nỗi bất hòa lớn tới nỗi Trần Cụ thề rằng không bao giờ đặt chân lên đất ấy nữa. Sau này nguôi giận, ông vẫn trở về Cứu Liên nhưng giữ lời thề xưa, ông đi bằng thuyền, khi phải lên bộ thì ngồi trên kiệu được người khiêng vào cửa, tới giường mới xuống kiệu, thức ngủ, ăn uống đều ở trên giường. Khi nào chơi xem vườn ao thì sai khiêng giường đến chỗ đó, hết hứng thì trở về, lại ngồi kiệu, lên thuyền. Cứ như thế cho đến hết đời, chưa hề giẫm một bước xuống đất Cứu Liên. Nói tóm lại, dân làng Cứu Liên không ưa gì Trần Cụ và vị quan này cũng chẳng ưa gì dân làng Cứu Liên. Đây cũng có thể được xem là một bi kịch của trí sĩ Nho học.

2. Trương Hán Siêu, một danh sĩ thời Trần. Ông người người làng Phúc Thành, huyện Yên Ninh, lộ Trường Yên nay là làng Phúc Am, huyện Yên Khánh, tỉnh Ninh Bình. Xuất thân nghèo hèn, có tài văn chương, trở thành môn khách của Hưng Đạo Vương Trần Quốc Tuấn, vì vậy được tiến cử ra làm quan ở triều đình nhà Trần, đến bậc đại quan (Hàn Lâm Học Sĩ, khi mất 1354, tặng chức Thái Bảo). Tên tuổi của ông gắn với tác phẩm "Bạch Đằng Giang Phú". Ông là người đặt tên cho núi Non Nước ở quê ông, một cái tên chữ Hán mang ý đẹp: Dục Thúy Sơn: Núi như hình con chim Trả đang tắm gội. Vốn là người con của làng Phúc An, thành danh, nổi tiếng thiên cổ, thói thường đây sẽ là niềm tự hào muôn đời đối với quê hương. Nhưng không ai có thể giải thích vì sao khi về già, cáo quan về hưu, ông không trở về làng sinh sống. Ông làm nhà ngay chân núi Non Nước, cạnh ngôi đền Mẫu, giữa ngã ba sông. Sống một mình, trơ trọi một nhà, không có làng xóm láng giềng.... Làng ông ở ngay gần đó. Tại sao ông không về làng với họ mạc, xóm giềng?! Không ai lí giải cặn kẽ điều này nhưng có lời truyền miệng lan rộng cả khắp vùng quanh núi Non Nước rằng: Ông ghét bỏ dân làng và dân làng cũng chẳng ưa gì ông... Khi ông mất, thì làng xóm cũng chẳng thờ phụng gì. Ngôi đền thờ ông, được cho là ở quê ông, kỳ thật là ở chân núi Non Nước, trên nền nhà cũ của ông. Mà bây giờ cũng chẳng còn nữa. Và cũng chẳng ai buồn nghĩ đến việc dựng lại... Đây cũng được xem là một câu chuyện buồn đối với một trí thức Nho học.

truonghansieu 

Tượng thờ Trương Hán Siêu tại Văn Miếu

3. Chu Văn An quê ở làng Văn Thôn, xã Quang Liệt, huyện Thanh Đàm (nay thuộc xóm Văn, xã Thanh Liệt, huyện Thanh TrìHà Nội). Một làng quê nổi tiếng trù phú, yên bình giàu truyền thông bên cạnh dòng sông Tô Lịch huyền thoại – huyết mạch của Kinh đô Thăng Long (nhưng nay đã bị bức tử). Ông là một trí thức Nho học nổi tiếng bậc nhất trong lịch sử, được xem là "Vạn thế sư biểu". Người đầu tiên có lẽ là Trần Nguyên Đán, học trò tinh thần và bạn ông, nghe tin ông nhận lời từ quê ra Thăng Long dạy Quốc Tử Giám đã ví ông như sao Bắc Đẩu, như núi Thái Sơn, chèo lái trên Biển Học mà đổi mới phong tục, kỳ vọng ông sẽ biến suy thành thịnh. Nhân thế bao đời ca ngợi ông như là một điển hình khí tiết của nhà Nho, khẳng khái, trung thực, tiết tháo, dâng vua Trần Dụ Tông "Thất Trảm Sớ" xin chém bảy kẻ quyền thần, được bình luận là bài văn bất hủ "nghĩa cảm quỉ thần". Vua không nghe lời, ông treo mũ áo ở Văn Miếu, từ quan trở lại với biệt hiệu "Gã tiều phu đi ở ẩn" (Tiều Ẩn) ở núi Phượng Hoàng - Chí Linh (Hải Dương). Với Chu Văn An, câu cửa miệng dân gian vẫn hay nói về các trí thức Nho học "Cáo lão về quê" đã không đúng. Vì sao vậy!? Vấn đề này có nhiều lí giải khác nhau, chỉ biết ông không hề về quê.

Xưa nay, nhiều người cho rằng Chu Văn An từng mở trường dạy học ở làng quê ông. Rất nhiều thế hệ tin rằng ở quê Thanh Liệt, những dấu tích về danh nhân Chu Văn An hẳn rất đồ sộ. Nhưng qua khảo cứu, các nhà nghiên cứu đã nhận thấy một sự thật hoàn toàn ngược lại. Không một di tích nào về Chu Văn An được giữ ở Thanh Liệt. Huyền tích cũng không! Gần quê Chu Văn An có một đền thờ ông thì lại ở Huỳnh Cung là nơi tương truyền ông mở trường dạy học mà những tể tướng Lê Quát, Phạm Sư Mạnh... những đại danh sĩ, đại Nho cuối đời Trần đã xuất thân từ trường đó...

 chuvanan

Tranh vẽ Chu Văn An.

Nguồn: Bảo tàng Lịch sử Việt Nam

Một sự im lặng về ông ở chính làng quê ông Thanh Liệt. Có một sự thật là Chu Văn An chưa từng mở trường dạy học ở làng ông. Ông mượn đất cuối làng bên (Huỳnh Cung) để dựng trường học). Và ngôi đền thờ ông được dựng trên mảnh đất này. Vì sao quê hương ông không tự hào về ông mà lại để thiên hạ đề cao ông, thờ ông và thần hóa ông?! Còn ở Thanh Liệt lại chỉ có một đền thờ thiêng, quanh năm dân làng và quanh miền tới lễ bái: Đó là đền thờ tướng Phạm Tu, quê gốc Thanh Liệt, sử Trung Hoa chép đây là đại tướng của Lý Nam Đế. Có ai nói "bụt chùa nhà không thiêng" vốn cũng là thói thường của tâm thức dân gian nhưng nhiều người không đồng ý điểm này khi vận vào Chu Văn An. Có thể thấy rằng mối quan hệ giữa Chu Văn An với làng ông cũng có những vấn đề khó lí giải. Đây cũng là bi kịch của một trí thức Nho học như Chu Văn An.

Nhiều người đã khẳng định: với tầm vóc như Chu Văn An thì làng quê nơi chôn rau cắt rốn khó có thể là nơi ông gửi gắm tâm tư khi cáo quan đi ở ẩn. Điều này cũng giống như trường hợp của Nguyễn Trãi đi ở ẩn ở núi Côn Sơn khi bất đắc trí. Hai nhà Đại Nho có tư tưởng lớn giống nhau. Và người ta biện minh rằng khác với Chu Văn An, ở làng Nhị Khê – Thường Tín – Hà Nội có đền thờ Nguyễn Trãi. Nhưng có người phát hiện ra rằng đền thờ này được xây xựng vào thời Nguyễn – thời kì khôi phục Nho học và danh tiếng những nhà đại Nho ngày trước và cùng với thời điểm Dương Bá Cung tập hợp bộ "Ức Trai thi tập". Nhị Khê là một làng khoa bảng và nhiều người cho biết, khi đến đây dân làng rất khó chịu khi chỉ hỏi về Nguyễn Trãi và qua thơ văn của ông, ta thấy, tình cảm Nguyễn Trãi dành cho Côn Sơn lớn và sâu đậm hơn rất nhiều so với đất Nhị Khê.

Chỉ với ba trí sĩ Nho học tiêu biểu trên, chúng ta đã thấy có những "vấn đề" trong mối quan hệ giữa những người con thành danh với quê hương, bản quán. Nhiều người cho rằng đây là bi kịch của những trí thức Nho học thành danh. Không ít các học giả đã đi tìm câu trả lời cho vấn đề này một cách lặng lẽ và nghiêm túc. Tuy nhiên, để trả lời thỏa đáng thì là điều rất gian khó. Ở đây, có một vấn đê mà tôi quan tâm, điều này liên quan đến tâm lí và tính cách của người Việt vốn hàng ngàn đời sống trong các làng quê khép kín và nhọc nhằn, bảo thủ.

Cái phép ứng xử thường tình "Thấy người sang bắt quàng làm họ" lại không đúng với các trí thức khoa bảng nói trên. Về điểm này, người Việt không xấu như người ta nghĩ. Họ tuy nghèo hèn nhưng lại rất cao ngạo. Đừng tưởng thành danh về làng mà dân làng đã xúm đến cung phụng và tôn vinh! Điều này…để còn xem! Như vậy, dân Việt cũng có cái khí tiết cao ngạo của kẻ sĩ. Nhưng tìm hiểu ra điều này không phải. Nhiều người tìm thấy một điểm chung của các trí thức nói trên là họ thường không phải là người gốc của làng quê đấy. Nói chính xác hơn, họ là dân ngụ cư, chưa đủ ba đời nên chưa chính thức trở thành dân của làng. Dân ngụ cư thì sao? Khi thành danh, quyền uy lẫy lừng trong triều, nổi tiếng khắp thiên hạ vẫn không tạo được vị thế với dân làng hay sao! Đã rất "sang" rồi mà dân làng vẫn không "bắt quàng làm họ" để đến nỗi quan hệ ngày càng xấu đi vì cả hai bên đều thấy thanh danh bị tổn hại.

Điều thứ nhất, ở các làng xã Việt ngày xưa, thất thế nhì thân. Thế ở đây là quyền hành, quyền sinh quyền sát đối với cộng đồng, có thể tác oai tác phúc, thường là quan lại địa phương. Họ là nhân tố quyết định tạo ra lệ làng mà phép vua có lúc còn phải nhường. Thế là lực, là to họ, dài dòng, có đủ số đông để uy hiếp kẻ khác theo lối bầy đàn. Bất hạnh thay cho những kẻ thân cô thế cô. Mà thường thành phần này lại là dân ngụ cư, ít anh em, bè bạn. Trong cái trật tự quan trên đè quan dưới, quan dưới đè dân như chày đè cối, bằng những thủ thuật của mình, quan lại địa phương thường dồn sự phẫn uất của người dân tới những tầng lớp đáy cùng của xã hội, những kẻ thân cô thế cô. Đây cũng là tâm lí chung của các công xã nông thôn ở châu Á. Trong xã hội Ấn Độ cổ đại, tầng lớp Paria[1] không thể sống trong các cộng đồng dân cư mà phải dạt tới những nơi hoang vu, hẻo lánh không có người ở để tránh sức ép xã hội. Như vậy không thể phản kháng những kẻ có thể lực hơn, người dân thường ra oai với những kẻ yếu thế hơn mình. Ngày nay trong các cơ quan người ta gọi là hiện tượng nịnh trên, nạt dưới. Với thực trạng này, quan hệ giữa dân ngụ cư với dân làng ngày càng chất chứa nhiều mâu thuẫn. Ngay cả những người vì hoàn cảnh mà phải vươn lên, thành danh trong thiên hạ thì sự oán giận cũng không dễ gỡ bỏ đi được.

Thứ hai, cũng xuất phát từ tâm lí trên mà nảy sinh vai trò đặc biệt quan trọng của nhóm quan lại địa phương trong quan hệ đối nội cũng như đối ngoại của các làng quê vốn rất khép kín. Các trí thức khi thành danh về làng nếu không phải là Vinh quy bái tổ theo quy định của nhà nước thì không phải lúc nào cũng được đón rước. Một là sau khi học hành bài bản, thấu triệt sách thành hiền, quen lối quản lí vĩ mô, các trí thức thường không mấy coi trọng các quan lại địa phương vốn ít chữ, hống hách và kiểu cách lại hay ra oai. Thái độ của họ thường động đến tổ kiến lửa. Mà dân làng tự ngàn xưa thường nhìn nét mặt quan trên và những kẻ quyền thế để ứng xử. Những kẻ bề trên quý ai thì họ a dua quý người đó và ngược lại. Lợi dụng điều này, quan lại địa phương thường dùng thủ thuật, lợi dụng tâm lí người dân để tẩy chay các trí thức vốn có thái độ không đúng mực đối với mình, khoét sâu hố ngăn cách giữa các trí thức với dân làng bằng nhiều luận điệu xuyên tạc. Điều này lại phù hợp với tính đố kị của cư dân nông nghiệp, ẩn vào đó là sự xấu hổ vì bản thân, con cái mình không thành đạt như những người mà mình vẫn thường khinh rẻ. Sự bất mãn của các trí thức với dân làng ngày càng tăng.

Có thể có nhiều nguyên nhân tạo nên những bi kịch của một vài trí thức Nho học trong mối quan hệ với quê hương, bản quán. Nhưng tâm lí dân cư và thiết chế xã hội cổ truyền là một trong những yếu tố quan trọng. Điều này khiến các trí thức chân chính, sống thanh bạch, không có quyền thế, không khom lưng uốn gối theo đời, có tấm lòng ngay thẳng thường có số phận éo le. Thông thường, các quan lại cơ sở có rất nhiều cớ để tẩy chay những trí thức không tôn trọng mình, nhưng lí lịch thường được khai thác triệt để nhất và nó phù hợp với tâm lí người dân. Đó cũng là một phần trong đời sống văn hóa, phản ánh tính cách của người Việt.

 _________________________

[1] Ấn Độ cổ đại, xã hội được chia thành bốn đẳng cấp: Brahman, Kshatriya, Vaishya, Shudra. Paria (Pariah, Dalit) tầng lớp đáy cùng của xã hội, đứng ngoài bốn đẳng cấp trên, họ không được phép động chạm vào thân thể các đẳng cấp trên và không được để người của đẳng cấp trên nhìn thấy mặt mình, nếu không sẽ bị xử tử.