05152024Thứ 4
Last updateThứ 2, 26 10 2020 11am

Tập huấn phương pháp phát triển nông thôn

0
0
0
s2smodern
powered by social2s

    Từ ngày 30/8-05/9/2013 tại Phòng hội thảo 3, Trung tâm Thông tin Thư viện, Trường Đại học Tây Bắc đã diễn ra Khoá tập huấn về phương pháp phát triển nông thôn có sự tham gia, hướng dẫn bởi Giáo sư: Miho OTA đến từ Trường Đại học Tamagawa (Nhật Bản). GS. Ota đã có nhiều năm làm tình nguyện tại Gana và một số nước Châu Phi, sau đó học tập phương pháp phát triển nông thôn có sự tham gia tại Anh và làm việc tại Nhật Bản. Do vậy, Giáo sư có nhiều kinh nghiệm trong hoạt động phát triển nông thôn. Tham dự Khoá tập huấn có GS. Yoshihiko Nishimura – Cố vấn trưởng Dự án TBU-JICA, Ông Hideo Ito – Điều phối viên Dự án, cùng các cán bộ giảng viên Khoa Nông Lâm, một số giảng viên quan tâm đến từ Khoa Kinh tế, Khoa Sử địa.
    GS. Nishimura cho biết người phụ nữ có vai trò rất quan trọng đối với hoạt động phát triển nông nghiệp nông thôn ở Nhật Bản. Bởi vì trong xã hội Nhật Bản người phụ nữ quản lý gia đình nên họ có vai trò quan trọng đối với nông nghiệp. Do vậy khi thiết kế chương trình phát triển nông thôn có sự tham gia chúng ta cần lưu ý vai trò của người phụ nữ. Ngoài phương pháp PCM (Quản lý chu trình dự án), chúng ta còn phải áp dụng nhiều phương pháp khác trong hoạt động phát triển nông nghiệp nông thôn. Nội dung tập huấn của chúng ta sẽ gồm các phần: Tìm hiểu về chương trình Phát triển NNNT ở Việt Nam, Phát triển NNNT ở Nhật Bản sau Chiến tranh thế giới thứ 2, kinh nghiệm PTNNNT ở các quốc gia khác trên thế giới, học tập kỹ năng khảo sát phỏng vấn, thăm một số bản làng tại Sơn La. Chúng ta không chỉ học tập về phát triển nông thôn mà còn học tập về phát triển kinh tế.

    TS. Đoàn Đức Lân, Phó hiệu trưởng kiêm Giám đốc Dự án khẳng định mục tiêu của Dự án “Nâng cao năng lực Trường Đại học Tây Bắc góp phần phát triển bền vững vùng nông thôn khu vực Tây Bắc” là thúc đẩy phát triển nông thôn. Do vậy, trong Dự án đã hình thành 11 nhóm nghiên cứu và đa phần các nhóm nghiên cứu đều nhằm mục đích phát triển các sản phẩm địa phương. Chúng ta đều nhận thấy vấn đề phát triển nông thôn bền vững khu vực Tây Bắc đang gặp nhiều khó khăn khi mà phát triển kinh tế đang tạo ra nhiều xung đột với bảo vệ tài nguyên và môi trường. Chúng ta đã thực hiện nhiều chương trình, dự án nhỏ và đề nhận thấy sự tham gia của người dân đang là một vấn đề cần cải thiện. Chúng ta đã có 8 giảng viên tham gia Khoá tập huấn phát triển nông thôn tại Nhật Bản trong khuôn khổ Dự án JICA. Hôm nay, Dự án tiếp tục khoá tập huấn này nhằm giúp cho các học viên tăng cường kỹ năng, kiến thức để hoạt động phát triển nông thôn có tính bền vững hơn.
    Bắt đầu Khoá tập huấn, GS. OTA đã đề nghị mọi người chia thành các nhóm nhỏ theo ngày sinh, mỗi nhóm gồm 5-6 người có cùng tháng sinh với nhau, cả lớp học được chia thành 6 nhóm. Các nhóm sẽ cùng nhau thảo luận về 4 nội dung chính liên quan đến tình hình hiện tại về hoạt động phát triển nông thôn ở Việt Nam: Bao lâu bạn lại liên hệ với nông dân và như thế nào; bạn gặp khó khăn gì khi tiếp xúc với nông dân; bạn làm gì để vượt qua những khó khăn (hiện tại), bạn muốn cải thiện việc tiếp cận người nông dân như thế nào (tương lai). Trong thời gian khoảng 30 phút, các nhóm thảo luận sôi nổi và đưa ra nhiều ý kiến thú vị xung quanh những câu hỏi mà Giáo sư đưa ra. Các nhóm chuẩn bị nội dung của mình trên khổ giấy A4 và trình bày trước lớp học để mọi người cùng nhau trao đổi. Bức tranh về hoạt động phát triển nông thôn của vùng Tây Bắc đã dần hiện rõ thông qua từng mảnh ghép của 6 nhóm.

    Trong những ngày tiếp theo, GS. OTA đã giới thiệu những nét chính của lịch sử phát triển NNNT ở Nhật Bản sau Chiến tranh thế giới thứ 2, đã có rất nhiều cải tiến được áp dụng và thu được kết quả. Hình ảnh cán bộ khuyến nông và cán bộ đời sống trên khắp nẻo đường nông thôn ở Nhật Bản đã trở nên thân thuộc, họ đã dần cải thay đổi đời sống người dân nông thôn Nhật Bản thông qua các hoạt động cải thiện như: Cải tiến trang phục, cải tiện bếp đun nấu, sửa đường…. Phương pháp khuyến nông truyền thống là chuyển giao công nghệ và tư vấn, nó tiến hành từ một phía. Phương pháp mới, chúng ta phải tạo ra sự thúc đẩy người dân chủ động giải quyết vấn đề thông qua hỗ trợ của cán bộ, từ đó họ có thể tự tin giải quyết những vấn đề mà mình gặp phải.
    Ngày cuối cùng của Khoá tập huấn, 3 nhóm giảng viên cán bộ lần lượt trình bày những kết quả đã thu được qua quá trình thực hành tại Bản Dửn – xã Chiềng Ngần – Thành phố Sơn La trong ngày 4/9/2013 và chia sẻ những kết quả thu được qua Khoá tập huấn. Hầu hết các giảng viên đều khẳng định Khoá tập huấn rất hữu ích và tiếp thu được rất nhiều kiến thức bổ ích. Khoá tập huấn đã cung cấp cho mọi người: Cách tiếp cận với cộng đồng từ những nguồn lực của cộng đồng và từ những niềm hạnh phúc của người dân; phương pháp phát triển nông thôn có sự tham gia của người dân thông qua câu chuyện về cải thiện quần áo cũ và bếp ăn ở Nhật Bản, trồng hoa và làm tròi giặt ở Mexico; phát hiện và giải quyết vấn đề bằng nội lực của người dân, khuyến khích sự tham gia bằng hứng thú của người dân. Qua các trò chơi cũng cho thấy việc cùng nhau làm việc, tập trung vào một mục tiêu chính sẽ giúp đạt được kết quả nhanh hơn. Các giảng viên cũng chia sẻ sẽ áp dụng những kiến thức tiếp thu được vào quá trình giảng dạy, làm việc với người dân và cuộc sống gia đình.

    Kết thúc Khoá tập huấn, GS. OTA đánh giá rất cao sự nhiệt tình của các giảng viên trong 5 ngày vừa qua, các giảng viên đã thể hiện năng lực và sự nhiệt huyết của tuổi trẻ. Những kiến thức của Khoá học này sẽ được các giảng viên áp dụng vào các bài giảng trong học kỳ này là một điều làm GS rất vui. GS để lại nhiều tài liệu tham khảo, hi vọng nó sẽ hưu ích và được sử dụng một cách thường xuyên, việc thực hành các kỹ năng là một yếu tố quan trọng.
    GS. Nishimura khẳng định đây là một cơ hội tốt cho mọi giảng viên và mọi người đã sử dụng nó một cách hiệu quả, Khoá tập huấn này có nội dung về một chủ đề rộng, nó khác các Khoá tập huấn trước chúng ta đã triển khai. Tuy nhiên, sự tham gia và kết quả đánh giá cho thấy mọi người rất hứng thú và tiếp thu rất tốt. Nếu các giảng viên có nhu cầu tập huấn về các vấn đề khác thì xin cứ trao đổi, vì Dự án sẽ kéo dài thêm 1 năm nữa. Do vậy chúng ta có thể mời nhiều Giáo sư từ Nhật Bản sang tập huấn.

    Phát biểu kết thúc Khoá tập huấn, TS. Lân đã khẳng định sự chuyên nghiệp, tính hiệu quả và sự thành công của Khoá tập huấn, GS. OTA đã sử dụng nhiều phương pháp và thu hút được các giảng viên tham gia Khoá tập huấn rất nhiệt tình. Việc tham gia những Khoá tập huấn như thế này rất bổ ích đối với mỗi cá nhân, nó sẽ giúp cho các học viên áp dụng vào những dự án phát triển cộng đồng, hoạt động giảng dạy, cuộc sống gia đình. Cho đến thời điểm hiện tại, Dự án đã tạo điều kiện tổ chức nhiều khoá tập huấn trong và ngoài nước để các giảng viên nâng cao trình độ, rất mong các giảng viên sẽ áp dụng một cách linh hoạt những kiến thức và kinh nghiệm tiếp thu được vào công việc cụ thể.

    Một số hình ảnh về khóa tập huấn: