05152024Thứ 4
Last updateThứ 2, 26 10 2020 11am

Tập huấn phương pháp và kỹ năng viết bản thảo, bài báo bằng Tiếng Anh đăng trên tạp chí quốc tế

0
0
0
s2smodern
powered by social2s

    Từ ngày 26-29/8/2013 tại Phòng hội thảo 3, Trung tâm Thông tin Thư viện, Trường Đại học Tây Bắc đã diễn ra Khoá tập huấn về phương pháp và kỹ năng viết bản thảo bài báo khoa học bằng tiếng Anh đăng trên Tạp chí Quốc tế. Giảng viên tập huấn là Giáo sư Vishwajit Sur Chowdhury đến từ Trường Đại học Kyushu (Nhật Bản). Tham dự Khoá tập huấn có GS. Yshihiko Nishimura – Cố vấn trưởng Dự án TBU-JICA, Ông Hideo Ito – Điều phối viên Dự án, cùng các giảng viên cán bộ Khoa Nông Lâm, một số giảng viên quan tâm đến từ Khoa Kinh tế, Khoa Sử Địa.
    Phát biểu trong ngày đầu tập huấn, TS. Đoàn Đức Lân, Phó hiệu trưởng kiêm Giám đốc Dự án đã giới thiệu những kết quả của cuộc họp Ban Điều phối hỗn hợp lần thứ 3, tổ chức tại Hà Nội ngày 9/8/2013. Phiên họp đã thành công tốt đẹp và tiếp tục mở ra triển vọng hợp tác giữa Trường Đại học Tây Bắc và các đối tác Nhật Bản. Tiếp sau, TS. Lân lưu ý rằng viết các bài báo khoa học là một phần quan trọng của hoạt động nghiên cứu, việc công bố ra bên ngoài thông qua bài báo giúp xác định mức độ thành công của nghiên cứu. Bên cạnh đó, Ông cũng giới thiệu sơ bộ về Trường Đại học Kyushu, một đối tác chính của Trường Đại học Tây Bắc trong Dự án.

    GS. Nishimura cho biết khoảng 30 năm trước tại các trường Đại học ở Nhật Bản tiếng Anh cũng là một trở ngại lớn, nhưng hiện nay thì đa phần các giảng viên đều sử dụng được tiếng Anh. Giáo sư hi vọng trong 10 năm tới các giảng viên của Trường Đại học Tây Bắc có thể sử dụng tiếng Anh một cách thành thạo trong giảng dạy và nghiên cứu. Ông mong muốn các thành viên tham dự cố gắng nỗ lực học tập tích cực để tiếp thu tốt những nội dung tập huấn.

    GS. Sur giới thiệu Khoá tập huấn trong 4 ngày sẽ tập trung vào các nội dung chính: Những kỹ năng chung về viết bản thảo bài báo Khoa học bằng tiếng Anh, thực hành viết, kỹ năng viết đề xuất nghiên cứu và tiến hành giờ giảng hiệu quả hơn. Tiếng Anh đóng vai trò rất quan trọng đối với quá trình viết bản thảo bài báo, thực hành là giải pháp nâng cao hiệu quả nhất và cần có kỹ năng cơ bản về ngữ pháp. GS. Sur cũng cho biết một công trình nghiên cứu cần phải được công bố thì mới có ý nghĩa, việc lựa chọn tạp chí đăng cần phải dựa vào kết quả nghiên cứu và đối tượng đọc. Mọi người phải bắt tay vào viết cho dù nó đơn giản, sau nhiều lần chỉnh sửa thì chúng ta sẽ có một bản thảo tốt cho một bài báo. Các nhà nghiên cứu trẻ xây dựng một nền tảng vững chắc, trung thực để tạo nên tương lai tốt đẹp.
    Khi viết một bản thảo bài báo khoa học thì trước hết chúng ta phải xác định được đối tượng đọc để từ đó lựa chọn chủ đề và tạp chí cho phù hợp. Vì nghiên cứu mỗi nghiên cứu đề phục vụ những mục đích cụ thể do vậy chỉ có một nhóm đối tượng quan tâm nhất định. Thông tin mà chúng ta có thể thu thập từ nhiều nguồn khác nhau như: Internet, sách, tạp chí, thảo luận với chuyên gia. Khi chúng ta minh hoạ trực quan bằng đồ thị, bảng biểu hay hình ảnh thì cần lưu ý một số điểm như sau: Phải có ý nghĩa giải thích, đơn giản, đúng các quy định của loại tạp chí.

    Trong 4 ngày làm việc, các giảng viên đã được GS. Sur hướng dẫn lý thuyết chung nhất để viết một bản thảo tốt cho bài báo khoa học bằng tiếng Anh, sau đó các chia thành từng nhóm để thực hành viết. Đã có nhiều chủ đề nghiên cứu được các giảng viên lựa chọn để thực hành viết, GS. Sur cũng đã sửa từng phần cho từng nhóm, từ đó các thành viên đã được nâng cao về kỹ năng thông qua thực hành.
    Trong bài báo khoa học, phần thảo luận là quan trọng nhất do vậy nó thường cũng dài nhất, nó sẽ giúp người đọc thấy được kết quả ở những góc độ khác nhau. Cấu trúc một phần thảo luận tốt thường gồm 5 phần: Thảo luận về kết quả của nghiên cứu, thảo luận về phần so sánh với các nghiên cứu khác, đưa ra những lập luận cho những phần còn nghi ngờ, nêu lên những vấn đề còn hạn chế trong nghiên cứu và cuối cùng là kết luận cho phần thảo luận.

    Trong phần cuối của Khoá tập huấn, GS. Sur còn hướng dẫn về nội dung dạy học tích cực. Giúp sinh viên đào sâu suy nghĩ, chủ động suy nghĩ về nội dung học tập thông qua việc trả lời những câu hỏi (trung tâm của bài giảng) về bài giảng đã được chuẩn bị, sinh viên có thể trả lời những câu hỏi trắc nghiệm xoay quanh một vấn đề trong bài giảng để hiểu vấn đề hơn. Khi sinh viên đặt câu hỏi, giáo viên không nên lúc nào cũng trả lời mà nên hỗ trợ để sinh viên tìm ra câu trả lời, như vậy mới giúp sinh viên đào sâu suy nghĩ và ham thích đối với môn học. Một thực trạng chung là sinh viên thường cố gắng ghi nhớ những gì giảng viên dạy trên lớp và những gì mình đọc được, nhưng đó không phải là một giải pháp tốt. Vì nếu cứ cố gắng ghi nhớ sẽ làm cho sinh viên bị thụ động và sẽ bị áp lực lớn, do vậy cần phải nhớ thông qua hiểu, tìm hiểu sâu rộng vấn đề.

    Kết thúc Khoá tập huấn, GS. Nishimura cho biết sẽ thành lập một Quỹ để trao tặng cho nhóm nghiên cứu nào có bài báo đăng trên tạp chí sau Khoá tập huấn. Quỹ này sẽ được tài trợ bởi kinh phí từ phía cá nhân Giáo sư và một số Giáo sư khác. Khoá học đã cung cấp cho các giảng viên những kiến thức và kỹ năng cơ bản nhất cho việc bắt tay vào viết và hoàn thiện các bản thảo bài báo khoa học bằng tiếng Anh trong tương thời gian tới.