05142024Thứ 3
Last updateThứ 2, 26 10 2020 11am

Kết quả thảo luận đánh giá cuối kỳ Dự án TBU - JICA

0
0
0
s2smodern
powered by social2s

    Sáng ngày 7 tháng 8 năm 2013 tại phòng họp 2 Trường Đại học Tây Bắc đã tiến hành thảo luận kết quả đánh giá cuối kỳ Dự án “Nâng cao năng lực Trường Đại học Tây Bắc góp phần phát triển bền vững vùng nông thôn khu vực Tây Bắc”. Tham dự cuộc họp về phía Trường Đại học Tây Bắc có TS. Nguyễn Văn Bao – Hiệu Trưởng Nhà trường, TS. Đoàn Đức Lân – Phó Hiệu Trưởng kiêm Giám đốc Dự án, TS. Vũ Quang Giảng – Trưởng Khoa Nông – Lâm kiêm Trưởng Ban Quản lý Dự án, Ths.Hoàng Văn Thảnh – Phó Trưởng phòng Khoa học công nghệ và Hợp tác Quốc tế kiêm Điều phối viên Dự án phía Việt Nam và các thành viên trong Ban Quản lý Dự án; phía JICA có Ông Fumihiko Okiura – Phó Trưởng Đại diện Văn phòng JICA Việt Nam, Bà Ai Miura - Cán bộ hình thành Dự án cao cấp JICA Việt Nam, Ông Toyoaki Itsubo – Cố vấn cao cấp chương trình JOCV và TNV cao cấp, Ông Hidetuki Kubo – Chuyên gia đánh giá dự án đến từ Nhật Bản, Giáo sư Yshihiko Nishimura – cố vấn trưởng Dự án, Ông Hideo Ito – Điều phối viên Dự án phía Nhật Bản.

danhgiacuoikyJICA2013

    Phát biểu khai mạc cuộc họp, TS. Nguyễn Văn Bao đã gửi lời cảm ơn tới Cơ Quan hợp tác Quốc tế Nhật Bản tại Việt Nam (JICA) đã có những hỗ trợ dành cho Nhà trường thông qua Dự án. Đến nay, Dự án đã đi đến giai đoạn cuối và đã mang lại nhiều kết quả đánh ghi nhận. Thông qua Dự án các giảng viên Khoa Nông Lâm nói riêng và các giảng viên khác trong trường đã được nâng cao trình độ chuyên môn, hiểu biết hơn về con người và đất nước Nhật Bản, nhất là những cán bộ được học tập ngắn hạn tại Nhật Bản. Những hoạt động nghiên cứu và chuyển giao của Dự án đã giúp cho người dân vùng Tây Bắc có những chuyển biến tích cực. Tuy nhiên, do đây là lần đầu tiên các giảng viên cán bộ Khoa Nông Lâm được tiếp cận với một dự án lớn cho nên việc thiếu sót và hạn chế là không thể tránh khỏi, tuy nhiên qua quá trình thực hiện các hạn chế đó đã đân được khắc phục. Một thành công của Dự án đó là gắn kết giữa con người Việt Nam và Nhật Bản, là cầu nối để hai đất nước gần nhau hơn. TS. Bao cũng đề nghị phía JICA xem xét việc kéo dài thời gian thực hiện Dự án hoặc hình thành một Dự án mới đối với Trường Đại học Tây Bắc trong thời gian sắp tới.

danhgiacuoikyJICA20131

   Ông Fumihiko Okiura đã gửi lời cảm ơn vì những tình cảm mà Trường Đại học Tây Bắc dành cho đoàn công tác. Ông rất ấn tượng về động lực tốt của giảng viên Khoa Nông Lâm trong Dự án, động lực phía đối tác là rất quan trọng – khía cạnh này Dự án rất thành công. Giảng viên Khoa Nông – Lâm còn rất trẻ và đây cũng là một cơ hội để phát triển.

danhgiacuoikyJICA20132

    Ông Hidetuki Kubo trình bày báo cáo đánh giá cuối kỳ Dự án, báo cáo này được xây dựng dựa trên việc Ông Kubo đã tiến hành thu thập và phân tích thông tin phỏng vấn từ đại diện 2 trường Đại học đối tác là: Trường Đại học Lâm Nghiệp Việt Nam và Trường Đại học Nông nghiệp Hà Nội; phỏng vấn lãnh đạo và thành viên Ban Quản lý Dự án, Trưởng 11 nhóm nghiên cứu, trưởng 3 bộ môn Khoa Nông – Lâm và 10 giảng viên cán bộ Khoa Nông – Lâm thuộc 5 ngành học khác nhau.

    Trong báo cáo chi tiết được trình bày với 7 nội dung chính là: Giới thiệu chung về mục đích, thành viên, tiến độ và phương pháp đánh giá; thông tin về dự án; kết quả dự án; quá trình thực hiện; kết quả đánh giá; kết luận; đề xuất và các bài học kinh nghiệm. Kết quả đầu ra của Dự án được xem xét ở 3 đầu ra chính là: Hệ thống đào tạo của khoa Nông Lâm nghiệp được cải thiện nhằm đáp ứng nhu cầu đào tạo địa phương trong lĩnh vực nông nghiệp và phát triển nông thôn; Hệ thống nghiên cứu của Khoa Nông – Lâm -Trường Đại học Tây Bắc được tăng cường để thúc đẩy sự phát triển nông thôn; Hoạt động chuyển giao kỹ thuật của Khoa Nông Lâm nghiệp được đẩy mạnh nhằm chuyển giao kiến thức và kỹ thuật phục vụ phát triển nông thôn.

    Trong phần kết luận, báo cáo có nêu rõ Dự án không đạt được đầu ra 2 và 3 cũng như mục đích Dự án ở mức độ mong muốn khi Dự án kết thúc, nguyên nhân chủ yếu là do sự chậm trễ trong việc thực hiện các hoạt động do không có Cố vấn trưởng Dự án và điều phối viên Dự án trong nửa thời gian đầu thực hiện và việc chậm trễ trong việc cung cấp thiết bị. Mặc dù có những khó khăn, Dự án đã triển khai các hoạt động nghiên cứu trong nửa thời gian sau của Dự án và góp phần nâng cao năng lực và tự tin cho các giảng viên trẻ của Khoa Nông – Lâm. Trong 5 tiêu chí đánh giá, tiêu chí tính phù hợp được đánh giá là cao; tính hiệu suất, tác động và tính bền vững được đánh giá là tương đối cao. Tuy nhiên tính hiệu quả được xem xét là đạt được ở mức độ vừa phải.

    Trong phần đề xuất của báo cáo, có nêu đề nghị các cơ quan liên quan bao gồm JICA xem xét việc kéo dài thời gian thực hiện dự án. Do hai Đầu ra và Mục đích của Dự án có thể chưa đạt được, nên cần thiết phải kéo dài nhằm hoàn thành mục tiêu của Dự án. Mặt khác, do các giảng viên Khoa Nông – Lâm còn trẻ và chưa có đủ năng lực để tự tiến hành các nghiên cứu chất lượng cao, nên cần thiết phải xây dựng các hợp tác nghiên cứu giữa Khoa Nông-Lâm, Trường Đại học Tây Bắc với Trường Đại học Nông nghiệp Hà nội/ Trường Đại học Lâm nghiệp Việt Nam, các Viện Nghiên cứu, các Đối tác khác kể cả các Trường đại học của Nhật Bản nhằm tiếp tục phát triển năng lực của các giảng viên. Mong muốn dự án có thể hỗ trợ các giảng viên trẻ trong việc xây dựng khuôn khổ hợp tác nghiên cứu, lập đề xuất và quá trình đảm bảo ngân sách cho công tác nghiên cứu từ các tổ chức trong nước và quốc tế. Bên cạnh đó, các giảng viên Khoa Nông – Lâm đều còn trẻ, do đó cần phải tiếp tục phát triển các năng lực cơ bản của mình về kiến thức chuyên ngành và khoa học cũng như khả năng tiếng Anh. Trong đề xuất cũng nêu cần đẩy nhanh tiến độ cung cấp thiết bị, tổ chức định kỳ các cuộc họp PMU và lập kế hoạch để tiếp tục thực hiện nốt các hoạt động trong giai đoạn còn lại của Dự án.

danhgiacuoikyJICA20133

    Trong phần Thảo luận, TS. Đoàn Đức Lân có trao đổi, một số nghiên cứu đã tiến hành tại các hộ nông dân, khi thực hiện tại các hộ nông dân thì đó cũng được coi là một hoạt động chuyển giao kỹ thuật. Bên cạnh đó, hệ thống khuyến nông có vai trò rất qua trọng trong việc phát triển nông thôn nhưng Dự án chưa thực hiện được, trong thời gian tới chúng tôi sẽ phối hợp tốt với hệ thống khuyến nông để chuyển giao kỹ thuật tới người dân. Việc cập nhật website rất quan trọng vì nó là một kênh chia sẻ thông tin hữu ích, hiện nay thông tin Dự án đã được cập nhập lên trang chủ Trường Đại học Tây Bắc và trang của Khoa Nông – Lâm. Trước ngày 15/9 chúng tôi sẽ có phiên bản website tiếng anh của Trường Đại học Tây Bắc và Khoa Nông – Lâm, vì trong thời gian tới sẽ có cán bộ phụ trách công tác dịch thuật. Tăng cường bài viết có thông tin khoa học trên website, để trở thành nguồn thông tin tham khảo và học tập.

Ông Okiura có câu hỏi về mối quan hệ của Trường Đại học Tây Bắc và Khoa Nông – Lâm với các cơ quan địa phương như thế nào? ngân sách hoạt động từ nguồn nào? có tiến hành ký biên bản thỏa thuận hay không?

    TS. Lân đã trả lời: Mối quan hệ này rất tốt vì chúng tôi thường xuyên cử các sinh viên đến cơ quan của địa phương để tiến hành nghiên cứu và thực tập. Hơn nữa,  sinh viên ra trường có thể tham gia làm việc tại các cơ quan này. Đặc biệt chúng tôi có mối quan hệ tốt với Trung tâm khuyến nông tỉnh Sơn La và các Trạm khuyến nông các huyện. Chúng tôi thường xuyên trao đổi với khuyến nông, để xem có nội dung thực hiện nào cần phải nghiên cứu – từ đó sẽ phối hợp thực hiện. Cơ quan khuyến nông cũng gửi cán bộ đến Trường tham gia các khóa học ngắn và dài hạn. Tại hội thảo khởi động Dự án, cũng như các hội thảo, hội nghị khác chúng tôi cũng đã mời cơ quan khuyến nông, Sở Nôn nghiệp tỉnh Sơn La tham gia, khi tham gia họ đã tư vấn những ý kiến rất hữu ích. Về ngân sách thì nó tùy thuộc vào nội dung thực hiện, do đó nó được cấp từ hai phía. Đến thời điểm hiện tại chưa tiến hành ký biên bản thỏa thuận chung, mới chỉ có thỏa thuận những dự án cụ thể. Chúng tôi đang xây dựng thỏa thuận hợp tác dài hạn với một số trường Đại học đối tác, sẽ xây dựng thỏa thuận hợp tác dài hạn với các cơ quan địa phương, trong đó có hệ thống khuyến nông.

    Ông Cao Đình Sơn – Phó Phòng Đào tạo Đại học, thành viên Ban Quản lý Dự án có ý kiến về việc gộp 11 nghiên cứu vào trong 3 chủ đề lớn trong thời gian còn lại của Dự án là không phù hợp, vì điều này sẽ phải điều chỉnh nhiều nội dung khác như: Kế hoạch nghiên cứu của các nhóm, thuyết minh nghiên cứu….

Giáo sư Nishimura thi cho rằng Trường Đại học Tây Bắc nên xây dựng một hướng nghiên cứu chính để thể hiện được tính đặc thù của Nhà trường, từ đó phát triển các nhánh nghiên cứu. Đây là một hướng dài hạn và mang tính chiến lược. TS. Lân cho biết hiện nay 2 hướng  nghiên cứu chính mà Khoa Nông Lâm đang tập trung là: Phát triển sản phẩm địa phương và bảo vệ tài nguyên đa dạng sinh học.

    Cuộc họp kết thúc vào hồi 11h30 sáng cùng ngày với sự nhất trí đồng thuận của hai bên về các nội dung trong biên bản đánh giá cuối kỳ mà ông Kubo đã trình bày, có một số chỉnh sửa về mặt từ ngữ sẽ được hoàn thiện sớm. Báo cáo này sẽ được trình bày trong cuộc họp Ban điều phối hỗn hợp vào ngày 9 tháng 8 năm 2013 tại Hà Nội, nó sẽ là cơ sở để các bên liên quan đưa ra quyết định việc kéo dài Dự án.

danhgiacuoikyJICA20134

    Trong buổi chiều, đoàn công tác đã thăm quan phòng trưng bày của Dự án, phòng thí nghiệm tại Khoa Nông Lâm, một số mô hình đang thực hiện tại vườn Trường Đại học Tây Bắc và Trung tâm Nghiên cứu Thực nghiệm Nông Lâm nghiệp Tây Bắc. Kết quả chuyến thăm đã cho nhóm công tác cái nhìn toàn diện hơn về những kết quả mà Dự án đã đạt được và những nỗ lực của Trường Đại học Tây Bắc trong quá trình thực hiện Dự án. 

danhgiacuoikyJICA20135

danhgiacuoikyJICA20136

danhgiacuoikyJICA20137