05152024Thứ 4
Last updateThứ 2, 26 10 2020 11am

Dự án TBU - JICA tổ chức hội nghị sơ kết 6 tháng đầu năm, triển khai các hoạt động 6 tháng cuối năm 2013

0
0
0
s2smodern
powered by social2s

    Sáng ngày 19/07/2013 tại Phòng họp 2, Trường Đại học Tây Bắc đã diễn ra Hội nghị sơ kết hoạt động Dự án TBU-JICA 6 tháng đầu năm 2013 và thảo luận về kế hoạch cho 6 tháng cuối năm 2013.

    Chủ trì Hội nghị có Giáo sư Yoshihiko Nishimura – Cố vấn trưởng Dự án và TS. Đoàn Đức Lân – Phó hiệu trưởng, kiêm Giám đốc Dự án. Tham dự Hội nghị có Ông Hideo Ito – Điều phối viên Dự án phía Nhật Bản, Đại diện Phòng KH, CN và HTQT, Phòng Đào tạo Đại học, các thành viên Ban Quản lý Dự án và toàn thể giảng viên, cán bộ Khoa Nông Lâm.

z1

    Phát biểu khai mạc, TS. Đoàn Đức Lân đã nhấn mạnh: Các báo cáo, Hội nghị cần tập trung vào các đầu công việc đã thực hiện, phân tích nguyên nhân thành công, các hạn chế và thảo luận để tìm ra giải pháp. 

z2

    Tại Hội nghị, Ths. Hoàng Văn Thảnh – Điều phối viên Dự án đã trình bày báo cáo tóm tắt kết quả hoạt động 6 tháng đầu năm, các nội dung trọng tâm tập trung vào kết quả hoạt động của 3 nhóm: Nhóm nghiên cứu, nhóm Giáo dục và nhóm Chuyển giao. Nhóm Giáo dục đã đạt được một số kết quả như: Tiến hành dự giờ 20 giảng viên Khoa Nông – Lâm; cử các giảng viên làm việc với chuyên gia tư vấn của Trường Đại học Nông nghiệp và Đại học Lâm nghiệp về sửa đổi chương trình đào tạo; tổ chức hội thảo chia sẻ kinh nghiệm phát triển chương trình đào tạo; tổng hợp ý kiến phản hồi từ người học và chia sẻ trong hội thảo báo cáo kết quả dự giờ. Trong 6 tháng đầu năm, 11 nhóm nghiên cứu đã tiến hành triển khai các hoạt động với sự hỗ trợ của các chuyên gia trong nước (5 nhóm nghiên cứu: Nhóm Đào, Nhóm Mắc Khén, Nhóm Rau Sắng, Nhóm Lúa và Nhóm Nấm) và chuyên gia Nhật Bản (3 nhóm nghiên cứu: Nhóm Củ Mài, Nhóm Cỏ và Nhóm Gà địa phương). Giáo sư Cố vấn trưởng Dự án đã làm việc với từng nhóm nghiên cứu để thảo luận về các kế quả đạt được và các công việc cần tiếp tục thực hiện. Bên cạnh đó, hoạt động mua sắm các trang thiết bị, nguyên vật liệu phục vụ nghiên cứu từ nguồn vốn ODA cũng đang được tiến hành để hỗ trợ các nghiên cứu đảm bảo tiến độ.

    Nhóm chuyển giao cũng đạt được một số kết quả đáng nghi nhận như: Cập nhật 34 bài viết về các hoạt động của Dự án trên website của Khoa và của Trường, hoàn thành phiếu khảo sát các nông hộ, thống kê các trang thiết bị cần xây dựng tài liệu hướng dẫn sử dựng, lập kế hoạch xây dựng tài liệu hướng dẫn sử dụng trang thiết bị thực hành thí nghiệm lâm nghiệp, đã có 6 nhóm nghiên cứu có những hoạt động chuyển giao tới các hộ nông dân (Nhóm Mắc Khén, Nhóm Củ Mài, Nhóm Đào, Nhóm Gà và Nhóm cây thức ăn).

z3

    Ths. Nguyễn Văn Khoa – Trưởng nhóm Giáo dục đã trình kế hoạch triển khai các hoạt động 6 tháng cuối năm 2013 và đề xuất các giải pháp. Trong kế hoạch có nêu rõ 4 nội dung chính của kế hoạch là: Hoạt động cải thiện phương pháp giảng dạy; tăng cường sử dụng công cụ trực quan; tăng cường hoạt động dự giờ và thảo luận rút kinh nghiệm; sử đổi, làm mới chương trình đào tạo, tài liệu giảng dạy. Trong kế hoạch cũng nêu rõ 3 kiến nghị chính là: Cần có tinh thần hợp tác của toàn Khoa Nông – Lâm với hoạt động của nhóm giáo dục; tăng cường nguồn kinh phí đối ứng cho các hoạt động của nhóm giáo dục; tăng thêm nội dung hoạt động viết giáo trình và bài giảng điện tử, nên chia việc viết bài giảng điện tử thành nhiều cấp độ để phù hợp với nhiều nhóm đối tượng.

    Ths. Hoàng Văn Thảnh – Điều phối viên Dự án trình bày kế hoạch, trong 6 tháng cuối năm 11 nhóm nghiên cứu sẽ tiếp tục triển khai các hoạt động đảm bảo tiến độ, nhóm Đa dạng sinh học sẽ có 2 chuyên gia tư vấn trong nước hỗ trợ, 5 giảng viên Khoa Nông – Lâm sẽ tham gia tập huấn tại Nhật Bản. Các hội thảo, hội nghị chuyên đề sẽ được tổ chức thường xuyên, tiến hành hoạt động giám sát các nghiên cứu.

    Ths. Đào Nhân Lợi – Trưởng nhóm Chuyển giao trình bày kế hoạch sẽ triển khai trong 6 tháng cuối năm. Trong kế hoạch có nêu rõ một số nhiệm vụ trọng tâm như : Thu thập số liệu phát triển nông nghiệp và phát triển nông thôn; cập nhật website; xây dựng bản tin Dự án; đẩy nhanh hoạt động xây dựng nhà lưới nhà kính; mua sắm các trang thiết bị nghiên cứu đã đề xuất và xây dựng tài liệu hướng dẫn sử dụng.

z4

    Phát biểu tại Hội nghị sau khi nghe các báo cáo và kế hoạch được trình bày, Giáo sư Nishimura – Cố vấn trưởng Dự án đã có một số thông báo và tham góp cho các kế hoạch. Giáo sư nhấn mạnh tới 2 hoạt động quan trọng sắp triển khai đó là cuộc họp đánh giá kết thúc Dự án diễn ra vào ngày 7/8/2013 và cuộc họp Ban điều phối hỗn hợp (JCC) vào ngày 9/8/2013. Vì vậy, trong thời gian sắp tới sẽ có các chuyên gia phía Nhật Bản lên làm việc tại Trường Đại học Tây Bắc từ ngày 30/7 – 8/7/2013 để phục vụ hoạt động đánh giá Dự án. Hoạt động đánh giá sẽ xem xét tới khía cạnh mức độ ảnh hưởng của các kết quả của Dự án tới sự phát triển của Tây Bắc, Giáo sư cũng nhấn mạnh mặc dù trong 3 năm thì khó có thể đạt được kết quả này nhưng cần xem xét các hoạt động có đi đúng hưởng mục tiêu không.

    Đối với hoạt động của 3 nhóm nghiên cứu, Giáo sư cũng có một số ý kiến cụ thể để góp ý cho các hoạt động tiếp theo. Đối với nhóm Giáo dục, việc chỉnh sửa chương trình khung là rất quan trọng, chương trình chi tiết có thể đề nghị chỉnh sửa vào năm sau, cần tập trung vào chất lượng các tài liệu giảng dạy. Đối với nhóm nghiên cứu, việc các kết quả nghiên cứu được chuyển thành các báo cáo khoa học được công bố là rất quan trọng, cần thiết lập hệ thống quản lý nghiên cứu thực địa, việc viết các báo cáo kết quả tập huấn cần được quan tâm hơn nữa. Nhóm chuyển giao cần xây dựng kế hoạch tổng thể việc xây dựng nhà lưới, nhà kính, vườn sưu tầm thực vật, tính bền vững của các hệ thống này là một điểm mà chúng ta cần chú ý.

    Kết thúc Hội nghị, TS. Đoàn Đức Lân – thay mặt đoàn chủ tọa đã phát biểu tổng kết một số vấn đề mang tính trọng tâm như sau:

a. Kết luận chung

- Hội nghị đã được nghe báo cáo của các nhóm và các ý kiến thảo luận, trong đó có ý kiến của GS Cố vấn trưởng dự án về việc đánh giá dự án cuối kỳ và ý kiến cụ thể cho từng nhóm (nghiên cứu, giáo dục, chuyển giao kỹ thuật). Các nhóm cần lưu ý ý kiến của Giáo sư Cố vấn trưởng Dự án.

- Tích cực chuẩn bị cho hoạt động đánh giá cuối kỳ của Dự án theo kế hoạch đã ban hành.

- Các nhóm xây dựng kế hoạch cụ thể: hoạt động, thời gian, kết quả, kinh phí, tổ chức thực hiện...cho toàn bộ thời gian còn lại của Dự án.

- BQL dự án sẽ  điều chỉnh kinh phí cho hợp lý.

- Từng cá nhân cần nhiệt tình, hình thành thói quen, tác phong làm việc khoa học chuyên nghiệp (đặc biệt là kỹ năng quản lý thời gian). Cần có sự đoàn kết thực sự, phối hợp hiệu quả trong công việc.

- BQL dự án và lãnh đạo Khoa Nông Lâm, các bộ môn tiếp tục duy trì, phát triển môi trường phù hợp cho giảng viên cán bộ phát triển chuyên môn, nghề nghiệp.

b. Kết luận cho từng nhóm

* Nhóm Nghiên cứu

- Các nhóm nghiên cứu, các cá nhân nộp các hình ảnh, tiêu bản, mẫu vật... vào trước ngày 31/07/2013 cho Văn phòng Dự án (bà Giang, Trợ lý Dự án). Đây được xem là tiêu chí đánh giá việc kéo dài hoạt động của nhóm.

- Xây dựng nhà lưới, nhà kính: PMU xem xét vị trí đặt nhà kính, nhà lưới tại Trung tâm NCTN nông lâm (Thuận Châu), chú ý công tác bảo vệ.

- Các nhóm đã làm việc với chuyên gia Nhật Bản và chuyên gia trong nước, tham dự hội thảo, tập huấn viết báo cáo chi tiết nộp lại cho BQL Dự án vào ngày 31/07/2013.

* Nhóm Giáo dục

- Tuần tới BQL Dự án họp về việc phân bổ sử dụng 10 máy tính xách tay.

- Việc mời chuyên gia lên hướng dẫn sử dụng các thiết bị phục vụ giảng dạy, nghiên cứu là cần thiết.

- Về công cụ trực quan: Các giảng viên cần nộp các công cụ trực quan cho BQL dự án (bà Giang – Trợ lý Dự án) chậm nhất 31/7/2013. Việc nộp công cụ trực quan được xem là tiêu chí đánh giá việc kéo dài hoạt động của nhóm.

- Dự giờ phải có cả giảng viên mới và những giảng viên có kinh nghiệm, nhưng nên xây dựng phiếu đánh giá chung cho toàn Khoa.

* Nhóm Chuyển giao

- Tích cực viết bài cho website về các hoạt động của Dự án. Ông Đào Hữu Bính làm thông báo về việc viết bài cho website.

- Nhà trường hỗ trợ kinh phí 2.000.000 đồng để cải tạo website Khoa Nông - Lâm. Website cần làm thư mục liên kết đến các trường ĐH, tỉnh Sơn La, Điện Biên, Lai Châu, các Sở KH, Sở NN, các cơ quan liên quan.

- Các bài viết trên website dự án và website trường hiện nay chủ yếu dừng lại ở dạng tin tức thông báo, cần có nhiều bài viết chuyên ngành, báo cáo khoa học.

* Đào tạo, tập huấn

- Các giảng viên, cán bộ cần tích cực chuẩn bị tham dự các Chương trình tập huấn tại nước ngoài trong thời gian tới.

- Tiếp tục đề xuất chương trình tập huấn tại Philipin.