05142024Thứ 3
Last updateThứ 2, 26 10 2020 11am

Seminar chia sẻ kinh nghiệm nghiên cứu về canh tác đất dốc tại Tây Bắc Việt Nam

0
0
0
s2smodern
powered by social2s

    Ngày 21/07/2013 tại Phòng họp 2 Trường Đại học Tây Bắc, Dự án “Cải thiện hệ thống canh tác nông nghiệp và liên kết thị trường nông sản vùng cao Tây Bắc Việt Nam, mã số AGB/2008/002” đã tổ chức Seminar chia sẻ kết quả nghiên cứu. Dự án được tài trợ bởi Trung tâm nghiên cứu nông nghiệp Quốc tế Australia (ACIAR), triển khai từ năm 2009 đến nay tại 2 tỉnh Sơn La và Lai Châu. Các đơn vị tham gia Dự án gồm có Trường ĐH Tây Bắc, Viên Khoa học kỹ thuật nông lâm nghiệp miền núi phía bắc (NOMAFSI) và một số đối tác trong nước khác.

    Hoạt động chính của Dự án tập trung vào nghiên cứu kỹ thuật canh tác ngô bền vững trên đất dốc, các kỹ thuật thâm canh cây ăn quả ôn đới (đào, mận), chuỗi giá trị sản phẩm nông nghiệp(mận, bí đỏ, ngô). Trường Đại học Tây Bắc tham gia vào 2 nội dung: kỹ thuật canh tác ngô bền vững trên đất dốc (tại xã Phiêng Luông và Mường Sang, huyện Mộc Châu) và chuỗi giá trị mận hậu tại Mộc Châu.

    Tham dự buổi Seminar có TS. Đoàn Đức Lân – Phó hiệu trưởng, Ông Oleg Nicetic – Chuyên gia Dự án đến từ Đại học Queensland (Australia), Ông Lê Hữu Huấn – Điều phối viên hiện trường Dự án (NOMAFSI) và một số giảng viên cán bộ Khoa Nông Lâm và Khoa Sử Địa, Trường Đại học Tây Bắc đến dự.

    Tại buổi Seminar Ông Oleg có 2 bài trình bày “Mô hình tư duy của nông dân nhận thức về xói mòn” và “Phương pháp tiếp cận liên ngành trong nghiên cứu”

    Bài trình bày đã đề cập đến những hướng tiếp cận khác nhau về vấn đề canh tác đất dốc tại Tây Bắc Việt Nam. Các Dự án do Trung tâm nghiên cứu nông nghiệp quốc tế Australia (ACIAR) tài trợ đã tiến hành nhiều nghiên cứu và mong muốn triển khai các kết quả nghiên cứu vào thực tiễn. Trên thực tế có nhiều phương pháp hạn chế xói mòn hiệu quả, tuy người dân chưa muốn áp dụng vì vậy cần tìm hiểu lý do tại sao. Xuất phát từ thực tế đó việc nghiên cứu mô hình tư duy của nông dân là cần thiết để xác định được nguyên nhân vì sao người dân chưa áp dụng kỹ thuật mới và từ đó tìm ra giải pháp thích hợp cho vấn đề trên.

    Mô hình tư duy đã được thực hiện tại Nam Mỹ từ năm 2009 để tìm hiểu tại sao nông dân không sử dụng bảo hộ lao động khi sử dụng thuốc trừ sâu. Đối với mô hình tư duy thì bước đầu tiên là xây dựng các kịch bản, tình huống sau đó đến trao đổi với nông dân về những kịch bản đó xem họ lựa chọn kịch bản nào. Để xây dựng kịch bản thì cán bộ nghiên cứu và nhà khoa học cần dựa vào các sự kiện sảy ra trong thực tế.

    Ngoài ra mô hình tư duy cũng cho thấy phương pháp xây dựng kịch bản để trao đổi với nông dân hiệu quả hơn phương pháp phỏng vấn bán câu trúc và cấu trúc. Vì khi đó người dân được chủ động, là trung tâm của cuộc trao đổi. Việc thu thập thông tin từ nông dân sẽ hiệu quả hơn.

    Đối với phương pháp tiếp cận liên ngành thì ông Oleg cho rằng mục tiêu dự án là chống xói mòn và đảm bảo lợi ích kinh tế cho người dân, như vậy muốn đạt được mục tiêu này thì cần có sự tham gia của nhiều ngành: khuyến nông (tuyên truyền, phổ biến kỹ thuật), kinh tế (chuỗi giá trị sản phẩm), doanh nghiệp (giống, phân bón, thuốc bảo vệ thực vật)…

    Tuy nhiên hướng tiếp cận liên ngành cũng có những bất cập, một số vấn đề nếu có quá nhiều đơn vị tham gia thì khó đi đến thống nhất. Vì vậy cần có sự khéo léo khi áp dụng những phương pháp tiến cận để có hiệu quả nhất, đặc biệt cần đến sự điều hành hợp lý của chủ tọa cuộc họp.

    Sau phần trình bày của ông Oleg các thành viên tham dự seminar đã tích cực, nhiệt tình thảo luận về: vấn đề xói mòn tại Tây Bắc; sự tham gia của người dân trong việc xây dựng các thử nghiệm của dự án; việc xen kẽ các lợi ích lâu dài của dự án và lợi ích trước mắt của người dân; việc đảm bảo sinh kế cho người dân trong những năm đầu của mô hình nông lâm kết hợp; làm rõ hơn về phương pháp sử dụng kịch bản thay cho phỏng vấn bán cấu trúc khi làm việc với nông dân…

    Các ý kiến thảo luận đã được chuyên gia và các cán bộ dự án giải đáp. Tuy nhiên do thời gian có hạn nên nhiều vấn đề nêu ra vẫn chưa được giải thích rõ ràng.

    Kết luận buổi seminar TS. Đoàn Đức Lân nhấn mạnh: Trường Đại học Tây Bắc rất quan tâm đến vấn đề canh tác bền vững trên đất dốc, nhiều Dự án triển khai tại khu vực Tây Bắc đã có sự tham gia của Đại học Tây Bắc. Khi tham gia Dự án các giảng viên, cán bộ và sinh viên có cơ hội được học tập và nâng cao năng lực. Đối với Dự án AGB/2008/002 Đại học Tây Bắc đã có 2 giảng viên hoàn thành đề tài thạc sỹ và có nhiều sinh viên tham gia thực tập tốt nghiệp trong dự án. Đại học Tây Bắc mong muốn tiếp tục có thêm những hợp tác lâu dài để nghiên cứu phát triển bền vững Tây Bắc.