05162024Thứ 5
Last updateThứ 2, 26 10 2020 11am

Hội thảo về hoạt động dự giờ tại khoa Nông - Lâm năm học 2012 - 2013 và khảo sát ý kiến phản hồi từ người học

0
0
0
s2smodern
powered by social2s

    Chiều ngày 2/7/2013 tại Phòng Hội thảo, Trung tâm Thông tin Thư viện, Trường Đại học Tây Bắc đã diễn ra Hội thảo về hoạt động dự giờ tại Khoa Nông Lâm,  học kỳ II năm học 2012 – 2013 và báo cáo kết quả khảo sát ý kiến phản hồi từ người học. Hội thảo này nằm trong khuôn khổ các hoạt động của Dự án với JICA. Tới tham dự và chỉ đạo Hội thảo có Giám đốc Dự án TS. Đoàn Đức Lân – Phó Hiệu trưởng nhà trường, các thành viên Ban Quản lý Dự án TBU – JICA, Ban Chủ nhiệm khoa Nông Lâm, Đại diện Phòng Đào tạo, cùng các giảng viên, cán bộ Khoa Nông – Lâm.

hoithaodugio

    Tại Hội thảo đã trình bày 4 báo cáo, trong đó có 3 báo cáo dự giờ của 3 bộ môn và báo cáo đánh giá kết quả khảo sát ý kiến phản hồi từ người học.

    ThS. Vũ Phong Lâm trình bày báo cáo tổng kết công tác dự giờ Bộ môn Nông nghiệp. Trong báo cáo có nêu rõ, trong kỳ II năm học 2012 – 2013 Bộ môn đã tiến hành dự giờ 3 giảng viên. Sau mỗi tiết giảng, Bộ môn đều tiến hành họp thảo luận để trao đổi, góp ý chuyên môn về tiết giảng. Đánh giá chung về ưu điểm: Hầu hết các giảng viên đều ứng dụng công nghệ thông tin trong giảng dạy, tăng cường sử dụng hình ảnh, video và các công cụ trực quan để nâng cao chất lượng giảng dạy, có sự rèn luyện về tác phong và các kỹ năng giảng dạy. Tuy nhiên do các giảng viên thao giảng là giảng viên trẻ nên còn một số hạn chế như: Thiếu tự tin, giọng nói nhỏ, đều, chưa tổng hợp ý kiến trả lời của sinh viên, chưa bao quát được sinh viên trong lớp, dẫn dắt bài giảng chưa tốt, thiếu sự liên kết giữa các phần nội dung trong bài giảng và hầu hết các giảng viên đều thiếu phần củng cố kiến thức cuối tiết giảng.  Qua kết quả đánh giá, báo cáo cũng đưa ra giải pháp nâng cao chất lượng giảng dạy như: Tăng cường công tác dự giờ, kiếm tra chuyên môn, đổi mới phương pháp dạy học theo hướng tích cực, các giảng viên tích cực tham gia dự giờ, các giảng viên trẻ nên tích cực dự các tiết giảng của các giảng viên có nhiều kinh nghiệm để học hỏi.

    ThS. Đào Nhân Lợi trình bày báo cáo tổng kết công tác dự giờ Bộ môn Lâm Nghiệp. Bộ môn đã tiến hành dự giờ 9 giảng viên theo hình thức dự giờ không thông báo trước. Đánh giá chung kết quả dự giờ 9 giảng viên như sau: Tất cả các giảng viên đều có sự chuẩn bị bài giảng trước khi lên lớp khá tốt; khi giảng dạy thoát ly giáo án; nhiều giảng viên đã áp dụng các phương pháp thuyết trình kết hợp với thảo luận giúp các em sinh viên chủ động tiếp thu được kiến thức của bài giảng; nhiều giảng viên sử dụng các phương tiện hỗ trợ dạy học như máy chiếu, mẫu vật…làm cho tiết giảng sinh động tạo hứng thú đối với sinh viên. Tuy nhiên, bên cạnh đó vẫn còn một số hạn chế tồn tại chung như: Việc sử dụng máy chiếu đôi khi thiếu tính hợp lý, trình bày bảng có tính khoa học chưa cao, giảng nhanh, đặt câu hỏi chưa phù hợp, thiếu sự tổng hợp câu trả lời của sinh viên. Ngoài ra, báo cáo còn chỉ ra rằng việc dự giờ không báo trước sẽ đánh giá được chính xác hơn thực tế chất lượng giảng dạy và chỉ ra được nhiều hơn những hạn chế mà các giảng viên thường xuyên mắc phải. Trong 9 giảng viên dự giờ của bộ môn có sự cân đối về năm kinh nghiệm, việc này sẽ giúp các giảng viên trẻ có điều kiện học hỏi và được góp ý về chuyên môn nhiều hơn. Bộ môn cũng đề xuất việc dự giờ cần tiến hành thường xuyên hơn nữa để các giảng viên có điều kiện cùng nhau góp ý để nâng cao chất lượng chuyên môn, đây là một hình thức sinh hoạt chuyên môn rất bổ ích, nhất là với các giảng viên trẻ, ít kinh nghiệm giảng dạy.

    ThS. Đoàn Thị Thùy Linh trình bày báo cáo tổng kết công tác dự giờ của Bộ môn Sinh học ứng dụng. Trong kỳ II năm học 2012 – 2013 Bộ môn đã tiến hành dự giờ  8 giảng viên.  Đánh giá chung: các  giảng viên đều sự chuẩn bị tốt cho bài giảng, bên cạnh đó giảng viên đã lựa chọn và sử dụng nhiều phương pháp dạy học linh hoạt trong một tiết giảng như: thuyết giảng, đàm thoại, trực quan, trao đổi nhóm, nhiều hoạt động khác nhau trong cùng một giờ dạy. Phương pháp giảng dạy phù hợp với đối tượng người học. Tuy nhiên, báo cáo cũng chỉ rõ một số hạn chế tồn tại cần khắc phục như: Một số tiết giảng lựa chọn hình ảnh, ví dụ minh hoạ chưa thực sự phù hợp với nội dung kiến thức; lựa chọn các câu hỏi trong phần củng cố kiến thức cần mang tính khái quát kiến thức; chưa xác định rõ nội dung kiến thức của chương từ đó dẫn tới việc xác định mục tiêu của tiết học, sắp xếp nội dung kiến thức chưa thực sự phù hợp.  Bộ môn cũng đưa ra một số kiến nghị như: Tổ chức thường xuyên các đợt thao giảng, rút kinh nghiệm, tăng cường tổ chức các buổi Seminar, các buổi ngoại khóa, trao đổi kinh nghiệm giảng dạy, học tập giữa các thành viên trong bộ môn, trong khoa Nông – Lâm và với sinh viên để từ đó nâng cao hơn nữa chất lượng dạy và học.

hoithaodugio1

    TS. Đoàn Đức Lân cho rằng cần có phương pháp và kỹ năng phù hợp khi ứng dụng công nghệ thông tin trong giảng dạy. Việc sử dụng máy chiếu không đồng nghĩa hoàn toàn là đảm bảo tính tích cực cho giờ dạy. Nếu không thiết kế các slide một cách khoa học, chủ yếu đưa ra các sơ đồ, hình ảnh, bảng biểu, video…thì chỉ dừng lại ở mức thay thế hoạt động “đọc chép” bằng “nhìn chép”. Việc dự giờ nên tiến hành đối với cả các giảng viên mới và các giảng viên nhiều kinh nghiệm, tất cả thành viên các Bộ môn cố gắng bố trí thời gian tham gia. Trong một bài giảng, hay trong chương trình chi tiết một môn học, tính logic và hệ thống của là cần thiết, nó đảm bảo việc trình bày kiến thức một cách hợp lý,  không trùng lặp, người học tiếp thu một cách có hiệu quả. Chất lượng giảng dạy phụ thuộc nhiều vào kiến thức và phương pháp của giảng viên, vì vậy bên cạnh việc củng cố kiến thức chuyên môn, chúng ta cần phải tích cực học tập phương pháp giảng dạy và nghiệp vụ sư phạm. Giảng dạy ở bậc đại học có tính đặc thù, dung lượng kiến thức mới nhiều, do đó đòi hỏi người dạy thường xuyên cập nhật thông tin. Ông cho rằng trong thời gian sắp tới, kể cả nghỉ hè,  các giảng viên cần dành nhiều thời gian cho việc soạn bài giảng.

    ThS. Cao Đình Sơn, Phó trưởng phòng Đào tạo đưa ra ý kiến đánh giá cao việc dự giờ không báo trước, vì đây là một giải pháp giúp chúng ta đánh giá được đúng thực trạng các tiết dạy và có những góp ý sát thực với tình hình thực tế. Ông Sơn cũng nhấn mạnh việc không nên sử dụng máy chiếu để chuyển tù việc đọc chép sang nhìn chép. Việc tham gia dự giờ góp ý chuyên môn cần được tăng cường, bên cạnh đó cần mở rộng phạm vi tham gia góp ý vì các giảng viên ở các bộ môn, khoa khác nhau nhưng cùng chuyên môn thì vẫn có thể cùng nhau sinh hoạt chuyên môn và góp ý chuyên môn qua các buổi dự giờ.

    Tại hội thảo cũng đưa ra một số ý kiến thảo luận về hoạt động dự giờ như: Nên thống nhất hình thức dự giờ báo trước hay không báo trước giữa 3 bộ môn trong khoa, cần bố trí lịch dự giờ hợp lý để tạo điều kiện cho nhiều giảng viên trong bộ môn có thể tham dự, cần có sự so sánh liên hệ giữa các đợt đánh giá, các giảng viên tham gia dự giờ cần phải tích cực và chủ động.

    ThS. Nguyễn Văn Khoa – Trưởng nhóm Giáo dục trình bày báo cáo kết quả lấy ý kiến phản hồi của người học. Ông Khoa cho biết hoạt động  này chúng ta đã thực hiện vào cuối năm học 2011 – 2012, nhưng do nhiều yếu tố khách quan mà đến hiện nay chúng ta mới tiến hành hội thảo. Việc tiến hành khảo sát được áp dụng đối với tất cả các lớp sinh viên từ năm thứ 2 đến năm thứ 4 (K52 – K50) của 5 ngành đào tạo trong Khoa, mỗi lớp sinh viên lựa chọn 15 sinh viên trong đó có 5 sinh viên điểm cao nhất, 5 sinh viên điểm trung bình, 5 sinh viên điểm thấp nhất để tiến hành khảo sát.  Có 6 tiêu chí đánh giá được đưa ra là: Việc tổ chức thực hiện học phần môn học, nội dung học phần, phương pháp giảng dạy của giảng viên trên lớp, phần hướng dẫn thực hành, thực tập tại phòng thực hành, phần kiểm tra, đánh giá kết quả học tập của học phần và mức độ hài lòng của sinh viên. Phiếu khảo sát ý kiến sinh viên gồm 41 câu hỏi đóng và 3 câu hỏi mở để đánh giá 6 tiêu chí đưa ra. Đã tiến hành khảo sát 13 lớp sinh viên với 195 sinh viên tham gia khảo sát, các sinh viên đã đánh giá 78 học phần giảng dạy. Kết quả ý kiến phản hồi của sinh viên đối với từng giảng viên giảng dạy các học phần là rất khác nhau do mỗi giảng viên có trình độ, phương pháp giảng dạy khác nhau, nội dung các kiến thực các học phần khác nhau. Tuy nhiên hầu hết các ý kiến phản hồi đều khá tích cực, thể hiện ở tỷ lệ phiếu đánh giá ở các mức: Đồng ý cao và mức đồng ý chiếm tỷ lệ trung bình từ 70% – 80% cho hầu hết các tiêu chí đánh giá. Kết quả tổng hợp đánh giá từng học phần sẽ được ban tổ chức gửi tới từng giảng viên phụ trách để mọi người có được những thông tin hữu ích, từ đó giúp giảng viên đưa ra những điều chỉnh phù hợp.

hoithaodugio2

    TS. Đoàn Đức Lân nhấn mạnh tới việc tạo ra tâm lý thoải mái cho người học, sự tôn trọng của người dạy với người học, sự tương tác giữa người học và người dạy thông qua một vài ví dụ sinh động từ khóa tập huấn mà ông đã tham gia tại Australia. Ông kết luận một số nội dung như: Sẽ tăng cường hoạt động dự giờ, việc dự giờ theo hình thức nào sẽ do các Bộ môn cùng thống nhất, sẽ tiếp tục tiến hành hoạt động thu thập ý kiến phản hồi từ người học lần 2 vào tháng 9 -10 năm 2013. Mặt khác các hoạt động khác của nhóm Giáo dục như: Viết tài liệu dạy học tích cực, viết tài liệu hướng dẫn thực hành, thực tập sẽ được đẩy mạnh trong thời gian tới.

    Hội thảo đã thảo luận trong không khí nghiêm túc và đảm bảo nội dung chuyên môn.