05152024Thứ 4
Last updateThứ 2, 26 10 2020 11am

Ghi nhận từ Hội thảo "Góp ý chương trình bồi dưỡng phương pháp giảng dạy Tiếng Anh dành cho giảng viên Cao đẳng và Đại học không chuyên ngữ"

0
0
0
s2smodern
powered by social2s

1. Dẫn nhập

     Theo kế hoạch của Đề án Ngoại Ngữ Quốc Gia 2020, Trường Đại học Ngoại ngữ (Đại học Quốc gia Hà Nội)  đã xây dựng “Chương trình bồi dưỡng phương pháp giảng dạy cho giáo viên tiếng Anh tại các trường Cao đẳng và Đại học không chuyên ngữ” (dưới đây được gọi tắt là Chương trình).

     Để đảm bảo chất lượng của Chương trình cũng như sự phù hợp của nó với thực tiễn, Trường Đại học Ngoại ngữ đã tổ chức Hội thảo ngày 15 tháng 07 năm 2013 nhằm mục đích lấy ý kiến góp ý  từ các chuyên gia, các giảng viên của các cơ sở đào tạo lớn trong cả nước. Đại biểu tham gia Hội thảo đến từ nhiều trường đại học khác nhau như Đại học Hà Nội, Đại học Ngoại ngữ - Đại học Đà Nẵng, Đại học Ngoại ngữ - Đại học Huế, Đại học Sư phạm Thành phố Hồ Chí Minh, Đại học Cần Thơ, Đại học Đồng Tháp, Đại học Thái Nguyên, Đại học Sư phạm Hà Nội… Trường Đại học Tây Bắc đã cử TS. Đoàn Đức Lân – Phó Hiệu trưởng và ThS. Đặng Nguyên Giang – Phó Trưởng Khoa Ngoại Ngữ tham gia Hội thảo này.

2. Nội dung thảo luận

     Chương trình được thiết kế theo 5 phần: Giới thiệu chung về Chương trình, Cơ sở xây dựng Chương trình, Đối tượng, mục tiêu và phương pháp xây dượng Chương trình, Nội dung Chương trình và Tài liệu tham khảo (xem file đính kèm).

     Hội thảo diễn ra hết sức sôi nổi, khẩn trương và hiệu quả. Các đại biểu đã đưa ra nhiều ý kiến góp ý hữu ích cho Chương trình. Đại đa số các đại biểu đều cho rằng Chương trình có những điểm mạnh và hạn chế như sau:

Điểm mạnh:

     - Chương trình được xây dựng hết sức công phu, thể hiện được tinh thần làm việc khoa học và có trách nhiệm của Ban chỉ đạo (trưởng ban GS. Nguyễn Hòa) và nhóm biên soạn (trưởng nhóm TS. Nguyễn Thị Ngọc Quỳnh).

     - Chương trình được thiết kế dựa trên cơ sở pháp lý, lý luận và thực tiễn vững chắc: cơ sở pháp lý dựa trên các chính sách, văn bản pháp lý của Chính Phủ, Bộ Giáo dục và Đào tạo và Đề án Ngoại ngữ Quốc gia 2020; cơ sở lý luận được dựa trên các khung lý thuyết tin cậy của các học giả danh tiếng như Dudzik &Tran (2012), Lave & Wenger (1991)…; cơ sở thực tiễn được dựa trên kết quả khảo sát, quan sát và phỏng vấn với phương pháp phù hợp, có mức độ tin cậy cao. Đây là nội dung được các đại biểu đánh giá cao nhất.

    - Nội dung Chương trình bao gồm 5 mô-đun được thiết kế khá khoa học và có sự gắn kết chặt chẽ. Mỗi mô-đun được trình bày hết sức rõ ràng, chi tiết theo từng mục: mục đích, mục tiêu, cấu trúc, nội dung chi tiết và kiểm tra đánh giá.

    - Tài liệu tham khảo rõ ràng, cập nhật, đảm bảo độ tin cậy cao.

Điểm hạn chế:

    - Đây là Chương trình bồi dưỡng phương pháp giảng dạy tiếng Anh nhưng các mô-đun đưa ra chưa thể hiện được nhiều mục đích của Chương trình. Mô-đun nổi bật thỏa mãn các mục tiêu của Chương trình chưa có. Tên mô-đun 2 (Dạy Từ vựng và Phát triển kỹ năng Đọc hiểu cho đối tượng sinh viên học tiếng Anh không chuyên ngữ) nằm ngoài nội hàm của nội dung trình bày. Mô-đun này chỉ tập trung vào việc dạy Từ vựng và Phát triển kỹ năng đọc hiểu, trong khi yêu cầu đầu ra cho sinh viên không chuyên ngữ phải đạt trình độ B1 theo khung tham chiếu Châu Âu (ở trình độ này sinh viên được kiểm tra ở cả bốn kỹ năng: Nghe, Nói, Đọc, Viết). Như vậy, mô-đun này được cho là thiếu tính toàn diện. Mô-đun 3 và 5 có nhiều nội dung trùng lặp.

    - Nội dung kiểm tra đánh giá của Chương trình khá nặng. Điều này sẽ gây áp lực lớn không cần thiết cho những giảng viên tham gia tập huấn. Hơn nữa, thời lượng Chương trình chỉ có 50 giờ nên việc kiểm tra đánh giá như vậy sẽ không phù hợp và không sát với thực tế.

    - Chương trình chưa có nội dung tập huấn để khắc phục những vấn đề thực tế như sự chênh lệch về trình độ của các sinh viên trong lớp, giảng viên dạy nhiều lớp có số lượng sinh viên quá đông… Điều này có nghĩa là mục tiêu của Chương trình đưa ra chưa gắn với thực tế giảng dạy tại Việt Nam.

    - Chương trình còn tồn tại một số lỗi chính tả, diễn đạt, thuật ngữ chưa thống nhất, đề mục “mồ côi”…

    - Trong quá trình giảng dạy, việc lồng ghép các từ vựng, chủ điểm theo chuyên ngành là cần thiết và tạo hứng thú cho người học.

3. Kết luận

    Sau khi “Chương trình bồi dưỡng phương pháp giảng dạy cho giáo viên tiếng Anh tại các trường cao đẳng và đại học không chuyên ngữ” được hoàn thành và thông qua, nó sẽ được áp dụng rộng rãi trong cả nước. Vì vậy, kết quả của Hội thảo có ý nghĩa hết sức quan trọng. Những ý kiến đóng góp của các đại biệu sẽ giúp Ban chỉ đạo và Nhóm biên soạn có những điều chỉnh cần thiết và kịp thời để có thể đưa ra được một sản phẩm có chất lượng và sát với thực tế.

    Đề nghị các thầy cô Khoa Ngoại ngữ nghiên cứu Dự thảo chương trình tại file đính kèm để tích cực chuẩn bị tham dự  tập huấn bồi dưỡng phương pháp giảng dạy cho giáo viên tiếng Anh tại các trường Cao đẳng và Đại học không chuyên ngữ trong thời gian sắp tới.

File đính kèm:    download