05152024Thứ 4
Last updateThứ 2, 26 10 2020 11am

Hội thảo tập huấn về trồng và quản lý cây thức ăn gia súc chăn nuôi

0
0
0
s2smodern
powered by social2s

    Ngày 11/6/2013 tại Trường Đại học Tây Bắc đã tổ chức  Hội thảo tập huấn về trồng và quản lý cây thức ăn gia súc chăn nuôi trong khuôn khổ các hoạt động của Dự án “Khắc phục các trở ngại về kỹ thuật và thị trường để phát triển chăn nuôi bò thịt có lãi tại vùng Tây Bắc Việt Nam”, mã số LPS/2008/049.  Dự án được sự tài trợ của Trung tâm Nghiên cứu Nông nghiệp Quốc tế Australia (ACIAR), triển khai tại các tỉnh Sơn La, Điện Biên với sự tham gia của Viện Chăn nuôi Quốc gia, Đại học Thái Nguyên, Trường Đại học Tây Bắc, Trung tâm Nghiên cứu Hệ thống Nông nghiệp, một số đối tác và nông hộ tại địa phương.

     Tham gia Hội thảo có bà Hoàng Mai Phanh và bà Nguyễn Thị Hương  –Sở Nông nghiệp và PTNT Sơn La, Bà Nguyễn Thị Băng –Trung tâm Khuyến Nông tỉnh Sơn La,TS. Phan Đình Thắm, TS. Mai Anh Khoa và TS.Nguyễn Hưng Quang –  Đại học Thái Nguyên, TS.Phạm Kim Cương  và bà Trịnh Thị Thanh – Viện Chăn nuôi quốc gia, TS. Stephen Ives, TS.David Parsons và TS.Robert Charles Howard– Trường Đại học Tasmania, PGS.TS Nguyễn Xuân Bả – Trường Đại học Nông Lâm Huế, GS Yoshihiko Nishimura – Cố vấn trưởng Dự án JICA – TBU, Ông Phillip Ahn, Trung tâm Văn hóa cộng đồng Sơn La (thuộc Trường Ngôn ngữ KCPC Sydney), TS. Đoàn Đức Lân –Phó hiệu trưởng Trường Đại học Tây Bắc, TS. Vũ Trọng Lưỡng  – Trưởng phòng KHCN và HTQT, ThS. Hoàng Văn Thảnh  – Phó trưởng phòng KHCN và HTQTThS. Cao Đình – Phó trưởng phòng Đào tạo Đại học kiêm Phó Giám đốc Trung tâm Nghiên cứu khoa học và Chuyển giao công nghệ - Trường Đại học Tây Bắc,một số giảng viên Khoa Nông Lâm, một số sinh viên Khoa Nông Lâm chuyên ngành Chăn nuôi.

     Hội thảo được tổ chức với mục tiêu tập huấn trồng và quản lý cây thức ăn chăn nuôi; chia sẻ kinh nghiệm trong nghiên cứu, triển khai trồng cây thức ăn chăn nuôi.

     Khai mạc Hội thảo, TS. Đoàn Đức Lân nhấn mạnh mục tiêu của Dự án là cải thiện sinh kế, nâng cao thu nhập cho người dân vùng Tây Bắc thông qua các giải phá phát triển bền vững chăn nuôi bò thịt ở quy mô nông hộ nhỏ. Sự hiện diện của các đối tác tại Hội thảo hôm nay là niềm vinh dự của Trường Đại học Tây Bắc.

     Hội thảo gồm 3 nội dung chính :

     Mở đầu, PGS.TS Nguyễn Xuân Bả trình bày về  thức ăn cho trâu bò và phát triển cây thức ăn gia súc nông hộ. Để nuôi dưỡng bò tốt yêu cầu người chăn nuôi phải hiểu biết về con bò cũng như  nguồn thức ăn nhằm thỏa mãn nhu cầu của gia súc. Thức ăn chính cho bò là thức ăn nhiều xơ, ngoài ra còn bổ sung thêm đạm khoáng, vitamin và thức ăn tinh. Thức ăn tinh chiếm tỷ lệ 70-80 % cho ăn trước, sau đó cho ăn thêm 20% chất xơ  là khẩu phần dùng để vỗ béo bò thịt.           Lượng thức ăn thô cho ăn trong một ngày bằng 3% trọng lượng cơ thể con vật. Yêu cầu phối hợp thức ăn cho bò để cân đối dinh dưỡng, tận dụng thức ăn, giảm giá thành tạo nên khẩu phần tốt đủ dinh dưỡng, độ ngon miệng cao.

     Thức ăn cho trâu bò ở Tây Bắc mang tính mùa vụ rất cao, luôn thiếu về mùa đông. Để giảm việc thiếu thức ăn cho vụ đông  cần sản xuất cỏ khô, thức ăn khô dữ trữ, ủ chua thức ăn xanh , dự trữ  và sử dụng có hiệu quả các nguồn phụ phẩm.

     Bên cạnh đó, cần phát triển cây thức ăn trong nông hộ. Vì trồng cỏ mang lại nhiều lợi ích cho người chăn nuôi như: chủ động và đảm bảo có đủ thức ăn quanh năm cho bò, chống xói mòn, tiết kiệm công lao động nuôi bò, tăng hiệu quả kinh tế xã hội và môi trường. Căn cứ vào nhu cầu nông hộ về trồng cỏ, mục tiêu trồng và sử dụng cây thức ăn, điều kiện khí hậuvà chất đất để chọn giống phù hợp.

     TS. David Parsons trình bày về  quy trình Best Bet - lựa chọn giải pháp tối ưu nhất để cải thiện hiện trạng. Việc nghiên cứu toàn bộ hệ thống sản xuất của nông hộ không chỉ nghiên cứu đơn thuần một hoặc hai đối tượng mà chúng ta tiến hành qua từng bước nhằm cải thiện hiện trạng của nông hộ, nâng cao mức sống của người dân. Trong quy trình Best Bet thì người nông dân trực tiếp tham gia quá trình nghiên cứu cùng nhà khoa học. Nhà khoa học thường xuyên đến với người nông dân, tìm hiểu thực tế, khó khăn để có những hỗ trợ kịp thời, còn người nông dân sẽ học từ làm, tham gia và hợp tác.

     Để cải thiện hiện trạng chăn nuôi bò cần: tận dụng hiệu quả cỏ trồng; giới thiệu cây thức ăn mới; sử dụng tối ưu phụ phẩm nông nghiệp; cải thiện hệ thống nuôi dưỡng ; cải thiện hệ thống chuồng trại trong chăn nuôi bò.

     Bài giảng thứ 3 về phương pháp tiếp cận khuyến nông và tập huấn cho nông dân do PGS.TS Nguyễn Xuân Bả trình bày. Giảng viên hay cán bộ khuyến nông cần có phẩm chất tốt,có năng lực chuyên môn, năng lực khuyến nông và am hiểu nông dân. Do đối tượng chính của khuyến nông là nông dân. Nên cán bộ khuyến nông cần nắm vững quá trình tiếp thu cái mới của nông dân. Người nông dân tiếp thu qua  5 bước: Nhận biết; Quan tâm; Đánh giá; làm thử; Tiếp thu.

     Sau mỗi bài trình bàycác chuyên gia đã trao đổi và chia sẻ kinh nghiệm nghiên cứu cũng như giải đáp thắc mắc .

     Sau phần thảo luận, TS. Stephen Ives, TS. Nguyễn Xuân Bả và TS. Phan Đình Thắm phát chứng chỉ cho các học viên.

     Kết thúc Hội thảo, TS. Đoàn Đức Lân trân trọng cám ơn những cố gắng của ACIAR, Trường ĐH Tasmania, Viện Chăn nuôi Quốc gia, Đại học Thái Nguyên, các đối tác khác trong việc tổ chức Hội thảo, ông cho rằng đây là cơ hội tốt để các giảng viên, sinh viên Nhà trường được học hỏi về nghiên cứu khoa học, chuyển giao kỹ thuật, nâng cao hiểu biết về chăn nuôi cũng như làm việc với người nông dân.