05152024Thứ 4
Last updateThứ 2, 26 10 2020 11am

Seminar nghiên cứu về xói mòn đất tại Tây Bắc Việt Nam

0
0
0
s2smodern
powered by social2s

Ngày 5/6/2013, tại Trường Đại học Tây Bắc đã tổ chức seminar "Nghiên cứu về  xói mòn đất tại Tây Bắc Việt Nam"(Phòng Hội thảo  - Trung tâm Thông tin Thư viện).

            Dự án: “Cải thiện hệ thống canh tác và liên kết thị trường nông sản cho các nông hộ nhỏ vùng cao Tây Bắc Việt Nam” được thực hiện từ năm 2009, với sự tham gia của  Trường Đại học Tây Bắc (TBU), Viện Bảo vệ Thực vật,, Viện Khoa học Kỹ thuật Nông Lâm nghiệp miền núi phía Bắc, Trường Đại học Nông nghiệp Hà Nội, Trung tâm Hệ thống Nông nghiệp, một số đối tác địa phương thuộc các tỉnh Sơn La, Lai Châu. Dự án được sự tài trợ của Trung tâm Nghiên cứu Nông nghiệp Quốc tế Australia (ACIAR).

            Sau 4 năm nghiên cứu dự án đã thu được những kết quả nhất định. Nhằm tăng cường hoạt động chuyên môn, chia sẻ kinh nghiệm, kiến thức nghiên cứu, ngày 5/6/2013, tại Trường Đại học Tây Bắc đã tổ chức seminar "Nghiên cứu về  xói mòn đất tại Tây Bắc Việt Nam"(Phòng Hội thảo  - Trung tâm Thông tin Thư viện).

            Tham gia Seminar có TS. Gunnar Kirchhof – Trường Đại học Queensland, GS Yoshihiko Nishimura – Cố vấn trưởng Dự án JICA - TBU, TS. Đoàn Đức Lân, Phó hiệu trưởng Trường Đại học Tây Bắc, một số giảng viên Khoa Nông Lâm, Khoa Sử Địa, Khoa Ngoại ngữ.

           

        TS. Gunnar đã trình bày về thực trạng xói mòn đất vùng cao Tây Bắc Việt Nam với lượng xói mòn từ 50 – 300 tấn/ha/năm, những nguyên nhân và cơ chế gây ra xói mòn đất do nước cũng như các biện pháp kỹ thuật canh tác có thể hạn chế xói mòn. Kết quả nghiên cứu đã chỉ ra việc quản lý xói mòn đơn giản và dễ thực hiện nhất là thay đổi cách làm đất trồng ngô.

            Để xác định phương pháp đo xói mòn hiệu quả, đơn giản và dễ sử dụng TS. Gunnar đã so sánh, phân tích 2 phương pháp phổ biến hiện nay là phương pháp Bẫy đấtvà phương pháp sử dụng các cọc đo xói mòn.

            Phương pháp Bẫy đất có độ chính xác cao nhưng tốt kém về tài chính, tốn công sức đồng thời không thuận tiện trong điều kiện nghiên cứu trên nương của người  nông dân, chỉ tốt trong điều kiện các nghiên cứu cơ bản.

            Phương pháp sử dụng cọc đo xói mòn tuy cần tỉ mỉ, chi tiết và thu thập rất nhiều số liệu nhưng đơn giản, dễ làm và có thể dùng trên ruộng của nông dân mặt khác – theo quan điểm của TS. Gunnar, khi nghiên cứu càng có nhiều số liệu và nhà khoa học càng có căn cứ chính xác để đưa ra kết luận.

            Phần cuối bài trình bày đã đưa ra kết quả nghiên cứu về xói mòn đất tại Tây Bắc Việt Nam trong nghiên cứu giữa ACIAR và Trường Đại học Tây Bắc. Kết quả nghiên cứu chỉ ra lượng đất xói mòn lớn nhất tập trung trong khoảng 1 tháng sau khi trồng ngô vào đầu mùa mưa và lượng đất xói mòn ở công thức làm đất theo cách của nông dân lên đến 100 tấn/ha của công thức không làm đất lên đến 50 tấn/ha. Đây là những con số đáng lo ngại trong việc quản lý và sử dụng tài nguyên đất bền vững. TS. Gunnar cũng đưa ra đề xuất về phương thức canh tác  Nông nghiệp Bảo tồn. Với phương thức này đất luôn được che phủ để hạn chế tác hại của mưa, người dân sẽ làm đất theo cách làm đất tối thiểu hoặc không làm đất như vậy sẽ hạn chế tác động đến kết cấu đất và cuối cùng là sử dụng các biện pháp luân canh, xen canh để cải thiện độ phì của đất.

           

        Sau khi bài trình bày của TS. Gunnar,  các thành viên tham dự seminar đã tích cực, nhiệt tình thảo luận về: Phương pháp thiết lập các cọc đo xói mòn để đảm bảo độ chính xác cao nhất như thế nào? Sử dụng phương pháp bẫy đất hay cọc đo xói mòn cho đánh giá xói mòn lưu vực? Phương pháp xác định ảnh hưởng của xói mòn do dòng chảy bề mặt khi sử dụng các Barier ngăn nước? Vấn đề kết hợp giữa mô hình hóa xói mòn đất từ thí nghiệm đến các khu vực lớn hơn? Vấn đề sử dụng phương pháp đo xói mòn nào trong Lâm nghiệp cho kết quả chính xác nhất?

            Các chuyên gia đã trao đổi và chia sẻ kinh nghiệm nghiên cứu cũng như giải đáp thắc mắc .Tuy nhiên, do thời gian có hạn nên còn nhiều vấn đề chưa thể giải thích rõ ràng chi tiết.

            Kết luận buổi thảo luận TS. Đoàn Đức Lân chỉ ra những khó khăn, thách thức gặp phải khi nghiên cứu và triển khai các thí nghiệm cũng như mô hình quản lý xói mòn tại vùng cao Tây Bắc Việt Nam, khẳng định xói mòn là vấn đề môi trường nghiêm trọng cần có những nghiên cứu và giải pháp cấp thiết nhằm bảo tồn tài nguyên đất tại khu vực.